backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Các vị trí đau đầu thường gặp và cách xử trí

Thông tin kiểm chứng bởi: Tố Quyên


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 20/07/2022

    Các vị trí đau đầu thường gặp và cách xử trí

    Đau đầu có thể do nhiều nguyên nhân. Các vị trí đau đầu như đau nửa đầu, đau sau gáy hay đau trước trán cũng một phần chỉ ra nguyên nhân, nguồn gốc của cơn đau.

    Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về các vị trí đau đầu thường gặp và cách để xử trí chúng nhé!

    Các vị trí đau đầu thường gặp 

    Đau nửa đầu 

    Đau nửa đầu là một trong các chứng đau đầu phổ biến nhất. Chứng đau nửa đầu cũng có biểu hiện khác nhau ở mỗi người, chẳng hạn như một số người sẽ trải qua giai đoạn hào quang (aura) báo trước cơn đau nửa đầu, một số khác thì không. Thông thường, cơn đau nửa đầu sẽ đi kèm với các triệu chứng như buồn nôn, tăng nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng. Các vị trí đau đầu cũng khác nhau ở mỗi người chẳng hạn như một số người đau dữ dội ở nửa bên trái, số khác lại đau ở nửa bên phải. 

    Đau nửa đầu phải làm sao?

    Thuốc giảm đau thông thường như ibuprofen có thể giúp bạn giảm đau trong trường hợp này. Tuy nhiên, không nên quá phụ thuộc vào thuốc bởi chúng có thể phản tác dụng và làm cơn đau đầu của bạn trở nên trầm trọng hơn. Nếu đau nửa đầu lặp lại liên lục (hơn 5 ngày trong tháng) thì bạn nên nhanh chóng đi khám bác sĩ. 

    Đau đầu sau gáy

    các vị trị đau đầu thường gặp: đau đầu sau gáy

    Đau đầu sau gáy thường đi kèm với đau cổ. Tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, một số bắt nguồn từ cổ và “gửi” tín hiệu đến não bộ gây đau đầu và một số nguyên nhân trực tiếp gây đau đầu sau đó lan xuống cổ. Tùy vào các vị trí đau đầu sau gáy cụ thể, kiểu đau và các triệu chứng kèm theo mà bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân và giúp bạn đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. 

    Đau đầu sau gáy phải làm sao?

    Điều trị đau đầu sau gáy sẽ được cá nhân hóa tùy vào nguyên nhân gây bệnh. Nhìn chung nếu là đau đầu nguyên phát, bạn sẽ được chỉ định một số thuốc giảm đau tức thời và thuốc điều trị lâu dài nhằm dự phòng cơn đau đầu tái phát. Trường hợp đau đầu thứ phát cần tập trung điều trị nguyên nhân cơ bản gây bệnh. 

    Các vị trí đau đầu thường gặp: Đau đầu trước trán và thái dương 

    Đau đầu trước trán và hai bên thái dương là triệu chứng điển hình của đau đầu do căng thẳng. Mặc dù các vị trí đau đầu khác như đau trên đỉnh đầu, sau hốc mắt,… cũng có thể là dấu hiệu cho chứng đau đầu này nhưng phổ biến nhất vẫn là cơn đau ở vùng trán và thái dương. 

    Đau đầu do căng thẳng phải làm sao?

    Stress là nguyên nhân chính dẫn đến đau đầu trước trán và thái dương. Vì thế, để cải thiện tình trạng này, bạn cần kết hợp dùng thuốc và liệu pháp thư giãn như yoga, thiền, massage, bấm huyệt,…Đồng thời, duy trì một lối sống cân bằng và lành mạnh cũng là cách để bạn ngăn ngừa cơn đau đầu này. 

    Đau đầu nhức mắt (đau đầu sau hốc mắt) 

    các vị trí đau đầu thường gặp: đau đầu nhức mắt

    Đau đầu nhức mắt (hay đau đầu sau mắt) là một trong các vị trí đau đầu ngày càng trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là trong giới văn phòng. Tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như chứng đau nửa đầu, đau đầu do căng thẳng, tăng nhãn áp và viêm xoang. 

    Đau đầu nhức mắt phải làm sao?

    Tùy vào từng nguyên nhân cụ thể mà bạn sẽ có cách xử trí khác nhau với chứng đau đầu nhức mắt. Vì thế, đừng tự ý chẩn đoán tại nhà mà nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị đúng cách nhé! 
    Bên cạnh đó, bạn cũng có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau tại nhà như: 
    • Sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn. 
    • Thư giãn, giảm căng thẳng tinh thần. 
    • Xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp. 
    • Xông hơi và xịt mũi để làm giảm áp lực xoang trong các trường hợp đau đầu do viêm xoang
    • Ngủ đủ giấc. 
    • Hạn chế uống rượu, bia và bỏ hút thuốc. 

    Đau đầu sau tai 

    Đau đầu sau tai có thể là dấu hiệu nhiễm trùng tai (nhất là ở trẻ em nhỏ). Ngoài ra một số nguyên nhân khác như đau dây thần kinh chẩm, rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ), viêm cơ ức đòn chũm và các vấn đề nha khoa,… cũng có thể gây nhức đầu sau tai. 

    Nhức đầu sau tai xử trí như thế nào?

    Trong lúc chờ đợi chẩn đoán nguyên nhân chính xác gây nên những cơn đau đầu này, bạn có thể giảm đau tạm thời bằng cách sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn và chườm lạnh ở vị trí đau nhức sau tai. Trường hợp xuất hiện kèm theo cơn đau cứng cổ, liệu pháp nhiệt có thể giúp bạn làm giãn cơ nhằm làm dịu bớt cơn đau, cải thiện vận động ở cổ.  

    Các vị trí đau đầu khác nhau và dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm

    các vị trí đau đầu và dấu hiệu nguy hiểm

    Tình trạng đau ở các vị trí đau đầu khác nhau có thể là dấu hiệu cảnh báo cho một số bệnh lý nguy hiểm khác chẳng hạn như đột quỵ, viêm màng não hoặc viêm não. Trường hợp bạn hay người thân bị đau đầu dữ dội và kèm theo các triệu chứng sau, hãy lập tức gọi xe cấp cứu: 

    • Ngất xỉu. 
    • Sốt cao từ 39-40°C. 
    • Tê, yếu hoặc liệt một bên cơ thể. 
    • Lú lẫn hoặc có lời nói khó hiểu. 
    • Cứng cổ. 
    • Nhìn mờ. 
    • Khó nói. 
    • Đi lại khó khăn. 
    • Nôn hoặc buồn nôn. 

    Mặc dù đa số trường hợp đau đầu có thể tự khỏi hoặc có thể bớt đau bằng các phương pháp đơn giản tại nhà nhưng trong đó, nhiều trường hợp bạn vẫn nên đi khám bác sĩ, để kịp thời có cách xử trí nếu đó là triệu chứng của bệnh lý nguy hiểm, điển hình như:  

    • Tần suất và mức độ đau đầu tăng cao. 
    • Đau đầu nặng hơn hoặc thường xuyên hơn kể cả khi bạn đã sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn. 
    • Đau đầu cản trở sinh hoạt, ảnh hưởng đến thời gian làm việc và nghỉ ngơi của bạn. 
    • Bạn muốn tìm cách để thoát khỏi những cơn đau đầu phiền toái này một cách nhanh chóng. 

    Chắc hẳn qua các thông tin trên đây bạn đã hiểu rõ hơn về các vị trí đau đầu thường gặp. Hy vọng đây sẽ là những kiến thức bổ ích để bạn chăm sóc sức khỏe bản thân tốt hơn nhé! 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Thông tin kiểm chứng bởi:

    Tố Quyên


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 20/07/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo