Rong nho (nho biển) có hàm lượng dinh dưỡng cao và đem lại nhiều lợi ích sức khỏe cho người sử dụng. Đặc biệt,thực phẩm này còn có công dụng hỗ trợ chữa trị các bệnh lý nguy hiểm như bệnh tim, tiểu đường, ung thư…
Ở Việt Nam, rong nho vẫn chưa được phổ biến rộng rãi nên nhiều người không biết rong nho có tác dụng gì; cách bảo quản hay cách ăn thế nào để tận hưởng trọn vẹn hương vị của nó. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm về công dụng của rong nho, cách chế biến và bảo quản thực phẩm này trong bài viết sau nhé!
Rong nho là gì?
Rong nho (tên khoa học: Caulerpa lentillifera) là một loại tảo biển có hình dạng giống như một chùm nho. Nó còn được mệnh danh là trứng cá muối xanh (trứng cá muối hay caviar được biết đến là món ăn rất đắt đỏ chỉ dành cho giới thượng lưu). Ở Nhật Bản, người ta thường gọi chúng là nho biển.
Bên cạnh hàm lượng chất xơ dồi dào, rong nho còn giàu vitamins A, B, C, K và beta carotene, các hợp chất thực vật và các chất chống oxy hóa.
Rong nho thường được khai thác và sử dụng như một loại rau. Tuy nhiên, hàm lượng dinh dưỡng của nó cao hơn đáng kể so với các loại rau thông thường.
Rong nho thường phân bố tự nhiên ở vùng Đông Nam Á, Nhật Bản và các đảo ở khu vực Thái Bình Dương. Hiện nay, Việt Nam đã trồng được loại rong nho có giống từ Nhật Bản tại Đông Hà, Hải Ninh, Khánh Hòa.
Dù là rong nho tươi, hay đã tách nước (dạng khô), món ăn này cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vậy cụ thể rong nho có tác dụng gì? Sau đây là những tác dụng của rong nho để bạn hiểu rõ hơn và kết hợp chúng vào thực đơn ăn uống của mình.
8 công dụng của rong nho
Rong nho có chứa nhiều thành phần rất tốt cho sức khỏe và có thể giúp bạn phòng tránh được nhiều bệnh nguy hiểm.
1. Giúp xương chắc khỏe
Rong nho có tác dụng gì? Nho biển rất giàu protein, canxi và axit béo không bão hòa đa có trong nhóm omega 3 (DHA, EPA, ALA). Những chất này có tác dụng kháng viêm và làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp.
2. Tác dụng của rong nho: Tăng cường thị lực
Rong nho giàu chất sắt và vitamin A. Vì vậy, nó có tác dụng tăng cường chức năng của hệ thần kinh thị giác, cải thiện thị lực. Ngoài ra, tác dụng tuyệt vời khác của rong nho chính là hỗ trợ phòng chống các bệnh về mắt như quáng gà, khô mắt…
3. Giảm nguy cơ tiểu đường
Ăn rong nho có tác dụng gì? Rong nho chứa nhiều vitamin C, giúp phòng chống và cải thiện các triệu chứng bệnh tiểu đường hiệu quả. Cụ thể, loại thực phẩm này giúp cơ thể kiểm soát lượng đường và hoạt động của các gốc tự do.
Ngoài ra, thực phẩm này còn giảm sự tích tụ sorbitol nội bào và ức chế sự gắn kết của glucose với protein. Sự tích tụ sorbitol và sự glycosyl hóa có liên quan rất nhiều đến các biến chứng của tiểu đường. Đặc biệt là các biến chứng về mắt và thần kinh.
4. Công dụng của rong nho với sức khỏe tim mạch
Ăn rong nho nhiều có tốt không? Rong nho chứa các axit béo không bão hòa AA, LA, DHA, EPA và ALA giúp giảm cholesterol, tăng tính co giãn của mạch máu.
Các axit trong rong còn có tác dụng ngăn ngừa oxy hóa, duy trì cấu trúc collagen của động mạch. Qua đó giúp ngăn ngừa các căn bệnh như đột quỵ, xơ vữa động mạch hay nhồi máu cơ tim.
5. Làm đẹp da
Một tác dụng của rong nho mà nhiều phụ nữ vô cùng yêu thích đó chính là tác động tích cực đến làn da và làm chậm quá trình lão hóa. Chất béo có trong nho biển sẽ giúp bảo vệ màng tế bào, cải thiện tính đàn hồi của thành mạch máu, qua đó giảm các triệu chứng khô da.
Loại rong này cũng thúc đẩy sản xuất collagen và chất chống oxy hóa, hai chất được coi là “mỹ phẩm tự nhiên”. Nhờ vậy thêm rong nho vào chế độ ăn uống lành mạnh giúp cải thiện da, tóc và làm chậm quá trình lão hóa.
6. Lợi ích của rong nho: Hạn chế táo bón
Rong nho biển chứa lượng calo và đường rất thấp, cho phép vi khuẩn dễ dàng tiêu hóa thức ăn và bài tiết chất thải một cách nhanh chóng. Do đó, nó có tác dụng rất tốt trong việc điều trị táo bón ở cả người lớn và trẻ em.
7. Tác dụng rong nho: Tránh béo phì
Rong nho có tác dụng gì? Rong nho biển ít đường nhưng giàu canxi, kẽm, sắt, protein thực vật, vitamin C và axit béo không bão hòa đa nên có thể coi là thực phẩm bổ dưỡng và an toàn cho trong trường hợp bạn bị thừa cân hay đang trong chế độ ăn kiêng.
8. Công dụng phòng ngừa ung thư của rong nho
Ăn rong nho có tác dụng gì? Fucoidan có trong loại rong này được xem như một chất chống ung thư tự nhiên. Các nghiên cứu năm 2002 và 2005 đã chứng minh Fucoidan là một thành phần mới có khả năng điều trị ung thư hiệu quả. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát hiện Fucoidan có thể khiến các tế bào bệnh bạch cầu, ung thư hạch, ruột kết và tế bào ung thư dạ dày tự tiêu diệt. Fucoidan cũng được phát hiện cho thấy có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch đáng kể và giúp giảm mức cholesterol trong máu.
Các chất dinh dưỡng có trong rong nho nếu được cơ thể hấp thụ hiệu quả sẽ mang lại tác động tích cực cho hệ tiêu hóa, thần kinh, tim mạch,…
Cách ăn và chế biến rong nho biển
Bạn có thể chế biến rong nho thành nhiều món ngon khác nhau. Dưới đây là hướng dẫn sơ chế cho 2 loại rong nho phổ biến và gợi ý món ăn dễ thực hiện để bạn tham khảo.
Cách ăn rong nho
Rong nho có 2 loại phổ biến là rong nho tươi và khô. Giữa chúng có đôi chút khác biệt trong khâu sơ chế, cụ thể như sau:
- Cách ăn rong nho tươi
Với cách ăn rong nho tươi nhanh, gọn, bạn có thể rửa sạch với nước ngọt rồi ngâm vào tô nước đá để khử mùi tanh tự nhiên. Rong khi ngâm vào nước sẽ bị teo lại sau khoảng 30 giây. Do đó, bạn không nên bỏ rong hết vào tô mà chỉ nên ăn bao nhiêu bỏ bấy nhiêu. Như vậy, rong sẽ giòn và dễ ăn hơn.
- Rong nho khô (loại đã tách nước)
Với rong nho khô, trước tiên, bạn mở túi lấy rong nho tách nước cho vào tô nước sạch, ngâm khoảng 3 – 5 phút, rong sẽ từ từ nở ra và tươi trở lại.
Sau đó, bạn đổ phần nước đã ngâm rồi cho rong vào tô nước đá lạnh và ngâm tiếp trong khoảng 3 phút. Cũng tương tự như rong tươi, bạn chỉ nên ăn bao nhiêu ngâm bấy nhiêu bởi rong sẽ bị teo lại.
Bạn có thể dùng rong trực tiếp với các loại nước chấm thông thường như xì dầu, mù tạc, tương ớt, sốt mè rang…. Bên cạnh đó, rong nho khi ăn kèm với các loại hải sản như tôm, mực cũng rất ngon.
Một số món ngon từ rong nho
Có rất nhiều món ăn với rong nho bạn có thể thực hiện tại nhà như gỏi, nước ép, chè, nướng, salad…
Gỏi rong nho tôm tươi
Khẩu phần: 2 người
Nguyên liệu:
- 8 com tôm sú
- 1/2 củ cà rốt
- 1/4 củ hành tây tím
- 150g rong nho tươi
- 2 muỗng cà phê đường
- 1/2 muỗng cà phê ớt băm
- 1/2 muỗng cà phê tỏi băm
- 1/2 muỗng canh nước mắm
- 1/2 muỗng canh nước cốt chanh
Cách thực hiện:
- Đầu tiên, ngâm rong tươi trong nước sạch khoảng 15 phút, sau đó vớt ra, để cho ráo nước
- Tôm sú luộc chín, bóc vỏ bỏ đầu, chừa lại đuôi cho đẹp. Cà rốt gọt vỏ và cắt sợi nhỏ.
- Pha nước mắm với nước cốt chanh, tỏi và ớt băm
- Cho rong, tôm, cà rốt vào thố, rưới nước mắm đã pha sẵn vào và trộn đều tất cả lên. Bạn có thể ăn kèm với bánh phồng tôm như các món gỏi tôm thông thường.
Sau khi trộn xong, bạn nên ăn ngay để rong giữ được độ tươi, giòn ngon hoặc nên bọc kín để tránh rong tiếp xúc với hơi gió.
Nước ép rong nho
Khẩu phần: 2 người
Nguyên liệu:
- 1 trái cam
- 1 củ cà rốt
- 20g nho biển tươi
- Đường, đá bào
Cách thực hiện:
- Vắt cam và ép cà rốt để lấy nước
- Sau đó, lần lượt cho rong vào máy xay cùng nước cam và cà rốt đã ép trước đó
- Cuối cùng, cho thêm đá bào vào, thêm khoảng 2 muỗng cà phê đường và xay đến khi thấy hỗn hợp mịn thì có thể đổ ra và thưởng thức.
Bạn có thể uống riêng nước ép rong nho với cam hoặc cà rốt hay trộn hỗn hợp nhiều thành phần như công thức trên để có thể hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng nhất.
Chè rong nho táo đỏ
Khẩu phần: 2 người
Nguyên liệu:
- 8 trái táo đỏ
- 20g nhãn nhục
- 500ml nước lọc
- 30g rong nho tươi
- 2 muỗng canh đường phèn.
Cách thực hiện:
- Bạn ngâm rong tươi trong nước sạch khoảng 15 phút, sau đó vớt ra, để nơi kín gió
- Táo đỏ và nhãn nhục thì bạn rửa sạch, đem ngâm trong nước ấm khoảng 5 phút cho nở
- Tiếp đến, bạn bật bếp đun sôi nước và cho đường vào nấu tan. Sau đó, cho táo đỏ và nhãn nhục vào nấu. Bạn hãy để lửa nhỏ nấu riu riu đến khi thấy mềm thì tắt bếp là vừa.
- Bạn có thể thêm hương vani vào chè để tạo mùi thơm. Khi nào ăn, bạn cho rong vào. Món chè này có thể ăn nóng hoặc lạnh tùy thích.
Táo đỏ có tác dụng làm đẹp da, tăng cường tuần hoàn máu và chống lão hóa. Nhãn nhục có tác dụng an thần, cải thiện trí nhớ và khả năng tập trung. Cách ăn rong nho với táo đỏ và nhãn nhục sẽ mang đến cho bạn một món chè thơm ngon đầy bổ dưỡng.
Đậu hũ sốt dầu hào rong nho
Khẩu phần: 2 người ăn
Nguyên liệu:
- Lá dứa
- 1 trái ớt sừng
- 20g rong nho tươi
- 2 miếng đậu hũ non
- 1 tai nấm đông cô khô
- 2 muỗng canh dầu hào
- 1/4 muỗng cà phê tiêu
- 1/2 muỗng cà phê dầu mè
- 1/2 muỗng cà phê hạt nêm
- 1/2 muỗng cà phê gừng băm
- 1/2 chén nước dùng từ rau củ
- 1/2 muỗng cà phê hành baro băm
- 1/2 muỗng cà phê mè rang vàng
Cách thực hiện:
- Ngâm rong tươi trong nước sạch khoảng 15 phút, sau đó vớt ra và để nơi kín gió
- Nấm đông cô cắt bỏ gốc, khía chữ thập trên đỉnh, ngâm nước cho nở mềm, rửa thật sạch sau đó vớt ra và để ráo
- Đậu hũ cắt thành những khối vuông nhỏ, cho vào xửng hấp cùng với lá dứa cho có mùi thơm
- Phi thơm hành baro, cho thêm gừng, dầu hào và nước dùng vào. Nêm thêm tiêu, dầu mè, hạt nêm cho vừa ăn
- Cuối cùng, xếp lá dứa ra đĩa, cho đậu hũ lên và rưới sốt dầu hào. Cho rong lên trên, thêm ớt sừng thái sợi, mè rang vàng và tiêu lên cho đẹp mắt.
