Ráy tai bị khô cứng, nhất là khi để lâu thường rất khó lấy. Lúc này, việc dùng tăm bông hay các vật mảnh, cứng để ngoáy tai là điều không nên làm. Nếu không muốn “dùng quyền trợ giúp’ từ bác sĩ chuyên khoa, bạn nên tìm hiểu các cách lấy ráy tai khô cứng an toàn, đơn giản mà hiệu quả.
Bài viết tổng hợp thông tin dưới đây của Hello Bacsi sẽ giới thiệu cho bạn 6 cách lấy ráy tai khô cứng sâu bên trong không đau, cực kỳ nhẹ nhàng.
Ráy tai là gì?
Ráy tai là một hỗn hợp gồm chủ yếu là bã nhờn (tế bào da chết) và lông, kết hợp với một số chất khác như chất sừng, axit béo chuỗi dài… Chức năng chính của ráy tai là kháng khuẩn, chống lại vi trùng, bảo vệ da trong ống tai, giữ cho đôi tai khỏe mạnh và sạch sẽ.
Ở một số người, các tuyến trong ống tai tiết ra quá nhiều ráy tai, khiến tai không thể kịp đào thải ráy ra ngoài. Sự tích tụ lâu ngày khiến ráy tai khô dần và cứng lại, gây tắc nghẽn bên trong ống tai, dẫn đến các triệu chứng như:
- Đau tai
- Ngứa hoặc khó chịu
- Nhiễm trùng tai
- Bít tắc lỗ tai gây suy giảm thính lực
- Ù tai
- Chóng mặt…
Hướng dẫn 6 cách lấy ráy tai khô cứng
Thông thường, mọi người thường dùng tăm bông hoặc vật mảnh, cứng để lấy ráy tai. Thế nhưng, đây là cách làm không được các bác sĩ khuyến cáo, vì có thể sẽ vô tình ảnh hưởng đến màng nhĩ, ống tai trong gây viêm. Do đó, bạn nên tham khảo 6 cách lấy ráy tai khô cứng an toàn dưới đây:
1. Sử dụng dầu ô liu hoặc dầu dừa
Dầu ô liu và dầu dừa đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực làm đẹp. Nhờ khả năng làm mềm da tốt cũng như đặc tính kháng viêm hiệu quả, dầu ô liu và dầu dừa thường được dùng để lấy ráy tai bị khô cứng. Cách lấy ráy tai khô cứng bằng dầu ô liu hoặc dầu dừa như sau:
Chuẩn bị:
- Dầu ô liu hoặc dầu dừa
- Bông gòn
- Khăn mềm
Cách làm:
- Bước 1: Nghiêng đầu sang một bên rồi nhỏ vài giọt dầu ô liu hoặc dầu dừa vào trong ống tai.
- Bước 2: Dùng bông gòn bịt lỗ tai lại và nằm yên trong khoảng 5 phút.
- Bước 3: Lấy bông gòn ra khỏi tai, nằm nghiêng sang hướng ngược lại để dầu và ráy tai chảy ra ngoài.
- Bước 4: Lau sạch tai bằng khăn mềm rồi làm tương tự với bên tai còn lại.
Đọc thêm
2. Cách lấy ráy tai khô cứng cho người lớn bằng dầu khoáng
Dầu khoáng có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, làm mềm da, giúp lấy ráy tai khô cứng rất tốt. Cách lấy ráy tai khô cứng bằng dầu khoáng như sau:
Chuẩn bị:
- Dầu khoáng
- Khăn mềm
Cách làm:
- Bước 1: Nghiêng đầu sang một bên rồi nhỏ vài giọt dầu khoáng vào trong ống tai.
- Bước 2: Nằm yên trong khoảng 10 phút.
- Bước 3: Nằm nghiêng sang hướng ngược lại để dầu và ráy tai chảy ra ngoài.
- Bước 4: Lau sạch tai bằng khăn mềm rồi làm tương tự với bên tai còn lại.
3. Dùng thuốc nhỏ tai
Thuốc nhỏ tai có tác dụng chống viêm tai, an toàn cho cả trẻ em và người lớn khi sử dụng để lấy ráy tai. Giá thành của một chai thuốc nhỏ tai cũng tùy thuộc vào từng loại thuốc, thương hiệu nhưng phần lớn là phù hợp với túi tiền của mọi người.
Chuẩn bị:
- 1 chai thuốc nhỏ tai
- Khăn mềm
Cách lấy ráy tai khô cứng bằng thuốc nhỏ tai:
- Bước 1: Nghiêng đầu sang một bên rồi nhỏ 1-2 giọt thuốc nhỏ tai vào trong ống tai.
- Bước 2: Đặt đầu ngón tay vào ống tai rồi xoay nhẹ và nằm yên trong khoảng 1 phút.
- Bước 3: Nằm nghiêng sang hướng ngược lại để thuốc và ráy tai chảy ra ngoài.
- Bước 4: Lau sạch tai bằng khăn mềm rồi làm tương tự với bên tai còn lại.
4. Dùng nước muối sinh lý
Nước muối sinh lý rất an toàn cho cả trẻ em lẫn người lớn. Cách sử dụng nước muối sinh lý để lấy ráy tai khô cứng đã được nhiều bác sĩ khuyến nghị. Đây là phương pháp làm mềm ráy tai nhanh chóng giúp loại bỏ ráy tai dễ dàng hơn.
Chuẩn bị:
- 1 chai nước muối sinh lý nhỏ
- Bông gòn
- Khăn mềm
Cách lấy ráy tai khô cứng bằng nước muối sinh lý:
- Bước 1: Thấm nước muối sinh lý vào bông gòn cho ướt.
- Bước 2: Nằm nghiêng đầu sang một bên rồi vắt bông gòn cho nước muối sinh lý nhỏ vào trong ống tai.
- Bước 3: Dùng tay day nhẹ ống tai để nước muối thấm đều hơn.
- Bước 4: Nằm yên trong khoảng 5 phút.
- Bước 5: Nằm nghiêng sang hướng ngược lại để nước muối sinh lý và ráy tai chảy ra ngoài.
- Bước 6: Lau sạch tai bằng khăn mềm rồi làm tương tự với bên tai còn lại.
Lưu ý
Đối với phương pháp này, bạn có thể cần phải thực hiện nhiều lần để ráy tai khô cứng được làm mềm và trôi ra ngoài dễ dàng.
5. Cách lấy ráy tai khô cứng bằng nước ấm
Dùng nước ấm là phương pháp đơn giản nhất để lấy ráy tai khô cứng cho cả người lớn lẫn trẻ em.
Chuẩn bị:
- 200ml nước lọc
- Bông gòn
- Khăn mềm
Cách lấy ráy tai khô cứng bằng nước ấm:
- Bước 1: Đun sôi nước lọc rồi để còn âm ấm.
- Bước 2: Nằm nghiêng đầu sang một bên sao cho lỗ tai hướng lên trên.
- Bước 3: Thấm nước ấm vào bông gòn cho ướt.
- Bước 4: Vắt vài giọt nước ấm vào trong ống tai và nằm yên trong khoảng 5 phút.
- Bước 5: Nằm nghiêng sang hướng ngược lại để nước và ráy tai chảy ra ngoài.
- Bước 6: Lau sạch tai bằng khăn mềm rồi làm tương tự với bên tai còn lại.
6. Cách lấy ráy tai khô cứng sâu bên trong bằng oxy già
Oxy già (hydrogen peroxide) có tính sát khuẩn cao, không chỉ giúp sát trùng vết thương mà còn được nhiều bác sĩ đề xuất sử dụng để lấy ráy tai khô cứng.
Ban đầu, việc dùng oxy già có thể gây rát tai nếu bên trong tai có vết thương hở. Tuy nhiên, sau đó, cơn rát sẽ giảm dần.
Chuẩn bị:
- 1 chai oxy già
- Nước ấm
- Khăn mềm
Cách lấy ráy tai khô cứng bằng oxy già:
- Bước 1: Nằm nghiêng đầu sang một bên sao cho lỗ tai hướng lên trên.
- Bước 2: Nhỏ trực tiếp 1-2 giọt oxy già vào trong ống tai.
- Bước 3: Nằm yên trong khoảng 5 phút.
- Bước 4: Nằm nghiêng sang hướng ngược lại để oxy già và ráy tai chảy ra ngoài.
- Bước 5: Rửa sạch tai lại với nước ấm bằng cách cho vài giọt nước ấm vào ống tai, day nhẹ phần tai rồi nghiêng đầu sang hướng ngược lại để nước chảy ra ngoài.
- Bước 6: Lau sạch tai bằng khăn mềm rồi làm tương tự với bên tai còn lại.
Lưu ý để có đôi tai sạch sẽ
Như vậy là bạn đã biết được 6 cách lấy ráy tai khô cứng tại nhà an toàn và hiệu quả. Thực chất, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa tình trạng ráy tai khô cứng bằng cách giữ đôi tai luôn sạch sẽ theo những biện pháp sau:
- Không dùng tăm bông hay vật mảnh, cứng để lấy ráy tai.
- Sử dụng dụng cụ lấy tai chuyên dụng để lấy ráy tai khi cần thiết.
- Với trẻ nhỏ, cần cẩn thận khi sử dụng dụng cụ lấy ráy tai cho bé.
- Không vệ sinh tai quá thường xuyên để tránh ảnh hưởng màng nhĩ, da trong ống tai.
- Nếu có các triệu chứng bất thường, hãy đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được 6 cách lấy ráy tai khô cứng cho người lớn vừa an toàn, vừa hiệu quả.
[embed-health-tool-heart-rate]