backup og meta

Đau tai khi đi máy bay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Đau tai khi đi máy bay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Đau tai là tình trạng thường gặp khi máy bay thay đổi độ cao lúc cất và hạ cánh. Vậy nguyên nhân nào gây đau tai và làm thế nào để phòng tránh đau tai khi đi máy bay?

Đi máy bay bị đau tai (hay chấn thương khí áp tai) là tình trạng màng nhĩ bị căng thẳng do mất cân bằng áp suất giữa không khí trong tai giữa với không khí ngoài môi trường. Bạn có thể bị đau tai khi máy bay cất hoặc hạ cánh.

Ngáp, nuốt nước bọt hoặc nhai kẹo cao su là những cách chống lại sự chênh lệch về áp suất không khí và cải thiện các triệu chứng đau tai khi đi máy bay. Tuy nhiên, đối với các trường hợp nặng, cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa.

Các triệu chứng thường gặp của đau tai khi đi máy bay

Đau tai khi đi máy bay

Tình trạng đau tai khi đi máy bay có thể xảy ra ở một hoặc cả hai tai. Những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp là hơi khó chịu hoặc đau nhẹ trong tai, cảm thấy đầy hoặc nghẹt tai, nghẹt hoặc mất thính lực từ nhẹ đến vừa.

Nếu bị đau tai nặng, bạn có thể bị đau dữ dội, tăng áp lực, mất thính lực từ vừa đến nặng, ù tai, có cảm giác chóng mặt và chảy máu tai.

Tại sao đi máy bay bị đau tai?

Bạn có từng thắc mắc tại sao đi máy bay bị đau tai hay đau tai khi đi máy bay là do đâu không? Theo các chuyên gia sức khỏe, chấn thương khí áp tai xảy ra khi áp suất trong tai giữa và áp suất môi trường chênh lệch, ngăn cản sự rung động bình thường của màng nhĩ. Vòi nhĩ được kết nối với tai giữa để điều chỉnh áp suất không khí. Khi máy bay nâng hay hạ độ cao, áp suất không khí thay đổi đột ngột, vòi nhĩ thường không thể phản ứng kịp nên gây ra những triệu chứng đau tai. Hành động nuốt hoặc ngáp giúp mở vòi nhĩ và tạo điều kiện cho tai giữa lấy thêm nhiều không khí, giúp cân bằng áp suất không khí.

Bất kỳ trường hợp nào ngăn chặn hoặc hạn chế chức năng của vòi nhĩ đều có thể làm gia tăng nguy cơ bị đau tai khi đi máy bay. Những yếu tố nguy cơ thường gặp bao gồm:

  • Vòi nhĩ nhỏ, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi
  • Cảm lạnh thông thường
  • Viêm xoang
  • Dị ứng phấn hoa (hay viêm mũi dị ứng)
  • Viêm tai giữa
  • Ngủ trên máy bay trong lúc cất và hạ cánh, vì lúc này không thể ngáp hoặc nuốt nước bọt thường xuyên để cân bằng áp suất.

Đau tai khi đi máy bay có thể gặp phải biến chứng gì? 

Ngoài việc đi tìm lời đáp cho thắc mắc tại sao đi máy bay bị đau tai, nhiều người cũng băn khoăn về việc tình trạng này có gây ra biến chứng gì nghiêm trọng hay không?

Thực tế, tình trạng đau tai khi đi máy bay thường không nguy hiểm và đòi hỏi việc tự chăm sóc bản thân. Những biến chứng lâu dài và hiếm gặp xảy ra khi tình trạng đau tai nghiêm trọng, kéo dài hoặc khi tai giữa và tai trong bị tổn thương cấu trúc. Biến chứng hiếm gặp có thể là mất thính lực vĩnh viễn hay ù tai mãn tính.

Biện pháp phòng ngừa đau tai khi đi máy bay

Đau tai khi đi máy bay

Vậy cách đi máy bay không bị đau tai hay đi đi máy bay bị đau tai phải làm sao? Để tránh bị đau tai khi đi máy bay, bạn cần làm theo các biện pháp sau:

  • Ngáp, ngậm kẹo cứng hoặc nhai kẹo cao su khi máy bay cất và hạ cánh có thể giúp nuốt nước bọt thường xuyên hơn và kích hoạt cơ mở vòi nhĩ.
  • Làm động tác Valsalva khi cất và hạ cánh: Cách đi máy bay không bị đau tai này là bạn ngậm chặt miệng và bịt mũi rồi từ từ thở ra bằng mũi. Lặp đi lặp lại nhiều lần, nhất là khi hạ cánh, để cân bằng áp suất giữa tai bạn và khoang máy bay.
  • Đừng ngủ khi máy bay cất và hạ cánh.
  • Xem lại kế hoạch đi lại: Nếu có thể, đừng đi máy bay khi bị cảm lạnh, viêm xoang, nghẹt mũi hoặc nhiễm trùng tai. Nếu vừa phẫu thuật tai, hãy hỏi ý kiến bác sĩ khi nào có thể đi máy bay để đảm bảo an toàn.
  • Sử dụng thuốc xịt mũi không kê đơn: Nếu bị nghẹt mũi và muốn tránh không bị đau tai khi đi máy bay, bạn hãy sử dụng thuốc xịt mũi từ 30 phút đến 1 giờ trước khi máy bay cất cánh và hạ cánh. Tuy nhiên, tránh lạm dụng vì sử dụng thuốc xịt mũi trong 3 đến 4 ngày có thể làm nghẹt mũi nặng hơn.
  • Sử dụng cẩn trọng thuốc thông mũi: Thuốc thông mũi dạng uống có thể có tác dụng nếu uống trong vòng từ 30 phút đến 1 tiếng trước giờ bay. Tuy nhiên, nếu mắc bệnh tim, rối loạn nhịp tim hay huyết áp cao hoặc đang mang thai, tránh sử dụng thuốc thông mũi dạng uống này.
  • Uống thuốc chống dị ứng: Để tránh bị đau tai khi đi máy bay, nếu bị dị ứng, bạn nên uống thuốc 30 phút trước giờ bay.
  • Thử dùng nút bịt tai: Cách đi máy bay không bị đau tai này là hãy dùng nút bịt tai có thể từ từ cân bằng áp lực lên màng nhĩ trong quá trình máy bay cất và hạ cánh. Có thể mua nút bịt tai tại các hiệu thuốc, cửa hàng tặng phẩm ở sân bay hay các phòng khám tai. Tuy nhiên, vẫn cần duy trì hành động ngáp và nuốt nước bọt để giảm bớt áp lực cho tai khi đi máy bay.

Nhiều người thường thắc mắc làm gì khi đi máy bay bị đau tai? Câu trả lời là bạn nên áp dụng các biện pháp kể trên để hạn chế nguy cơ bị đau tai khi bay. Nếu là người dễ bị đau tai nặng khi đi máy bay và lại phải bay thường xuyên hoặc nếu đang được điều trị bằng oxy ở cường độ cao để chữa lành vết thương, bác sĩ có thể đặt ống vào màng nhĩ của bạn để hỗ trợ quá trình tiết dịch, thông khí cho tai giữa và cân bằng áp suất giữa tai giữa và tai ngoài.

Khi đi lại bằng máy bay, bạn có thể cảm nhận được sự thay đổi áp suất trong cabin lúc máy bay cất và hạ cánh vì lúc này cơ thể hoạt động để cân bằng áp suất không khí giữa tai giữa và áp suất cabin. Bị viêm tai có thể tác động đến quá trình cân bằng áp suất này, gây đau và trong trường hợp nặng, có thể làm hư màng nhĩ.

Nếu bạn bị viêm tai và sắp phải đi lại bằng máy bay, cách đi máy bay không bị đau tai trong trường hợp này là gì? Câu trả lời là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về những biện pháp làm giảm triệu chứng đau tai. Bác sĩ có thể khuyên bạn dùng thuốc để mở vòi nhĩ bị tắc nghẽn.

Giúp trẻ phòng ngừa tình trạng đau tai khi đi máy bay

Đau tai khi đi máy bay

Bạn sắp có chuyến du lịch và đang tìm các cách đi máy bay không bị đau tai cho trẻ? Hãy áp dụng các biện pháp sau:

  • Khuyến khích trẻ uống nước và các loại thức uống không có chất kích thích.
  • Khuyến khích trẻ nuốt nước bọt: nuốt nước bọt có thể giúp mở vòi nhĩ. Đối với trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi, cho trẻ bú bình trong khi máy bay cất và hạ cánh để khuyến khích trẻ nuốt nước bọt thường xuyên, cũng có thể sử dụng núm vú giả. Để có được hiệu quả, hãy giữ trẻ ngồi thẳng trong khi bú. Trẻ em trên 4 tuổi có thể ngậm kẹo cứng, nhai kẹo cao su, uống hoặc thổi bong bóng bằng ống hút.
  • Khuyến khích trẻ ngáp thường xuyên.
  • Đảm bảo cho trẻ thức khi máy bay cất và hạ cánh vì khi ngủ trẻ sẽ ít nuốt nước bọt.
  • Dạy cho trẻ cách cân bằng áp lực tai bằng cách thở chậm lại, bịt mũi và ngậm miệng lại sau đó thở ra bằng mũi.
  • Tránh dùng thuốc thông mũi vì thuốc không được khuyến khích sử dụng cho trẻ nhỏ.

Nếu đi cùng trẻ con, hãy hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa để đảm bảo an toàn và cảm thấy thoải mái trong chuyến đi. Bác sĩ có thể đề xuất hoãn lại chuyến đi hoặc đưa ra những lời khuyên để giúp trẻ cân bằng áp lực trong tai giữa.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Batrotrauma – https://www.health.harvard.edu/a_to_z/barotrauma-a-to-z – Ngày truy cập: 02/04/2021

What to Know About Flying with an Ear Infection – https://www.healthline.com/health/flying-with-ear-infection – Ngày truy cập: 02/04/2021

“Airplane ear” – A neglected yet preventable problem – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6779601/ – Ngày truy cập: 02/04/2021

Airplane ear – https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/airplane-ear/symptoms-causes/syc-20351701 – Ngày truy cập: 02/04/2021

Ear Barotrauma – https://www.webmd.com/a-to-z-guides/ear-barotrauma-facts – Ngày truy cập: 02/04/2021

Phiên bản hiện tại

09/11/2022

Tác giả: Thanh Ly

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Mẹo giúp bạn giữ sức khoẻ khi đi máy bay

Đi máy bay bị đau tai phải làm sao? 9 mẹo hết đau tai khi đi máy bay


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thanh Ly · Ngày cập nhật: 09/11/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo