backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Tiểu són khi ho và hắt hơi: Nguyên nhân do đâu?

Tham vấn y khoa: Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Bùi Bình · Nhi khoa · Bệnh viện trẻ em Hải Phòng


Tác giả: Thư Phạm · Ngày cập nhật: 08/12/2022

    Tiểu són khi ho và hắt hơi: Nguyên nhân do đâu?

    Tiểu són khi hắt hơi hay khi gắng sức là vấn đề mà nhiều người đang phải đối mặt. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được nguyên nhân gây ra tình trạng này.

    Vậy đâu là nguyên nhân gây tiểu són khi ho và hắt hơi? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu lời giải trong bài viết dưới đây để có biện pháp khắc phục tình trạng són tiểu hiệu quả nhé.

    Hiện tượng són tiểu khi ho và hắt hơi là gì?

    Hiện tượng són một ít nước tiểu khi cười, hắt hơi hoặc khi ho sặc sụa là những biểu hiện của chứng tiểu són hay tiểu không kiểm soát khi gắng sức. Tình trạng này xảy ra khi có sự gia tăng áp lực đột ngột lên bàng quang và niệu đạo, khiến nước tiểu rỉ ra ngoài trước khi người bệnh đi vệ sinh.  

    Bên cạnh sự rò rỉ nước tiểu khi ho, hắt hơi, tình trạng này cũng có thể xảy ra khi bạn thực hiện các hoạt động thể chất, chẳng hạn như tập thể dục, cúi người, nâng vật nặng hoặc quan hệ tình dục. Thông thường, lượng nước tiểu rò rỉ ra ngoài tương đối ít, có thể chỉ là 1 – 2 giọt nhưng đôi khi đủ nhiều để thấm qua quần áo.

    Việc đi tiểu không kiểm soát khi gắng sức xảy ra phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới, đặc biệt là phụ nữ sau sinh. Người bị tiểu són thường cảm thấy xấu hổ, cô lập bản thân hoặc gặp một số hạn chế trong công việc và sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời, người bệnh có thể sẽ kiểm soát được tình trạng này và cải thiện chất lượng cuộc sống. 

    Són tiểu khi ho và hắt hơi là một dạng tiểu không kiểm soát tạm thời.  

    Nguyên nhân nào gây tiểu són khi gắng sức?

    Đi tiểu không kiểm soát xảy ra khi các cơ kiểm soát việc tiểu tiện (cơ vòng tiết niệu) hoặc các cơ giúp nâng đỡ bàng quang và niệu đạo (cơ sàn chậu) suy yếu. Để giữ nước tiểu không bị rò rỉ, các nhóm cơ này cần khỏe mạnh và phối hợp nhịp nhàng với nhau. Do đó, bất kể yếu tố nào dẫn tới tình trạng suy yếu các nhóm cơ này cũng có thể làm giảm khả năng kiểm soát nước tiểu và gây nên tình trạng tiểu són.

    Những nguyên nhân khiến cơ sàn chậu và cơ vòng tiết niệu suy yếu bao gồm:

    Một số thực phẩm, thức uống có thể gây són tiểu tạm thời

    Thức uống gây ho són tiểu

    Một số loại thực phẩm hoặc thức uống có thể gây kích ứng và viêm bàng quang, đôi khi dẫn đến tình trạng tiểu són khi ho và hắt hơi, tiểu không tự chủ tạm thời như:

    • Thức uống có cồn như rượu, bia
    • Đồ uống chứa caffeine
    • Nước có ga
    • Thực phẩm có chứa chất làm ngọt nhân tạo
    • Thức ăn có nhiều gia vị, cay hoặc nhiều đường
    • Sô cô la
    • Các loại trái cây chứa nhiều acid như trái cây họ cam quýt

    Tình trạng bệnh lý liên quan đến són tiểu khi ho và hắt hơi. 

    Một số vấn đề sức khỏe cũng có thể khiến bạn tiểu không tự chủ. Các tình trạng bệnh lý và thuốc gây són tiểu tạm thời thường gặp là:

    • Nhiễm trùng đường tiết niệu gây kích thích bàng quang, khiến người bệnh đi tiểu nhiều hơn và đôi khi là đi tiểu không tự chủ.
    • Táo bón: Khi bị táo bón, phân cứng kích thích quá mức vào các dây thần kinh (tác động đến cả trực tràng và bàng quang) và khiến người bệnh muốn đi tiểu thường xuyên.

    Sự lão hóa cũng khiến bạn són tiểu khi ho và hắt hơi

    Tình trạng tiểu không tự chủ thường dễ xảy ra ở người lớn tuổi. Bởi theo thời gian, quá trình lão hoá của cơ bàng quang làm giảm khả năng giữ nước tiểu và khiến các cơn co thắt bàng quang không tự chủ diễn ra thường xuyên. Bên cạnh đó, các cơ sàn chậu cũng dần lão hóa, không thể duy trì khả năng nâng đỡ bàng quang và kiểm soát niệu đạo khiến cho niệu đạo lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng són tiểu khi hắt hơi, ho hoặc gắng sức.

    Sau khi sinh

    Khi mang thai, cơ sàn chậu phải chịu áp lực từ thai nhi trong một thời gian dài. Điều này có thể làm suy yếu dần cơ sàn chậu và dẫn đến tình trạng hắt hơi hoặc ho són tiểu. 

    Ngoài ra, quá trình sinh nở ở phụ nữ, đặc biệt là sinh thường, có thể gây tổn thương các mô và dây thần kinh, dẫn đến sự suy yếu cơ sàn chậu, cơ vòng tiết niệu và giảm khả năng kiểm soát nước tiểu. Việc đi tiểu không kiểm soát khi gắng sức do tổn thương này có thể bắt đầu ngay khi sinh xong hoặc nhiều năm sau đó.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm bài viết: Làm thế nào để són tiểu sau sinh không còn là ác mộng?

    Rối loạn nội tiết tố estrogen ở phụ nữ

    phụ nữ mãn kinh, cơ thể sản sinh ít estrogen hơn – loại hormone giúp giữ cho niêm mạc bàng quang và niệu đạo khỏe mạnh. Sự suy giảm chất lượng các mô này khiến tình trạng són tiểu trở nên trầm trọng hơn.

    Đối với một số phụ nữ chưa mãn kinh, tình trạng tiểu són mỗi khi cười, ho, hắt hơi cũng có thể gặp phải trong tuần trước kỳ kinh nguyệt. Nguyên nhân là do nồng độ estrogen giảm trong giai đoạn này làm suy yếu khả năng co thắt của niệu đạo, dẫn tới sự rò rỉ nước tiểu.

    Phẫu thuật tuyến tiền liệt ở nam giới

    Ở nam giới, phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt để điều trị ung thư tuyến tiền liệt là một nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng tiểu són khi hắt hơi hay khi gắng sức. Tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo sau của nam giới và việc cắt bỏ nó có thể làm mất khả năng nâng đỡ niệu đạo. Đồng thời, phẫu thuật này còn có thể gây suy yếu cơ vòng niệu đạo nằm ngay dưới tuyến tiền liệt, dẫn tới việc đi tiểu không kiểm soát.

    Các yếu tố rủi ro khác

    Béo phì tăng nguy cơ mắc chứng són tiểu khi ho và hắt hơi

    Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng són tiểu khi ho và hắt hơi, chứng tiểu không kiểm soát bao gồm:

    • Tình trạng thừa cân hoặc béo phì gây áp lực lớn lên cơ sàn chậu và bàng quang, làm suy yếu các cơ theo thời gian và đè nén bàng quang khiến nó không thể chứa được nhiều nước tiểu. Do đó, tiểu són khi gắng sức có thể xảy ra nghiêm trọng và thường xuyên hơn.
    • Thuốc lợi tiểu trong điều trị tăng huyết áp có tác dụng kích thích đường tiết niệu, khiến cho bàng quang thường xuyên ở trong trạng thái đầy nước tiểu. Do đó, một áp lực nhỏ khi vận động nhẹ nhàng cũng dễ gây són tiểu hơn.
    • Hút thuốc lá thường xuyên có thể gây ho mạn tính, triệu chứng ho thường nghiêm trọng. Điều này dễ khiến tình trạng tiểu không kiểm soát xảy ra thường xuyên hơn với lượng nước tiểu rò rỉ lớn hơn.
    • Hoạt động thể chất mạnh. Những bệnh nhân thường xuyên vận động cường độ nặng với các động tác gây áp lực lớn lên cơ sàn chậu như nhảy, bật cao sẽ càng khiến cơ sàn chậu suy yếu và làm tình trạng tiểu són khi hắt hơi tiến triển tệ hơn.
    • Thuốc điều trị bệnh tim và huyết áp, thuốc an thần, thuốc giãn cơ. 
    • Vitamin C liều cao. 

    Cách chữa són tiểu khi ho và hắt hơi

    Bạn cần đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia để được tư vấn và chẩn đoán chính xác nhất nguyên nhân gây són tiểu khi hắt hơi, ho hoặc gắng sức cũng như điều trị són tiểu triệt để. Các biện pháp để khắc phục tình trạng tiểu són bao gồm: 

    • Thay đổi chế độ sinh hoạt: Uống đủ nước, không hút thuốc, không uống quá nhiều cà phê hoặc bia rượu.
    • Không để tình trạng táo bón kéo dài và bắt đầu chế độ giảm cân, ăn uống lành mạnh. 
    • Tập đi tiểu theo giờ và luyện tập những bài tập thể dục cho cơ ở vùng kín (bài tập Kegel)
    • Đối với tình trạng tiểu són nặng, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất hiện nay bao gồm phẫu thuật đặt võng nâng cổ bàng quang (phẫu thuật sling), treo cổ bàng quang và phẫu thuật sa tử cung.

    Són tiểu khi ho và hắt hơi hay khi gắng sức rất phổ biến và mang đến cho người bệnh nhiều phiền toái trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng vì hiện nay đã có nhiều phương pháp chẩn đoán và điều trị. Ngoài ra, nếu nghi ngờ bất cứ dấu hiệu nào khác của bệnh tiểu són nghi ngờ nguy hiểm, bạn nên đến gặp bác sĩ để sớm phát hiện và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng của bệnh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Bùi Bình

    Nhi khoa · Bệnh viện trẻ em Hải Phòng


    Tác giả: Thư Phạm · Ngày cập nhật: 08/12/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo