backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Xốp xơ tai là bệnh gì? Những điều bạn cần biết trước khi điều trị

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKII Vũ Hải Long · Tai - Mũi - Họng · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 30/05/2022

    Xốp xơ tai là bệnh gì? Những điều bạn cần biết trước khi điều trị

    Nếu như một ngày nào đó, bạn cảm thấy không gian sống hình như ngày càng trở nên im ắng hơn một cách bất thường trong khi tai mình vẫn “bình thường’ thì hãy lưu tâm, có thể mình đang mắc một chứng bệnh diễn biến âm thầm làm suy giảm thính lực từ từ, đó là bệnh “xốp xơ tai’. 

    Xốp xơ tai còn được gọi là xơ cứng tai. Đây là một tình trạng bệnh lý xảy ra ở phần vỏ xương của mê nhĩ khiến xương bàn đạp ở tai giữa bị hạn chế cử động, làm cho sóng âm thanh không thể truyền đầy đủ vào tai trong để chuyển thành tín hiệu điện đi lên trên não, dẫn đến hiện tượng nghe kém, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, học tập và làm việc, làm giảm chất lượng cuộc sống.

    Triệu chứng nghe kém của xơ cứng tai thường dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý về tai khác. Nguyên nhân gây ra tình trạng xơ cứng này vẫn chưa được xác định rõ ràng. Vì vậy, bài viết sau của Hello Bacsi sẽ tổng hợp những thông tin chi tiết hơn về bệnh xốp xơ tai để bạn tham khảo. Việc tìm hiểu sẽ giúp ích phần nào cho bạn nếu thấy mình cần phải đi kiểm tra thính lực cũng như tìm hiểu cách chữa trị khi chẳng may bị mắc chứng bệnh này.

    Xốp xơ tai là bệnh gì?

    Thính giác là một trong những giác quan quan trọng của cơ thể. Cấu tạo của cơ quan thính giác này bao gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài bao gồm vành tai và ống tai, trong đó vành tai giữ vai trò hứng và định hướng sóng âm rồi dẫn sóng âm đi vào ống tai để tới màng nhĩ. Phân đoạn này là phân đoạn tai ngoài. Khi màng nhĩ rung lên dưới tác động của sóng âm thì những rung động đó được truyền vào chuỗi xương con nối tiếp nhau được gắn vào nó là xương búa rồi tới xương đe và sau cùng là xương bàn đạp. Xương bàn đạp là xương nhỏ bé nhất trong cơ thể và được tiếp nối với dịch thể của tai trong qua một cái “khớp’ rất “uyển chuyển’ ngay tại cửa sổ xương hình bầu dục của mê nhĩ. Hệ thống màng nhĩ và chuỗi xương con này nằm trong tai giữa. Các xương con này được đặt tên theo hình dạng của chúng và chúng được nối với nhau bởi các khớp, có các dây chằng và cơ nhỏ bám vào. Cấu trúc của chuỗi xương theo kiểu “đòn bẩy’ cùng với sự chênh lệch về diện tích giữa màng nhĩ và cửa sổ bầu dục, có tác dụng khuếch đại năng lượng sóng âm, làm cho năng lượng này tăng thêm được khoảng 30dB. Phân đoạn này là phân đoạn tai giữa. Khi đế xương bàn đạp rung lên, nó như một cái pít tông ấn ép vào dịch thể ở tai trong làm cái màng của cửa sổ tròn phồng ra. Sự lệch pha của hai cửa sổ này sẽ “tạo sóng’ trong ngoại dịch và nội dịch của tai trong, làm rung động màng đáy ngăn cách chúng mà trên màng này là cơ quan cảm nhận, có nhiệm vụ biến đổi “sóng nước’ đó thành tín hiệu điện để truyền lên não bộ qua dây thần kinh thính giác. Phân đoạn này là phân đoạn tai trong. Ở phân đoạn này, năng lượng rung động của chuỗi xương con khi truyền vào môi trường nước đã bị yếu đi khoảng 30dB. Như vậy, năng lượng sóng âm ở môi trường không khí trong tai ngoài, sau khi đi qua tai giữa để vào đến tai trong đã trở về được giá trị thực của nó. Do đó mà não bộ của chúng ta cảm nhận được âm thanh rất thật từ môi trường bên ngoài. Quá trình lan truyền của sóng âm từ tai ngoài vào tai trong được gọi là chặng “dẫn truyền’, quá trình chuyển đổi thành tín hiệu điện ở tai trong để dẫn lên trên não được gọi là chặng “tiếp nhận’.

    Trong bệnh xốp xơ tai, sự rối loạn chuyển hóa xương tại vùng cửa sổ bầu dục đã làm cho đế xương bàn đạp bị dính với viền xương của cửa sổ bầu dục và bị “mắc kẹt’. Khi xương bàn đạp không thể rung lên được sẽ cản trở sóng âm thanh truyền đến tai trong, dẫn đến suy giảm thính lực.

    Bình thường, trong cơ thể luôn luôn diễn ra quá trình hủy những “xương già’ và thay thế vào đó là những “xương mới’ do hủy cốt bào và tạo cốt bào thực hiện một cách cân bằng. Trong bệnh xốp xơ tai, có diễn ra quá trình hủy xương quá mức do mô bào và cốt bào bị rối loạn chuyển hóa gây tiết ra nhiều men thủy phân, tạo nên những ổ khuyết xương trống “xốp’. Lẽ ra, những ổ trống đó sẽ được tái lấp, thay vì bằng xương mới thì lại là những mô xơ do quá trình cốt hóa “nửa vời’. Những ổ xốp xơ này có thể xuất hiện ở những vị trí khác nhau trên vùng vỏ xương của mê nhĩ. Có những vị trí thì “vô hại’, có những vị trí thì “tai hại’. Vị trí ở ngay cửa sổ bầu dục, nơi có xương bàn đạp “ấn’ vào là “tổn hại’ nhất, gây điếc dẫn truyền. Có những ổ xốp xơ đang hoạt động, có những ổ xốp xơ thì nằm im như “hóa thạch’. Khi ổ xốp xơ hoạt động và “xâm chiếm’ vào “nội địa’ của tai trong thì gây nên thêm cả điếc tiếp nhận và tình trạng điếc này không thể khắc phục. Vừa điếc dẫn truyền, vừa điếc tiếp nhận thì được gọi là điếc hỗn hợp. Những “bất thường’ này có thể xảy ra chỉ ở một bên hoặc cả hai bên tai.

    Nguyên nhân gây ra xốp xơ tai

    nguyên nhân xốp xơ tai

    Nguyên nhân chính xác gây ra chứng xốp xơ tai vẫn còn là một bí ẩn, chưa thể xác định rõ và còn dừng ở mức độ các “giả thuyết’. Một số nghiên cứu chỉ có thể đưa ra các yếu tố nguy cơ dường như có liên quan gây ra tình trạng này, bao gồm:

    • Xơ cứng tai do di truyền: Đây là chứng bệnh di truyền gene trội, không hoàn toàn với nhiễm sắc thể bình thường. Có khoảng 60% rối loạn này có xu hướng xảy ra trong gia đình
    • Rối loạn nội tiết: Rối loạn chuyển hóa tuyến dưới đồi, tác động lên tuyến cận giáp gây rối loạn quá trình hủy và tạo xương
    • Rối loạn vận mạch tại chỗ xung quanh khớp bàn đạp – tiền đình
    • Liên quan tới đường rò mê đạo bẩm sinh, thường ở rãnh trước cửa sổ bầu dục
    • Do các tiêu thể trong hủy cốt bào bị phá vỡ, giải phóng ra men thủy phân gây tiêu xương thành những ổ xốp và được lấp lại bằng mô xơ 
    • Chủng tộc người da trắng hay bị nhiều hơn người da màu. Phụ nữ có nguy cơ bị xốp xơ tai nhiều hơn nam giới, đặc biệt là khi mang thai
    • Người bị rối loạn miễn dịch, tự miễn. Có sự tăng kháng thể kháng collagen type 2 và kháng thể kháng lại lớp sụn nguyên thủy trong thành mê nhĩ xương. 
    • Do quá trình tạo xương “nửa vời’, hủy xương và xơ hóa chứ không tạo nên xương hoàn chỉnh. Người mắc bệnh xương thủy tinh (bệnh giòn xương) thường có nguy cơ cao mắc chứng xơ cứng tai
    • Một số bằng chứng cho thấy uống nước không chứa fluor có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng xốp xơ tai ở những người nhạy cảm
    • Việc nhiễm virus gây bệnh sởi có thể góp phần phát triển chứng xơ cứng tai. Người ta đã phân lập được RNA của virus sởi ở các ổ xốp xơ đang hoạt động trong 80% các trường hợp. Do đó, bạn có thể có nguy cơ mắc chứng này nếu đã từng bị bệnh sởi trước đó.

    Triệu chứng xốp xơ tai (xơ cứng tai)

    Xốp xơ tai thường được phát hiện ở những người trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 30. Ban đầu, xơ cứng tai có thể xảy ra ở một bên tai nhưng sau đó thường ảnh hưởng đến cả tai còn lại. Các triệu chứng mà người bệnh có thể cảm nhận được bao gồm:

    • Mất thính lực dần dần. Thời gian đầu là nghe kém kiểu dẫn truyền, sau đó diễn tiến tới nghe kém hỗn hợp. Gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp.
    • Người bệnh thường khó nghe những âm thanh thâm trầm và khó nghe được những tiếng thì thầm
    • Chóng mặt, ù tai khiến bạn có thể nghe thấy tiếng vo ve, tiếng rít, tiếng gầm… trong tai hoặc trong đầu.

    Đôi khi, chứng xốp xơ tai có thể khiến bạn thấy dễ nghe, nhất là đối với âm thanh cao như giọng trẻ con, giọng phụ nữ khi môi trường xung quanh đang ồn ào. Ngoài ra, bạn còn có thể cảm thấy giọng nói của chính mình to hơn nên có xu hướng tự điều chỉnh cho giọng nói nhỏ nhẹ hơn. Đây thường là những triệu chứng đặc trưng để phân biệt bệnh xốp xơ tai với những dạng mất thính lực khác, nhưng khi tổn thương đã lan vào sâu trong ốc tai thì những dấu hiệu này không còn nữa.

    Phương pháp chẩn đoán bệnh xốp xơ tai

    Nếu khả năng nghe của bạn ngày càng kém, kèm theo ù tai trong khi vẫn thấy cái tai của mình “bình thường’, không đau nhức, không chảy nước thì có thể nghĩ đến trường hợp mình bị mắc chứng xốp xơ tai. Cách tốt nhất là bạn nên đi khám tại các bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ soi tai để tìm điểm hồng đặc trưng ở góc sau trên của màng nhĩ. Kiểm tra thính lực bằng máy để tìm dấu hiệu mất nghe đặc trưng ở tần số 2000Hz, kiểm tra phản xạ của cơ bàn đạp… chụp CT xương thái dương để tìm các vùng sáng quanh mê nhĩ xương, các ổ xốp xơ, hình ảnh dày đế xương bàn đạp. Ngoài ra, các bác sĩ cũng chẩn đoán phân biệt với những bệnh lý về tai khác trước khi đưa ra quyết định điều trị.

    Điều trị bệnh xốp xơ tai như thế nào?

    điều trị xốp xơ tai

    Tùy theo từng trường hợp cụ thể. Nếu bị xốp xơ tai nhưng không gây ảnh hưởng nhiều đến thính lực và bệnh chỉ dừng lại ở đó, không tiến triển thêm thì không cần điều trị. Ngược lại, nếu mức độ suy giảm khả năng nghe là đáng kể hoặc càng ngày càng “nặng tai’ thì bạn có thể cần phải được chữa trị hoặc hỗ trợ khả năng nghe. Các lựa chọn bao gồm:

    1. Thuốc hỗ trợ làm giảm sự hủy xương và tăng tạo xương

    Một số nghiên cứu đã gợi ý rằng bổ sung florua, canxi và vitamin D có thể làm chậm sự tiến triển của chứng xốp xơ tai. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn còn gây tranh cãi và chưa có bằng chứng rõ ràng về hiệu quả.

    2. Phẫu thuật điều trị

    Khi có chỉ định điều trị bằng phẫu thuật, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn. Hiệu quả của phẫu thuật có thể đạt tới 90% các trường hợp. Có hai phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng là kỹ thuật “mở đế xương bàn đạp’ có sử dụng trụ dẫn bằng vật liệu nhựa Teflon hoặc kim loại Titanium và kỹ thuật “thay thế xương bàn đạp’ có sử dụng vật liệu thay thế là gốm y sinh học hoặc xương đồng chủng. Phần được cấy ghép vào tai của bạn có thể truyền dẫn những xung động từ các xương con còn lại vào tai trong để duy trì sự “liền lạc’ của chặng dẫn truyền.

    Mặc dù hầu hết các trường hợp phẫu thuật điều trị xốp xơ tai đều thành công nhưng đôi khi vẫn có những rủi ro xảy ra. Nếu có biến chứng sau phẫu thuật, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng và phiền toái sau đây:

    • Khả năng nghe kém hơn hoặc mất hoàn toàn do chấn thương tai trong bởi dụng cụ phẫu thuật, do vật liệu đặt sai vị trí (rất hiếm)
    • Mất vị giác do chạm thương dây thần kinh thừng nhĩ (thường là tạm thời)
    • Tình trạng ù tai có thể nặng hơn do phù nề sau mổ
    • Chóng mặt do chạm thương tiền đình (thường là tạm thời)
    • Liệt mặt do chạm thương dây thần kinh mặt (rất hiếm)
    • Nhiễm trùng gây viêm mê nhĩ

    Thực tế, phẫu thuật luôn là phương pháp tiềm ẩn rủi ro dù là rất nhỏ. Vì vậy, điều quan trọng là bạn nên thảo luận trước với bác sĩ về những lựa chọn điều trị và những nguy cơ tiềm ẩn trước khi phẫu thuật. Việc cân nhắc kỹ càng sẽ giúp bạn xác định quyết tâm và tránh được hoang mang khi đối diện với rủi ro nếu có.

    3. Dùng máy trợ thính

    Đây là thiết bị khuếch đại âm thanh nên có thể giúp ích cho người khiếm thính trong việc giao tiếp. Nếu bạn mất thính lực do xốp xơ tai và không thể phục hồi thì lựa chọn tốt nhất là dùng máy trợ thính.

    Máy trợ thính được dùng trong trường hợp không thể phẫu thuật do có chống chỉ định hoặc do nơi đó chưa có phát triển kỹ thuật mổ này hoặc do sau mổ không cải thiện sức nghe. Việc lựa chọn máy trợ thính cho phù hợp cần phải có sự tư vấn của những chuyên viên thính học có kinh nghiệm.

    Lưu ý gì sau khi phẫu thuật điều trị xốp xơ tai?

    Nhiều bệnh nhân thường được tư vấn lựa chọn phương pháp phẫu thuật sớm để cải thiện sức nghe mà không phải phụ thuộc vào máy trợ thính. Sau phẫu thuật, khi tai chưa lành cần tránh để bị nhiễm trùng tai, tránh gây áp lực vào tai và tránh tiếp xúc với tiếng ồn để giảm thiểu nguy cơ gặp biến chứng. Sau đây là một số lưu ý để bảo vệ tai, bao gồm:

    • Tránh tiếp xúc với tiếng ồn lớn
    • Tránh xì mũi quá mạnh
    • Tránh nhiệt độ lạnh
    • Tránh tiếp xúc với người có bệnh truyền nhiễm về hô hấp
    • Tránh di chuyển bằng máy bay
    • Tránh đi bơi, lặn.

    Cuối cùng, điều quan trọng là bạn nên đến bệnh viện khám ngay nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào sau phẫu thuật xốp xơ tai. Các triệu chứng cảnh báo biến chứng hoặc nhiễm trùng bao gồm đau tai, chóng mặt, sốt…

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKII Vũ Hải Long

    Tai - Mũi - Họng · Bệnh viện Nhân dân 115


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 30/05/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo