Nếu không biết các tác dụng của hạt mít, bạn đã bỏ phí một nguyên liệu nấu ăn độc đáo, thơm ngon mà lại không tốn kém. Những món ăn từ hạt mít không chỉ giúp cả nhà ngon miệng mà còn chứa nhiều vitamin nữa đấy.
Không hiếm người sau khi ăn phần thịt mít ngọt ngào, thơm thoang thoảng lại thắc mắc phần hạt mít dùng để làm gì và ăn hạt mít có tốt không. Lợi ích sức khỏe từ quả mít là rất lớn và phần hạt mít không phải ngoại lệ. Vậy tác dụng của hạt mít là gì, hãy cùng tìm hiểu ngay!
Thành phần dinh dưỡng của hạt mít
Trước khi tìm hiểu tác dụng của hạt mít, bạn có thể tìm hiểu thông tin dinh dưỡng của hạt mít chứa thành phần gì. Hạt mít chứa nhiều protein và khoáng chất như kẽm, sắt, canxi, đồng, kali và magie. Hơn nữa, đây còn là loại hạt này còn giàu thiamin, riboflavin tốt cho hệ tiêu hoá. Cụ thể, trong khoảng 28g hạt mít có chứa:
- Calo: 53
- Carb: 11g
- Protein: 2g
- Chất béo: 0g
- Chất xơ: 0,5g
- Riboflavin: 8% lượng tiêu thụ khuyến nghị hàng ngày
- Thiamine: 7% lượng tiêu thụ khuyến nghị hàng ngày
- Magie: 5% lượng tiêu thụ khuyến nghị hàng ngày
- Photpho: 4% lượng tiêu thụ khuyến nghị hàng ngày
Những tác dụng của hạt mít
Phần hạt mít mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Bạn hãy tìm hiểu xem ăn hạt mít có tác dụng gì nhé.
1. Tác dụng của hạt mít giúp cung cấp dưỡng chất
Hạt mít chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như tinh bột, protein, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Ngoài những khoáng chất trên, loại hạt này cũng chứa khá nhiều hai vitamin B là thiamine và riboflavin. Đây là chất có thể cung cấp năng lượng cho cơ thể và thực hiện nhiều chức năng quan trọng khác.
Tác dụng của hạt mít là cung cấp chất xơ và kháng tinh bột. Đây là hai chất không được cơ thể tiêu hóa nhưng lại giúp nuôi dưỡng lợi khuẩn trong đường ruột. Hơn nữa, chất xơ và kháng tinh bột còn giúp kiểm soát cơn đói, giảm lượng đường trong máu, cải thiện tiêu hóa và tăng độ nhạy insulin.
2. Công dụng của hạt mít giúp kháng khuẩn
Hạt mít có tác dụng gì? Trong y học cổ truyền, hạt mít đôi khi được dùng làm bài thuốc giúp giảm tiêu chảy. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng hạt mít có thể có tác dụng kháng khuẩn.
Một nghiên cứu cho thấy bề mặt của hạt mít được bao phủ bởi các hạt nhỏ có chức năng như chất kháng khuẩn. Các nhà khoa học đã thử nghiệm khả năng chống các vi khuẩn thông thường như E. coli của những hạt nhỏ này. Kết quả cho thấy tác dụng của hạt mít giúp ngừa các bệnh do thực phẩm nhiễm khuẩn gây ra.
3. Tác dụng của hạt mít giúp chống ung thư
Một số nghiên cứu cho thấy hạt mít có thể có một số đặc tính chống ung thư. Điều này có thể là do hạt mít chứa các hợp chất thực vật và chất chống oxy hóa. Một nghiên cứu ống nghiệm gần đây cho thấy chiết xuất hạt mít làm giảm 61% sự hình thành các tế bào ung thư trong mạch máu.
Hạt mít rất giàu các chất chống oxy hóa như flavonoid, saponin và phenolic. Nghiên cứu chỉ ra rằng các hợp chất này có thể giúp chống viêm, tăng cường hệ thống miễn dịch và thậm chí chữa lành các tổn thương trong ADN.
4. Tác dụng của hạt mít hỗ trợ tiêu hóa
Hạt mít có tác dụng gì? Tương tự như các loại hạt khác, hạt mít chứa cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Những loại chất xơ này giúp cải thiện các vấn đề về hệ tiêu hóa và nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong ruột. Những lợi khuẩn đường ruột này lại giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh và tăng cường chức năng miễn dịch.
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra việc bổ sung chất xơ có thể giúp giảm táo bón. Hơn nữa, chất xơ có thể giúp ngừa viêm ruột và làm giảm các triệu chứng bệnh trĩ.
5. Tác dụng của hạt mít giúp giảm cholesterol
Nồng độ cholesterol có hại quá cao thể dẫn đến huyết áp cao, tiểu đường và tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, nồng độ cholesterol tốt cao lại có tác dụng bảo vệ tim.
Nghiên cứu cho thấy hạt mít có thể giúp bạn cải thiện mức cholesterol trong cơ thể nhờ có hàm lượng chất xơ và chất chống oxy hóa cao. Một nghiên cứu trên chuột cho thấy những con chuột ăn nhiều hạt mít đã giảm mức cholesterol có hại và tăng cholesterol có lợi.
Những lưu ý khi ăn hạt mít
Tuy những tác dụng của hạt mít luộc rất đa dạng nhưng bạn vẫn cần cân nhắc một số lưu ý trước khi quyết định xem ăn hạt mít có tốt không. Hạt mít có thể có những ảnh hưởng không mong muốn tới sức khỏe của bạn.
1. Hạt mít có thể tương tác với thuốc
Những ai đang dùng những loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết cần thận trọng khi dùng hạt mít. Một nghiên cứu cho thấy chiết xuất hạt mít có khả năng làm chậm hay thậm chí ngăn quá trình đông máu. Điều này có nghĩa là hạt mít có thể làm tăng thêm nguy cơ xuất huyết khi dùng chung với các loại thuốc chống đông máu. Các loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết là:
- Aspirin
- Thuốc chống đông máu
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu
- Thuốc kháng viêm không steroid (ibuprofen hoặc naproxen)
2. Hạt mít chứa chất kháng dinh dưỡng
Hạt mít khi còn sống chứa chất kháng dinh dưỡng mạnh là tannin và chất ức chế trypsin. Những chất này có thể cản trở quá trình tiêu hóa và sự hấp thụ chất dinh dưỡng.
• Tannin: Đây là một loại polyphenol thường thấy trong nhiều loại thực vật có thể liên kết với các khoáng chất như kẽm và sắt, làm giảm khả năng hấp thụ các khoáng chất này.
• Chất ức chế trypsin: Đây là một loại protein có mặt trong đậu nành, hạt đu đủ và hạt mít. Tương tự như tannin, chất này cản trở quá trình tiêu hóa protein và gây khó khăn cho quá trình tiêu hóa thức ăn.
Bạn có thể giảm tác động của chất kháng dinh dưỡng trong hạt mít bằng cách nấu chín trước khi ăn.
Các món ăn từ hạt mít
Từ những tác dụng của hạt mít, bạn có thể chế biến hạt mít thành các món ăn mộc mạc nhưng rất mới lạ sau đây.
1. Hạt mít rim ngũ vị hương
Ngũ vị hương có hương thơm kích thích vị giác cùng hạt mít bùi bùi sẽ rất thích hợp trong những bữa cơm gia đình. Bạn hãy thử áp dụng công thức sau để có thêm món mới trong thực đơn.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Hạt mít
- Dầu ăn
- Đường
- Tiêu
- Tương ớt
- Nước tương
- Ngũ vị hương
Cách bước nấu hạt mít rim
– Bạn luộc chín hạt mít rồi bóc vỏ.
– Bắc chảo lên bếp rồi đổ dầu ăn vào.
– Cho hạt mít, ngũ vị hương, tiêu, đường, nước tương, ớt vào chảo rim.
– Khi hạt mít đã chín, bạn cho ra đĩa rồi thưởng thức.
2. Bánh hạt mít nướng
Món bánh hạt mít sẽ là món ăn vặt rất ngon miệng. Bạn có thể áp dụng công thức cho 4 phần ăn theo hướng dẫn sau đây.
Nguyên liệu làm bánh
- 3g bột nở
- 100g bột mì
- 100g hạt mít
- 15g đường bột
- 50ml sữa tươi
- 10g mè trắng đã rang
- 30g bơ
Cách làm bánh hạt mít
– Luộc hạt mít với ít muối và đường trong khoảng 20 – 30 phút cho tới khi hạt mít chín.
– Xả hạt mít qua nước lạnh cho nguội rồi bóc vỏ, xay nhuyễn.
– Trộn đều 100g bột mì, 15g đường bột, 1g muối, 3g bột nở rồi rây hỗn hợp vào bát lớn.
– Trộn đều 30g bơ mềm, hạt mít xay nhuyễn, 10g mè trắng rang, 50ml sữa tươi. Bạn dùng tay nhào hỗn hợp thành một khối bột.
– Bọc khối bột bằng màng bọc thực phẩm rồi dùng chày cán cán bột thành một lớp mỏng 1cm.
– Cắt bột thành từng miếng nhỏ sao cho vừa ăn.
– Lót giấy bạc vào khay nướng rồi xếp bột lên.
– Cho khay vào lò nướng với nhiệt độ 200 độ C trong khoảng 20 – 30 phút.
– Bạn kiểm tra thấy bánh chín thì để nguội và thưởng thức.
3. Hạt mít kho đậu phụ
Nếu chỉ dùng những gia vị chay khi làm món hạt mít kho đậu phụ, bạn sẽ có một món ăn thanh tịnh nhưng vẫn rất đậm đà. Bạn có thể áp dụng công thức này vào những ngày ngán những món quá nhiều đạm.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Hạt mít
- Một miếng đậu phụ lớn
- Các gia vị cần thiết như hạt nêm, bột ngọt, nước mắm…
Cách làm hạt mít kho đậu
– Luộc hạt mít với ít muối cho chín rồi bóc lớp vỏ bên ngoài.
– Đậu phụ cắt miếng vừa ăn.
– Chuẩn bị nồi rồi cho đậu phụ và hạt mít vào. Sau đó, bạn cho thêm các gia vị như hạt nêm, bột ngọt, nước mắm, tiêu…
– Cho thêm ít nước vào nồi rồi đun cho sôi.
– Khi nước sôi, bạn hạ lửa để gia vị thấm hơn.
– Khi nước cạn, bạn tắt bếp rồi trình bày món ăn và thưởng thức.
Hạt mít vừa là nguyên liệu nấu ăn linh hoạt, bình dân vừa mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Bạn hãy thử nấu những món ăn thơm ngon để tận hưởng tác dụng của hạt mít nhé.
Như Vũ HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmr]