Tương tự các cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể, thực quản cũng có nhiều khả năng bị thương tổn. Một trong những vấn đề thường gặp tại đây là loét thực quản. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có nguy cơ kéo theo nhiều biến chứng phức tạp hoặc thậm chí là gây tử vong.
Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu về căn bệnh viêm loét thực quản và những vấn đề xoay quanh.
Loét thực quản là bệnh gì?
Bệnh loét thực quản là một dạng của tình trạng viêm loét đường tiêu hóa, xảy ra khi lớp niêm mạc của thực quản bị ăn mòn. Lớp nhầy bảo vệ mất đi tạo điều kiện cho axit dạ dày và các dịch vị khác kích thích thành thực quản, từ đó gây viêm hoặc thậm chí là hình thành vết loét tại đây.
Nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm loét thực quản
Bên cạnh cảm giác đau rát tại vị trí giữa ngực, đặc biệt là khu vực dưới xương ức, bệnh còn có thể dẫn đến một số triệu chứng bất thường khác, chẳng hạn như:
- Mất cảm giác ngon miệng, chán ăn
- Khó nuốt
- Ợ nóng
- Buồn nôn và nôn, đôi khi còn có thể nôn ra máu
- Hụt hơi
- Đau họng
- Có vị chua trong miệng
- Đau bụng
- Sụt cân ngoài ý muốn
Ngoài ra, bạn cũng có thể bắt gặp các triệu chứng viêm loét thực quản khác không được đề cập bên trên. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về những dấu hiệu bệnh, hãy vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn chi tiết, cụ thể hơn.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Các vết loét trên thành thực quản không được điều trị có thể dẫn đến hàng loạt biến chứng sức khỏe nguy hiểm. Không những vậy, sự hình thành của vết loét có thể để lại sẹo trên thành thực quản, từ đó làm thu hẹp con đường vận chuyển thức ăn xuống dạ dày này.
Do đó, bác sĩ khuyến nghị mọi người nên đến bệnh viện để kiểm tra ngay lập tức nếu bất kỳ biểu hiện khác thường nào dưới đây xuất hiện:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Nhịp tim nhanh
- Khó thở
- Nôn ra máu
- Đột ngột đau, tức ngực hoặc hụt hơi
Mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm loét thực quản cũng như cơ địa ở mỗi người không giống nhau. Vì vậy, tham vấn cùng bác sĩ sẽ giúp bạn lựa chọn được phương pháp điều trị hiệu quả và thích hợp nhất.
Đâu là nguyên nhân gây bệnh viêm loét thực quản?
Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm loét thực quản có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là:
Thành thực quản tiếp xúc trực tiếp với axit dạ dày
Các chuyên gia đánh giá axit dạ dày tràn vào thực quản là nguyên nhân gây viêm và hình thành vết loét phổ biến nhất tại đây. Tình trạng này thường liên quan đến các bệnh lý như:
- Thoát vị hoành (thoát vị gián đoạn)
- Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD)
- Chứng ợ nóng nghiêm trọng
Loét thực quản do thuốc
Tác dụng phụ của một số loại thuốc có nguy cơ tác động đến sức khỏe thực quản, cụ thể hơn là gây viêm loét tại đây. Chúng thường gồm:
- Aspirin
- Ibuprofen
- Bisphosphonates
- Một số thuốc kháng sinh
Viêm loét thực quản do nhiễm trùng
So với axit dạ dày và thuốc, vết loét hình thành do nhiễm trùng ít khi xảy ra hơn. Mặc dù vậy, một số chủng vi sinh vật sau vẫn có khả năng dẫn đến vấn đề này, chẳng hạn như:
- Nấm candida
- Virus herpes
- Virus HPV
Một số nguyên nhân khác
Đôi khi, vết loét còn có khả năng hình thành bởi:
- Tiêu thụ chất ăn mòn (chủ yếu diễn ra ở trẻ nhỏ, người mắc chứng rối loạn tâm thần hoặc nghiện rượu nặng)
- Nuốt dị vật
- Biến chứng của một số phẫu thuật dạ dày
Những yếu tố rủi ro dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày là gì?
Bên cạnh các nguyên nhân được đề cập ở trên, đôi khi tình trạng sức khỏe này còn có thể phát triển từ một số vấn đề như:
- Viêm loét dạ dày
- Loét tá tràng
- Tiền sử viêm thực quản
- Nhiễm HIV/AIDS
- Bệnh tiểu đường (đái tháo đường)
- Ung thư
Bệnh loét thực quản có nguy hiểm không?
Ngày nay, dù bệnh không phải là vấn đề hiếm gặp nhưng thực tế, không phải ai cũng biết loét thực quản có nguy hiểm không. Điều này dẫn đến sự chậm trễ trong việc chẩn đoán và điều trị, từ đó tạo điều kiện phát triển nhiều biến chứng phức tạp như sau, bao gồm:
- Chảy máu thực quản
- Thủng thực quản
- Tái phát tình trạng loét dạ dày – tá tràng
- Vỡ thực quản
- Ung thư thực quản
- Giảm cân đến mức suy dinh dưỡng do chán ăn, đồng thời việc nuốt thức ăn cũng gặp nhiều khó khăn
- Tử vong
Những thủ thuật xét nghiệm dùng trong chẩn đoán bệnh viêm loét thực quản là gì?
Để chẩn đoán tình trạng sức khỏe này ở một người, các chuyên gia có thể áp dụng một số phương pháp sau:
- Kiểm tra và đánh giá bệnh sử của người đó
- Khám sức khỏe tổng quát
- Nội soi thực quản
- Chụp X-quang thực quản cản quang với Barium
Nếu tìm thấy vết loét, bác sĩ có thể sử dụng sinh thiết để lấy mẫu mô tại đây và đem đi phân tích chuyên sâu hơn.
Điều trị loét thực quản như thế nào mới hiệu quả?
Theo bác sĩ, điều trị loét thực quản hiệu quả ngay từ đầu là yếu tố then chốt trong việc ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm phát sinh. Các phương pháp điều trị có thể gồm:
- Thuốc chữa viêm loét thực quản: thuốc kháng axit, thuốc chẹn thụ thể H2, thuốc ức chế bơm proton (PPI), thuốc kháng sinh, thuốc kháng nấm, kháng virus…
- Cải thiện lối sinh hoạt: đặc biệt là chế độ ăn uống để hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động
- Phẫu thuật: chủ yếu dành cho những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh không đáp ứng tốt với các phác đồ điều trị khác
Khi áp dụng biện pháp uống thuốc chữa viêm loét thực quản, người bệnh cần đảm bảo tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ để đảm bảo vết loét được chữa lành hoàn toàn.
Ngoài ra, khi bạn dùng thuốc kháng sinh để điều trị loét thực quản do nhiễm trùng, tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc, kể cả khi sức khỏe có biểu hiện cải thiện rõ rệt. Nguyên nhân là do điều này có nguy cơ cao dẫn đến vấn đề kháng kháng sinh.
Điều trị loét thực quản tại nhà
Bên cạnh những phương pháp chữa trị trên, bạn cũng có thể thay đổi một số thói quen sinh hoạt và ăn uống nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả điều trị, đồng thời rút ngắn thời gian cần thiết để bình phục. Những thay đổi này có thể gồm:
- Ăn chậm nhai kỹ
- Hạn chế ăn quá nhiều trong một lần. Thay vào đó, hãy chia ba bữa chính thành nhiều bữa phụ trong ngày
- Chỉ nên nằm nghỉ sau 3 giờ kể từ lúc ăn xong
- Duy trì trọng lượng khỏe mạnh
- Mặc quần áo rộng để giảm áp lực lên dạ dày
- Cai thuốc lá
- Nâng cao gối ngủ nhằm tránh để axit trào ngược vào thực quản
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học và cân bằng với protein nạc, ngũ cốc nguyên hạt và rau củ quả đa dạng
Ngoài ra, với trường hợp bệnh liên quan đến GERD, bạn cũng nên hạn chế các thực phẩm, thức uống sau trong thực đơn hàng ngày:
- Bia, rượu
- Caffeine
- Chocolate
- Trái cây họ cam quýt
- Các món chiên hoặc chua cay
- Tỏi
- Thực phẩm giàu chất béo
- Bạc hà
- Hành
Bệnh viêm loét thực quản có phòng ngừa được không?
Áp dụng một lối sống, sinh hoạt lành mạnh như sau sẽ là “chìa khóa vàng” giúp bạn hạn chế rủi ro gặp phải vấn đề sức khỏe này:
- Hạn chế căng thẳng bằng cách thường xuyên rèn luyện thể chất
- Ngủ đủ giấc
- Bổ sung nhiều trái cây, rau củ quả và các loại hạt vào chế độ ăn uống hàng ngày. Đồng thời, hạn chế các thực phẩm chứa nhiều đường hoặc chế biến sẵn
- Chia nhỏ các bữa ăn nhưng cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng
- Giảm cân nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì
- Uống nhiều nước. Hãy lựa chọn nước lọc, nước trái cây (hạn chế tiêu thụ nước ép đóng hộp) thay vì uống bia rượu
- Không hút thuốc lá
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
[embed-health-tool-bmr]