backup og meta

Tăng lipid máu

Tăng lipid máu

Tăng lipid máu là một tình trạng rất phổ biến có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Hiểu về bệnh sẽ giúp bạn phát hiện sớm và điều trị kịp thời. 

Mời bạn cùng HelloBacsi tìm hiểu lipid máu là gì và tăng lipid máu là gì, cũng như cách nhận biết bệnh trong bài viết này nhé.

Tìm hiểu chung

Tăng lipid máu là gì?

Tăng lipid máu là một thuật ngữ y khoa dùng để chỉ tình trạng nồng độ chất béo (lipid) trong máu cao bất thường. Hai loại lipid chính được tìm thấy trong máu là triglycerid và cholesterol.

Triglycerid được tạo ra khi nạp quá nhiều calo cho cơ thể vượt qua mức năng lượng cần thiết. Đây là một loại chất béo có liên hệ mật thiết với bệnh tim.

Cholesterol được sản xuất tự nhiên từ gan bởi vì mọi tế bào trong cơ thể đều cần sử dụng chất béo này. Có hai loại cholesterol chính là LDL-cholesterol và HDL-cholesterol, trong đó LDL-cholesterol gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe nên được gọi là cholesterol xấu.

Tăng lipid máu còn được gọi là nồng độ cholesterol cao. Mặc dù tình trạng này có khả năng di truyền nhưng nó thường là kết quả từ những lựa chọn không lành mạnh trong lối sống.

Tăng lipid máu có thể điều trị được nhưng thường sẽ kéo dài suốt đời. Bạn sẽ cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ kết hợp cùng chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh. Mục tiêu chính khi điều trị tình trạng này là làm giảm mức cholesterol xấu trong máu, từ đó sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đau tim, đột quỵ hay các vấn đề khác.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh tăng lipid máu là gì?

Thông thường, triệu chứng tăng lipid máu thường không rõ ràng. Tuy nhiên, người mắc phải tình trạng này do di truyền hoặc có tiền sử bệnh trong gia đình có khi biểu hiện các dấu hiệu như xuất hiện màu vàng, mỡ quanh mắt hoặc khớp.

Bác sĩ thường phát hiện ra tình trạng tăng lipid máu ở một người khi họ tiến hành xét nghiệm máu định kỳ hoặc sau khi gặp vấn đề tim mạch như đau tim hay đột quỵ.

Sự tích tụ quá nhiều chất béo trong thời gian dài có khả năng gây xơ vữa động mạch. Đó là khi các mảng bám bắt đầu hình thành trên thành động mạch và mạch máu khiến chúng bị thu hẹp. Từ đó, lưu lượng máu sẽ không ổn định, huyết áp có thể tăng lên, đồng thời làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân tăng lipid máu là gì?

Nguyên nhân gây tăng lipid máu

Yếu tố di truyền hoặc chế độ ăn uống không hợp lý là nguyên nhân tăng lipid máu

Các nguyên nhân tăng lipid máu bao gồm:

  • Yếu tố di truyền: Các bác sĩ gọi trường hợp này là tăng lipid máu nguyên phát. Người bệnh sẽ phát triển bệnh này do di truyền từ cha, mẹ của họ.
  • Chế độ ăn uống không hợp lý và các yếu tố khác: Đây còn được gọi là tăng lipid máu thứ phát.

Tình trạng tăng lipid máu gia đình bắt nguồn từ một rối loạn di truyền. Cha hoặc mẹ mang gene đột biến truyền cho thế hệ sau dẫn đến một thụ thể LDL-cholesterol bị thiếu hoặc khiếm khuyết. Điều này có nghĩa là cơ thể không thể loại bỏ LDL-cholesterol ra khỏi máu, làm tăng nồng độ của cholesterol xấu đến mức nguy hiểm.

Những ai có nguy cơ cao bị tăng lipid máu?

Như đã đề cập, cholesterol xấu LDL tích tụ trong thành động mạch sẽ khiến mạch máu trở nên cứng và hẹp. Trong khi cholesterol tốt HDL sẽ giúp làm sạch lượng cholesterol dư thừa và đưa chúng về lại gan để đào thải ra khỏi cơ thể. Tăng lipid máu xảy ra khi có quá nhiều LDL-cholesterol trong máu và không đủ lượng HDL-cholesterol để “dọn dẹp” sạch chất béo dư thừa.

Lối sống không lành mạnh sẽ khiến nồng độ LDL-cholesterol tăng cao và làm giảm nồng độ cholesterol tốt trong máu. Nếu bạn thừa cân, ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo, hút thuốc hoặc không tập thể dục thường xuyên, nguy cơ bị lipid máu cao hơn bình thường.

Những thói quen khiến bạn có nguy cơ cao bị tăng lipid máu là:

  • Ăn thực phẩm có chứa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa (trans fat)
  • Ăn nhiều protein động vật như thịt và sữa
  • Không tập thể dục đủ
  • Không ăn đủ thực phẩm có chất béo tốt cho sức khỏe
  • Béo phì
  • Chu vi vòng bụng lớn
  • Hút thuốc
  • Uống rượu quá mức

Nồng độ cholesterol bất thường cũng được tìm thấy ở một số người có những vấn đề về sức khỏe như sau:

Ngoài ra, nồng độ cholesterol có thể chịu ảnh hưởng từ một số loại thuốc đang sử dụng, bao gồm:

  • Thuốc tránh thai
  • Thuốc lợi tiểu
  • Một số loại thuốc điều trị trầm cảm

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán tăng lipid máu?

Tăng lipid máu thường không biểu hiện triệu chứng gì nên cách duy nhất để phát hiện chính xác là nhờ bác sĩ thực hiện các xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ các chất béo trong cơ thể. Xét nghiệm này giúp xác định nồng độ cholesterol trong máu bao gồm:

  • Tổng lượng cholesterol (cholesterol toàn phần) trong máu
  • Nồng độ LDL-cholesterol
  • Nồng độ HDL-cholesterol
  • Nồng độ triglycerid

Bác sĩ có thể yêu cầu bạn nhịn ăn trong vòng 8–12 giờ trước khi tiến hành lấy máu. Điều đó sẽ giúp cho kết quả xét nghiệm phản ánh được chính xác nồng độ chất béo trong máu. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy nhịn ăn không phải lúc nào cũng cần thiết nên bạn hãy cứ làm theo những hướng dẫn từ bác sĩ.

Nhìn chung, tổng lượng cholesterol trên 200 mg/dL được cho là cao. Thế nhưng, mức độ cholesterol an toàn có thể thay đổi tùy từng người, tùy thuộc vào tiền sử bệnh và các điều kiện sức khỏe hiện tại. Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm để chẩn đoán tình trạng tăng lipid máu.

Những phương pháp điều trị tăng lipid máu

điều trị bệnh tăng lipid máu

Bạn có thể kiểm soát nồng độ lipid trong máu ở mức tốt thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên.

Tuy nhiên, một lối sống lành mạnh chưa chắc đã hữu ích đối với những người bị tăng lipid máu do di truyền. Vì vậy, một số người sẽ cần dùng thuốc để điều trị.

Thông thường, bác sĩ hay kê đơn các thuốc thuộc nhóm statin, chẳng hạn như simvastatin, lovastatin, atorvastatin và rosuvastatin để giảm cholesterol trong máu. Nhóm thuốc này giúp làm giảm lượng cholesterol do gan sản xuất ra.

Thế nhưng, thuốc nhóm statin có khi gây ra những tác dụng phụ như đau cơ. Các cơn đau cơ này thường không có gì nghiêm trọng nhưng một số ít trường hợp, thuốc statin có thể khiến cơ bị tổn thương.

Nếu bạn cảm thấy đau cơ và muốn ngưng sử dụng thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ. Điều quan trọng nhất là các chuyên gia y tế sẽ phải cân nhắc giữa nguy cơ mắc phải các biến cố tim mạch với tác dụng không mong muốn của thuốc trước khi quyết định dừng điều trị bằng statin.

Những người có nồng độ cholesterol trong máu không đạt mục tiêu điều trị mong muốn sau khi dùng thuốc nhóm statin có thể cần sử dụng liều cao hơn hoặc uống các thuốc bổ sung khác, chẳng hạn như ezetimibe, fibrate hay niacin.

Phòng ngừa

Làm thế nào để phòng ngừa tăng lipid máu hiệu quả?

Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống là cách tốt nhất để ngăn ngừa và điều trị tăng lipid máu.

Bạn nên lựa chọn chế độ ăn lành mạnh cho tim mạch, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc và duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.

Chế độ ăn

Một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim cần giảm lượng chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol, đồng thời tiêu thụ nhiều loại trái cây, rau quả, nhiều chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt và uống đủ nước.

Mọi người nên cố gắng hạn chế hoặc tránh ăn các thức ăn nhanh, thực phẩm giàu carbohydrate hay bất kỳ loại thực phẩm chế biến sẵn nào không có giá trị dinh dưỡng tốt.

Cá, các loại hạt và đậu chứa nhiều chất béo tốt cho sức khỏe. Chúng có thể mang đến nhiều lợi ích cho những người cần giảm mức LDL-cholesterol trong máu. Khi sử dụng dầu để chế biến món ăn, hãy lựa chọn dầu ô liu hay một loại dầu giàu chất béo đơn không bão hòa.

Cân nặng

Những người thừa cân hay béo phì cũng có nguy cơ mắc bệnh mỡ máu cao và bệnh tim.

Giảm cân có thể giúp giảm bớt nồng độ LDL-cholesterol, cholesterol toàn phần và triglycerid trong máu. Điều này cũng giúp tăng lượng HDL-cholesterol, từ đó hỗ trợ loại bỏ LDL-cholesterol ra khỏi cơ thể.

Hoạt động thể chất

Lười hoạt động thể chất là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.

Tập thể dục và hoạt động thường xuyên giúp giảm bớt lượng LDL-cholesterol, tăng HDL-cholesterol và hỗ trợ quá trình giảm cân rất tốt.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến khích mọi người nên cố gắng hoạt động thể chất với cường độ vừa phải khoảng 150 phút mỗi tuần.

Không hút thuốc

Hút thuốc gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, góp phần dẫn đến bệnh tim.

Hút thuốc thúc đẩy xơ vữa động mạch, tăng nồng độ LDL-cholesterol và đẩy mạnh quá trình viêm cũng như hình thành cục máu đông trong mạch máu.

Bỏ hút thuốc lá cho thấy làm cải thiện nồng độ HDL-cholesterol trong máu. Đó có thể là lý do tại sao nguy cơ mắc bệnh tim mạch giảm sau khi người bệnh ngừng hút thuốc.

Một người mắc bệnh tăng lipid máu có khả năng giảm bớt nguy cơ phát triển các vấn đề về tim mạch bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn kiêng và kế hoạch điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Cholesterol. https://www.cdc.gov/cholesterol/risk_factors.htm. Ngày truy cập: 23/09/2021

Hyperlipidemia. https://vascular.org/patients/vascular-conditions/hyperlipidemia. Ngày truy cập: 23/09/2021

Hyperlipidemia. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK559182/. Ngày truy cập: 23/09/2021

High blood cholesterol levels. https://medlineplus.gov/ency/article/000403.htm. Ngày truy cập: 23/09/2021

Hyperlipidemia. https://www.hormone.org/diseases-and-conditions/hyperlipidemia. Ngày truy cập: 23/09/2021

Phiên bản hiện tại

20/11/2024

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dang Tran


Bài viết liên quan

[Chuyên gia tư vấn] Làm sao để sống khỏe với bệnh mỡ máu cao?

Top 4 cách điều trị mỡ máu cao an toàn và hiệu quả


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo