backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Đừng để chứng mất tập trung ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống!

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 16/11/2022

    Đừng để chứng mất tập trung ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống!

    Chứng mất tập trung khiến bạn khó ghi nhớ và chậm trong việc xử lý thông tin. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất học tập, hiệu quả công việc cũng như chất lượng cuộc sống hàng ngày của bạn.

    Vậy, nguyên nhân gây mất tập trung là gì? Phương pháp nào giúp cải thiện khả năng tập trung và ghi nhớ một cách hiệu quả nhất? Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải cho những vấn đề này trong bài viết sau đây nhé!

    Vì sao bạn thường bị mất tập trung, hay quên?

    Chứng mất tập trung có thể xảy ra ở tất cả mọi người trong mọi độ tuổi, thường kéo theo tình trạng khó ghi nhớ và hay quên. Dưới đây là một số nguyên nhân gây mất tập trung, hay quên phổ biến:

    Làm nhiều việc cùng một lúc

    Nếu cố gắng làm 2 hoặc 3 việc cùng một lúc, não bộ của bạn dễ bị quá tải và khó xử lý thông tin một cách hiệu quả. Điều này khiến việc lưu trữ, truy xuất thông tin trở nên kém chính xác, từ đó gây ra nhiều nhầm lẫn và sai sót đáng tiếc.

    Thiếu ngủ

    Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe não bộ nói chung và khả năng tập trung nói riêng. Bởi đây là thời gian mà não bộ được nghỉ ngơi và lấy lại năng lượng sau một ngày dài phải hoạt động căng thẳng.

    Việc thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc sẽ làm chậm quá trình hoạt động của não, khiến bạn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các công việc đòi hỏi phải tư duy phức tạp. Ngoài ra, thiếu ngủ cũng khiến bạn mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ và khả năng tập trung. Vì vậy, có thể nói, việc ngủ đủ giấc đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp bạn ngăn ngừa chứng mất tập trung, từ đó nâng cao hiệu quả học tập và làm việc.

    Nguyên nhân gây chứng mất tập trung là gì

    Căng thẳng kéo dài dẫn đến chứng mất tập trung

    Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, từ học sinh, nhân viên văn phòng cho đến người cao tuổi. Tuy nhiên, bạn có biết rằng, những lo lắng và bận tâm hằng ngày đôi khi chính là nguyên nhân khiến bạn khó tập trung vào một việc nào đó.

    Nếu bị căng thẳng kéo dài mà không có giải pháp xử lý phù hợp, tình trạng này có thể gây nên nhiều vấn đề sức khỏe khác nghiêm trọng hơn. Vì vậy, bạn cần xác định được nguyên nhân gây căng thẳng để từ đó tìm ra cách hạn chế chúng.

    Lo lắng, trầm cảm

    Các vấn đề tâm lý như lo lắng, trầm cảm kéo dài cũng có tác động tiêu cực đến khả năng tập trung. Khi lo lắng quá mức, bạn thường cảm thấy bồn chồn và bất an. Vì vậy, cơ thể sẽ cần rất nhiều thời gian và năng lượng để kiểm soát sự lo lắng đó, dẫn đến chứng mất tập trung thường xuyên xảy ra hơn. Tình trạng lo lắng kéo dài có thể tiến triển thành rối loạn lo âu, hoảng sợ hoặc trầm cảm và càng gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến khả năng tập trung của bạn.

    Tác động từ môi trường xung quanh là nguyên nhân gây ra chứng mất tập trung

    Những tác động từ môi trường xung quanh dưới đây cũng có thể làm bạn bị phân tâm và dễ mất tập trung:

    • Không gian làm việc và học tập không thoải mái
    • Môi trường xung quanh ồn ào
    • Ánh sáng gây chói mắt
    • Thời tiết nóng bức, khó chịu
    • Trang trí quá nhiều màu sắc trên tường, trần nhà

    Chế độ ăn uống kém khoa học và lười vận động

    Một chế độ dinh dưỡng kém khoa học, ăn nhiều thức ăn nhanh, đồ cay nóng, chiên xào kèm theo việc lười vận động có thể khiến đầu óc của bạn kém tập trung, chậm tư duy.

    Lạm dụng caffeine

    Mặc dù một lượng caffeine vừa phải có thể cải thiện sự tập trung trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, việc lạm dụng và tiêu thụ quá nhiều caffeine lại gây tác dụng ngược. Chúng sẽ khiến bạn hồi hộp, lo lắng và là nguyên nhân gây nên chứng mất tập trung.

    Làm thế nào để hạn chế chứng mất tập trung trong công việc và cuộc sống?

    Chứng mất tập trung thường khiến bạn gặp nhiều rắc rối trong công việc và cuộc sống. Người mắc chứng này luôn cảm thấy:

    • Đầu óc trống rỗng
    • Cảm giác mơ hồ nhớ nhớ quên quên
    • Hiệu suất công việc giảm sút
    • Mất nhiều thời gian để tiếp nhận và xử lý thông tin
    • Gặp khó khăn trong việc hoàn thành các công việc đã đề ra theo đúng kế hoạch do khả năng tư duy giảm sút

    Vậy bạn cần làm gì để hạn chế tình trạng mất tập trung khi làm việc cũng như trong cuộc sống hằng ngày?

    Hạn chế chứng mất tập trung

    Thay đổi sinh hoạt và lối sống giúp tăng khả năng tập trung

    Bạn có thể thực hiện theo một số cách sau để giúp cải thiện khả năng tập trung của mình:

    • Tạo một không gian làm việc và học tập thoải mái: Bạn hãy tắt tivi, máy tính hay tiếng chuông điện thoại, đồng thời loại bỏ các nguồn âm thanh và yếu tố gây xao nhãng khác. Điều này nhằm tạo ra một không gian thoải mái và yên tĩnh để bạn có thể tập trung làm việc, học tập một cách hiệu quả.
    • Tập trung xử lý từng công việc một: Hãy thực hiện một công việc tại một thời điểm nhất định và dành toàn bộ sự tập trung của bạn vào công việc đó. Điều này có thể giúp bạn xử lý thông tin và ghi nhớ tốt hơn.
    • Nghỉ giải lao giữa giờ: Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc dành ra những khoảng thời gian để nghỉ giải lao giữa giờ trong quá trình học tập hoặc làm việc sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng tập trung của bạn.
    • Tăng cường rèn luyện thể chất: Việc tập thể dục sẽ kích thích cơ thể bạn sản sinh ra các hormone có lợi cho não, từ đó giúp cải thiện khả năng tập trung.
    • Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc là cách giúp não bộ có thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng và phục hồi khả năng tập trung. Bạn chắc chắn sẽ cảm thấy minh mẫn hơn sau khi thức dậy.
    • Giải tỏa căng thẳng: Hãy chia sẻ với người thân hoặc bác sĩ tâm lý về những vấn đề gây nên cảm giác căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm của bạn để từ đó tìm được cách hạn chế hiệu quả.
    • Hít thở sâu: Hít thở sâu và cố gắng giữ bình tĩnh là một cách giúp làm giảm cảm giác lo âu và ngăn ngừa tình trạng hay mất tập trung khi làm việc hoặc học tập.
    • Thay đổi chế độ ăn uống: Bạn hãy xây dựng cho mình một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và các loại protein nạc. Đồng thời, hãy hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa, carbohydrate và các loại thực phẩm chế biến sẵn. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh các loại thực phẩm chứa nhiều đường đơn bởi chúng có thể làm thay đổi đột ngột lượng đường trong máu, một yếu tố làm ảnh hưởng đến sự tập trung.

    Sử dụng các sản phẩm giúp tăng tuần hoàn máu não và cải thiện chứng mất tập trung

    Ginkgo biloba điều trị chứng mất tập trung

    Một số thành phần thiên nhiên được cho rằng có khả năng tăng cường trí nhớ bao gồm: Axit béo Omega-3, Huperzine A, Acetyl-L-carnitine, Vitamin E, nhân sâm châu Á… Tuy nhiên, các thành phần này cần được nghiên cứu thêm về tính hiệu quả với tác dụng hỗ trợ tăng cường trí nhớ.

    Nếu bạn nhận thấy bản thân xuất hiện các triệu chứng suy giảm trí nhớ, hãy nhanh chóng đến thăm khám với chuyên gia y tế và có thể tham khảo ý kiến để sử dụng thêm một số loại thực phẩm chức năng giúp tăng cường trí nhớ. Tuy nhiên, đối với những trường hợp suy giảm trí nhớ do bệnh lý hoặc đang dùng thuốc điều trị các bệnh lý khác, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào để tránh tình trạng phản tác dụng.

    Đừng để chứng mất tập trung ảnh hưởng đến học tập, công việc và chất lượng cuộc sống của bạn. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân và giải pháp hiệu quả để luôn giữ được một tinh thần minh mẫn, tỉnh táo, từ đó phát triển bản thân, nâng cao chất lượng cuộc sống.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 16/11/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo