backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Điều trị rối loạn nhịp tim bằng những phương pháp nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 17/09/2021

    Điều trị rối loạn nhịp tim bằng những phương pháp nào?

    Điều trị rối loạn nhịp tim nhằm mục đích kiểm soát hoặc loại bỏ nhịp tim nhanh, chậm hay không đều. Rối loạn nhịp tim nhẹ không đáng lo. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nếu không điều trị kịp thời, loạn nhịp tim có thể dẫn đến suy tim. Đó là chưa kể bản thân một số dạng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng như xoắn đỉnh, rung tâm nhĩ,… có thể trực tiếp đe dọa tính mạng.

    Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm: thuốc, thay đổi lối sống, liệu pháp xâm lấn, thiết bị cấy ghép hoặc phẫu thuật.

    Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim

    thuốc điều trị rối loạn nhịp tim

    Hiện nay, có nhiều loại thuốc có sẵn giúp điều trị rối loạn nhịp tim. Tùy vào tình trạng bệnh và nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định một hay nhiều loại thuốc với liều lượng phù hợp để kiểm soát triệu chứng. Chúng có thể bao gồm:

    • Thuốc chống loạn nhịp tim được sử dụng để khôi phục nhịp xoang bình thường. 
    • Thuốc chống đông máu hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu, chẳng hạn như warfarin hoặc aspirin, giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông hoặc đột quỵ.
    • Thuốc điều trị các tình trạng tim mạch khác hoặc điều chỉnh nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim.

    Điều rất quan trọng là bạn phải dùng thuốc điều trị rối loạn nhịp tim đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

    Điều trị rối loạn nhịp tim bằng các liệu pháp xâm lấn

    Sốc điện

    Đối với một số loại rối loạn nhịp tim dai dẳng, chẳng hạn như rung tâm nhĩ, nhịp bình thường có thể không đạt được nếu chỉ điều trị bằng thuốc. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng điện để gây sốc giúp tim trở lại nhịp đập bình thường.

    Trong thủ thuật, sau khi bạn được gây mê, một cú sốc điện sẽ được truyền đến tim thông qua miếng dán trên ngực. Dòng điện lớn dập tắt xung điện bất thường trong tim và khôi phục lại nhịp đập bình thường.

    điều trị rối loạn nhịp tim bằng sốc điện

    Cắt đốt qua ống thông

    Trong thủ thuật điều trị rối loạn nhịp tim này, bác sĩ luồn một hoặc nhiều ống thông qua các mạch máu đến tim. Năng lượng được truyền qua ống thông đến các vùng nhỏ của cơ tim. Năng lượng này có thể “ngắt kết nối” đường đi của các xung bất thường, khôi phục sự dẫn truyền xung động bình thường.

    Cách ly tĩnh mạch phổi

    Ở những bệnh nhân bị rung nhĩ thường xuyên, kịch phát hoặc dai dẳng, phương pháp cách ly các tĩnh mạch phổi có thể được chỉ định. Đây là một thủ thuật sử dụng ống thông đặc biệt để tạo ra các dải mô tĩnh mạch, được cho là nguyên nhân gây ra rung nhĩ. Mục đích là để tạo ra các vòng sẹo cô lập các ổ gây ra rung nhĩ.

    Sử dụng thiết bị cấy ghép

    Điều trị rối loạn nhịp tim bằng thiết bị cấy ghép có thể bao gồm:

    Máy tạo nhịp tim

    Máy tạo nhịp tim là thiết bị nhỏ được cấy vào phần dưới da gần xương đòn, chúng gửi các xung điện nhỏ đến cơ tim để duy trì nhịp tim bình thường. Máy gồm pin, bộ phận phát xung điện, các dây dẫn dẫn truyền xung động từ máy phát xung đến cơ tim. Nếu máy phát hiện nhịp tim bất thường, nó sẽ phát ra các xung điện kích thích tim bạn đập với tốc độ ổn định. Máy tạo nhịp tim chủ yếu được sử dụng để ngăn tim đập quá chậm.

    Máy khử rung tim cấy ghép

    Bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thiết bị này điều trị nhịp nhanh thất, rung thất hoặc chỉ định cho những bệnh nhân có nguy cơ ngừng tim cao.

    Tương tự như máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim cũng được cấy dưới vùng da gần xương đòn, kết nối với tim bằng dây dẫn. Máy sẽ liên tục theo dõi nhịp tim và thúc đẩy tim trở lại nhịp bình thường khi cần thiết.

    Một số cách mà máy hoạt động để khôi phục lại nhịp tim bình thường như sau:

    • Chống nhịp tim nhanh: Khi máy phát hiện tim đập quá nhanh, một loạt các xung điện nhỏ có thể được cung cấp đến cơ tim để thiết lập lại nhịp đập bình thường.
    • Chuyển đổi nhịp tim: Một cú sốc năng lượng thấp được thực hiện cùng lúc với nhịp tim để khôi phục nhịp tim bình thường.
    • Khử rung tim: Khi tim đập quá nhanh hoặc loạn nhịp bất thường, máy sẽ cung cấp một cú sốc năng lượng cao để tim có thể khôi phục lại nhịp đập bình thường.
    • Chống nhịp tim chậm: Hầu hết các máy khử rung tim đều cung cấp nhịp dự phòng để ngăn nhịp tim quá chậm.

    Điều trị rối loạn nhịp tim bằng phẫu thuật

    Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể là phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim được bác sĩ chỉ định:

    Thủ tục mê cung

    Thủ thuật này dành cho những bệnh nhân rung tâm nhĩ có triệu chứng nặng, hoặc bệnh nhân đã làm thủ thuật cắt bỏ ống thông nhưng thất bại, hoặc từng có tiền sử đột quỵ, có cục máu đông khác.

    Trong thủ thuật mê cung, bác sĩ phẫu thuật tạo một loạt các vết rạch trong mô tim của tâm nhĩ, sau đó dùng dụng cụ chuyên dụng, cùng với năng lượng tần số vô tuyến hoặc nhiệt lạnh để tạo ra các mô sẹo. Bởi vì mô sẹo không dẫn điện, nó cản trở bớt các xung điện bất thường gây rối loạn nhịp tim. 

    Trong quá trình thực hiện, bác sĩ cũng đồng thời loại bỏ phần phụ của tâm nhĩ trái – nguồn gốc chính của biến cố đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ.

    Phẫu thuật bắc cầu mạch vành điều trị rối loạn nhịp tim

    Nếu bạn bị bệnh động mạch vành nặng kèm theo rối loạn nhịp tim, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Thủ tục này có thể giúp cải thiện lưu lượng máu đến tim.

    Sửa chữa hoặc thay thế van tim

    Phẫu thuật này dành cho bệnh nhân có bệnh van tim, nhằm sửa chữa lá van bị hỏng hoặc thay thế van này bằng van nhân tạo.

    Thay đổi lối sống

    Ngoài các phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim vừa kể trên, bác sĩ có thể đề nghị bạn nên thay đổi lối sống để giữ cho trái tim luôn khỏe mạnh.

    bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim

    Những thay đổi lối sống này có thể bao gồm:

    • Ăn các loại thực phẩm tốt cho tim mạch. Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, ít muối, chất béo động vật, chất béo chuyển hóa trong thực phẩm chế biến sẵn, dầu chiên nhiều lần; bổ sung nhiều cá, trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
    • Luyện tập thể dục đều đặn. Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 mỗi ngày để giúp tăng cường sức khỏe tim mạch.
    • Duy trì cân nặng hợp lý. Thừa cân làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim. Ăn uống lành mạnh và tập thể dục là những cách giúp giảm cân an toàn.
    • Bỏ hút thuốc. Nếu bạn hút thuốc và không thể tự bỏ, hãy nói chuyện với bác sĩ về các phương pháp giúp bỏ thói quen hút thuốc.
    • Kiểm soát huyết áp và mức cholesterol. Duy trì lối sống lành mạnh, dùng thuốc theo chỉ định và theo dõi huyết áp, mỡ máu thường xuyên.
    • Hạn chế caffeine và rượu bia. Uống rượu quá mức có thể gây thừa cân và làm tăng khả năng bị rung nhĩ. Một số thức uống có chứa caffeine, chẳng hạn như trà, cà phê có thể khiến triệu chứng rối loạn nhịp tim thêm trầm trọng.
    • Tuân thủ theo phác đồ điều trị. Uống thuốc theo đúng chỉ định và tái khám định kỳ với bác sĩ. Hãy cho bác sĩ biết nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng.
    • Giảm căng thẳng. Căng thẳng và tức giận dữ dội có thể gây ra các vấn đề về nhịp tim.
    • Thận trọng khi sử dụng thuốc không kê đơn. Một số thuốc trị cảm và ho có chứa chất kích thích có thể gây ra nhịp tim nhanh.

    Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim, cũng như những thay đổi lối sống cần thiết để phòng ngừa bệnh hiệu quả nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 17/09/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo