Chốc lở là bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất ở trẻ em với 90% trường hợp trẻ mắc phải ở độ tuổi mẫu giáo. Sở dĩ bệnh còn có tên gọi khác là chốc lây là bởi bệnh rất dễ lây từ vùng da tổn thương sang vùng da lành, từ bé này sang bé khác. Nếu được điều trị đúng cách, các triệu chứng chốc lở ở trẻ em rất nhanh giảm và không để lại sẹo, thế nhưng, trong trường hợp ngược lại, bệnh chốc lở ở trẻ em có thể dẫn đến nhiều biến chứng.
Chốc lở là bệnh gì?
Chốc lở ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng da phổ biến và dễ lây lan với nguyên nhân phổ biến là do các vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) hoặc liên cầu khuẩn Streptococcus pyogenes xâm nhập vào lớp biểu bì da.
Thông thường, bệnh chốc lở ở trẻ em được phân thành 3 loại:
- Chốc không có bọng nước: Đây là dạng phổ biến nhất với khoảng 70% trường hợp mắc phải, thường bắt đầu bằng các nốt sần đỏ, ngứa quanh miệng và mũi (chốc lở ở mũi). Sau đó, các nốt này vỡ ra, làm cho vùng da xung quanh bị đỏ và kích ứng, hình thành lớp vỏ màu vàng nâu.
- Chốc có bọng nước: Dạng chốc lở ngoài da nghiêm trọng, hình thành nên các bóng nước lớn, chứa đầy mủ. Sau khi vỡ ra, sẽ hình thành vết loét màu vàng, đóng vảy và thường không để lại sẹo.
- Chốc loét: Tình trạng vi khuẩn xâm nhập sâu vào da, tạo thành các vết loét chứa đầy mủ với lớp vảy dày, gây đau đớn ở mông, đùi, chân, mắt cá chân và bàn chân. Các vết loét này thường lâu lành và có thể để lại sẹo.
Triệu chứng bệnh chốc ở trẻ em
Hình ảnh bệnh chốc lở ở trẻ em
Triệu chứng đầu tiên khi bé bị chốc lở là xuất hiện các vết loét đỏ hoặc mụn nước. Những vết lở mũi ở trẻ nhỏ, viêm loét da ở trẻ em… hay nói chung là các vết chốc ở trẻ có thể nhanh chóng vỡ ra và để lại những mảng da nâu vàng, sần sùi.
Bệnh chốc ở trẻ em có thể có:
- Các vết loét xuất hiện từng mảng nhỏ trên da
- Những vùng bị chốc lở ngày càng lớn hơn
- Trẻ bị chốc lở lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể
- Bệnh chốc lở gây ngứa
- Đôi khi gây đau
Đưa trẻ đi khám ngay nếu:
- Trẻ đã điều trị bệnh nhưng các triệu chứng không thay đổi hoặc tồi tệ hơn
- Trẻ bị chốc lở trước đây và tái phát
Bệnh chốc lở ở trẻ: Nguyên nhân do đâu?
Chốc lây là bệnh nhiễm trùng do các chủng vi khuẩn tụ cầu hoặc strep gây ra. Những vi khuẩn này có thể xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh thông qua vết cắt, vết côn trùng cắn hoặc phát ban.
Trẻ có thể nhiễm những vi khuẩn này nếu chạm vào vết loét hoặc chạm vào những vật dụng như khăn, quần áo hoặc khăn trải giường của trẻ bị bệnh.
Vi khuẩn tụ cầu hoặc strep cũng có ở khắp nơi. Trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu:
- Sống ở nơi có khí hậu ấm áp và ẩm ướt
- Bị tiểu đường
- Đang được lọc máu
- Hệ miễn dịch suy yếu, có thể do nhiễm HIV
- Có các tình trạng da như chàm, viêm da hoặc vảy nến
- Bị cháy nắng hoặc bỏng da
- Bị nhiễm trùng gây ngứa như chấy, ghẻ, mụn rộp hoặc thủy đậu
- Bị côn trùng cắn
- Chơi các môn thể thao có tính va chạm, như bóng đá, bóng rổ…
Điều trị chốc lở ở trẻ em
Chốc lở ở trẻ thường được chẩn đoán bằng cách quan sát trực tiếp các vết loét. Trong trường hợp vết loét không hết ngay cả khi điều trị kháng sinh, bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch của vết thương để kiểm tra và đánh giá xem loại kháng sinh nào là phù hợp nhất.
Vậy, thuốc điều trị chốc lở ở trẻ em là gì? Cách chữa lở mũi cho trẻ bị lở mũi ra sao? Chốc lở ở trẻ em bôi thuốc gì?
Điều trị chốc lở ở trẻ em như thế nào sẽ tùy thuộc vào triệu chứng, độ tuổi, sức khỏe cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Thông thường, trẻ bị chốc lở được điều trị bằng:
- Thuốc trị chốc lở ở trẻ em như thuốc mỡ kháng sinh hoặc kem theo toa đối với những trường hợp nhẹ. Trước tiên, bạn có thể cần phải ngâm vùng da bị ảnh hưởng của trẻ trong nước ấm hoặc sử dụng khăn ướt loại bỏ các vảy để kháng sinh có thể xâm nhập vào da.
- Thuốc kháng sinh dạng uống nếu vết loét lan rộng hoặc trở nên nghiêm trọng. Có loại thuốc này có tác dụng nhanh và mạnh hơn so với các thuốc thoa ngoài da nhưng lại gây ra nhiều tác dụng phụ. Do đó, hãy cho trẻ dùng theo toa ngay cả khi vết loét đã lành để ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát và làm giảm khả năng kháng kháng sinh.
Nếu được điều trị đúng cách, các triệu chứng của bệnh sẽ lành trong 7 đến 10 ngày. Nếu trẻ bị nhiễm trùng hoặc mắc phải các bệnh khác thì thời gian hồi phục sẽ lâu hơn.
Như vậy, bạn đã biết được bé bị chốc lở bôi thuốc gì cũng như cách chữa bệnh lở loét da ở trẻ em.
Biến chứng chốc lở
Bệnh chốc lở thường không nguy hiểm và các vết loét ở dạng nhiễm trùng nhẹ thường lành mà không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, chốc lây có thể đưa đến nhiều biến chứng như:
- Viêm mô tế bào. Nhiễm trùng nghiêm trọng này ảnh hưởng đến các mô bên dưới da và cuối cùng có thể lan đến các hạch bạch huyết và máu. Viêm mô tế bào không được điều trị có thể nhanh chóng đe dọa tính mạng.
- Vấn đề về thận. Một trong những loại vi khuẩn gây bệnh chốc lở cũng có thể làm hỏng thận.
- Sẹo. Các vết loét liên quan đến tổn thương loét sâu có thể để lại sẹo.
Phòng ngừa chốc lây ngoài da ở trẻ như thế nào?
Giữ cho làn da sạch sẽ là cách tốt nhất để phòng bệnh nhiễm trùng da này. Điều quan trọng là bạn phải rửa sạch vết cắt, vết trầy xước, vết côn trùng cắn và các vết thương khác ngay lập tức.
Để giúp ngăn ngừa bệnh chốc lở lây sang người khác, bạn nên:
- Nhẹ nhàng rửa các khu vực bị ảnh hưởng bằng xà phòng dịu nhẹ và nước sạch, sau đó dùng gạc băng lại.
- Giặt quần áo, khăn trải giường và khăn tắm của trẻ nhiễm bệnh mỗi ngày. Không chia sẻ chúng với bất kỳ ai khác trong gia đình.
- Đeo găng tay khi bôi thuốc mỡ kháng sinh và rửa tay kỹ sau đó.
- Cắt móng tay của trẻ bị nhiễm bệnh để tránh trẻ tự làm trầy xước da.
- Rửa tay thường xuyên.
- Giữ con bạn ở nhà cho đến khi bác sĩ xác định trẻ không còn khả năng lây bệnh nữa.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu được bệnh chốc lây là gì, từ đó có phương pháp điều trị và phòng ngừa thích hợp cho bé.
[embed-health-tool-vaccination-tool]