backup og meta

Muối hồng Himalaya "sang chảnh" liệu có xứng giá tiền?

Muối hồng Himalaya "sang chảnh" liệu có xứng giá tiền?

Muối hồng Himalaya tuy có một số khoáng chất tốt cho sức khỏe nhưng liệu có xứng đáng với giá tiền gấp khoảng 10 lần muối thường? Trước khi quyết định mua, bạn nên cân nhắc lợi ích và tác hại của loại muối “sang chảnh” này nhé.

Giá cả muối hồng Himalaya đắt đỏ nhưng loại muối này chưa hẳn mang lại những lợi ích xứng đáng với số tiền bỏ ra. Vậy bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu muối hồng là gì, có tốt không và có tác hại gì không?

Muối hồng Himalaya là gì?

muối hồng

Muối hồng hay còn gọi muối hồng Himalaya là một loại muối được khai thác bằng tay ở mỏ muối Khewra gần dãy Himalaya thuộc Pakistan. Loại muối này tự nhiên có một màu hồng nhạt và ít được tinh chế nên rất tinh khiết.

Đặc điểm của muối hồng Himalaya

Muối hồng Himalaya có tính chất hóa học tương tự như muối ăn thường và có chứa tới 98% natri clorua. Bên cạnh đó, muối hồng còn chứa một lượng nhỏ các khoáng chất như kali, magie và canxi. Những khoáng chất này khiến muối có màu hồng nhạt và có vị khác muối ăn thông thường.

Công dụng của muối hồng Himalaya

Muối hồng Himalaya có tác dụng gì? Cũng như muối ăn thông thường, muối hồng cũng được dùng để nêm nếm thức ăn và bảo quản thực phẩm. Một số người cũng sử dụng muối hồng Himalaya thay cho muối tắm. Hiện nay cũng có đèn ngủ và khay nến làm bằng muối hồng. Những tấm đá muối hồng lớn đôi khi được dùng làm đĩa để trình bày món ăn hay khay để nấu ăn. 

Muối hồng Himalaya giá bao nhiêu?

Trên thị trường hiện có rất nhiều nơi bán muối hồng với nhiều khung giá khác nhau tùy chất lượng muối. Thường giá muối hồng nằm trong khoảng từ 100.000 – 300.000 đồng/kg. Đây là một giá khá cao so với khung giá từ 10.000 – 30.000 đồng/kg muối ăn thường.  

Những lời đồn về lợi ích của muối hồng

muối hồng

Mức giá cao cùng một số lời đồn về lợi ích sức khỏe của muối hồng khiến loại muối này gây tò mò cho nhiều người. Bạn hãy xem những tin đồn về lợi ích của muối hồng có đúng và giá tiền bỏ ra cho loại muối này có xứng đáng không nhé.

1. Muối hồng có nhiều khoáng chất

Nếu bạn băn khoăn muối hồng có tác dụng gì, một số nguồn tin cho rằng muối hồng Himalaya chứa tới 84 khoáng chất vi lượng tốt cho sức khỏe khác nhau. Thật ra lượng khoáng chất trong muối hồng tuy có nhưng không cao nên không mang đến những lợi ích sức khỏe rõ ràng.

Muối hồng chứa tới 98% natri clorua nên chỉ có khoảng 2% là khoáng chất vi lượng. Bạn sẽ cần ăn tới 1,7kg muối hồng mới bổ sung đủ lượng kẽm được khuyến nghị mỗi ngày. 

2. Muối hồng có ít natri hơn

Một số người tin rằng muối hồng Himalaya có hàm lượng natri thấp hơn muối ăn thông thường. Tuy nhiên, cả hai loại muối này đều có khoảng 98% natri clorua. Thế nhưng, muối hồng thường có hạt lớn hơn và vị cũng mặn hơn muối ăn thông thường nên bạn có thể sẽ nêm ít muối hồng hơn so với khi dùng muối thường. Vậy nên có thể khi dùng muối hồng, bạn sẽ nạp ít natri vào cơ thể hơn.

3. Muối hồng tự nhiên hơn

Một số người cho rằng muối hồng Himalaya tự nhiên hơn muối ăn thường. Quan điểm này có thể đúng vì muối ăn thông thường được tinh chế khá nhiều. Loại muối này còn được trộn với các chất phụ gia chống vón cục như natri aluminosilicate hoặc magie cacbonat. Trong khi đó, muối hồng Himalaya lại ít được tinh chế hơn và thường không chứa chất phụ gia.

4. Tác dụng của muối hồng giúp ngừa mất nước

Một số người tin rằng dùng muối hồng khi nấu ăn hoặc pha đồ uống có thể giúp cơ thể cân bằng chất lỏng và ngăn ngừa mất nước. Thật ra natri trong muối hồng có thể giúp bạn duy trì sự cân bằng của các chất lỏng trong cơ thể. Tuy nhiên, natri từ muối ăn thông thường cũng có tác dụng tương tự.

Ngoài muối, bạn cũng có thể bổ sung những thực phẩm chống mất nước khác như dưa leo, bưởi, cam… Những lựa chọn này thường rẻ và dễ tìm mua hơn muối hồng nhiều.

Những rủi ro khi dùng muối hồng

muối hồng

Bạn có thể cân nhắc dùng muối hồng để có một gia vị tinh khiết hơn khi nấu ăn. Tuy nhiên khi dùng, bạn cần chú ý những rủi ro sau đây.

Muối hồng gây thiếu iốt

Iốt là một khoáng chất mà cơ thể cần để duy trì chức năng tuyến giáp và chuyển hóa chất. Các nguồn iốt từ tự nhiên là cá, các thực vật mọc dưới nước, sữa, trứng… Muối ăn thông thường cũng được bổ sung iốt nên cũng là nguồn cung cấp khoáng chất này.

Mặc dù muối hồng Himalaya tự nhiên đã có chứa một ít iốt nhưng lượng khoáng chất này vẫn ít hơn muối iốt thông thường. Việc dùng muối hồng trong thời gian dài mà không có nguồn iốt khác bổ sung có thể dẫn tới một số vấn đề sức khỏe như khô da, mệt mỏi, lạnh người…

Bạn có thể tìm hiểu thêm: 10 nguy cơ sức khỏe khi bạn bị thiếu iot

Những ai đang bị hoặc có nguy cơ thiếu iốt có thể cần tìm một nguồn iốt khác nếu muốn dùng muối hồng.

Muối hồng có thể gây dư natri

Natri là một khoáng chất trong muối hồng hay muối ăn thường rất cần thiết cho cơ thể. Natri có thể giúp hỗ trợ:

  • Thư giãn cơ bắp
  • Ngăn ngừa huyết áp thấp
  • Gửi các xung động thần kinh
  • Cân bằng lượng chất lỏng trong cơ thể và ngăn ngừa mất nước

Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng thói quen ăn muối ở liều lượng vừa phải có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và tiêu diệt vi khuẩn có hại. Một nghiên cứu trên động vật cũng đã cho thấy muối có thể có tác động tích cực lên các triệu chứng trầm cảm.

Tuy nhiên, bạn cần kiểm soát lượng natri mình nạp vào vì tình trạng dư natri có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như:

  • Đột quỵ
  • Bệnh tim
  • Bệnh thận
  • Huyết áp cao
  • Loãng xương
  • Tổn thương gan

Việc nạp quá nhiều muối thậm chí có thể góp phần gây ra các bệnh tự miễn như bệnh đa xơ cứng, viêm khớp dạng thấp, lupusbệnh vẩy nến. Nghiên cứu năm 2015 cho thấy việc ăn nhiều muối cũng có liên quan đến béo phì.

Bạn nên hạn chế sử dụng tất cả các loại muối, bao gồm cả muối hồng Himalaya nếu có vấn đề về thận, tim hoặc gan hoặc những bệnh cần hạn chế lượng natri. Những người bị huyết áp cao cũng nên hạn chế lượng natri dưới 1.500mg mỗi ngày. 

Muối hồng Himalaya tuy tự nhiên và tinh khiết nhưng cũng không mang lại quá nhiều lợi ích nổi trội so với muối ăn thông thường. Nếu cảm thấy chi phí bỏ ra cho loại muối “sang chảnh” này quá đắt, bạn có thể dùng muối thường vẫn tốt nhé. 

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Pass the Salt (But Not That Pink Himalayan Stuff)

https://sciencebasedmedicine.org/pass-the-salt-but-not-that-pink-himalayan-stuff/

Shaking the Salt Habit to Lower High Blood Pressure

https://www.heart.org/en/health-topics/high-blood-pressure/changes-you-can-make-to-manage-high-blood-pressure/shaking-the-salt-habit-to-lower-high-blood-pressure#.W0z2J9hKg_U

High salt intake: independent risk factor for obesity?

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26238447/

Salt and Sodium

https://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/salt-and-sodium/

Iodine, a Critically Important Nutrient

https://www.eatright.org/food/vitamins-and-supplements/types-of-vitamins-and-nutrients/iodine-a-critically-important-nutrient

Ngày truy cập: 17.09.2021

Phiên bản hiện tại

17/09/2021

Tác giả: Như Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Le Minh Phuong


Bài viết liên quan

Bật mí cách làm bánh bông lan tốt cho sức khỏe của người bệnh mạn tính

Công dụng bất ngờ khi bạn tắm muối epsom


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 17/09/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo