backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

3 cách pha trà hoa mộc thơm ngon chuẩn vị, giữ trọn dưỡng chất

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 17/02/2023

    3 cách pha trà hoa mộc thơm ngon chuẩn vị, giữ trọn dưỡng chất

    Trà hoa mộc hay còn gọi là trà mộc quế hoa, là một thức uống giải khát có lợi cho sức khỏe. Không chỉ giúp thanh lọc cơ thể hiệu quả, trà mộc quế hoa còn được dùng như một phương thuốc hỗ trợ điều trị nhiều căn bệnh như bệnh hô hấp, bệnh ngoài da, bệnh tim mạch và bệnh thần kinh.

    Vậy, bạn đã biết cách pha trà hoa mộc sao cho thơm ngon, bổ dưỡng chưa? Tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để hiểu rõ hơn về trà hoa mộc và cách làm trà hoa mộc giữ trọn vị ngon và dưỡng chất.

    Trà hoa mộc là gì?

    Trà hoa mộc thực chất là quế hoa (hay còn gọi là mộc tê) được sấy khô thành trà hoa. Quế hoa là một loại thảo mộc phổ biến ở các nước phương Đông có tên khoa học: Osmanthus fragrans (Thunb.) Lour, họ Oleaceae (Nhài) có chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa, thường được dùng làm thuốc với tác dụng long đờm và khử ứ, cầm máu cho bệnh kiết lỵ, chữa đau bụng và tiêu chảy trong y học cổ truyền Trung Quốc. Theo các nghiên cứu của y học hiện đại thì quế hoa có tác dụng làm trắng da, loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể, giúp thanh nhiệt cơ thể, thư giãn tinh thần, giảm stress, cân bằng hệ thần kinh.

    Ngày nay, trà hoa mộc được mọi người truyền rằng có tác dụng làm đẹp da, hỗ trợ giảm cân, giúp lấy lại “vóc dáng như mơ” cho phái đẹp. Ngoài ra, trà hoa mộc còn có tác dụng hiệu quả trong điều trị các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy và đau bụng, tăng cường sức đề kháng, hạn chế mắc phải bệnh vặt, tăng cường sức khỏe tim mạch, thanh lọc cơ thể…

    Hoa của cây hoa mộc thường ra rải rác quanh năm, nhưng chủ yếu là ra hoa vào mùa thu. Hoa mộc thường mọc thành chùm, thường có 4 cánh màu vàng nhạt, màu trắng hoặc vàng cam. Với mùi hương ngọt ngào, quế hoa thường được dùng làm trà để vừa thưởng thức được hương thơm của hoa, vừa ngắm nhìn màu sắc vàng nhạt bắt mắt, vừa cảm nhận vị ngọt thanh mát tự nhiên khi uống. 

    >>> Bạn có thể xem thêm: Mách bạn cách pha chế các loại trà thảo mộc giúp giảm đầy bụng

    Cách làm trà hoa mộc 

    trà hoa mộc (trà quế hoa)

    Hiện nay, dựa trên cách thức làm khô hoa mộc mà có 2 phương pháp làm trà hoa mộc phổ biến:

    • Trà hoa mộc được làm khô tự nhiên bằng nắng: Vào lúc sáng sớm, hoa sẽ được thu hái rồi rửa sạch hết bụi bẩn và để ráo. Sau đó, hoa mộc sẽ được rải trên nong bằng tre nứa rồi đem phơi ở chỗ có nắng đẹp, thoáng mát. Đến cuối ngày thì hoa sẽ được mang đi đảo để có thể khô đều tự nhiên. Lặp lại công đoạn phơi và đảo trong vài ngày đến khi hoa khô hẳn thì đem bảo quản để sử dụng.
    • Trà mộc quế hoa được làm khô bằng máy sấy chuyên dụng: Sau khi thu hái, rửa sạch và để ráo, hoa mộc sẽ được mang đi sấy bằng máy sấy công nghiệp chuyên dụng.

    >>> Bạn có thể xem thêm: Cách làm trà sả tại nhà để xả stress

    Cách pha trà hoa mộc thơm ngon, thanh mát, ngọt dịu, bổ dưỡng

    1. Hướng dẫn cách pha trà hoa mộc đơn giản nhất

    cách pha trà hoa mộc

    Nguyên liệu cần chuẩn bị: 

    • 5g trà hoa mộc
    • 250ml nước sôi 90-95 độ C

    Cách pha trà hoa mộc nóng thơm ngon, đơn giản, nguyên vị, nguyên chất:

    • Bước 1: Cho trà hoa mộc vào ấm pha trà bằng sứ
    • Bước 2: Cho 50ml nước sôi vào ấm để tráng trà trong khoảng 30 giây rồi đổ bỏ nước
    • Bước 3: Rót 200ml nước sôi vào ấm trà 
    • Bước 4: Hãm trà trong khoảng 5 phút là có thể dùng được.

    Lưu ý:

    • Không dùng nước sôi 100 độ C vì có thể làm “cháy” trà, gây mất hoặc giảm dưỡng chất và mùi vị của trà hoa mộc.
    • Bạn có thể dùng nhiệt kế đo nhiệt độ nước chuyên dụng để đảm bảo đúng nhiệt độ phù hợp khi pha trà. Nếu không có đồng hồ đo nhiệt độ nước chuyên dụng, bạn có thể canh nhiệt độ bằng cách nấu nước sôi rồi để khoảng 2-3 phút mới sử dụng.
    • Bạn có thể thêm mật ong hoặc chanh vào ly trà để uống cùng, giúp tăng hương vị.

    2. Cách pha trà hoa mộc với kỷ tử, táo đỏ

    cách pha trà hoa mộc với kỷ tử

    Nguyên liệu cần chuẩn bị: 

    • 5g mộc trà hoa khô
    • 1 gói trà xanh túi lọc
    • 3g kỷ tử
    • 3 trái táo đỏ khô (tạo vị ngọt tự nhiên – có thể thay thế bằng nho khô)
    • 3g hoa cúc khô (không bắt buộc vì hoa cúc khô có thể làm cho trà thơm hơn nhưng có vị hơi đắng hơn)
    • Mật ong (tùy khẩu vị)
    • 250ml nước sôi 90-95 độ C

    Cách pha chế trà hoa mộc với kỷ tử, táo đỏ:

    • Bước 1: Cho trà xanh túi lọc và quế hoa khô vào trong ấm pha trà bằng sứ
    • Bước 2: Thêm 50ml nước sôi vào ấm trà để tráng trà trong khoảng 30 giây rồi đổ bỏ nước
    • Bước 3: Thêm 200ml nước sôi vào ấm trà 
    • Bước 4: Tiếp tục thêm kỷ tử, táo đỏ, hoa cúc khô vào ấm trà
    • Bước 5: Hãm trà trong khoảng 5 phút là có thể dùng được. 

    Mẹo:

    Bạn có thể rót thêm nước sôi vào bình trà khoảng 1-2 lần sau khi uống hết lượt nước đầu tiên để có thể tận dụng hết mọi lợi ích của các nguyên liệu bổ dưỡng này. Trong những lần hãm trà sau, bạn nên tăng thời gian hãm trà lên để trà hoa mộc và các nguyên liệu khác ra hương thơm. 

    3. Cách pha trà quế hoa uống lạnh

    cách pha trà hoa mộc uống lạnh

    Mẹo pha trà hoa mộc lạnh cũng gần giống với khi bạn pha trà mộc quế hoa nóng, chỉ khác là:

    • Sau 5 phút hãm trà, bạn lọc bỏ xác, lấy phần nước cho ra ly
    • Cho thêm đá vào ly trà và thưởng thức

    Bạn cũng có thể thêm mật ong, chanh vào ly nước để tăng thêm hương vị.

    >>> Bạn có thể xem thêm: Cách làm trà chanh mát lạnh: 3 công thức pha trà chanh đơn giản tại nhà

    Trà hoa quế có tác dụng gì?

    Trà hoa mộc mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như:

    • Chống oxy hóa, chống ung thư, chống viêm và kháng khuẩn nhờ chứa nhiều chất chống oxy hóa như flavonoid, terpenoid và axit phenolic.
    • Hỗ trợ điều trị nhiều bệnh, chẳng hạn như ung thư, bệnh ngoài da, bệnh tim mạch và bệnh thần kinh…
    • Theo y học cổ truyền Trung Quốc, trà hoa mộc có vị cay, tính ấm và không độc, được sử dụng để thúc đẩy tiết nước bọt, khử mùi và làm sạch đờm.
    • Hỗ trợ các vấn đề về tiêu hóa như cầm máu cho bệnh kiết lỵ, chữa đau bụng và tiêu chảy.
    • Hỗ trợ điều trị đau răng, hôi miệng.
    • Tăng cường hệ thống miễn dịch.
    • Bảo vệ thần kinh, bảo vệ não chống lại các bệnh như bệnh Alzheimer, tăng cường trí nhớ.
    • Ức chế sự thèm ăn, giúp các chị em đạt được mục tiêu giảm cân.
    • Giúp thư giãn đầu óc, an thần, giải tỏa lo lắng.
    • Giảm đau, giảm ho.

    >>> Bạn có thể xem thêm: Bí quyết pha trà hoa atiso đỏ (trà hibiscus) thơm ngon, tốt cho sức khỏe

    Lưu ý khi dùng trà quế hoa

    lưu ý khi dùng trà hoa mộc tê

    Mặc dù trà hoa mộc mang lại nhiều công dụng và rất dễ chế biến, nhưng bạn vẫn cần lưu ý một số điều sau khi sử dụng mộc hoa trà:

    • Chọn mua trà hoa mộc tê ở những nơi uy tín, chất lượng. Không vì giá rẻ mà mua hàng kém chất lượng.
    • Tuy cây hoa mộc trà là một thảo dược lành tính, nhưng trà mộc quế hoa chỉ có tác dụng tốt khi dùng đúng người đúng bệnh.
    • Phụ nữ mang thai không nên uống trà hoa mộc vì có thể gây sảy thai. Bên cạnh đó, những người đang bị rong kinh cũng không nên dùng.
    • Quế hoa có tính ấm nên những người mắc bệnh do nhiệt cũng không nên dùng.
    • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng trà mộc quế hoa.

    >>> Bạn có thể xem thêm: Cách làm trà hoa cúc chuẩn vị nhâm nhi vào mỗi sáng

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được 3 cách pha trà hoa mộc thơm ngon, thanh mát, ngọt dịu, giữ trọn dưỡng chất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

    Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 17/02/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo