Thuốc nhỏ tai thường được bào chế ở dạng dung dịch nhỏ, sử dụng để điều trị nhiễm trùng tai, giảm đau tai hoặc để loại bỏ ráy tai. Mặc dù an toàn để dùng tại nhà nhưng bạn cần nắm rõ cách nhỏ thuốc vào tai, để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất đồng thời hạn chế các rủi ro có thể xảy ra.
Việc sử dụng thuốc nhỏ tai đúng cách cho phép thuốc đi vào ống tai, phát huy tác dụng và xử lý hiệu quả các vấn đề ở tai. Vậy nên trong bài viết dưới đây, hãy cùng Hello Bacsi điểm qua các bước dùng thuốc nhỏ tai cũng như thông tin dùng thuốc đúng và an toàn nhé!
Khi nào cần dùng thuốc nhỏ tai?
Thuốc nhỏ tai là một dạng dung dịch, có một số loại không kê đơn. Tuy nhiên đa phần bệnh nhân cần có chỉ định của bác sĩ để sử dụng thuốc nhỏ tai. Thuốc thường được dùng trong các trường hợp:
- Nhiễm trùng tai trong (viêm tai giữa)
- Nhiễm trùng tai ngoài (thường gặp ở vận động viên bơi lội)
- Đau tai
- Nút ráy tai (sự tắc nghẽn do hình thành cục ráy tai to)
- Ngứa tai có hoặc không có bệnh chàm tai
- Ù tai
- Dẫn lưu tai.
Nếu bạn nghi ngờ bị thủng màng nhĩ với các triệu chứng như đau tai, giảm thính lực, ù tai, chảy nước tai và chóng mặt thì không nên dùng thuốc nhỏ tai.
Hướng dẫn cách nhỏ thuốc vào tai
Việc xác định được khi nào dùng thuốc nhỏ tai không quan trọng bằng việc nắm rõ cách nhỏ thuốc vào tai đúng cách. Vậy nên trước khi dùng thuốc nhỏ tai, bạn cần nắm rõ các thông tin sau đây:
Lưu ý trước khi nhỏ thuốc vào tai
Trước khi dùng thuốc nhỏ tai, bạn cần rửa tay sạch với xà bông và nước. Bạn cũng sẽ cần giấy hoặc một chiếc khăn để lau các giọt thuốc thừa chảy ra khỏi tai sau khi nhỏ.
Nếu bạn là người chăm sóc, hãy tuân thủ cách nhỏ thuốc vào tai đúng và an toàn để nhỏ tai cho trẻ hoặc một người khác. Nếu bạn gặp khó khăn khi tự nhỏ tai cho mình, hãy nhờ người nhà hoặc bạn bè hỗ trợ nhỏ thuốc theo các bước sau:
- Chuẩn bị dụng cụ cần thiết, bao gồm chai thuốc nhỏ và khăn giấy hoặc vải để lau.
- Rửa tay với xà phòng và nước. Nếu không có sẵn nước, bạn sử dụng nước rửa tay tiệt trùng thay thế.
- Làm ấm dung dịch nhỏ tai bằng cách giữ chai thuốc trong lòng bàn tay 1–2 phút. Điều này có thể giúp giảm bớt bất kỳ sự khó chịu có thể gây ra do nhỏ thuốc lạnh vào tai.
- Tháo nắp chai. Đặt nắp chai trên một bề mặt sạch, khô và cố định.
- Đối với chai có kèm theo ống nhỏ giọt, hãy kiểm tra ống nhỏ có sạch sẽ và bảo đảm không bị nứt hay sứt mẻ.
Cách nhỏ thuốc vào tai chi tiết từng bước
- Bước 1: Nằm nghiêng bên trái/phải sao cho tai cần điều trị hướng lên trên. Nếu tự nhỏ tai cho mình, bạn có thể ngồi hoặc đứng thẳng và nghiêng đầu sang một bên. Nếu bạn nhỏ tai cho người khác, hãy hướng dẫn người đó nghiêng đầu hoặc nằm nghiêng qua một bên.
- Bước 2: Nếu chai có một ống nhỏ giọt, hãy hút một lượng chất lỏng vào ống. Nếu chai có đầu nhỏ giọt, bạn chỉ cần chúc ngược đầu chai xuống.
- Bước 3: Đối với người lớn, nhẹ nhàng kéo tai lên trên và hướng ra sau. Đối với trẻ em, nhẹ nhàng kéo tai thấp xuống và ra sau. Bóp nhẹ nhàng để có thể đếm chính xác số giọt thuốc nhỏ vào trong tai. Số giọt cần nhỏ sẽ theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhãn trên chai. Lưu ý ở bước này, nếu bạn nhận thấy sau khi nhỏ thuốc mà tai có bất kỳ dịch tiết nào (màu vàng, xanh lá cây hoặc đục) hoặc máu mà trước đó không có, thì nên ngừng sử dụng thuốc nhỏ/xịt và liên hệ ngay với bác sĩ.
- Bước 4: Giữ đầu nghiêng khoảng 2–5 phút để các giọt có thể vào sâu trong tai.
- Bước 5: Lau sạch bất kỳ giọt thuốc nào chảy ra ngoài bằng khăn giấy hoặc vải sạch.
- Bước 6: Đậy nắp chai lại.
- Bước 7: Rửa tay sạch khỏi thuốc dính trên tay.
- Bước 8: Lưu trữ chai theo chỉ dẫn trên nhãn hoặc của bác sĩ hoặc dược sĩ.
Những lưu ý khi dùng thuốc nhỏ tai
Một số lưu ý khi dùng thuốc nhỏ tai như:
- Không nên sử dụng ống nhỏ bị nứt, sứt mẻ hoặc bẩn.
- Không để đầu ống nhỏ chạm vào tai, ngón tay hoặc bất kỳ bề mặt khác vì có thể nhiễm vi khuẩn hoặc vi trùng khác, dẫn đến nhiễm trùng tai.
- Không làm ấm dung dịch nhỏ tai bằng nước nóng. Lúc này, thuốc có thể trở nên quá nóng và làm tổn thương tai.
- Không dùng chung thuốc nhỏ tai với bất cứ ai khác. Việc dùng chung thuốc nhỏ tai có thể gây lây lan vi trùng và nhiễm trùng.
Bạn cũng cần lưu ý thời gian sử dụng của thuốc kể từ khi mở nắp chai thuốc nhỏ tai. Đối với toa thuốc nhỏ tai, hãy hỏi dược sĩ hoặc bác sĩ về ngày hết hạn. Đối với thuốc nhỏ tai không cần toa, bạn kiểm tra ngày hết hạn trên nhãn. Nếu thuốc nhỏ tai đã hết hạn, bạn hãy vứt bỏ chúng đi, tuyệt đối không sử dụng thuốc nhỏ tai đã hết hạn.
Để giúp thuốc nhỏ tai hoạt động tốt, bạn hãy làm theo các hướng dẫn được in trên nhãn hay từ bác sĩ hoặc dược sĩ. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về việc sử dụng thuốc nhỏ tai, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.
Khi nào nên liên hệ với bác sĩ?
Nếu áp dụng đúng cách nhỏ thuốc vào tai thì rất hiếm khi xảy ra tác dụng phụ hay biến chứng nghiêm trọng. Một số người có thể có cảm giác châm chích hoặc nóng rát trong ống tai, tuy nhiên triệu chứng này sẽ biến mất sau vài phút.
Tuy nhiên, bạn nên đi khám ngay nếu phát hiện các triệu chứng như:
- Đau tai (mà trước đây không có)
- Đỏ và sưng quanh vành tai
- Các phản ứng dị ứng như phát ban, chóng mặt, khó thở
- Mất thính giác hoặc ù tai.
Hello Bacsi tin rằng qua bài viết trên đây bạn đã biết cách nhỏ thuốc vào tai đúng cách. Nếu quan sát thấy bất kỳ bất thường nào như tai chảy dịch hay xuất hiện vết máu thì nên ngừng dùng thuốc và nhanh chóng đi khám, bạn nhé!
[embed-health-tool-heart-rate]