Đậu hũ chứa isoflavone làm giảm mức độ cholesterol xấu hoặc lipoprotein mật độ thấp trong cơ thể, qua đó tăng cường sức khỏe tim mạch.
Mực nướng cuộn rong nho
Khẩu phần: 4 người
Nguyên liệu:
- 1 con mực nang
- 60g rong nho tươi
- 1/2 muỗng cà phê ớt bột
- 1/2 muỗng cà phê tỏi xay
- 1/2 muỗng cà phê dầu ăn
- 1/2 muỗng cà phê hạt nêm
- 1/2 muỗng canh giấm trắng
- 1 muỗng cà phê nước tương
- 1/2 muỗng cà phê mù tạt xanh
- 1/4 muỗng cà phê bột ngũ vị hương.
Cách thực hiện:
- Ngâm rong tươi trong nước sạch khoảng 15 phút, sau đó vớt ra và để nơi kín gió
- Mực khía bông phần thân sau đó ướp với tỏi xay, ớt bột, ngũ vị hương, hạt nêm và một chút dầu ăn trong 15 phút cho mực thấm đều
- Nướng mực sao cho vừa chín vàng. Cắt xéo thân mực theo đường khía bông thành những miếng vừa ăn
- Xếp mực ra đĩa và cho rong lên trên. Bạn có thể rắc một ít ớt bột lên trên mực cho đẹp.
Bạn có thể trộn mù tạt xanh với giấm, nước tương làm nước chấm. Khi dùng rưới nước chấm vào rong, trộn đều và thưởng thức.
Salad rong nho bốn mùa
Khẩu phần: 2 người ăn
Nguyên liệu:
- Giấm, đường
- 1 củ cà rốt
- 80gr rong nho
- 8 quả trứng cút
- 8 trái cà chua bi
- 1/2 muỗng cà phê tiêu
- 1/2 muỗng cà phê muối
- 1/2 muỗng cà phê dầu ăn
Thực hiện:
- Ngâm rong tươi trong nước sạch khoảng 5 – 10 phút, sau đó vớt ra và để nơi kín gió
- Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ và cắt sợi. Cà chua rửa sạch và để ráo nước
- Tiếp theo, ngâm cà rốt và rong trong nước đá khoảng 5 phút để tăng độ giòn. Sau đó bạn vớt ra rổ và để ráo.
- Pha phần nước sốt với giấm, đường, muối, tiêu chung với dầu ăn, nêm nếm cho vừa miệng
- Cuối cùng, bạn cho tất cả nguyên liệu vào đĩa trộn đều. Rưới nước sốt lên bên trên, trộn qua và dùng ngay để rong vẫn còn độ giòn ngon.
Món salad này kết hợp nhiều loại rau củ sẽ không gây cảm giác ngán. Cách ăn này rất thích hợp trong thực đơn khi bạn đã ăn quá nhiều món thịt, cá trước đó.
Cách bảo quản rong nho
Rong tươi có thể bảo quản trong khoảng thời gian 3 – 5 ngày. Bạn nên để rong tươi ở những nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, không bảo quản rong nho tươi trong tủ lạnh. Thậm chí, bạn có thể để rong tươi ở bên ngoài trong điều kiện phù hợp để chúng tiếp tục quang hợp.
Rong nho khô đã được đóng gói hút chân không cần được bảo quản theo hướng dẫn trên bao bì. Thời gian bảo quản thường từ 6 – 8 tháng.
Rong nho là loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe. Những sợi rong xanh mát trông không những hấp dẫn mà còn có giá trị dinh dưỡng cao. Bạn hãy chọn ngay một cách chế biến để lên thực đơn bổ sung dinh dưỡng cho gia đình mình nhé.
[embed-health-tool-bmr]