Điếc một bên tai là tình trạng suy giảm hoặc mất hoàn toàn thính lực ở một bên tai. Khác với điếc hai bên tai, bạn vẫn có thể nghe thấy âm thanh khi bị điếc một bên. Tuy nhiên, chất lượng âm thanh cũng như phán đoán khi nghe của bạn sẽ bị giảm sút đáng kể.
Điếc một bên tai là gì?
Điếc một bên tai là tình trạng nghe khó hoặc mất thính lực hoàn toàn, xảy ra ở chỉ một bên tai. Những người mắc bệnh này có thể gặp vấn đề trong việc hiểu lời nói trong môi trường ồn ào, định vị nguồn âm thanh và nhận biết tiếng ồn xung quanh. Trong trường hợp bị điếc một bên tai, tai còn lại vẫn nghe rõ như bình thường.
Khi gặp phải tình trạng mất thính lực, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ. Điếc đột ngột ở một hoặc cả hai bên tai là một trường hợp khẩn cấp và cần được thăm khám ngay. Bác sĩ có thể đưa ra các lựa chọn điều trị và giới thiệu bạn đến một chuyên gia nếu cần thiết.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây giảm thính lực, bác sĩ có thể kê đơn thuốc, phẫu thuật hoặc gợi ý các phương án trợ thính. Trong một số trường hợp, tình trạng này sẽ biến mất mà không cần điều trị.
Nguyên nhân gây điếc một bên tai
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất thính lực ở một bên tai, bao gồm:
- Chấn thương tai
- Tiếp xúc với tiếng ồn lớn
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc
- Tai bị tắc nghẽn
- Khối u
- Bệnh lý
Một số nguyên nhân có thể được xử lý dễ dàng, chẳng hạn như tích tụ ráy tai hoặc đọng dịch khi bị nhiễm trùng tai. Tuy nhiên, có những tình trạng nan giải hơn, chẳng hạn như trường hợp người bệnh có vấn đề về chức năng tai. Bên cạnh đó, sự suy giảm thính lực cũng có thể là kết quả của quá trình lão hóa.
Chấn thương đầu hoặc tai và tồn tại dị vật trong tai là hai nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến điếc một bên tai. Ngoài ra, các bệnh lý dưới đây cũng có thể dẫn đến tình trạng này, bao gồm:
- Khối u thần kinh thính giác: một loại khối u đè lên dây thần kinh ảnh hưởng đến thính giác.
- Thủng màng nhĩ: xuất hiện lỗ nhỏ hoặc bị rách trong màng nhĩ
- Viêm mê đạo tai: một rối loạn làm cho tai trong bị sưng và kích thích
- Bệnh Meniere: một rối loạn ảnh hưởng đến tai trong, dẫn đến điếc
- U sợi thần kinh tuýp 2: một bệnh di truyền, tạo thành các khối u lành tính trên dây thần kinh thính giác
- Viêm tai ngoài externa: Viêm tai ngoài và ống tai
- Viêm tai giữa có tràn dịch: Nhiễm trùng, chảy dịch đặc hoặc dính phía sau màng nhĩ
- Bệnh zona: Bệnh nhiễm trùng do cùng loại virus gây bệnh thủy đậu
- Hội chứng Reye: một rối loạn hiếm gặp, thường thấy ở trẻ em
- Viêm động mạch thái dương: viêm và tổn thương các mạch máu ở đầu và cổ
- Thiểu năng tuần hoàn đốt sống thân nền: Lưu lượng máu đến sau não kém
Theo Heathline, bị điếc một bên tai cũng có thể là tác dụng phụ của các loại thuốc theo toa, chẳng hạn như:
- Thuốc hóa trị
- Thuốc lợi tiểu, như furosemide
- Độc tính salicylate (aspirin)
- Các loại kháng sinh như streptomycin và tobramycin
Chẩn đoán mất thính lực một bên tai
Theo Viện khiếm thính và rối loạn giao tiếp Hoa Kỳ (NIDCD), khoảng 10-15% bệnh nhân bị mất thính lực đột ngột đều xác định được lý do rõ ràng. Do đó, nếu bạn bị điếc một bên tai hoặc cả hai tai, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Bác sĩ chuyên khoa sẽ xem xét các triệu chứng và bệnh sử của bạn. Đồng thời, họ sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng tai, mũi và cổ họng để xác định nguyên nhân gây điếc.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu kiểm tra thính giác của bạn. Ở bài kiểm tra này, bác sĩ hoặc chuyên gia thính học sẽ đo lường phản ứng của bạn với một loạt âm thanh ở các mức âm lượng khác nhau. Những xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ xác định phần tai bị ảnh hưởng và cung cấp thông tin để tìm ra nguyên nhân cơ bản gây mất thính giác.
Điều trị điếc một bên tai
Các lựa chọn điều trị cho tình trạng mất thính lực sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Trong một số trường hợp, mất thính lực sẽ không thể hồi phục được. Khi đó, bác sĩ có thể gợi ý một thiết bị trợ thính để cải thiện thính giác của bạn.
Các lựa chọn điều trị khác có thể bao gồm:
- Phẫu thuật tai hoặc cắt bỏ khối u
- Thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng
- Steroid để giảm viêm và sưng
- Ngừng sử dụng các loại thuốc có thể gây mất thính lực
Mất thính lực do ráy tai có thể điều trị bằng cách loại bỏ ráy tai. Bạn có thể thử lấy ráy tai tại nhà bằng cách sử dụng các sản phẩm không kê đơn như hydro peroxide, dầu khoáng, dầu em bé hoặc các sản phẩm loại bỏ ráy tai như Debrox. Nếu tình trạng không cải thiện trong vài ngày, bạn nên tìm kiếm các dịch vụ lấy ráy tai chuyên nghiệp. Việc sử dụng lâu dài các sản phẩm trên có thể gây kích ứng cho tai của bạn.
Nếu có một vật lạ trong tai đang ảnh hưởng đến thính giác, bạn không nên tự mình loại bỏ nó. Không bao giờ chèn bông gòn hoặc dùng nhíp để gắp vật lạ, vì những thứ này có thể gây chấn thương tai.
Cuối cùng, nếu bạn gặp phải các triệu chứng khác như chóng mặt, yếu cơ mặt, mất cân bằng hoặc các triệu chứng thần kinh, bạn nên đến bác sĩ ngay lập tức.
[embed-health-tool-heart-rate]