backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì? 9 thuốc tiềm năng điều trị gan nhiễm mỡ

Tham vấn chuyên môn: Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương · Dược · Công ty cổ phần dược phẩm Gia Nguyễn


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 5 ngày trước

Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì? 9 thuốc tiềm năng điều trị gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ là tình trạng chất béo tích tụ trong gan nhiều hơn mức bình thường. Tính đến tháng 3 năm 2024, chỉ có một loại thuốc duy nhất (Rezdiffra) được FDA chấp thuận điều trị bệnh viêm gan nhiễm mỡ không do rượu ở người lớn. Ngoài ra, nhiều thuốc khác cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển để trả lời cho câu hỏi “gan nhiễm mỡ uống thuốc gì” trong tương lai. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể hơn thông qua bài viết sau.

Một lá gan khỏe mạnh, hoạt động tốt, thường chứa một lượng nhỏ chất béo. Sự tích tụ chất béo trở thành vấn đề khi nó đạt tới hơn 5% trọng lượng gan. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể tiến triển thành bệnh gan theo từng giai đoạn:

  • Viêm gan: Gan chuyển từ nhiễm mỡ sang viêm (sưng). Tình trạng viêm làm tổn thương mô. Giai đoạn này gọi là viêm gan nhiễm mỡ.
  • Xơ hóa: Các dải mô sẹo hình thành nơi tình trạng viêm làm tổn thương gan, khiến gan bị cứng lại. Quá trình này được gọi là xơ hóa.
  • Xơ gan: Mô sẹo lan rộng thay thế mô khỏe mạnh gây ra xơ gan. Nếu không điều trị, xơ gan có thể dẫn đến các tình trạng nguy hiểm như suy gan và ung thư gan.
  • Gan nhiễm mỡ là bệnh có thể chữa khỏi được. Cách điều trị gan nhiễm mỡ được áp dụng phổ biến nhất là giảm cân, kiểm soát bệnh mạn tính, bỏ rượu và xây dựng lối sống lành mạnh. Những cách này có thể giúp ngăn bệnh tiến triển thậm chí đảo ngược tổn thương, đưa gan trở về trạng thái khỏe mạnh bình thường. Vậy, thuốc điều trị thì sao? Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì tốt nhất?

    1. Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì? Rezdiffra (resmetirom)

    Mới đây, ngày 14/03/2024, FDA đã phê duyệt Rezdiffra (resmetirom) để điều trị cho người lớn mắc bệnh viêm gan nhiễm mỡ không do rượu chưa xơ gan với sẹo gan từ trung bình đến nặng, kết hợp cùng với chế độ ăn kiêng và tập thể dục. Đây là thuốc duy nhất cho tới hiện tại được phê duyệt để điều trị bệnh viêm gan nhiễm mỡ không do rượu.

    Bệnh viêm gan nhiễm mỡ là kết quả của sự tiến triển của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Viêm gan theo thời gian có thể dẫn đến sẹo gan và rối loạn chức năng gan. Nếu gan của người bệnh chỉ mới ở giai đoạn nhiễm mỡ mà chưa viêm, cách điều trị là thay đổi lối sống chứ chưa cần dùng thuốc. 

    Resmetirom hoạt động bằng cách kích hoạt một phần thụ thể hormone tuyến giáp trong gan làm giảm sự tích tụ mỡ trong gan. Tính an toàn và hiệu quả của Rezdiffra được đánh giá dựa trên 1 thử nghiệm ngẫu nhiên, có đối chứng với giả dược, có sự tham gia của 888 bệnh nhân, kéo dài 54 tháng.

    Sau 12 tháng, kết quả sinh thiết gan cho thấy tỷ lệ bệnh nhân được điều trị bằng Rezdiffra giải quyết được tình trạng viêm gan nhiễm mỡ hoặc cải thiện sẹo gan cao hơn so với những người dùng giả dược.

    Các tác dụng phụ phổ biến nhất của Rezdiffra bao gồm tiêu chảy và buồn nôn. Ngoài ra, cần cảnh báo bệnh nhân về nguy cơ có thể nhiễm độc gan do thuốc và các tác dụng phụ liên quan tới túi mật. FDA đã phê duyệt Rezdiffra theo lộ trình phê duyệt cấp tốc, cho phép phê duyệt sớm các loại thuốc điều trị các tình trạng nghiêm trọng và giải quyết nhu cầu y tế chưa được đáp ứng.

    2. Thuốc làm tăng độ nhạy insulin

    Gan nhiễm mỡ là kết quả của sự mất cân bằng giữa tích lũy và đào thải chất béo trung tính ở gan. Kháng insulin là cơ chế chính trong sự tiến triển của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Tình trạng kháng insulin thường thấy ở những người béo phì, có liên quan chặt chẽ đến quá trình mất cân bằng trên, vì nó làm thay đổi sự phân bổ chất dinh dưỡng giữa các mô và quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng. Tình trạng kháng insulin ngoại vi dẫn đến một dòng axit béo tự do tràn vào gan bằng cách giảm sự ức chế quá trình phân giải mỡ và tăng quá trình tạo mỡ mới. Do đó, các thuốc làm tăng độ nhạy insulin được cho là có hiệu quả. Có 2 loại thuốc đang sử dụng trong điều trị đái tháo đường type 2 hoạt động theo cơ chế tăng độ nhạy insulin đó là metforminthuốc nhóm thiazolidinedione (TZD). 

    Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì? Rosiglitazone và pioglitazone – 2 thuốc nhóm TZD, đã được chứng minh là có thể cải thiện tình trạng nhiễm mỡ và men gan tăng ở bệnh nhân gan nhiễm mỡ không do rượu. Tuy nhiên, không có cải thiện đáng kể về mức độ xơ hóa gan.

    Hơn nữa, các thuốc này cũng liên quan đến nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Rosiglitazone có thể làm tăng nguy cơ đau tim. Pioglitazone gây tăng cân, phù nề, suy tim, giảm mật độ xương và tăng nguy cơ ung thư bàng quang nếu sử dụng trong thời gian dài. 

    Trong các nghiên cứu khác, metformin được chứng minh là cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ và đảo ngược các bất thường về gan to, nhiễm mỡ và men gan cao ở động vật, cũng như cải thiện nồng độ aminotransferase trong huyết thanh và mô học gan bao gồm các tình trạng nhiễm mỡ, viêm hoại tử và xơ hóa. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng lại chưa cho thấy hiệu quả.

    3. Chất chống oxy hóa

    Stress oxy hóa được cho là một yếu tố quan trọng dẫn đến sự tiến triển của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, do đó, các chất chống oxy hóa là một lựa chọn khi người bệnh không biết “Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì?”. Trong đó, vitamin E là chất được nghiên cứu nhiều nhất. Đây là một loại vitamin tan trong dầu có đặc tính chống oxy hóa. 

    Trong các thử nghiệm lâm sàng, vitamin E cho thấy hiệu quả giảm men gan, cải thiện tình trạng nhiễm mỡ, viêm và xơ hóa. Hướng dẫn của Hiệp hội Tiêu hóa Mỹ về bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu khuyến nghị sử dụng vitamin E với liều 800 IU/ngày cho người lớn mắc bệnh viêm gan nhiễm mỡ không do rượu không mắc kèm tiểu đường. Tuy nhiên, tính an toàn lâu dài của vitamin E vẫn còn nhiều nghi vấn và cần được nghiên cứu sâu hơn.

    Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì? Bổ sung vitamin E

    4. Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì? Thuốc hạ lipid máu

    Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu có liên quan chặt chẽ với béo phìrối loạn lipid máu. Do đó, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm các thuốc giúp hạ lipid máu để điều trị gan nhiễm mỡ.

    Các thuốc hạ lipid máu thuộc nhóm Statin (ví dụ như atorvastatinsimvastatin) vừa có tác dụng ngăn tổng hợp cholesterol vừa có tác dụng chống viêm. Statin làm giảm nồng độ lipid ở cả ngoại vi và nội tạng, đặc biệt là ở gan. Các nghiên cứu hiện tại cho thấy kết quả không thống nhất về tác dụng của statin cho bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ không do rượu. Do đó, chưa thể xác nhận có nên khuyến cáo dùng statin cho đối tượng này không. Tuy nhiên, sử dụng statin có thể có lợi trong việc cải thiện tình trạng trao đổi chất và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

    Ezetimibe là thuốc khác hạ lipid huyết bằng cách ức chế hấp thu cholesterol. Các nghiên cứu dùng một mình ezetimibe hoặc kết hợp với thuốc khác trên bệnh nhân gan nhiễm mỡ không do rượu cho thấy thuốc này có khả năng cải thiện đặc điểm mô học gan (nhiễm mỡ, viêm và xơ hóa) trên động vật thí nghiệm. Ở một số nghiên cứu khác, ezetimibe giúp cải thiện đáng kể nồng độ men gan, LDL-cholesterol, cholesterol toàn phần, chất béo trung tính trong huyết thanh. Sinh thiết gan cho thấy mức độ nhiễm mỡ và viêm gan cũng được cải thiện nhưng mức độ xơ hóa không thay đổi đáng kể. Một nghiên cứu cho thấy tình trạng xơ hóa gan được cải thiện nhưng lại làm tăng nồng độ axit béo chuỗi dài trong gan và HbA1c. 

    5. Pentoxifylline

    Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì? Thuốc điều trị gan nhiễm mỡ Pentoxifylline có tác dụng ức chế tổng hợp TNF-α – một chất trung gian quan trọng trong sự tiến triển của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Một số thử nghiệm cho thấy Pentoxifylline làm giảm đáng kể nồng độ men gan cũng như cải thiện các đặc điểm mô học gan (nhiễm mỡ, viêm và xơ hóa). Tuy nhiên, một số thử nghiệm khác lại không cho thấy hiệu quả. Hiện tại, vẫn cần các nghiên cứu lớn hơn trong tương lai để xác nhận hiệu quả của Pentoxifylline. Việc sử dụng Pentoxifylline cần thận trọng vì nó gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn và nôn.

    6. Acid béo omega-3 không bão hòa đa nối đôi (n-3 PUFA)

    Bổ sung acid béo omega-3 (DHA, EPA) cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ và mức độ tổn thương gan trong mô hình động vật. Trong các nghiên cứu ở người, việc bổ sung omega-3 làm giảm đáng kể men gan, triglyceride, đường huyết lúc đói và cải thiện mô học gan ở bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ không do rượu. Tuy nhiên, vẫn chưa có khuyến nghị cụ thể do chưa rõ về liều lượng cụ thể của omega-3 sẽ đem lại hiệu quả.

    Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì? Bổ sung omega 3

    7. Probiotic và synbiotic

    Gan nhiễm mỡ uống gì hết? Probiotic là các vi sinh vật mang lại lợi ích cho sức khỏe khi sử dụng. Prebiotic là những chất kích thích sự phát triển và hoạt động của probiotic. Synbiotic là chất bổ sung dinh dưỡng kết hợp probiotic và prebiotic ở dạng hiệp đồng. 

    Vi sinh vật đường ruột có một vai trò nhất định trong việc cải thiện tình trạng kháng insulin, gan nhiễm mỡ, viêm hoại tử và xơ hóa. Do đó, nó đã được đề xuất là một giải pháp cho bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Mặc dù đã đạt được những kết quả đầy hứa hẹn, nhưng tác dụng của probiotic và synbiotic trong điều trị gan nhiễm mỡ vẫn cần thêm bằng chứng để xác nhận và cần thiết lập được dạng chế phẩm và liều lượng phù hợp.

    8. Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì? Lanifibranor 

    Thuốc trị gan nhiễm mỡ Lanifibranor là chất chủ vận PPAR – yếu tố phiên mã điều chỉnh sự biểu hiện của gen. Việc kích hoạt PPAR giúp cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu thông qua:

    • Chuyển hóa: làm giảm mức triglyceride và tăng mức HDL, làm tăng độ nhạy cảm với insulin.
    • Nhiễm mỡ: tăng cường chuyển hóa acid béo và giảm quá trình tạo mỡ.
    • Giảm viêm và sưng gan.
    • Xơ hóa: Ngăn chặn xơ hóa tiến triển, cải thiện tình trạng xơ hóa.

    Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 dùng Lanifibranor trên bệnh nhân gan nhiễm mỡ không do rượu cho kết quả tích cực. Các nghiên cứu giai đoạn 3 đang trong quá trình tiến hành và kết quả của chúng sẽ giúp đưa ra khuyến nghị điều trị trong tương lai.

    9. Thuốc tiêm có tiềm năng điều trị gan nhiễm mỡ: Chất chủ vận thụ thể GLP-1 và chất chủ vận kép

    Trong những năm gần đây, chất chủ vận thụ thể GLP-1 (semaglutide, liraglutide) đã trở thành một công cụ mạnh để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 và béo phì, cải thiện kiểm soát đường huyết, giúp giảm cân và giảm bệnh tim mạch. Chúng cũng làm giảm quá trình tạo mỡ mới ở gan, sản xuất glucose ở gan, tiết VLDL và triglyceride.

    Các thử nghiệm điều trị bằng chất chủ vận thụ thể GLP-1 cho bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ không do rượu giúp giảm triglyceride ở gan, đồng thời cải thiện mô học ở cả những người mắc hoặc không mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

    Chất chủ vận kép (tirzepatide) mới đây đã được phê duyệt để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh béo phì, mang lại lợi ích đáng kể về mặt kiểm soát đường huyết và cân nặng. Thử nghiệm cũng cho thấy tirzepatide ở 3 liều lượng 5-10-15 mg đều làm giảm đáng kể hàm lượng mỡ trong gan ở bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ không do rượu có bệnh tiểu đường tuýp 2.

    Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì tốt nhất

    Tóm lại, với câu hỏi “Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì?”, người bệnh chưa cần uống thuốc nếu bệnh chỉ ở mức độ nhẹ, chỉ có tình trạng nhiễm mỡ hoặc xơ hóa mức độ nhẹ. Thuốc duy nhất đã được phê duyệt là Rezdiffra để điều trị cho người lớn mắc bệnh viêm gan nhiễm mỡ không do rượu chưa xơ gan với sẹo gan từ trung bình đến nặng, kết hợp với chế độ ăn kiêng và tập thể dục, tiêm vắc-xin viêm gan A và viêm gan B. Các thuốc khác có tiềm năng nhưng đều đang ở giai đoạn thử nghiệm.

    Bạn có thể quan tâm

    Hiện tại, không có thuốc điều trị gan nhiễm mỡ độ 2 tốt nhất được công nhận bởi các cơ quan y tế. Bệnh này có thể kiểm soát bằng cách giảm cân, có chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế muối và đường, thay đổi lối sống, tập thể dục, bỏ rượu và kiểm soát tốt bệnh lý nền mắc kèm. Bài viết chỉ nhằm mục đích nâng cao nhận thức về bệnh gan nhiễm mỡ, không gợi ý người bệnh sử dụng bất kỳ thuốc nào. Khi mắc bệnh, tốt nhất, bạn cần đi khám và tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào nếu chưa có sự đồng ý của bác sĩ.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn chuyên môn:

    Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

    Dược · Công ty cổ phần dược phẩm Gia Nguyễn


    Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 5 ngày trước

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo