backup og meta

4 cách điều trị trào ngược dạ dày bạn cần biết

4 cách điều trị trào ngược dạ dày bạn cần biết

Cách điều trị trào ngược dạ dày không chỉ đơn giản là dùng thuốc, mà cần có sự phối hợp của nhiều yếu tố đến từ người bệnh và bác sĩ. 

Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu 4 cách điều trị trào ngược dạ dày phổ biến dưới đây nhé!

1. Xây dựng chế độ ăn uống

Một số thay đổi trong chế độ và cách ăn uống có thể mang lại lợi ích trong việc điều trị trào ngược dạ dày. Chứng trào ngược thường trở nên trầm trọng hơn sau bữa ăn. Điều này có thể do dạ dày bị áp lực với lượng thực phẩm vừa ăn xong và sự giãn cơ thắt thực quản dưới.

Do đó, bạn nên ăn ít hơn và sớm hơn ở mỗi bữa ăn (đặc biệt là bữa ăn tối) để cải thiện tình trạng. Việc chia thành những bữa ăn nhỏ hơn sẽ làm giảm chứng trào ngược nhờ giảm áp lực lên dạ dày. Bên cạnh đó, bữa ăn nhỏ sẽ nhanh chóng được tiêu hóa trước khi bạn ngủ nên sẽ giảm nguy cơ trào ngược dạ dày về đêm.

Một số thực phẩm có khả năng làm giảm áp lực trong cơ thắt thực quản dưới, thúc đẩy trào ngược dạ dày. Những thực phẩm mà người bệnh trào ngược dạ dày nên kiêng bao gồm:

  • Rượu
  • Bạc hà
  • Chocolate
  • Đồ uống chứa caffeine
  • Thực phẩm nhiều chất béo xấu
  • Thực phẩm có vị cay hoặc axit như nước ép cam quýt, cà chua, đồ uống có ga

Bạn có thể tìm hiểu thêm: [Hỏi đáp bác sĩ] Trào ngược dạ dày kiêng ăn gì?

Các loại thực phẩm bạn nên để cho vào chế độ ăn uống mỗi ngày để hỗ trợ điều trị trào ngược dạ dày bao gồm:

• Thịt nạc: Các loại thịt này chứa ít chất béo giúp trung hòa axit và giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày.

• Sữa chua: Cải thiện quá trình tiêu hóa và tăng tốc độ làm rỗng dạ dày.

• Các loại đậu: Đậu đỏ, đậu xanh, đậu Hà Lan… chứa hàm lượng chất xơ cao cùng các axit amin tốt cho sức khỏe người bệnh trào ngược.

• Nghệ, mật ong: Giúp làm giảm tổn thương niêm mạc và giảm triệu chứng đau rát.

• Bột yến mạch, bánh mì: Giúp hấp thụ lượng axit dư thừa trong dạ dày.

• Gừng: Giúp điều trị bệnh đường tiêu hóa, giảm triệu chứng, chống viêm thực quản và hạn chế viêm loét dạ dày.

Một trong những cách có thể giúp cải thiện chứng trào ngược khác là nhai kẹo cao su. Điều này kích thích sản xuất nhiều nước bọt có chứa bicarbonate, sau khi nuốt nước bọt sẽ giúp trung hòa axit trong thực quản.

2. Thay đổi thói quen sống

cách điều trị trào ngược dạ dày

Các thói quen sống tưởng chừng như vô hại nhưng hóa ra lại có thể làm trầm trọng hơn chứng trào ngược dạ dày như:

• Tránh mặc đồ quá bó: Quần áo bó sát có thể gây áp lực lên dạ dày.

• Duy trì cân nặng hợp lý: Tình trạng thừa cân có thể gây áp lực lên dạ dày và khiến axit trào ngược lên thực quản.

• Ăn chậm, nhai kỹ: Bạn nên dành thời gian vừa đủ cho ăn uống, tránh ăn quá nhanh, thức ăn chưa đủ nghiền nát sẽ khiến dạ dày khó tiêu hơn.

• Tránh uống rượu: Nếu bạn muốn thư giãn sau một ngày căng thẳng, bạn hãy thử tập thể dục, đi bộ, thiền, giãn cơ hoặc thở sâu thay vì uống rượu.

• Bỏ thuốc lá: Chất nicotine trong thuốc lá có thể làm suy yếu cơ thắt thực quản dưới.

• Nâng cao người khi nằm: Khi ngủ bạn nên đặt thêm gối để nâng cơ thể từ thắt lưng trở lên để giảm bớt các cơn trào ngược về đêm. Bạn cũng có thể nằm nghiêng sang bên trái để hạn chế cơn đau.

• Đừng đi ngủ khi đang no:  Bữa ăn nên cách ít nhất 2 đến 3 giờ trước khi ngủ. Điều này sẽ đáp ứng đủ thời gian cho dạ dày tiêu hóa hết thực phẩm và nồng độ axit dịch vị cũng sẽ được giảm xuống.

3. Dùng thuốc trị trào ngược dạ dày

cách điều trị trào ngược dạ dày

Việc sử dụng thuốc là một trong những cách điều trị trào ngược dạ dày quan trọng. Các nhóm thuốc trị trào ngược dạ dày có thể bao gồm:

Thuốc kháng axit dạ dày

Thuốc kháng axit có tác dụng trung hòa axit trong dạ dày hạn chế chứng trào ngược. Thuốc kháng axit có thể có chứa nhôm, magiê hoặc canxi. Các thuốc kháng axit có chứa nhôm có xu hướng gây táo bón, trong khi các thuốc kháng axit có chứa magiê có xu hướng gây tiêu chảy. Hiện nay đã có thuốc kháng axit có chứa cả nhôm và magiê, giúp tránh những tác dụng phụ này.

Bạn nên sử dụng thuốc kháng axit dạ dày khoảng 1 giờ sau bữa ăn.

Thuốc đối kháng histamine H2

Mặc dù thuốc kháng axit có thể trung hòa axit dịch vị, nhưng chúng chỉ có tác dụng trong một khoảng thời gian ngắn. Để trung hòa axit cả ngày, thuốc kháng axit sẽ cần phải được sử dụng thường xuyên, ít nhất là mỗi giờ.

Loại thuốc đầu tiên được phát triển để điều trị hiệu quả và thuận tiện hơn đối với các bệnh liên quan đến axit trào ngược là thuốc đối kháng histamine. Histamine là một hóa chất quan trọng vì nó kích thích sản xuất axit của dạ dày nhờ việc gắn vào các thụ thể trên các tế bào sản xuất axit. Chất đối kháng histamine hoạt động bằng cách ngăn chặn histamine gắn kết vào thụ thể. Thuốc này có tên như vậy vì thụ thể cụ thể mà chúng ngăn chặn là thụ thể histamine loại 2.

Thời điểm dùng thuốc đối kháng H2 là 30 phút trước bữa ăn. Thuốc đối kháng H2 cũng có thể được sử dụng vào giờ đi ngủ để ngăn chặn tình trạng sản xuất axit vào ban đêm.

Thuốc đối kháng H2 có tác dụng làm giảm các triệu chứng của trào ngược dạ dày, đặc biệt là chứng ợ nóng. Tuy nhiên nhóm thuốc này lại không mang lại hiệu quả trong việc  chữa lành chứng viêm. Các loại thuốc đối kháng H2 bao gồm cimetidine, ranitidine, nizatidine, famotidine…

Thuốc ức chế bơm proton

Đây là loại thuốc thứ hai được phát triển cho các bệnh liên quan đến axit trào ngược, có tên là thuốc ức chế bơm proton (PPI). Thuốc PPI ngăn chặn sự tiết axit vào dạ dày bởi các tế bào tiết axit. Ưu điểm của PPI so với chất đối kháng H2 là PPI ngăn chặn sản xuất axit tốt hơn trong thời gian dài hơn. PPI không chỉ tốt cho việc điều trị triệu chứng ợ nóng mà còn tốt cho việc bảo vệ thực quản khỏi axit nhằm hồi phục viêm thực quản.

Thuốc ức chế bơm proton nên được sử dụng trước bữa ăn 1 tiếng. Các loại thuốc ức chế bơm proton bao gồm omeprazole, lansoprazole, rabeprazole, pantoprazole, esomeprazole…

Thuốc kích thích dạ dày ruột

Thuốc kích thích dạ dày ruột hoạt động bằng cách kích thích các cơ của đường tiêu hóa, bao gồm thực quản, dạ dày, ruột non và đại tràng. Nhóm thuốc này làm tăng áp lực trong cơ thắt thực quản dưới và tăng cường các cơn co thắt (nhu động) của thực quản giúp giảm trào ngược axit. Bên cạnh đó là khả năng tăng tốc độ làm rỗng dạ dày. Nhóm thuốc này gồm có metoclopramide.

Thuốc kích thích dạ dày ruột nên dùng 30 phút trước bữa ăn và một lần nữa khi đi ngủ. Nhóm thuốc này chưa mang lại hiệu quả cao trong điều trị các triệu chứng hoặc biến chứng của trào ngược dạ dày. 

Bạn nên thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi có ý định sử dụng thuốc trị trào ngược dạ dày, tránh nguy cơ làm bệnh trầm trọng hơn do sử dụng sai cách.

4. Phẫu thuật trào ngược dạ dày thực quản

cách điều trị trào ngược dạ dày

Khi việc thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và dùng thuốc trị trào ngược dạ dày không còn mang lại hiệu quả. Bác sĩ sẽ cân nhắc đề nghị phẫu thuật trào ngược dạ dày thực quản, các phương pháp phẫu thuật bao gồm:

• Phẫu thuật khâu xếp nếp đáy vị vào thực quản (fundoplication): Phương pháp này giúp thắt chặt và củng cố cơ vòng thực quản dưới. Phần trên dạ dày sẽ được quấn quanh bên ngoài của vùng thực quản dưới. Loại phẫu thuật này thường có tỷ lệ thành công và phục hồi tốt.

• Phẫu thuật nội soi xuyên miệng (TIF): Phương pháp này sử dụng thiết bị EsophyX đưa vào thực quản qua miệng, tạo ra nếp gấp ở đáy thực quản. Các nếp gấp này tạo thành van mới để ngăn chặn axit trào ngược.

• Thủ thuật Stretta: Thủ thuật này sử dụng ống nội soi mỏng luồn vào bên trong thực quản và tạo ra những vết cắt nhỏ. Các vết cắt hình thành mô sẹo thực quản ngăn chặn các dây thần kinh phản ứng với axit trào ngược.

• Phẫu thuật để tăng cường cơ vòng thực quản dưới (Linx): Cách này dùng thiết bị đặc biệt Linx củng cố nhóm cơ thắt thực quản dưới.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Các lựa chọn phẫu thuật điều trị trào ngược dạ dày thực quản

Trước khi quyết định phẫu thuật điều trị trào ngược dạ dày thực quản, bạn hãy tham khảo kỹ lưỡng về mức chi phí cũng như nơi thực hiện để đảm bảo an toàn.

Những thông tin được cung cấp trên hy vọng có thể giúp bạn trang bị đủ kiến thức về cách điều trị trào ngược dạ dày hiệu quả và an toàn.

Hoàng Trí HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Everything you need to know about GERD
https://www.medicalnewstoday.com/articles/14085.php
Ngày truy cập 31.07.2019

GERD (Acid Reflux, Heartburn)
https://www.medicinenet.com/gastroesophageal_reflux_disease_gerd/article.htm#gerd_acid_reflux_facts
Ngày truy cập 31.07.2019

Lifestyle Guidelines for the Treatment of GERD
https://my.clevelandclinic.org/health/articles/15530-lifestyle-guidelines-for-the-treatment-of-gerd
Ngày truy cập 31.07.2019

Phiên bản hiện tại

09/11/2021

Tác giả: Hoàng Trí

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: phuong le


Bài viết liên quan

Chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối cần lưu ý gì?

Bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản có nên kiêng caffeine không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 09/11/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo