backup og meta

Nhận biết dấu hiệu bệnh trĩ theo từng loại

Nhận biết dấu hiệu bệnh trĩ theo từng loại

Các dấu hiệu bệnh trĩ gặp phải có thể hơi khác nhau tùy thuộc vào loại trĩ mà bạn mắc phải là trĩ nội hay trĩ ngoại. Loại trĩ nào, triệu chứng nặng hay nhẹ sẽ góp phần quyết định phương pháp điều trị.

Hãy cùng tìm hiểu các dấu hiệu bệnh trĩ theo từng loại và cách chẩn đoán bệnh qua bài viết dưới đây.

Dấu hiệu và triệu chứng bệnh trĩ

Búi trĩ có thể hình thành ở bên trong trực tràng (trĩ nội) hay ở dưới lớp da ở hậu môn (trĩ ngoại). Cả hai loại trĩ này có thể có chung một số dấu hiệu và triệu chứng như:

  • Chảy máu ở trực tràng, nhận thấy khi đi đại tiện hay trên giấy vệ sinh khi lau chùi hậu môn
  • Rò rỉ phân và dịch nhầy ở hậu môn, đôi khi gây cảm giác kích ứng ở hậu môn
  • Vùng hậu môn hay ẩm ướt, có mùi hôi khó chịu
  • Ngứa hậu môn.

Chảy máu là biểu hiện bệnh trĩ khá ít gặp và hiếm khi gây mất máu nghiêm trọng hay thiếu máu.

Dấu hiệu của bệnh trĩ nội

Búi trĩ nội hình thành ở bên trong ống hậu môn, đoạn cuối trực tràng nên người bệnh không thể nhìn thấy hay cảm nhận, sờ thấy được. Ở cấp độ nặng, búi trĩ có khi bị sa ra ngoài (sa búi trĩ) sau khi đi đại tiện nhưng có thể tự co vào trong hoặc được đẩy ngược vào trong bằng tay.

Đa số trường hợp người bệnh trĩ nội không cảm thấy đau đớn. Một số dấu hiệu và triệu chứng đáng chú ý gồm:

  • Thấy máu đỏ tươi xuất hiện trong phân, trên giấy vệ sinh sau khi lau hậu môn hoặc trong bồn cầu
  • Một phần búi trĩ sa ra ngoài, thường xảy ra sau khi đi đại tiện hay rặn mạnh
  • Tiết dịch nhầy hoặc bị rò rỉ phân
  • Có cảm giác chưa đi hết phân ra ngoài.

Những người bị sa búi trĩ có thể có những biểu hiện khác như:

  • Ngứa xung quanh hậu môn
  • Có cục u ở bên ngoài hậu môn.

Khi búi trĩ sa ra ngoài, người bệnh mới có thể nhìn thấy nó với những đặc điểm sau:

  • Kích thước thường xấp xỉ bằng quả nho
  • Chạm vào mềm, trông giống như dây cao su
  • Có màu da hoặc hơi hồng đỏ
  • Thường tự thụt vào bên trong hậu môn sau đó
  • Có thể có nhiều hơn một búi trĩ.

Lưu ý, tình trạng sa búi trĩ không phải là sa trực tràng và cần phân biệt rõ. Khi bạn bị sa trực tràng nghĩa là một phần của trực tràng bị đưa ra ngoài hậu môn.

dấu hiệu bệnh trĩ

Dấu hiệu của trĩ ngoại

Trĩ ngoại có thể dễ dàng cảm nhận được vì chúng hình thành ở dưới lớp da hậu môn và nổi rõ lên ở quanh vùng hậu môn. Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh trĩ ngoại mà người bệnh gặp phải gồm:

  • Nhận thấy có một hoặc nhiều cục u ở quanh hậu môn
  • Ngứa xung quanh hậu môn
  • Cảm thấy khó chịu, đau đớn ở xung quanh hậu môn
  • Bị sưng quanh hậu môn
  • Chảy máu ở hậu môn trong và sau khi đi đại tiện (ít hơn so với trĩ nội)
  • Có cảm giác chưa đi ngoài ra hết
  • Tiết nhiều dịch nhầy hoặc bị rỉ phân

Búi trĩ nhìn thấy cũng có những đặc điểm tương tự như trĩ nội bị sa ra ngoài. Người bệnh có thể có vừa bị trĩ nội và trĩ ngoại, khi đó được gọi là trĩ hỗn hợp.

Dấu hiệu của trĩ huyết khối/ tắc mạch

Một tình trạng nguy hiểm có thể xảy ra với cả bệnh trĩ nội và trĩ ngoại (phổ biến hơn) đó là trĩ huyết khối hay tắc mạch – bên trong búi trĩ có các cục máu đông được hình thành. Khi đó, người bệnh sẽ có các biểu hiện:

  • Đau đột ngột
  • Cơn đau kéo dài liên tục sau khi đột ngột khởi phát

Búi trĩ lúc này có các đặc điểm sau:

  • Màu xanh lam hoặc tím
  • Nhận thấy cục trĩ sưng lớn hơn
  • Cảm thấy cứng, chắc khi chạm vào
  • Có cảm giác bị sưng, viêm

Dấu hiệu bệnh trĩ huyết khối không quá nguy hiểm nhưng gây ra cảm giác rất đau đớn, khó chịu nên cần can thiệp điều trị sớm.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

chẩn đoán bệnh trĩ

Nếu bạn bị chảy máu khi đi đại tiện hoặc có các dấu hiệu bệnh trĩ (nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh trước đó) không tự hết/ cải thiện sau một tuần, hãy đến gặp bác sĩ.

Tuy nhiên, không phải lúc nào tình trạng chảy máu ở trực tràng, hậu môn cũng là triệu chứng bệnh trĩ. Nó có thể gặp ở các bệnh lý khác như ung thư đại trực tràng, ung thư hậu môn… Do đó, bạn cần để ý những dấu hiệu khác xảy ra cùng lúc, đặc biệt là thói quen đi đại tiện hay màu sắc, tính chất của phân. Lúc đó, bạn cần đến gặp bác sĩ sớm để được thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh.

Trường hợp bạn bị chảy máu nhiều từ hậu môn đến mức choáng váng, chóng mặt hay muốn ngất xỉu, hãy đến ngay trung tâm y tế gần nhất hoặc liên lạc đến số điện thoại cấp cứu ngay lập tức.

Bệnh trĩ được chẩn đoán như thế nào?

Dựa vào các dấu hiệu và triệu chứng, bệnh trĩ ngoại có thể được chẩn đoán khá dễ dàng qua quan sát bằng mắt và thăm hỏi bệnh. Để chẩn đoán trĩ nội, bác sĩ thường phải kiểm tra kỹ hơn trong ống hậu môn và trực tràng.

Đôi khi bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra toàn bộ phần đại trực tràng bằng phương pháp nội soi nếu:

Trong quá trình thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ sẽ cần phân biệt, loại trừ với các vấn đề/ bệnh lý khác: áp xe quanh hậu môn, rò hậu môn, viêm ống hậu môn, lao, bệnh lây truyền qua đường tình dục, nứt hậu môn, ung thư hậu môn, sa trực tràng.

Đây là căn bệnh khá phổ biến và có khả năng chữa trị hiệu quả nếu phát hiện sớm. Do đó, khi nghi ngờ mình có dấu hiệu bệnh trĩ, bạn hãy đi khám bệnh để kịp thời điều trị cũng như phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Hemorrhoids. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hemorrhoids/symptoms-causes/syc-20360268. Ngày truy cập 17/02/2021.

Symptoms & Causes of Hemorrhoids. https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/hemorrhoids/symptoms-causes. Ngày truy cập 17/02/2021.

Piles (haemorrhoids) https://www.nhs.uk/conditions/piles-haemorrhoids/ Ngày truy cập 11/4/2023

Hemorrhoids https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15120-hemorrhoids Ngày truy cập 11/4/2023

Hemorrhoids https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/hemorrhoids Ngày truy cập 11/4/2023

Hemorrhoids and what to do about them https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/hemorrhoids_and_what_to_do_about_them Ngày truy cập 11/4/2023

Phiên bản hiện tại

24/04/2023

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Các tác dụng phụ của thuốc NSAIDs trên đường tiêu hoá trong điều trị viêm khớp

Những loại thuốc trị bệnh trĩ bạn cần biết


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 24/04/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo