Hầu hết các loại thuốc chống kết tập tiểu cầu đều là thuốc dùng dài hạn. Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc hoặc thay đổi liều dùng. Trường hợp gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị chứ không được tự ý ngừng dùng thuốc [1]. Việc người bệnh tự ý ngưng thuốc có khả năng dẫn đến các biến cố nghiêm trọng, đe dọa tính mạng.
Ngoài ra, một lưu ý nữa dành cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim khi sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu chính là phải tái khám đầy đủ và định kỳ theo lịch hẹn với bác sĩ. Trong các buổi tái khám này, bác sĩ có thể đánh giá về mức độ đáp ứng thuốc của bệnh nhân, hiệu quả điều trị cũng như liệu có nên thay đổi phác đồ hay không. Đồng thời, bệnh nhân cũng có cơ hội trao đổi với bác sĩ về những vấn đề mà mình gặp phải khi dùng thuốc.
Theo dõi tác phụ của thuốc chống kết tập tiểu cầu và cách xử lý
Thuốc chống kết tập tiểu cầu có thể gây ra một số tác dụng phụ trên đường tiêu hóa và chảy máu. Theo đó, nhóm thuốc này có khả năng gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày. Khi gặp phải tác dụng phụ này, bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị. Bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế bơm proton để bảo vệ dạ dày và đường tiêu hóa [2].

Ngoài ra, cơ chế của thuốc chống kết tập tiểu cầu là làm giảm chức năng của tiểu cầu, giảm khả năng đông máu nên có thể gây chảy máu nhiều hơn bình thường [1], [2]. Theo chia sẻ của Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Hòa – Phó Trưởng khoa Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, khi sử dụng thuốc, người bệnh có thể nhận thấy các triệu chứng như các vết bầm tím trên da, đặc biệt là những vị trí hay va chạm như cánh tay, khuỷu tay… Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng dễ bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, kinh nguyệt ra nhiều hơn và chảy máu lâu hơn bình thường nếu có vết thương hở [2], [6]. Với những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể gặp phải các tình trạng xuất huyết cần liên hệ với bác sĩ để thăm khám ngay [6]:
- Máu trong nước tiểu
- Phân sẫm màu hoặc có máu
- Ho hoặc nôn ra máu
- Chảy máu hoặc có vết bầm tím lớn bất thường.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!