backup og meta

Các bệnh về máu và những ảnh hưởng đến cơ thể

Các bệnh về máu và những ảnh hưởng đến cơ thể

Bệnh về máu có rất nhiều loại và triệu chứng biểu hiện cũng thay đổi tùy theo bệnh lý gặp phải. Khi có bất kỳ vấn đề gì xảy ra trong hệ máu đều có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe chung.

Hầu hết các bệnh về máu đều làm giảm số lượng tế bào máu, protein hoặc các chất dinh dưỡng trong máu, gây cản trở chức năng của máu. Đa số trường hợp bệnh liên quan đến đột biến ở một đoạn gen cụ thể và có khả năng di truyền trong gia đình. Một số vấn đề sức khỏe, thuốc và yếu tố lối sống cũng có thể gây ra các rối loạn ở máu.

Bệnh về máu là gì?

Máu bao gồm các tế bào máu và huyết tương. Trong đó, huyết tương chiếm hơn 50% và được tạo thành từ nước, muối và protein. Còn lại, các tế bào máu được chia thành 3 loại là hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

Bệnh về máu (hay bệnh lý huyết học) là từ gọi chung cho các rối loạn/ vấn đề gây ảnh hưởng đến một hay nhiều thành phần trong máu, ngăn chặn máu thực hiện chức năng của nó. Ngoài ra, một số cơ quan và các mô tham gia quyết định chức năng của máu như tủy xương, hệ thống bạch huyết, protein đông máu, lá lách, gan và thận. Khi các mô và cơ quan này có vấn đề cũng có thể dẫn đến một số bệnh máu.

Tùy vào thành phần bị ảnh hưởng và đặc điểm sinh lý bệnh mà bệnh về máu có những tên gọi cụ thể, bao gồm:

  • Thiếu máu: liên quan đến các tế bào hồng cầu khiến máu không mang đủ lượng oxy đến các cơ quan khác.
  • Rối loạn tiểu cầu (tăng/ giảm tiểu cầu), đông máu quá mức, xuất huyết: ảnh hưởng đến quá trình hình thành cục máu đông.
  • Ung thư máu: gồm bệnh bạch cầu (leukemia), u lympho (lymphoma) và đa u tủy xương (myeloma).
  • Rối loạn bạch cầu ái toan: vấn đề xảy ra một loại bạch cầu cụ thể.

Dấu hiệu và triệu chứng bệnh về máu

các thành phần của máu

Dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến bệnh về máu xảy ra do các thành phần trong máu bị ảnh hưởng:

  • Giảm số lượng tế bào hồng cầu và hemoglobin thường gây ra các triệu chứng thiếu máu như mệt mỏi, suy nhược, khó thở.
  • Suy giảm số lượng bạch cầu hoặc protein miễn dịch có thể gây sốt và nhiễm trùng nhiều lần.
  • Giảm tiểu cầu và các yếu tố đông máu gây chảy máu, xuất huyết hay bầm tím bất thường.

Khi các thành phần trong máu tăng bất thường cũng gây ra nhiều triệu chứng như:

  • Tăng tế bào hồng cầu, protein huyết tương gây ra tình trạng đặc máu (độ nhớt của máu tăng lên), dẫn đến đau đầu, đỏ da.
  • Tăng tiểu cầu hoặc yếu tố đông máu có thể khiến quá trình đông máu xảy ra quá mức tạo thành huyết khối trong lòng mạch.

Khi máu trở nên đặc hơn do các tế bào máu hay protein huyết tương tăng lên sẽ khiến máu khó di chuyển qua các mạch máu nhỏ, làm giảm lưu lượng máu đến một số khu vực. Đó là một tình trạng nghiêm trọng được gọi là hội chứng máu quá đặc (hyperviscosity syndrome). Người bệnh có thể trải qua các triệu chứng như khó thở, đau đầu, chóng mặt, lú lẫn, không tỉnh táo.

Các triệu chứng khác có thể gặp phải

Những dấu hiệu và triệu chứng khác thường liên quan đến bệnh về máu là:

  • Mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Viêm tĩnh mạch huyết khối, thường xuất hiện ở chân gây sưng, đỏ, có khi sờ vào thấy ấm nóng
  • Chấm, đốm xuất huyết ở da xảy ra khi lượng tiểu cầu suy giảm nhiều
  • Vết phồng rộp chứa máu trong miệng, liên quan đến tình trạng suy giảm tiểu cầu hoặc có vấn đề về đông máu
  • Sưng hạch bạch huyết do ung thư ở tế bào bạch cầu (như bệnh bạch cầu hoặc u lympho)
  • Da xanh xao, nhợt nhạt do thiếu máu
  • Hội chứng Pica (ăn các vật thể không phải thực phẩm như đất sét, đất đá…) có thể liên quan đến thiếu máu do thiếu sắt.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Một số trường hợp, bệnh về máu nghiêm trọng có thể dẫn đến đe dọa tính mạng. Nếu nhận thấy các triệu chứng sau, hãy ngay lập tức gọi đến số điện thoại cấp cứu 115 để được hướng dẫn xử trí và di chuyển đến cơ sở y tế gần nhất:

  • Chảy máu liên tục không ngừng sau khi nỗ lực cầm máu
  • Đau ngực, khó thở và nhịp tim nhanh hoặc thất thường
  • Chóng mặt, ngất xỉu hoặc mất ý thức
  • Thay đổi thị lực, suy nhược, xệ mặt hoặc liệt một bên cơ thể
  • Nôn hay ho ra máu, chảy máu trực tràng

Nếu bạn thường xuyên gặp phải các triệu chứng bệnh về máu, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Việc thăm khám, chẩn đoán đúng bệnh lý gặp phải sẽ giúp điều trị hiệu quả ngay từ sớm.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Blood Diseases. https://www.niddk.nih.gov/health-information/blood-diseases. Ngày truy cập 18/02/2021.

Blood Disorders. https://medlineplus.gov/blooddisorders.html. Ngày truy cập 18/02/2021.

Symtomps of Blood Disorders. https://www.msdmanuals.com/home/blood-disorders/symptoms-and-diagnosis-of-blood-disorders/symptoms-of-blood-disorders. Ngày truy cập 18/02/2021.

What types of blood disorders are there? https://www.medicalnewstoday.com/articles/322260. Ngày truy cập 18/02/2021.

Blood Disorders. https://www.healthgrades.com/right-care/blood-conditions/blood-disorders. Ngày truy cập 18/02/2021.

Phiên bản hiện tại

22/02/2021

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Đa u tủy xương và những điều bạn cần biết

4 cách phân độ thiếu máu mà bạn cần biết


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 22/02/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo