Phẫu thuật cắt bỏ một phần gan là một trong những phương pháp giải phẫu gan phổ biến nhất. Các chuyên gia thường áp dụng thủ thuật này trong quá trình điều trị ung thư gan giai đoạn đầu.
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể, đảm nhận nhiều vai trò quan trọng khác nhau nhằm hỗ trợ những cơ quan khác hoạt động bình thường, chẳng hạn như:
- Chuyển hóa đường thành năng lượng
- Giúp tiêu thụ chất béo
- Hỗ trợ bài tiết độc tố cũng như chất thải
- Sản xuất các yếu tố đông máu
- Điều chỉnh hormone giới tính và hàm lượng cholesterol
- Trao đổi chất
Giải phẫu gan là một thủ thuật được tiến hành nhằm kiểm soát nhiều loại bệnh khác nhau ở bộ phận này. Cắt bỏ một phần gan là phương pháp giải phẫu gan phổ biến nhất, thường dùng trong điều trị ung thư gan giai đoạn đầu. Các chuyên gia cũng thường áp dụng giải phẫu gan để điều trị một số khối u lành tính, bao gồm:
- U nang gan
- Khối u adenoma trong gan
- U máu gan
Trong vài trường hợp đặc biệt, giải phẫu gan có thể tiến hành song song với các thủ thuật khác, ví dụ như cắt bỏ khối u nguyên phát.
Hiện nay, tuy giải phẫu gan tương đối phổ biến, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ phương pháp này. Qua bài viết dưới đây, Hello Bacsi sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc xung quanh giải phẫu gan.
1. Sau khi phẫu thuật, liệu gan có thể trở lại như ban đầu?
Gan là cơ quan duy nhất trong cơ thể có khả năng tái tạo. Điều này có nghĩa là khi một phần của gan bị cắt bỏ, các tế bào ở cơ quan này sẽ liên tục sản sinh và phát triển cho đến khi thể tích của toàn bộ gan trở về như trước. Dù vậy, ống dẫn mật và mạch máu không có khả năng này.
Giải phẫu gan có thể cắt bỏ tối đa 70% gan. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn mắc bệnh gan mạn tính hoặc đã trải qua hóa trị liệu, con số trên sẽ phải giảm xuống nhằm đảm bảo các tế bào gan còn lại đủ khả năng tái tạo.
2. Mục đích của giải phẫu gan là gì?
Các chuyên gia tiến hành giải phẫu gan với mục tiêu loại trừ các khối u khác nhau xuất hiện ở cơ quan này. Chúng có thể là nguyên phát (phát sinh ở gan) hoặc thứ phát (di căn từ cơ quan khác đến gan). Tỷ lệ thành công của giải phẫu gan phụ thuộc vào những yếu tố sau:
- Vị trí của khối u
- Số lượng khối u hiện diện
- Số lượng tế bào gan còn sót lại sau khi tiến hành phẫu thuật
- Tính chất sinh học của khối u
3. Những ai cần thực hiện giải phẫu gan?
Hầu hết trường hợp người bệnh cần thực hiện giải phẫu gan đều mắc bệnh ung thư gan thứ phát, phổ biến nhất là di căn từ ung thư đại trực tràng. Một số trường hợp ít phổ biến hơn có thể là:
- Khối u xuất hiện trong hệ thần kinh
- Ung thư thận
- Ung thư vú
- Ung thư hắc tố melanoma
Đối với trường hợp người mắc bệnh ung thư gan nguyên phát cần thực hiện phẫu thuật cắt gan, phổ biến nhất chính là ung thư biểu mô tế bào gan. Loại ung thư này thường liên quan đến bệnh gan mạn tính tiềm ẩn.
Bạn có thể quan tâm: Chuyên đề ung thư đại trực tràng.
4. Tỷ lệ tử vong do giải phẫu gan cắt bỏ là bao nhiêu?
Thực tế, không chỉ riêng giải phẫu gan, bất kỳ thủ tục phẫu thuật nào cũng đều có tỷ lệ tử vong. Nguy cơ tử vong sau khi giải phẫu chủ yếu phụ thuộc những yếu tố như:
- Mức độ cắt bỏ
- Chất lượng tế bào gan còn lại
- Một số điều kiện y tế khác
Theo thống kê từ nhiều chuyên gia, khoảng 2% trong số các ca phẫu thuật thất bại vì người bệnh qua đời ngay trên bàn mổ do biến chứng. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm vì người bệnh cần phải đáp ứng một loạt yêu cầu về sức khỏe trước khi thực hiện giải phẫu gan cắt bỏ. Bạn có thể thảo luận về những rủi ro cá nhân với bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê trước khi tiến hành thủ tục.
5. Bạn sẽ cần ở lại bệnh viện bao lâu sau khi giải phẫu gan?
Hầu hết những người thực hiện giải phẫu gan cắt bỏ sẽ phải nhập viện khoảng 4–6 ngày. Trước khi xuất viện, các chuyên viên chăm sóc sức khỏe sẽ hướng dẫn bạn ăn uống lành mạnh, hợp lý và một số vấn đề khi tự chăm sóc bản thân. Thông thường, bạn cần khoảng ba tháng để có thể trở lại hoạt động bình thường. Phần lớn trường hợp người bệnh sẽ quay về công việc thường ngày sau 4–6 tuần. Tuy nhiên, đây chỉ là con số thống kê chung. Tùy vào thể trạng của mỗi người, thời gian phục hồi có thể kéo dài hơn.
6. Bạn cần bao lâu để phục hồi sau khi tiêm thuốc gây mê?
Thực tế, tác dụng của thuốc gây mê sẽ biến mất sau một vài giờ. Tuy nhiên, nó có thể để lại di chứng trong vài ngày tiếp theo, bao gồm:
- Kém tập trung
- Suy giảm trí nhớ
Sau khi trải qua bất kỳ ca phẫu thuật nào, bao gồm cả giải phẫu gan cắt bỏ, bạn đều cần một khoảng thời gian dài để cơ thể có thể hoạt động bình thường như cũ. Cảm giác mệt mỏi và khó chịu về mặt cảm xúc là phản ứng hoàn toàn bình thường trong trường hợp này nên bạn không cần phải quá lo lắng. Thời gian sẽ giúp bạn phục hồi nhanh chóng. Hãy cố gắng kiên nhẫn với bản thân và tự cho phép mình một chút thời gian để vượt qua giai đoạn hậu phẫu.
Bạn có thể muốn đọc thêm: Tác dụng phụ của thuốc gây mê: Cẩn thận kẻo rối loạn nhận thức!
7. Khi nào bạn có thể hoạt động bình thường như trước?
Bạn sẽ cần đến sự trợ giúp của người khác (hoặc thậm chí là xe lăn) để di chuyển sau ca giải phẫu gan. Phần lớn những người thực hiện thủ tục này có thể đi bộ với khoảng cách ngắn xung quanh dưới sự trông chừng của chuyên viên chăm sóc sức khỏe vào ngày thứ hai kể từ khi ca phẫu thuật kết thúc. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hỗ trợ bạn di chuyển và hướng dẫn bạn tập một số động tác hữu ích. Độ linh hoạt của cơ thể khi hoạt động sẽ giúp bạn dễ di chuyển hơn. Khi xuất viện, bạn đã có thể trở lại những hoạt động thông thường. Thậm chí, bạn cũng có thể quan hệ tình dục nếu có nhu cầu. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý tránh thực hiện các bài tập nặng, cũng như tham gia các hoạt động cần nhiều sức lực, trong ít nhất sáu tuần sau khi giải phẫu gan cắt bỏ.
Cảm giác uể oải, kiệt sức sau ca phẫu thuật là hoàn toàn tự nhiên. Vì vậy, bạn nên chú trọng vấn đề nghỉ ngơi của mình và cố gắng có một giấc ngủ ngon.
8. Bạn có cần thực hiện hóa trị liệu sau khi phẫu thuật?
Việc hóa trị liệu có cần thiết hay không chủ yếu phụ thuộc vào hai yếu tố sau:
- Lý do bạn thực hiện giải phẫu gan cắt bỏ
- Kết quả của ca phẫu thuật
Các bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành liệu pháp hóa trị trước và sau ca giải phẫu gan cắt bỏ của người mắc bệnh ung thư đại trực tràng. Một số loại ung thư khác có thể chỉ cần giải phẫu gan. Trường hợp của bạn sẽ được thảo luận kỹ hơn với các chuyên gia hàng đầu về ung thư gan.
Bạn có thể muốn xem thêm: Hóa trị liệu cho ung thư gan diễn ra như thế nào?
9. Khi nào bạn có thể bắt đầu lái xe sau khi giải phẫu gan?
Theo một số chuyên gia chăm sóc sức khỏe, bạn không nên lái xe trong khoảng thời gian sau khi thực hiện giải phẫu gan, ít nhất là ba tuần. Trước khi bắt đầu lái xe trở lại, bạn nên đảm bảo rằng bản thân có thể:
- Thực hiện lệnh dừng khẩn cấp hoàn toàn
- Có sức khỏe và khả năng điều khiển tay lái
- Kiểm soát tốc độ tốt
- Phản ứng nhanh với mọi tình huống có thể xảy ra
10. Khi nào bạn có thể quay lại công việc thường ngày?
Thực tế, bạn có thể quay trở về công việc thường ngày bất cứ khi nào bạn muốn. Điều này phụ thuộc vào cảm xúc cũng như tính chất công việc mà bạn đang làm. Nếu công việc của bạn không đòi hỏi phải vận động nhiều, bạn có thể cảm thấy bản thân đã sẵn sàng trở lại trong vòng 3–4 tuần. Ngược lại, trong trường hợp công việc của bạn liên quan đến lao động tay chân hoặc phải khuân vác vật nặng, bạn cần thêm thời gian nghỉ ngơi, ít nhất là sáu tuần.
11. Sau ca giải phẫu gan, bạn nên ăn gì để hồi phục sức khỏe tốt?
Sau khi phẫu thuật, bạn đã có thể ăn và uống, dù có đôi chút khó khăn. Lúc này, sự chán ăn, mất khẩu vị là hoàn toàn bình thường. Tình trạng này sẽ cải thiện khi sức khỏe của bạn trở nên tốt hơn.
Sau khi giải phẫu gan cắt bỏ, thức ăn dạng lỏng sẽ tốt cho bạn hơn là thức ăn dạng rắn, ít nhất là trong vài ngày đầu. Bạn nên thử những món ăn mềm trước khi quay lại chế độ ăn uống bình thường. Chuyên gia dinh dưỡng sẽ đến gặp và tư vấn cho bạn về một chế độ ăn uống lành mạnh và kê thêm một số chất bổ sung nếu bạn cần.
Bạn có thể muốn biết: Ăn gì tốt cho gan: Bạn đã áp dụng đúng cách?
Khi về nhà, bạn nên tiếp tục áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh và đầy đủ chất dinh dưỡng. Ngoài ra, bạn cần lưu ý tránh xa những thức uống chứa cồn như bia, rượu… trong khoảng thời gian ít nhất là sáu tuần nhằm đảm bảo quá trình tái tạo gan diễn ra thuận lợi.
[embed-health-tool-bmr]