Ráy tai là một tình trạng sinh lý bình thường của cơ thể. Tùy thuộc vào cơ địa, hệ gene, môi trường sống… mà tính chất ráy tai của mỗi người sẽ khác nhau. Dẫu vậy, nhiều người vẫn lo lắng không biết ráy tai ướt có sao không?
Để hiểu rõ ráy tai ướt có tốt không, cách làm sạch an toàn như thế nào, khi nào ráy tai ướt là bất thường, mời bạn tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi.
Ráy tai là gì?
Ráy tai là một chất sáp bên trong tai do các tuyến trong ống tai (tuyến bã nhờn và tuyến ráy tai) sản xuất ra. Mục đích của ráy tai là bảo vệ vùng niêm mạc bên trong tai, duy trì độ pH phù hợp, tránh tình trạng tai bị khô và phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng.
Hơn nữa, ráy tai cũng hoạt động như một lớp lót chống thấm cho ống tai. Đồng thời, với cơ chế tự đào thải ráy tai một cách tự nhiên của cơ thể, ráy tai giúp mang các tế bào da chết và các mảnh vụn bụi bẩn, vi khuẩn khác ra khỏi ống tai.
Ráy tai chứa chủ yếu là bã nhờn – tế bào da chết và lông kết hợp với một số chất khác nhau, bao gồm keratin, axit béo chuỗi dài, este sáp, cholesterol, squalen…
Giải đáp thắc mắc: Ráy tai ướt có sao không?
Nhiều người nhận ra rằng ráy tai của bản thân có dạng ướt, nhão trong khi ráy tai của những người khác lại khô. Điều này làm dấy lên thắc mắc: Ráy tai ướt có bình thường không? Ráy tai ướt có sao không?
Thực tế, ráy tai được phân thành hai kiểu: ráy tai ướt và ráy tai khô. Ráy tai ướt là sản phẩm bài tiết của tuyến đầu tiết ráy tai (ceruminous apocrine gland) với màu vàng hoặc nâu đặc trưng. Trong khi đó, ráy tai khô tượng trưng cho tình trạng thiếu hoặc giảm tiết ráy tai.
Loại ráy tai mà cơ thể bạn tiết ra phụ thuộc vào đặc điểm di truyền, cụ thể là phụ thuộc vào biến thể của gene ABCC11. Những người có biến thể trội thường có ráy tai ướt. Và ngược lại, người có biến thể lặn thường có ráy tai khô, bong tróc.
Có thể thấy, ráy tai ướt chỉ là một kiểu ráy tai bình thường, không phải dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm. Do đó, bạn không cần quá lo lắng. Nghiên cứu còn cho thấy, có 80–95% những người gốc Đông Á có ráy tai khô, trong khi ráy tai ướt phổ biến ở những người gốc châu Âu và châu Phi.
Không ít trường hợp gặp phải tình trạng ráy tai ướt, màu vàng, mềm, dính. Đừng hoang mang, vì đây là dấu hiệu của ráy tai tốt, cho thấy sức khỏe tai của bạn vẫn đang ổn định, không bị nhiễm trùng tai.
Mách bạn cách làm sạch ráy tai ướt
Thực chất, ráy tai ướt có thể được đào thải một cách tự nhiên khi bạn cử động hàm, nói chuyện, nhai hoặc ngáp. Do đó, trong hầu hết các trường hợp, ráy tai không cần được đặc biệt loại bỏ. Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm cách làm sạch ráy tai ướt an toàn, thì những hướng dẫn dưới đây có thể hữu ích.
Cách tốt nhất để giữ cho đôi tai khỏe mạnh và sạch sẽ là vệ sinh tai bằng nước ấm và khăn mềm khi đang tắm để rửa sạch ráy tai đang được đào thải ra khỏi ống tai. Đây là biện pháp nhẹ nhàng nhất.
Trong trường hợp ráy tai ướt tích tụ quá nhiều, bạn cũng có thể thử cách làm sau:
- Nằm nghiêng một bên sao cho tai cần làm sạch hướng lên trên.
- Sau đó, nhỏ một vài giọt oxy già hoặc dầu khoáng hoặc dầu trẻ em vào mỗi tai. Lưu ý rằng oxy già có thể làm khô vùng da mỏng manh của ống tai.
- Để yên trong khoảng 5 phút để chất lỏng thấm vào và làm mềm ráy tai, từ đó giúp rửa sạch ráy tai dễ dàng hơn.
- Nghiêng đầu sang bên ngược lại, chất lỏng sẽ kéo theo ráy tai chảy ra ngoài. Lúc này, bạn có thể dùng khăn giấy sạch để lau tai.
Lưu ý
- Ráy tai chỉ hình thành ở ⅓ ống tai tính từ ngoài vào trong. Do đó, bạn không nên sử dụng tăm bông hay các vật có chi tiết sắc nhọn để tự lấy ráy tai.
- Tránh dùng đèn soi tai hoặc bộ dụng cụ hút chân không vì chúng có thể dẫn đến chấn thương hoặc bỏng ống tai.
Ráy tai bất thường và bệnh lý liên quan
Nhìn chung, ráy tai bị ướt thường có màu vàng hoặc màu nâu nhạt. Trong trường hợp ráy tai có những biểu hiện bất thường sau đây thì có thể đó là dấu hiệu của một căn bệnh tiềm ẩn:
- Ráy tai có mùi hôi: Đây có thể là dấu hiệu của một số loại nhiễm trùng. Một số loại vi khuẩn phát ra mùi hôi, khiến ráy tai cũng có mùi khó chịu không kém. Nhiễm trùng tai nghiêm trọng có thể gây tổn thương tai giữa.
- Ráy tai chảy dịch: Tình trạng này khác với ráy tai ướt. Ráy tai chảy nước có thể do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như viêm tai ngoài, nhiễm trùng tai giữa, ống tai bị thương, thủng màng nhĩ…
- Ráy tai màu xanh: Đây là dấu hiệu của nhiễm trùng tai.
- Ráy tai có lẫn máu: Điều này có thể chỉ ra một chấn thương bên trong ống tai. Nếu dịch chảy ra có chất lỏng thì rất có thể là bạn đã bị thủng màng nhĩ.
- Ráy tai quá nhiều: Quá nhiều ráy tai tích tụ trong ống tai có thể do cấu trúc ống tai dốc lên thay vì hướng xuống hoặc thẳng ngang, hoặc ống tai hẹp, hoặc có tiền sử phẫu thuật tai. Ngoài ra, căng thẳng có thể làm tăng sản xuất ráy tai.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được ráy tai ướt có sao không và cách xử lý khi ráy tai bị ướt là gì.
[embed-health-tool-heart-rate]