Viêm xoang là căn bệnh gây ra nhiều phiền toái cho cuộc sống của người bệnh. Hiểu rõ đặc điểm và cách phân biệt các loại viêm xoang sẽ giúp bạn tuân thủ việc điều trị tốt hơn để đạt được hiệu quả cao hơn.
Vậy, bạn đã biết có bao nhiêu loại nhiễm trùng xoang chưa? Hãy để Hello Bacsi “bật mí” cho bạn cách phân biệt các loại viêm xoang.
Viêm xoang là gì?
Trước khi tìm hiểu về các loại viêm xoang, chúng ta cùng khám phá xem xoang là gì và viêm xoang là như thế nào.
Xoang là những hốc rỗng chứa không khí, nằm trong khối xương sọ mặt, bao quanh khoang mũi. Nó được tạo ra để làm cho cái đầu của chúng ta… bớt nặng, giảm thiểu những sang chấn do tác động của ngoại lực và đóng vai trò cộng hưởng khi phát âm. Hơn nữa, những hốc xoang lát đầy niêm mạc sẽ làm tăng diện tích của biểu mô hô hấp, do đó sẽ tăng cường khả năng làm ấm và làm ẩm không khí khi hít vào. Các xoang này tuy biệt lập với nhau nhưng đều thông với khoang mũi, giống như kiểu “các con sông đều đổ ra biển cả”. Tùy theo tên vùng xương mà nó “ngự trị”, chúng ta có:
- Xoang trán
- Xoang sàng
- Xoang bướm
- Xoang hàm
Do mũi và xoang thông với nhau và được lót bởi cùng một loại niêm mạc nên chúng hay bị… “viêm cùng”, tức là nhiễm trùng mũi sẽ dẫn tới nhiễm trùng xoang. Khi mũi bị viêm, niêm mạc ở vùng lỗ thông của xoang sẽ sung huyết, phù nề và “sưng” lên, cản trở sự lưu thông khí và dẫn lưu dịch nhầy từ xoang ra mũi, gây thiếu không khí và ứ đọng dịch trong xoang, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn “hoành hành” dẫn tới nhiễm trùng xoang.
Bạn có thể xem thêm:
Viêm xoang có mấy loại?
Thông thường, có 2 cách phân loại viêm xoang:
1. Các loại viêm xoang dựa trên diễn biến của bệnh
Khi phân loại viêm xoang dựa trên diễn biến bệnh, chúng ta có 4 loại viêm xoang, bao gồm:
Viêm xoang cấp tính:
Viêm xoang cấp tính là một trong các loại viêm xoang phổ biến nhất. Thuật ngữ này đề cập đến: Sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng giống như bị cảm cúm, cảm lạnh (chảy nước mũi, nghẹt mũi, sốt, giảm độ nhạy của khứu giác, hôi miệng, đau quanh mắt, mũi, má và đau mặt). Các triệu chứng này kéo dài liên tục trên 10 ngày hoặc có những thời điểm, các triệu chứng dường như cải thiện hơn nhưng sau đó lại trở lại và có xu hướng nặng hơn so với ban đầu.
Viêm xoang cấp tính có thể do virus hoặc vi khuẩn nhưng phần lớn là do virus. Một số triệu chứng đặc trưng của viêm xoang cấp là:
- Chảy nước mũi (sổ mũi) nhầy đặc, có màu vàng hoặc xanh, đôi khi có mùi hôi
- Nghẹt mũi
- Đau nhức vùng mũi, vùng mặt, má, giữa 2 chân mày
- Ù tai, đau tai
- Nhức đầu
- Sốt
- Mệt mỏi.
Viêm xoang cấp tính có thể khỏi hoàn toàn do được điều trị hoặc do “tự hết”, vì vậy bạn không nên quá lo ngại. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu trở nặng, bác sĩ sẽ điều trị cho bạn bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và thuốc chống sung huyết mũi. Vấn đề ở đây là, bạn cần phải đi khám sớm nếu thấy “bị cảm” có vẻ như dai dẳng và “tệ” hơn thông thường. Tránh để bệnh gây nên các biến chứng như viêm tai giữa, viêm phế quản… hoặc bệnh chuyển sang giai đoạn “hậu cấp tính” thì sẽ “phiền phức” hơn.
Thuật ngữ “viêm xoang cấp” là để chỉ quá trình viêm mới chỉ diễn ra trong khoảng 4 tuần đổ lại. Thông thường, do nhiễm siêu vi thì bệnh sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày. Nếu bệnh kéo dài hơn và có vẻ nặng lên thì có thể đã có bội nhiễm vi khuẩn, cần phải được điều trị. Nếu không được điều trị hoặc điều trị mà không hiệu quả, để quá trình viêm kéo dài hơn 1 tháng thì bệnh đã bước vào giai đoạn kế tiếp.
Bạn có thể xem thêm:
Viêm xoang bán cấp:
Tuy quá trình viêm đã bước sang tháng thứ 2 rồi nhưng chưa tới mức vượt qua tháng thứ 3. Nếu bạn đi khám trong khoảng thời gian này, các bác sĩ sẽ chẩn đoán bạn bị “viêm xoang bán cấp”.
Ở giai đoạn này, các triệu chứng thường ít rầm rộ hơn và tiến triển cũng chậm hơn giai đoạn viêm cấp tính. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị dứt điểm trong giai đoạn này thì bệnh sẽ chuyển qua giai đoạn mãn tính. Xét về mức độ “nguy cơ” thì đây là giai đoạn cần phải lưu tâm vì nó dễ bị bỏ sót, để rồi âm thầm làm “cầu nối” giữa viêm xoang cấp tính và mãn tính.
Nếu so với giai đoạn cấp tính thì triệu chứng ở giai đoạn này thường mờ nhạt hơn nên bệnh nhân có thể chịu đựng được và lầm tưởng bệnh đang dần khỏi. Có thể thấy các biểu hiện sau:
- Không còn nóng sốt
- Dịch mũi giảm nhưng có xu hướng đặc hơn
- Cảm giác vướng đờm ở cổ rõ hơn
- Nghẹt mũi nhẹ
- Có thể có ho
- Cảm giác nặng vùng mặt
- Cơ thể mệt mỏi uể oải
- Đôi khi đau răng, ê buốt răng
Cho nên, khi mắc bệnh cả tháng rồi mà cái mũi vẫn “chưa bình thường trở lại” thì bạn nên đi khám để được điều trị tích cực, tránh để bệnh tiến triển thành viêm xoang mãn tính.
Viêm xoang mãn tính:
Trong các loại viêm xoang thì viêm xoang mãn tính là nỗi ám ảnh của nhiều người. Viêm xoang đã tiến triển thành mãn tính khi các triệu chứng của bệnh kéo dài hơn 12 tuần. Nguyên nhân thường do vi khuẩn hoặc vi nấm. Niêm mạc mũi đã có những biểu hiện của thoái hóa, phù nề, nhất là ở vùng các lỗ thông xoang. Điều này gây cản trở nghiêm trọng cho sự thông khí và dẫn lưu dịch giữa xoang và mũi, gây ứ đọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi nấm phát triển và gây viêm. Cái vòng luẩn quẩn với những “viêm tắc, tắc viêm” ấy đã đẩy mũi xoang vào tình trạng thoái hóa tăng dần và đương nhiên, nguy cơ xảy ra các biến chứng cũng tăng theo. Cần lưu ý rằng, các xoang cũng bao quanh hốc mắt và nằm sát nền sọ nên các biến chứng từ nó, nếu có sẽ trở nên hết sức nguy hiểm. Việc bị bỏ qua hoặc điều trị không “đến nơi đến chốn” đã dẫn đến tình trạng này. Thêm vào đó, các yếu tố tại chỗ gây cản trở cơ học như polyp, dị hình vách ngăn, khối u…không được giải quyết triệt để đã làm gia tăng bít tắc, gây viêm.
Các triệu chứng lâm sàng của viêm xoang mãn có thể thấy như sau:
- Nghẹt mũi
- Chảy dịch mũi sau
- Đau, nặng vùng mặt và sau gáy
- Mệt mỏi, suy nhược
- Kém tập trung, giảm trí nhớ
- Suy giảm khứu giác, thị giác và vị giác
- Ho nhiều vào ban đêm
- Hôi miệng
- Đau họng
- Đau đầu
Việc điều trị viêm xoang mạn tính tùy thuộc vào tình trạng bệnh và tùy thuộc vào từng người bệnh cụ thể. Bạn có thể được điều trị bằng thuốc, tức là bằng nội khoa đơn thuần hoặc kết hợp với can thiệp thủ thuật, phẫu thuật. Thông thường, chỉ định can thiệp bằng phẫu thuật sẽ được đặt ra khi đã điều trị tích cực bằng nội khoa mà không cải thiện. Ngày nay, với kỹ thuật nội soi, phẫu thuật để chữa viêm xoang mãn tính đã tiến bộ hơn rất nhiều, nhẹ nhàng hơn rất nhiều với tiêu chí “can thiệp tối thiểu, hiệu quả tối đa”. Cho nên, nếu nghe bác sĩ phán “phải mổ” thì bạn cũng đừng nên lo lắng quá.
Bạn có thể xem thêm:
Viêm xoang cấp tính tái diễn – Một trong các loại viêm xoang khó điều trị:
Viêm xoang cấp tính tái diễn là một trong các loại viêm xoang “khó ưa”. Bệnh cứ tái đi tái lại rất nhiều lần trong năm (trên 4 lần/năm) và mỗi lần như vậy kéo dài không quá 2 tuần. Kiểu viêm này thường gặp ở những người có “cơ địa” như viêm mũi dị ứng và hen suyễn. Khi thời tiết thay đổi, môi trường ô nhiễm, hít phải dị nguyên như bụi nhà, phấn hoa, nấm mốc, lông thú nuôi… thì niêm mạc mũi sẽ bị viêm dị ứng, phù nề, bít tắc, tạo điều kiện cho nhiễm trùng xoang. Bệnh khó được điều trị dứt điểm, do đó, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình điều trị của bác sĩ, tuyệt đối không bỏ dở giữa chừng. Ngoài ra, việc phát hiện sớm và điều trị sớm cũng có thể giúp ngăn ngừa những biến chứng không mong muốn.
2. Các loại viêm xoang được phân loại dựa trên vị trí của xoang viêm
Vì các xoang luôn nằm đối xứng ở 2 nửa bên mặt, tức là, mỗi loại xoang chúng ta đều có 2 cái, bên phải và bên trái. Do được đặt tên theo tên của cái xương mà chúng đang “ở” nên ta sẽ có các thể loại viêm như sau:
Viêm xoang sàng:
Xoang sàng nằm trong xương sàng. Nó bao gồm những hốc nhỏ như dạng “tổ ong”, tuy nhiên nó không được “đều tăm tắp” như thế. Vị trí nằm tương ứng với khoảng giữa 2 hốc mắt, chạy từ trước ra sau, dọc theo “trần” của khoang mũi và sát dưới nền sọ (tất nhiên là bao hàm cả bên phải và bên trái). Mặc dù xoang sàng là xoang nhỏ nhất trong các xoang, nhưng do cấu tạo phức tạp nên xoang sàng dễ bị viêm. Hơn nữa, theo vị trí giải phẫu, người ta còn chia các “tế bào” sàng ra thành 2 nhóm, trước và sau. Vì vậy mà viêm xoang sàng cũng được “gọi tên” rất cụ thể, trước hay sau, phải hay trái.
- Viêm xoang sàng trước: Một hoặc nhiều “tế bào” trong nhóm sàng trước bị viêm. Các dấu hiệu và triệu chứng cũng thiên về phía trước như đau vùng gốc mũi giữa 2 hốc mắt, nghẹt mũi, đọng dịch nhầy mủ ở khe mũi giữa và sàn mũi do lỗ đổ của nhóm này nằm ở khe giữa.
- Viêm xoang sàng sau: Nhóm “tế bào” phía sau bị viêm nên các dấu hiệu và triệu chứng cũng “ngả” ra sau. Dịch nhầy viêm đổ vào khe mũi trên rồi chảy xuống họng, gây đau họng, vướng họng khiến người bệnh phải khịt khạc liên tục. Đau sâu trong hốc mắt, nhức ở đỉnh đầu, vai gáy và nhìn mờ nếu viêm lan đến dây thần kinh thị giác. Vì có chút ảnh hưởng đến thần kinh nên có thể bị khó ngủ, kém tập trung và suy giảm trí nhớ.
Nếu bị viêm cả sàng trước và sau thì triệu chứng sẽ “tổng hợp” hơn, khó chịu hơn. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị ù tai, chóng mặt, hoa mắt, suy nhược…
Viêm xoang sàng ở trẻ em cần phải được theo dõi chặt chẽ vì các thành vách của xoang sàng lúc này rất mỏng, dễ bị phá vỡ bởi viêm, dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm về mắt, về não.
Do cấu tạo đặc thù và phức tạp, viêm xoang sàng luôn có xu hướng tiến triển dai dẳng, dễ chuyển sang giai đoạn mãn tính. Do đó, điều quan trọng là cần sớm phát hiện và điều trị tích cực.
Bạn có thể xem thêm:
Viêm xoang trán:
Xoang trán nằm ở vùng trán, phía trong trên hốc mắt. Đây là xoang nằm ở vị trí cao nhất trong các xoang mặt, ngang ngay trên đầu chân mày. So với các loại xoang khác, viêm xoang trán thường đi kèm với viêm xoang sàng trước vì chúng hay “chen chân” với nhau và cùng đổ ra phần ngách rất hẹp ở phía trước của khe mũi giữa. Khi bị viêm, chúng sẽ “lây” qua nhau. Viêm xoang trán gây đau nhức vùng giữa trán, lan sang thái dương, đau hốc mắt và nhức đầu dai dẳng. Dịch mủ nhầy đọng ở ngách trán, vùng trước khe mũi giữa. Trong giai đoạn viêm cấp, có thể vùng trán hơi nề nhẹ, ấn đau. Vì xoang trán rất rộng nhưng đường thoát của dịch lại là một cái ống hẹp, đôi khi lại bị các “tế bào” sàng – trán chèn ép nên dẫn lưu xoang cực kém. Hơn nữa, toàn bộ thành sau của nó áp sát màng não cứng nên khi có viêm, dịch nhầy mủ ứ đọng sẽ dễ “thẩm lậu” qua vách xương mỏng để vào nội sọ, gây biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng như viêm và áp xe não -màng não, viêm tắc tĩnh mạch hang…
Vậy nên, khi bị viêm xoang trán, nên đi khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Bạn có thể xem thêm:
Viêm xoang bướm:
Xoang bướm nằm trong thân của xương bướm. Nó ở phía sau nhất và sâu nhất trong số các xoang mũi. Vì xoang bướm nằm ngay dưới sàn sọ nên có liên quan “mật thiết” với xoang tĩnh mạch hang, dây thần kinh thị giác và động mạch cảnh trong. Ta có thể thấy “dấu ấn” của những “vị” này trên thành ngoài của xoang bướm. Như vậy, do nó nằm ở vị trí nguy hiểm nên sẽ rất “hiểm nguy” một khi nó viêm và gây biến chứng.
Với vị trí sâu, gần như nằm “giữa đầu”, nên các triệu chứng cũng “thâm trầm”, nặng nề một cách “kín đáo”. Tùy theo giai đoạn tiến triển, các triệu chứng có thể bao gồm:
- Nghẹt mũi nhẹ
- Chảy nước mũi dịch nhầy mủ xuống họng
- Đau sâu giữa 2 hốc mắt, trên đỉnh đầu, lan ra thái dương và phía sau gáy
- Giảm khứu giác, giảm thị lực
- Hơi thở hôi
Nhìn chung, các triệu chứng viêm xoang bướm về cơ bản, cũng “na ná” như các viêm xoang khác nhưng đôi khi nó cũng “nghèo nàn” lắm, gây nhiều khó khăn cho chẩn đoán lâm sàng. Có người thì chỉ thấy nhức đầu kiểu như “không rõ nguyên nhân”, có người thì chỉ thấy hay vướng đờm họng mũi làm cho phải khịt khạc liên tục… chỉ đến khi có đe dọa biến chứng mới phát hiện ra. Vì thế, nếu thấy “có vấn đề”, tuy vẫn chịu đựng được thì bạn cũng nên đi khám, chụp phim CT để phát hiện và điều trị sớm nếu có, tránh những rủi ro biến chứng.
Bạn có thể xem thêm:
Viêm xoang hàm trên:
Khi nhắc đến các loại viêm xoang, không thể không đề cập viêm xoang hàm vì loại viêm này quá phổ biến. Xoang hàm nằm trong xương hàm trên, thường có kích thước lớn nhất trong các xoang. Thành trên của xoang hàm cũng là xương sàn của hốc mắt. Lỗ đổ của xoang nằm ngay “trung tâm” của khe mũi giữa. Đây là xoang ở thấp nhất và “gần” mũi nhất nên dễ bị nhiễm trùng nhất.
Người bị viêm xoang hàm thường có những biểu hiện như:
- Đau nhức vùng mặt, nhất là hai bên má, khi ấn vào rãnh mũi má thấy đau nhiều
- Có thể sưng nề quanh mắt và má
- Đôi khi có đau đầu
- Nghẹt mũi nhiều
- Chảy mũi, dịch mũi có thể có mùi hôi
Nguyên nhân chủ yếu gây viêm xoang hàm là do nhiễm trùng từ mũi. Ngoài ra, các vấn đề về răng miệng như sâu răng, nhiễm trùng cuống răng… cũng có thể gây viêm xoang mủ do răng. Nếu không được điều trị, viêm xoang hàm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như áp-xe ổ mắt, viêm lan sang các xoang khác, suy giảm trí nhớ, viêm tắc tĩnh mạch xoang…
Bạn có thể xem thêm:
Viêm đa xoang:
Viêm đa xoang là tình trạng viêm cùng lúc của nhiều xoang khác tên trong hệ thống hàm – sàng – trán – bướm. Nguyên nhân viêm đa xoang có thể xuất phát từ một xoang bị nhiễm khuẩn rồi lây sang các xoang khác hoặc do các yếu tố có ảnh hưởng toàn thân như dị ứng, bệnh hệ thống, ô nhiễm môi trường, tiểu đường, suy nhược cơ thể, suy giảm đề kháng…
Triệu chứng của viêm đa xoang là tổng hòa của các loại viêm xoang khác. Những biểu hiện chung nhất là:
- Chảy mũi, có thể màu xanh hoặc vàng, đôi khi lẫn máu hoặc mủ
- Nhức đầu thường xuyên
- Đau nhức vùng thái dương, trán, xung quanh mắt, đỉnh đầu và lan ra vùng sau gáy
- Có thể kèm theo giảm thị lực và khứu giác
- Mệt mỏi, chán ăn
- Có thể có sốt nhẹ
- Hay khịt khạc do vướng đờm
Viêm đa xoang, nếu để lâu có thể gây viêm tai giữa, viêm họng, viêm thanh quản, viêm giãn phế quản. Khi các xoang bị viêm dai dẳng và niêm mạc bị thoái hóa nặng nề do vi khuẩn, vi nấm thì tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng trầm trọng.
Do đó, “viêm xoang” nghe đâu đó như “chuyện thường ngày ở huyện”, rằng “chưa tới mức phải xoắn lên” nhưng cần nhớ một điều là nếu điều trị sớm thì sẽ “nhẹ nhàng” và niêm mạc xoang sẽ hồi phục tốt để “thực thi nhiệm vụ”, nếu điều trị quá muộn thì dù có nỗ lực tới đâu đi chăng nữa, niêm mạc xoang vẫn không thể “tỉnh lại”.
Bạn có thể xem thêm:
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn phân biệt được các loại viêm xoang khác nhau.
[embed-health-tool-heart-rate]