backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Rau tần dày lá: Chữa ho, giảm viêm họng, ngừa ung thư và 8 công dụng khác

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền · Dinh dưỡng - Da liễu Thẩm mỹ · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Quyen Nguyen · Ngày cập nhật: 17/02/2023

Rau tần dày lá: Chữa ho, giảm viêm họng, ngừa ung thư và 8 công dụng khác

Cây rau tần dày lá có tên khoa học là Plectranthus Amboinicus. Tên thường gọi là cây húng chanh, lá tần dày, dương tử tô, rau thơm lông hoặc rau thơm lùn.

Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng  tham khảo về  những  tác dụng tuyệt vời khác của tần dày lá đối với sức khỏe.

Rau tần dày lá là cây gì?

Tần dày lá là một loại cây thân thảo thuộc họ Lamiaceae xuất hiện tự nhiên trên khắp vùng nhiệt đới và vùng ấm áp của châu Phi, châu Á và châu Úc. Hiện nay cây được trồng phổ biến ở các nước nhiệt đới như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam để làm thuốc, gia vị và cây cảnh.

Cây tần dày lá được trồng trong chậu cảnh hoặc trồng thành bụi. Cây phát triển ở nhiều môi trường khác nhau như ven biển, sườn đá, đất cát… nhất là vùng đất màu mỡ, dễ thoát nước và có bóng râm. Cây phát triển mạnh hằng năm theo hai mùa vụ là: mùa hè, mùa thu. Vào tháng 4 hoặc tháng 5 thì cây có hoa và cho quả. Thân cây tần dày lá cao khoảng 25-100cm. Cây mọng nước, có mùi hăng hắc, thường có lông ngắn, mềm bao quanh thân khi còn non. Cây già thân sẽ nhẵn hơn.

Lá tần dày có hình tim, cứng, giòn quanh mép lá có khía răng tròn và thường mọc đối xứng nhau, có nhiều lông mịn, mùi thơm dễ chịu, khi hít vào cho cảm giác sảng khoái.

Những tác dụng tuyệt vời của rau tần dày lá đối với sức khỏe

rau thơm lùn

Hiện nay, khoa học đã phân tích được các hóa chất thực vật khác nhau của cây tần dày lá như monoterpenoids, diterpenoids, triterpenoids, sesquiterpenoids, phenolics, flavonoids, esters, alcohols and aldehydes… với nhiều đặc tính dược lý bao gồm các hoạt động kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, chống tế bào ung thư, chữa lành vết thương, chống oxy hóa …và được ứng dụng hiệu quả trong điều trị các bệnh về đường hô hấp, răng miệng, da liễu, tiêu hóa…

Theo Y học cổ truyền, húng chanh có mùi thơm, tính ấm, vị chua the, đi vào phế và có công dụng giải cảm, khu phong tà, trục hàn, sát khuẩn, tiêu đàm, khử độc…

1. Rau tần dày lá trị ho, giảm viêm họng cho bà bầu, trẻ nhỏ

Điều trị ho, viêm họng là một trong những công dụng của rau tần dày lá phổ biến. Tần dày lá sẽ là phương thuốc hữu hiệu chữa ho, đau rát cổ họng, viêm xoang tại nhà hiệu quả nếu được sử dụng đúng cách. Hoạt chất bên trong lá húng chanh tương tự một loại kháng sinh tự nhiên có tác dụng sát khuẩn tốt, loại bỏ chất nhầy, đờm và các tác nhân gây viêm nhiễm vòm họng.

Bài thuốc rau tần trị ho như sau:

  • Thái nhỏ lá rau tần tươi đã được rửa sạch
  • Thêm một ít đường phèn rồi đem chưng cách thủy
  • Sau đó vắt lấy nước uống
  • Phần bã lá rau tần có thể ăn hoặc ngậm nuốt nước từ từ.

Mỗi ngày sử dụng 1 lần, sẽ có hiệu quả nếu dùng liên tục từ 3 – 5 ngày.

2. Rau tần dày lá giúp giảm sốt

Thay đổi thời tiết thất thường là nguyên nhân chính khiến cho cơ thể bị sốt, cảm cúm, mệt mỏi. Rau tần dày lá sẽ là phương pháp hữu hiệu để hạ sốt nhanh chóng. Ngoài ra, rau tần dày lá còn có công dụng ra mồ hôi, loại bỏ độc tố qua da và tăng nhanh quá trình hồi phục.

Sau đây là bài thuốc tận dụng công dụng hạ sốt của rau tần dày lá:

  • Giã nát một ít lá rau tần cùng với một ít muối và một ít nước sôi.
  • Để hỗn hợp nguội, rồi vắt lấy nước uống.
  • Bã lá rau tần để thoa khắp bề mặt da của cơ thể.

Lưu ý là phương pháp này chỉ nên được áp dụng khi bạn bị sốt nhẹ do cảm nắng. Nếu sử dụng sau 1 ngày mà không có hiệu quả hoặc sốt cao thì cần đến bác sĩ thăm khám, không nên tiếp tục áp dụng phương pháp dân gian trong những trường hợp này để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.

3. Tác dụng của lá húng chanh: Giảm căng thẳng và lo âu

giảm căng thẳng

Rau tần có tác dụng gì? Một số hợp chất hữu cơ và khoáng chất trong rau tần dày lá có tác dụng an thần nhẹ. Hãm rau tần dày lá như trà để uống nhằm giảm cảm giác lo lắng, bồn chồn, căng thẳng, giúp thư giãn, ngủ ngon.

4. Rau tần dày lá giúp đẹp da

Một trong những lợi ích tuyệt vời khác của cây rau tần dày lá là giúp tái tạo và làm đẹp da. Cây tần dày lá có thể trị lành các vết côn trùng cắn cho đến các bệnh da liễu như bệnh chàm, vẩy nến… Các hợp chất chống viêm có trong cây rau tần dày lá có thể nhanh chóng làm giảm đỏ và sưng tấy, đồng thời loại bỏ ngứa và kích ứng.

5. Công dụng của rau tần dày lá: Phòng ngừa ung thư

Nghiên cứu gần đây phát hiện ra rằng thân cây tần dày lá rất giàu chất chống oxy hóa và có khả năng làm sạch các gốc tự do. Chiết xuất của loại cây này đã giúp ức chế sự tăng sinh của các tế bào ung thư.

6. Giảm hội chứng ruột kích thích

Rau tần dày lá trị bệnh gì? Từ thời xa xưa, cây tần dày lá, hay cây húng chanh, thường được dùng để trị chứng đầy hơi, khó tiêu và giảm hội chứng ruột kích thích. Hãm lá cây tần dày lá uống như nước trà sẽ mang lại lợi ích sức khỏe kể trên.

7. Tác dụng của lá húng chanh: Giảm đau bụng kinh ở nữ giới

trà rau tần dày lá

Phụ nữ sẽ vui mừng khi biết rằng cây rau tần dày lá còn giúp giảm cơn đau bụng kinh. Ngoài ra, ở Ấn Độ và một số vùng của Indonesia, người dân vẫn sắc nước loại cây này cho các bà mẹ mới sinh uống để làm tăng lượng sữa mẹ.

8. Công dụng tần dày lá: Giảm viêm khớp

Hàm lượng axit béo omega-6 có trong lá cây húng chanh có thể giúp giảm chứng viêm khớp. Ngoài ra, các vận động viên cũng được khuyến cáo nên tiêu thụ loại lá này để ngăn ngừa loãng xương.

Lưu ý khi sử dụng rau tần dày lá

Tần dày là không chỉ là rau gia vị thân thuộc mà còn là lá thuốc phổ biến với người Việt. Tuy vậy, vẫn có một số lưu ý khi sử dụng tần dày lá:
  • Người bị dị ứng hoặc mẫn cảm với những thành phần của tần dày lá.
  • Người mẫn cảm có thể bị kích ứng da bởi những lông tơ nhỏ trên lá cây.
  • Phụ nữ mang thai và đang cho con bú cần thận trọng khi sử dụng cây rau tần.

Gợi ý 3 món ăn từ cây húng chanh tốt cho sức khỏe

Ngoài lợi ích chữa bệnh, cây tần dày lá còn được dùng nhiều trong nấu nướng. Lá tần dày thường được sử dụng làm phụ gia thực phẩm, gia vị, hương liệu cho các món thịt, món cá và nấu canh, cụ thể.

1. Rau tần dày lá tẩm bột chiên giòn

rau tần dày lá tẩm bột chiên giòn

Chuẩn bị

  • Lá rau tần dày lá rửa sạch, để ráo
  • Dầu ăn
  • Bột chiên giòn + nước
  • Sốt tương cà/tương ớt/mayonnaise
  • Cách làm

    Hòa bột chiên giòn với tỷ lệ 150g bột với 150 ml nước, khuấy đều đến khi bột sánh mịn. Gia giảm để bột không quá loãng hoặc quá đặc.

    Đun nóng dầu trong chảo. Nhúng lá húng chanh vào hỗn hợp bột kể trên rồi chiên ngập dầu đến khi lớp bột áo ngoài vàng giòn là được.

    Lá tần dày chiên giòn có thể chấm với sốt tương cà/tương ớt/mayonaise theo tùy sở thích.

    2. Bò xào tần dày lá

    rau tần dày lá xào thịt bò

    Chuẩn bị

    • Lá húng chanh rửa sạch, để ráo, thái nhỏ tùy thích
    • Dầu ăn, gia vị
    • Thịt bò thái mỏng, ướp chút bột nêm, tỏi, dầu ăn

    Cách làm

    • Bắc chảo dầu lên bếp, chờ dầu nóng, cho tỏi vào phi thơm, tiếp cho thịt bò vào đảo đều.
    • Khi thịt bò chín tới, thì cho tần dày lá vào đảo đều, nêm nếm lại cho vừa ăn, rồi tắt bếp.

    3. Canh chua nêm rau tần dày lá

    rau tần dày lá nấu canh chua

    Chuẩn bị

    Để nấu canh chua rau tần dày lá, bạn cần:

    • 300g thịt gà
    • 1 cành rau húng chanh
    • 150g bông so đũa
    • 2 quả cà chua
    • 1 vắt me chín
    • Ngò gai (mùi tàu), ớt tươi, tỏi băm, nước mắm, đường, hạt nêm.

    Cách làm

    • Thịt gà rửa sạch, chặt miếng nhỏ vừa ăn, ướp với 1,5 thìa cà phê hạt nêm, để 15 phút.
    • Bông so đũa bỏ nhụy để không đắng rồi rửa sạch.
    • Cà chua rửa sạch, thái múi cau.
    • Húng chanh và ngò gai thái nhuyễn, ớt thái sợi.
    • Cho nồi lên bếp, cho dầu vào đun nóng, bỏ tỏi vào phi thơm rồi cho gà vào xào săn.
    • Cho một lượng nước vừa đủ dùng vào nồi và nấu cho gà chín mềm.
    • Me cho vào bát, đổ nước nóng để lọc lấy nước me, đổ vào nồi gà. Nêm 1 thìa súp đường, 1 thìa súp hạt nêm, 1/2 thìa súp nước mắm ngon.
    • Sau đó bạn cho cà chua, húng chanh và mùi tàu vào nồi.
    • Bạn nêm lại cho vừa ăn rồi thêm ớt thái sợi. Cho so đũa vào nồi canh đang sôi rồi tắt bếp ngay.
    • Múc canh chua rau tần dày lá ra tô, thêm mùi tàu, dùng nóng.

    Ngoài ra còn một số món ngon khác từ rau tần dày lá:

    • Canh rau tần dày lá nấu thịt bằm
    • Canh tần dày lá nấu cá đồng
    • Tần dày lá xào thịt heo.

    Cách trồng rau tần dày lá

    rau thơm lông

    Cây rau tần dày lá có thể trồng bằng cây con hoặc giâm cành đều được. Khi giâm nên chọn cây thân to tròn, lá xanh tốt đều nhau, không sâu bệnh, không nên chọn cành non quá hoặc già quá cây sẽ không phát triển được.

    Rau tần dày lá có thể trồng trong chậu, thùng xốp hoặc khoảng đất trống miễn là đảm bảo thoát nước tốt vì loại cây này không chịu được ngập úng.

    Nơi trồng phải có ánh nắng từ 4-5 tiếng vì đây là loại cây ưa nắng.

    Tần dày lá có thể thu hoạch sau khoảng 1 tháng. Khi thu hoạch thì ngắt lá hoặc có thể ngắt cả đoạn non phía đầu ngọn để sử dụng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

    Dinh dưỡng - Da liễu Thẩm mỹ · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


    Tác giả: Quyen Nguyen · Ngày cập nhật: 17/02/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo