Chất ráy là một phần của hệ thống bảo vệ tự nhiên, nó tạo thành lớp màng để “bẫy” vi khuẩn và bụi bẩn, giúp bảo vệ cấu trúc bên trong tai. Tuy nhiên, nếu cục ráy tai to, gây tắc nghẽn sẽ dẫn đến nhiều vấn đề phiền toái. Tình trạng này còn được gọi là nút ráy tai.
Vậy nút ráy tai là gì và được hình thành ra sao? Làm thế nào để loại bỏ nó? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé!
Nút ráy tai là gì?
Ống tai được hình thành từ rãnh ngoài của khe mang thứ nhất trong thời kỳ phôi thai, nó là một ống kín có đáy là màng nhĩ, được bao phủ bởi lớp da. Lớp da này rất mỏng khi nó lát trên phần xương phía trong và dày khi nó lát trên phần sụn của ống tai ở phía ngoài. Phần da phía ngoài này có nang lông, tuyến bã, tuyến tiết ráy. Chất ráy tiết ra có dạng dầu sáp mỏng, bao phủ lên bề mặt của lớp biểu mô da gọi là ráy tai, được phân thành 2 loại khô và ướt phụ thuộc vào lượng chất béo có trong nó. Ráy tai có tính axit nhẹ và không thấm nước nên đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ da ống tai và màng nhĩ, từ đó gián tiếp bảo vệ các cấu trúc của phần tai phía trong. Chúng tựa như một cái “bẫy” để giữ lại những tác nhân gây hại như bụi bẩn, vi khuẩn, vi nấm… ngăn chặn không cho nước và những tác nhân này xâm nhập vào bên trong da, gây viêm nhiễm.
Biểu mô của da ống tai được thay mới thường xuyên theo chiều từ trong ra, theo đó, các tế bào chết sẽ được đẩy dần ra phía ngoài. Ở phần ngoài của ống tai, lớp ráy bám trên biểu mô cũng bong tróc theo những tế bào chết này để dịch chuyển ra cửa ống tai nhờ những “rung chấn” của ống tai khi ta nói hoặc cử động hàm. Ráy tai càng dịch chuyển ra phía ngoài thì càng bị khô đi và sẽ tự rớt khỏi tai mà không cần bất cứ can thiệp nào từ “thân chủ”. Vì vậy, động tác lấy ráy tai bằng tăm bông hay các dụng cụ khác, về cơ bản là không cần thiết.
Ở một số người, do một nguyên nhân nào đó, ráy tai không tự rớt ra ngoài được và dần tích tụ thành cục ráy tai to (hay còn gọi là nút ráy tai) làm bít tắc ống tai, dẫn đến nghe kém, ù tai, ngứa rát và sưng đau tai do viêm nhiễm.
Tại sao ráy tai lại tích tụ thành nút ráy?
Sự tăng chế tiết của tuyết ráy, sự cản trở chức năng tự làm sạch của ống tai sẽ làm cho ráy bị tích tụ, dẫn đến hình thành nút ráy. Trong nút ráy sẽ bao gồm chất ráy, các tế bào biểu mô chết, bụi bẩn… Có những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ sau đây:
- Thường xuyên sử dụng các dụng cụ gây cản trở ở ống tai như máy trợ thính, tai nghe dạng nhét vào ống tai, nút bịt tai
- Cơ địa có quá nhiều lông trong ống tai
- Cơ địa ráy tai khô và cứng
- Mắc một số bệnh về da như chàm, vảy nến vùng tai
- Có dị tật ống tai, gây cản trở việc loại bỏ ráy tai tự nhiên
- Thói quen làm sạch tai bằng tăm bông không đúng cách
- Người trên 55 tuổi
- Người thiểu năng tâm thần
Mặc dù nút ráy tai có thể hình thành ở bất kỳ đối tượng nào, nhưng trẻ em và người lớn tuổi thường dễ mắc phải tình trạng này nhất, đặc biệt là ở trẻ nhỏ nếu phụ huynh vệ sinh tai cho con không đúng cách.
Tìm hiểu thêm
Những dấu hiệu và triệu chứng tắc nghẽn tai do nút ráy tai
Khi ống tai bị bít tắc do nút ráy quá lớn sẽ gây ra những triệu chứng như:
- Cảm giác đầy ứ bên trong lỗ tai
- Ù tai
- Giảm thính lực dần theo thời gian
- Ngứa bên trong tai
- Đau tai
Ráy tai có mùi hôi
- Chóng mặt
- Ráy tai có mùi hôi
Cần làm gì khi có nút ráy tai?
Khi nghi ngờ bị nút ráy trong ống tai, cần đi khám chứ không được tự ý cố lấy bằng mọi cách.
Sau khi thăm khám và đánh giá, nếu có thể giải quyết được tại chỗ thì bác sĩ sẽ tiến hành lấy bỏ nút ráy bằng những dụng cụ chuyên dùng như thìa, móc, dung dịch hỗ trợ và máy hút. Mọi thao tác đều phải khéo léo, chuẩn xác để vừa lấy hết được nút ráy, vừa không làm tổn thương màng nhĩ và da ống tai.
Những trường hợp do nút ráy quá lớn, khô cứng và bít tắc hoàn toàn, nguy cơ gây tổn thương ống tai nếu cố lấy trong lần đầu thì bác sĩ có thể cho dùng những dung dịch để làm mềm và tan rã nút ráy trong một vài ngày, sau đó sẽ hút rửa làm sạch ống tai. Một số loại dung dịch nhỏ tai như Cerulyse, nước muối sinh lý, glycerin, dầu em bé, dầu khoáng, nước oxy già, carbamide peroxide có thể được dùng để xử lý nút ráy nhưng nên tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Một số trường hợp, đặc biệt là trẻ nhỏ, không có khả năng hợp tác, các bác sĩ có thể phải tiến hành gây mê để lấy bỏ nút ráy tai “cứng đầu”, nhằm tránh những biến chứng do nút ráy gây ra cho bé.
Nếu có tiền sử hay bị nút ráy, nên đi khám định kỳ, tránh để lâu mà gây ra biến chứng viêm nhiễm. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn cách vệ sinh tai sao cho đúng đắn và an toàn nhất, tránh tái hình thành nút ráy.
Cách vệ sinh tai đúng cách tại nhà
Thực ra, ráy được tiết ra là để bảo vệ ống tai. Tai có cơ chế tự làm sạch riêng của nó do “trời ban”. Ở những người bình thường, cơ chế này diễn ra suôn sẻ, tự nhiên mà không cần bất cứ “quyền trợ giúp” nào. Mọi can thiệp kiểu “nghiện vệ sinh” thái quá sẽ gây hại, làm mất lớp bảo vệ, gây tổn thương, tạo điều kiện cho viêm nhiễm. Nếu cần thiết phải vệ sinh do đã có lần bị nút ráy tai thì phải làm cho đúng cách. Tuyệt đối không được dùng móng tay hoặc vật sắc nhọn, không vô trùng để cố “moi móc” ráy tai, kể cả tăm bông, nếu dùng sai cách sẽ đẩy đùn ráy vô sâu, tạo thành nút ráy. Để vệ sinh tai, khi ráy tai có xu hướng tích tụ thì bạn nên làm theo hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng các dung dịch được chỉ định để làm mềm, tan rã ráy, từ đó nó tự bị đẩy ra ngoài.
Mặc dù nút ráy tai không phải là một “cái gì đó” nghiêm trọng nhưng nếu để nó tồn lưu quá lâu sẽ ảnh hưởng không tốt cho “sức khỏe thính giác”, thậm chí gây viêm nhiễm và biến chứng. Vì vậy, nên đi khám nếu có ráy tai nhiều, nhất là khi thấy có nghe kém từ từ, ù tai, đau tai…để được xử lý kịp thời.
[embed-health-tool-heart-rate]