backup og meta

5 nhóm thuốc trị tiêu chảy giúp cầm cơn nhanh chóng!

5 nhóm thuốc trị tiêu chảy giúp cầm cơn nhanh chóng!

Tiêu chảy có thể là triệu chứng ban đầu của nhiều bệnh lý hoặc do ăn uống và sẽ tự khỏi sau vài ngày. Trước khi xác định nguyên nhân chính xác để có cách điều trị tốt nhất, ưu tiên hàng đầu vẫn là chú ý bù nước và dùng các thuốc trị tiêu chảy thông thường.

Nếu các triệu chứng tiêu chảy của bạn chỉ ở giai đoạn đầu, không quá nghiêm trọng, bạn có thể thử dùng các thuốc trị tiêu chảy thông thường để bù nước và giảm triệu chứng. Vậy, bị tiêu chảy uống thuốc gì? Cùng tìm hiểu về 5 nhóm thuốc đau bụng đi ngoài dưới đây.

Tìm hiểu chung về tình trạng tiêu chảy 

Trước khi đi tìm câu trả lời cho băn khoăn “bị tiêu chảy uống thuốc gì cho nhanh khỏi?”, cùng tìm hiểu sơ lược về tình trạng này.

  • Tiêu chảy được định nghĩa là tình trạng đi phân lỏng, phân sống từ 3 lần một ngày trở lên.
  • Đi kèm với tiêu chảy, bạn có thể gặp phải các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu, mệt mỏi…
  • Tiêu chảy thường được phân thành 2 nhóm là:
    • Tiêu chảy cấp: Thường hết sau 1 – 2 ngày, kéo dài không quá 1 tuần
    • Tiêu chảy kéo dài hoặc tiêu chảy mãn tính: Kéo dài từ 2 – 4 tuần, thậm chí có thể sau 4 tuần nếu tiêu chảy mãn tính.

Có rất nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy, từ những nguyên nhân bình thường nhất như rối loạn tiêu hóa do ăn uống không hợp vệ sinh, thay đổi môi trường, các thói quen sinh hoạt không lành mạnh như uống nhiều bia, rượu, cà phê… và thường xuyên căng thẳng. 

Tuy nhiên, tiêu chảy cũng là dấu hiệu ban đầu của rất nhiều bệnh lý như:

  • Nhiễm virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng
  • Do dùng thuốc, nhất là thuốc kháng sinh
  • Dị ứng hoặc nhạy cảm với thực phẩm
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS)
  • Bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng
  • Bệnh celiac. 

Bị tiêu chảy uống thuốc gì? 5 nhóm thuốc trị tiêu chảy phổ biến

thuốc trị tiêu chảy

Khi bị tiêu chảy uống thuốc gì hay đau bụng đi ngoài uống thuốc gì?

  • Các nhóm thuốc điều trị tiêu chảy dưới đây chỉ nên dùng với trường hợp tiêu chảy cấp và không nên dùng quá 2 ngày.
  • Trước khi dùng thuốc trị tiêu chảy, cần đọc kỹ hướng dẫn và lưu ý về liều dùng cho người lớn và trẻ nhỏ.

1. Dung dịch bù nước và điện giải (Oresol)

Dung dịch bù nước và điện giải Oresol không phải là thuốc cầm tiêu chảy, nhưng là loại thường được dùng trong điều trị và dự phòng mất nước do tiêu chảy ở cả trẻ em và người lớn.

Thành phần chính của dung dịch này gồm:

  • Nước
  • Muối natri
  • Muối kali
  • Đường glucose

Oresol được bào chế dưới dạng bột hoặc viên sủi với hàm lượng các thành phần thay đổi tùy thuộc vào hãng sản xuất, lượng nước sử dụng cụ thể theo hướng dẫn.

Khi dùng dung dịch bù nước và điện giải, bạn cần pha lượng nước đúng theo chỉ dẫn trên bao bì. Bởi sẽ có loại cần pha với 200ml nước, 500ml nước hoặc 1 lít nước. Việc pha đúng liều lượng sẽ giúp bù nước hiệu quả và ít gặp phải tác dụng phụ.

  • Dùng khoảng 10ml/kg trọng lượng cơ thể sau mỗi lần đi ngoài phân lỏng để phòng ngừa. Nếu trên 10 tuổi thì uống theo nhu cầu.
  • Uống 75ml/kg trong 4 giờ đầu để bù nước ở mức độ nhẹ và vừa. Nếu không còn dấu hiệu mất nước thì chuyển sang liều phòng ngừa, còn nếu vẫn còn thì uống lặp lại, uống theo nhu cầu.
  • Uống hết dung dịch trong 24 giờ và không dùng nữa  
  • Dùng nước nguội để pha, tránh dùng nước khoáng vì nước khoáng có sẵn ion điện giải sẽ làm sai lệch tỉ lệ các chất.

2. Thuốc hấp phụ, bao phủ niêm mạc ruột diosmectite (Smecta)

Khi bị đau bụng đi ngoài uống thuốc gì? Bạn có thể uống thuốc hấp phụ, bao phủ niêm mạc ruột diosmectite.

  • Loại thuốc trị tiêu chảy này có thành phần chính là đất sét hoạt tính tự nhiên gồm nhôm kép và magiê silicat. Khi được hấp thụ vào cơ thể, các chất này sẽ tạo thành một lớp mỏng bao phủ và bảo vệ niêm mạc.
  • Thuốc cầm tiêu chảy này còn có tác dụng hấp thụ nước, hơi và ngăn không cho các tác nhân gây tiêu chảy như các chất độc, vi khuẩn, virus bám tiếp vào niêm mạc ống tiêu hóa. Nhờ đó, thuốc tiêu chảy này giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục, cải thiện khuôn phân, giảm lượng phân thải ra và rút ngắn thời gian tiêu chảy.

Liều dùng thông thường ở nhóm thuốc này là 3 gói mỗi ngày (1 gói tương đương 3g diosmectite) pha với khoảng ½ ly nước ấm. Với trẻ nhỏ, bạn sẽ cần hỏi kỹ bác sĩ về liều lượng sử dụng.

3. Thuốc cầm tiêu chảy Loperamide (Imodium)

Bị tiêu chảy uống thuốc gì hay khi bị đi ngoài uống thuốc gì? Bạn có biết Loperamide cũng là một loại thuốc đau bụng tiêu chảy rất thông dụng?

  • Loperamide là thuốc trị tiêu chảy thường được sử dụng trong các trường hợp tiêu chảy cấp, tiêu chảy du lịch.
  • Thuốc có tác dụng làm giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch ở đường tiêu hóa, giảm nước trong phân. Từ đó, giúp tăng kích thước cho phân thành khuôn và giảm số lần đi ngoài.
Nhìn chung, thuốc trị tiêu chảy Loperamide chỉ tập trung điều trị triệu chứng, không giải quyết được nguyên nhân gây tiêu chảy, chẳng hạn như nhiễm trùng và không thể thay thế các liệu pháp bù nước bằng đường uống.

Thuốc Loperamide chỉ dùng cho người lớn và trẻ nhỏ trên 12 tuổi để điều trị tiêu chảy. Ở dạng viên nén, viên nang, dùng 4mg sau lần đi phân lỏng đầu tiên, sau đó uống thêm 2mg sau mỗi lần đi phân lỏng. Không uống quá 16mg trong 24 tiếng.

4. Thuốc trị đau bụng tiêu chảy bismuth subsalicylate (Pepto-Bismol)

uống thuốc trị tiêu chảy

Đau bụng tiêu chảy uống thuốc gì? Thuốc đau bụng đi ngoài bismuth subsalicylate thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lý về tiêu hóa.

  • Thuốc có tác dụng giảm các triệu chứng khó chịu ở dạ dày do ợ nóng, buồn nôn, ợ chua, khó tiêu.
  • Đây còn là thuốc trị tiêu chảy cấp, tiêu chảy du lịch.

Về liều dùng, đối với chứng tiêu chảy cấp và tiêu chảy du lịch, người lớn nên uống 524mg/liều khi cần, không dùng quá 8 liều trong 24 tiếng. Không nên dùng cho trẻ dưới 12 tuổi.

Nếu có vấn đề về chảy máu như tiêu chảy đi kèm với sốt, phân có lẫn máu hoặc dịch nhầy, loét dạ dày, dị ứng aspirin hoặc các salicylat khác, bạn không nên dùng thuốc này mà nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị tốt nhất. Thuốc cũng chống chỉ định đối với trẻ em hoặc thanh thiếu niên bị sốt, có các triệu chứng cúm hoặc bị thủy đậu.

5. Men vi sinh 

Bên trong đường ruột con người có 1 hệ vi sinh đa dạng gồm cả lợi khuẩn và hại khuẩn. Khi hệ vi sinh đường ruột bị mất cân bằng do các tác nhân như rượu, căng thẳng, nhiễm khuẩn, dùng thuốc kháng sinh… có thể dẫn đến tiêu chảy.

  • Men vi sinh không phải là thuốc đau bụng đi ngoài. Đây thực chất là những chế phẩm sinh học có tác dụng cung cấp vi sinh vật có lợi cho đường ruột.
  • Khi dùng men vi sinh như một loại thuốc trị tiêu chảy có thể là cách điều trị hiệu quả cho các trường hợp tiêu chảy do kháng sinh, tiêu chảy du lịch.
  • Bổ sung men vi sinh cùng với việc bù nước, điện giải khá an toàn để cầm tiêu chảy vì ít gây tác dụng phụ. Không những vậy, việc này còn giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn.

Lưu ý khi dùng thuốc trị tiêu chảy thông thường

thuốc trị tiêu chảy

5 loại thuốc trị tiêu chảy kể trên chỉ tập trung điều trị triệu chứng chứ không điều trị nguyên nhân. Do đó, nếu đã dùng thuốc đi ngoài nhưng triệu chứng không cải thiện, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý những điều sau:

  • Không điều trị tiêu chảy tại nhà nếu có tiền sử bị bệnh gan, đang dùng các loại thuốc khác hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng như sốt hoặc phân có lẫn máu. Bởi lúc này, bạn có thể cần dùng kháng sinh hoặc các loại thuốc khác phù hợp hơn.
  • Không tự ý dùng thuốc cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu bé dưới 12 tuổi, bạn nên đưa bé đi khám để được kê toa các loại thuốc phù hợp.
  • Đọc kỹ thông tin về liều lượng và cách sử dụng.
  • Không sử dụng nhiều hơn một loại thuốc trị tiêu chảy cùng một lúc trừ khi bác sĩ chỉ định. Bởi thành phần thuốc có thể giống nhau và có thể dẫn đến quá liều.
  • Bảo quản thuốc trị tiêu chảy ở nơi khô ráo, thoáng mát, xa tầm tay và tầm nhìn của trẻ nhỏ để thuốc có tác dụng tốt nhất.

Bên cạnh đó, ngoài việc dùng thuốc trị tiêu chảy, bạn cũng cần đi khám ngay nếu tần suất đi ngoài tăng lên, đi ngoài hơn 6 lần/ngày, đau bụng dữ dội; có dấu hiệu mất nước như khát nước thường xuyên, nước tiểu sẫm màu, chóng mặt, nhận thức suy giảm…

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Anti-diarrheal Medicines: OTC Relief for Diarrhea https://familydoctor.org/antidiarrheal-medicines-otc-relief-for-diarrhea/ Ngày truy cập: 10/9/2021 

Oral Gel https://www.drugs.com/pro/oral-gel.html Ngày truy cập: 10/9/2021 

Loperamide 2 mg tablets https://www.medicines.org.uk/emc/product/10287/smpc#gref Ngày truy cập: 13/9/2021

Bistmuth subsalicylate https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a607040.html Ngày truy cập 27/3/2023

Dehydration and Diarrheal https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dehydration/symptoms-causes/syc-20354086 Ngày truy cập 27/3/2023

Antidiarrheals https://go.drugbank.com/categories/DBCAT001158 Ngày truy cập 20/04/2024

Classes of Piperidine-Based Drugs https://www.sciencedirect.com/topics/chemistry/antidiarrheal-agent Ngày truy cập 20/04/2024

Loperamide Capsules or Tablets https://my.clevelandclinic.org/health/drugs/19188-loperamide-capsules-or-tablets Ngày truy cập 20/04/2024

Phiên bản hiện tại

20/04/2024

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Mách nhỏ 10 cách cầm tiêu chảy nhanh nhất cho người lớn

Đau bụng tiêu chảy là bệnh gì? Bạn nên làm sao để giảm triệu chứng?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 20/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo