backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Cúm dạ dày

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 20/02/2022

Cúm dạ dày

Cúm dạ dày (stomach flu) còn gọi là viêm dạ dày ruột virus. Đây là một bệnh lý khá thường gặp gây ra viêm và rối loạn chức năng ở dạ dày, ruột. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này, mời bạn đọc tiếp bài viết sau đây.

Tìm hiểu chung

Cúm dạ dày là gì?

Cúm dạ dày (hay còn gọi là viêm dạ dày ruột virus) là một bệnh nhiễm trùng đường ruột đặc trưng với những tình trạng như tiêu chảy ra nước, đau quặn bụng, buồn nôn hoặc nôn và đôi khi kèm theo sốt.

Mỗi loại virus đường tiêu hóa đều có một mùa hoạt động mạnh nhất. Nếu bạn sống ở các quốc gia phía Bắc bán cầu, bạn có nhiều khả năng bị nhiễm rotavirus hoặc norovirus trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 4 hàng năm.

Bạn có thể mắc cúm dạ dày nếu có tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh hoặc ăn phải thức ăn, nước uống nhiễm bẩn. Nếu hệ miễn dịch khỏe mạnh, khả năng hồi phục thường cao hơn và không để lại biến chứng. Tuy nhiên, viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em (nhất là trẻ sơ sinh), người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu lại nguy hiểm hơn vì có thể dẫn đến tử vong.

Hiện vẫn không có phương pháp điều trị hiệu quả cúm dạ dày, vì vậy cần phòng bệnh hơn chữa bệnh. 

Dấu hiệu và triệu chứng

Dấu hiệu và triệu chứng cúm dạ dày là gì?

triệu chứng viêm dạ dày ruột virus

Mặc dù có tên gọi là cúm dạ dày (stomach flu) nhưng bệnh này không phải là cúm vì không ảnh hưởng đến hệ hô hấp (mũi, họng và phổi). 

Cúm dạ dày tấn công đường ruột, gây ra các dấu hiệu và triệu chứng như:

  • Tiêu chảy ra nước, thường không có máu
  • Đau bụng và có cảm giác co thắt từng cơn
  • Buồn nôn, nôn
  • Thỉnh thoảng có đau cơ hoặc nhức đầu
  • Sốt nhẹ
  • Tùy thuộc vào nguyên nhân, các triệu chứng cúm dạ dày thường xuất hiện trong vòng 1-3 ngày sau khi bạn bị nhiễm và mức độ nghiêm trọng có thể từ nhẹ đến nặng. Triệu chứng chỉ kéo dài 1-2 ngày nhưng trong một số trường hợp nặng hơn có thể lên đến 10 ngày.

    Bệnh này rất dễ nhầm lẫn với tiêu chảy do vi khuẩn, chẳng hạn như nhiễm trùng ruột do C-Difficile, salmonella và E. coli hoặc do ký sinh trùng như giardia.

    Khi nào bạn cần đến bác sĩ?

    Cần nhanh chóng đến cơ sở y tế nếu xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng sau:

    Đối với người trưởng thành

  • Tiêu chảy ra nước nhiều lần trong hơn 24 giờ
  • Nôn mửa hơn hai ngày
  • Nôn ra máu
  • Xuất hiện dấu hiệu mất nước (khát nước quá mức, khô miệng, nước tiểu màu vàng đậm hoặc thiểu niệu, vô niệu, suy nhược nghiêm trọng, chóng mặt hoặc choáng váng)
  • Phân có máu
  • Sốt cao trên 40°C
  • Đối với trẻ sơ sinh và trẻ em

    • Sốt từ (38,9°C) trở lên
    • Thiếu tỉnh táo, lờ đờ, ngủ li bì
    • Khó chịu, quấy khóc do đau bụng
    • Tiêu chảy ra máu
    • Có dấu hiệu mất nước (so sánh lượng nước trẻ uống và lượng nước tiểu ít hơn so với ngày thường, khô miệng, khóc không có nước mắt, thóp đỉnh đầu trũng chìm)
    • Nôn ói kéo dài hơn vài giờ (phân biệt với nôn trớ)

    Nguyên nhân

    Nguyên nhân của cúm dạ dày là gì?

    bệnh cúm dạ dày do virus gây ra

    Cúm dạ dày do virus gây ra, thường do thức ăn hoặc nước uống nhiễm bẩn hoặc do dùng chung đồ dùng, khăn tắm hoặc thức ăn với người bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, ăn một số loại động vật có vỏ, đặc biệt là hàu sống hoặc chưa nấu chín cũng có thể gây cúm dạ dày. Nhiều trường hợp người bệnh không vệ sinh tay kỹ sau khi đi vệ sinh sẽ làm nhiễm bẩn thức ăn, nước uống, từ đó góp phần lây truyền bệnh.

    Một số loại virus có thể gây ra cúm dạ dày là:

    • Norovirus. Cả trẻ em và người lớn đều có thể là đối tượng của norovirus – nguyên nhân phổ biến nhất của các bệnh truyền nhiễm lây qua đường ăn uống.
    • Rotavirus. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây cúm dạ dày ở trẻ em. Trẻ thường bị nhiễm bệnh khi đưa ngón tay hoặc các vật dụng nhiễm bẩn vào miệng. Người lớn bị nhiễm virus rota có thể không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng lây bệnh.

    Virus lây lan nhanh chóng qua các phần tử trong chất nôn hoặc phân của người bệnh nên bạn có thể bị nhiễm thông qua:

    • Các tiếp xúc trực trực tiếp với người bệnh
    • Tiếp xúc với đồ vật nhiễm virus
    • Thực phẩm hoặc đồ uống bị nhiễm virus

    Ai có nguy cơ cao bị cúm dạ dày?

    Một số đối tượng dễ bị cúm dạ dày hơn những người khác là:

    • Trẻ nhỏ vì hệ thống miễn dịch của chúng chưa hoàn thiện
    • Người cao tuổi thường có hệ miễn suy yếu dần theo thời gian
    • Học sinh hay những người ở trong một khu dân cư có khu sinh hoạt chung
    • Người có hệ miễn dịch yếu, như bị nhiễm HIV/AIDS, đang hóa trị liệu hoặc có bệnh lý khác

    Biến chứng

    Cúm dạ dày có biến chứng gì?

    trẻ nhỏ bị cúm dạ dày có thể gây mất nước nghiêm trọng

    Biến chứng chính của bệnh là tình trạng mất nước (các muối và khoáng chất cần thiết – chất điện giải). Trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch suy giảm có thể bị mất nước nghiêm trọng nếu nhiễm bệnh, cần nhập viện để truyền dịch. Người trưởng thành có sức khỏe tốt thì có thể khắc phục tình trạng mất nước (do nôn và tiêu chảy) tại nhà bằng cách bổ sung nước, các món ăn nhạt lỏng hoặc sệt.

    Các biến chứng khác có thể xảy ra là:

    Ngoài ra, khi bị mất nước nặng có thể dẫn đến những biến chứng của chính tình trạng này, gồm:

    Chẩn đoán và điều trị

    Kỹ thuật chẩn đoán cúm dạ dày

    xét nghiệm phân

    Bác sĩ có thể chẩn đoán cúm dạ dày dựa trên các triệu chứng thực thể, khám sức khỏe và xét các trường hợp tương tự hiện có trong cộng đồng địa phương người bệnh. 

    Xét nghiệm phân nhanh có thể phát hiện rotavirus hoặc norovirus nhưng không có xét nghiệm nhanh nào có thể xác định các loại virus khác gây cúm dạ dày. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu gửi mẫu phân về phòng xét nghiệm để loại trừ khả năng nhiễm trùng ruột do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng.

    Điều trị cúm dạ dày

    Đây là bệnh chưa có thuốc đặc trị mà chủ yếu là thực hiện các biện pháp tự chăm sóc, giảm triệu chứng tại nhà. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh vì thuốc này không thể chống lại virus và việc lạm dụng cũng có thể góp phần gây kháng kháng sinh.

    Việc điều trị ban đầu sẽ bao gồm các biện pháp tự chăm sóc và nâng cao hệ miễn dịch. Hãy thử các cách sau:

    • Để cho dạ dày ổn định, ngừng ăn các thực phẩm dạng rắn, cứng
    • Hãy uống nước thành từng ngụm nhỏ, bạn có thể uống nước hầm xương, đồ uống thể thao không chứa caffein để bổ sung nước cho cơ thể
    • Ăn những thực phẩm dễ tiêu, dễ nuốt và tạm thời ngừng ăn nếu cảm thấy buồn nôn lại
    • Tránh ăn một số thực phẩm như các sản phẩm từ sữa, thức uống có caffein, rượu, thực phẩm nhiều chất béo hay tẩm ướp nhiều gia vị
    • Nghỉ ngơi nhiều để cơ thể có thời gian phục hồi hoàn toàn
    • Sử dụng một số thuốc giúp giảm đau như paracetamol, ibuprofen nhưng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống

    Nếu người bệnh bị tiêu chảy nặng và không thể tự bù nước đường uống vì cảm giác buồn nôn hoặc nôn mửa, bác sĩ sẽ cho truyền dịch qua tĩnh mạch (IV). Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nhiều khả năng cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch.

    Phòng ngừa

    Biện pháp phòng ngừa cúm dạ dày

    rửa tay sạch ngừa nhiễm khuẩn

    Cách tốt nhất để ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh nhiễm trùng đường ruột là làm theo các biện pháp phòng ngừa sau:

    • Đưa trẻ đi tiêm phòng. Một số quốc gia (như Mỹ) đã có vắc-xin chống bệnh cúm dạ dày do virus rota gây ra. Vắc-xin được tiêm cho trẻ trong 12 tháng đầu sau sinh.
    • Rửa tay thật sạch, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh. Mang theo khăn giấy sạch và nước rửa tay khô để dễ dàng sử dụng khi không có sẵn xà phòng và nước.
    • Dùng riêng vật dụng cá nhân. Tránh dùng chung dụng cụ ăn uống hay khăn tắm.
    • Giữ khoảng cách, tránh tiếp xúc gần với người bệnh truyền nhiễm nếu có thể.
    • Khử trùng bề mặt cứng như quầy, kệ, vòi nước và tay nắm cửa
    • Đề phòng khi đi du lịch, ăn chín, uống nước đóng chai, tránh uống đá viên, dùng nước đóng chai để đánh răng thay vì nước từ vòi, tránh ăn rau quả cắt sẵn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 20/02/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo