Cà phê là thức uống mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần và thể chất nếu bạn dùng đúng cách. Vậy uống cà phê nhiều có tốt không? Hãy cùng Hello Bacsi tìm lời giải đáp cho thắc mắc này và khám phá 7 thói quen uống cà phê mà bạn cần nhanh chóng điều chỉnh để không tàn phá sức khỏe nhé.
Uống cà phê mỗi ngày có tốt không? Không chỉ là thức uống giúp bạn tỉnh táo vào mỗi buổi sáng, cà phê còn có khả năng giảm nguy cơ mắc các bệnh như đái tháo đường, sỏi thận, ung thư gan, trầm cảm… Đồng thời theo nghiên cứu vào năm 2017, thói quen uống cà phê có thể giảm nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, nếu không biết cách uống cà phê thì loại thức uống này có thể gây hại cho sức khỏe.
Uống cà phê nhiều có tốt không?
Nhiều người lo lắng không biết liệu uống cà phê mỗi ngày có tốt không. Câu trả lời là: Với người lớn khỏe mạnh, tiêu thụ 400mg cafeine mỗi ngày được xem là an toàn. Nhiều bằng chứng cho thấy rằng việc tiêu thụ cà phê có chứa caffeine không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư. Trên thực tế, tiêu thụ từ 3 -5 tách cà phê tiêu chuẩn hàng ngày liên tục có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính.
Tuy nhiên, caffeine không chỉ có ở cà phê mà còn có mặt ở nhiều loại thức uống khác nhau, đặc biệt là các loại nước tăng lực.
Các chuyên gia về sức khỏe khuyến cáo cà phê không phải là thức uống tốt cho phụ nữ mang thai và trẻ em.
Nếu đang mang thai hoặc cố gắng thụ thai, bạn nên hạn chế uống cà phê. Mức tiêu thụ caffeine được khuyến nghị ở đối tượng này là dưới 200mg mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu không thể “từ bỏ” cà phê, bạn cần trao đổi với bác sĩ để xác định hàm lượng caffeine an toàn với bản thân.
Vậy uống cà phê nhiều có tốt không? Thói quen uống nhiều cà phê có thể khiến bạn gặp phải những rủi ro sau:
- Nghiện cà phê
- Đau đầu
- Mất ngủ
- Bồn chồn, lo lắng
- Cáu gắt
- Mất khả năng tập trung
- Đi tiểu thường xuyên hoặc không thể kiểm soát việc đi tiểu
- Tim đập nhanh
- Rung cơ
- Làm mất tác dụng của một số loại thuốc, thảo dược điều trị bệnh mà bạn đang dùng.
7 sai lầm khi uống cà phê âm thầm tàn phá sức khỏe
1. Mua cà phê đã xay sẵn
Nhiều người uống cà phê được pha từ cà phê xay sẵn vì tiện lợi và nhanh gọn! Các nghiên cứu cho biết, cà phê xay sẵn chứa nhiều gốc tự do có thể tăng nguy cơ gây viêm và stress oxy hóa. Vì thế, một trong những bí quyết uống cà phê tốt cho sức khỏe là bạn mua cà phê nguyên hạt và tự xay.
Bí quyết uống cà phê tốt cho sức khỏe
2. Đựng cà phê trong bao bì
Khi đựng cà phê trong bao bì có sẵn lúc mua, các gốc tự do sẽ tăng cao vì tiếp xúc với không khí nhiều hơn khiến các thành phần chống oxy hóa sẽ bị hao hụt. Điều này khiến cho cơ thể bạn ít thấp thu lượng chất oxy hóa tốt cho sức khỏe.
Bí quyết uống cà phê tốt cho sức khỏe
3. Uống cà phê vào sáng sớm
Uống cà phê nhiều có tốt không hay uống cà phê hàng ngày có tốt không? Nên uống vào lúc sáng sớm tinh mơ hay tầm sau 7 giờ sáng? Thực tế, những người biết uống cà phê đúng cách không chọn khung giờ này để thưởng thức cà phê. Trong vài giờ đầu tiên sau khi thức dậy, nồng độ cortisol căng thẳng của bạn ở mức cao nhất đã trở thành nguồn “kích thích” tự nhiên rồi.
Nên uống cà phê khi nào?
4. Chọn cà phê rang đậm màu
Nhiều người thích chọn cà phê rang đậm màu vì cho rằng loại này sẽ chứa nhiều chất chống oxy hóa hơn so với cà phê rang nhạt màu. Tiến sĩ Rob van Dam, Phó giáo sư khoa Dinh dưỡng và Dịch tễ học tại Đại học Harvard (Mỹ), cho biết cà phê tốt cho sức khỏe hơn khi mới rang và còn nhạt màu.
Tuy nhiên, mỗi loại cà phê đều có những lợi ích riêng. Bạn có thể lựa chọn theo hương vị yêu thích. Cà phê rang đậm màu có nồng độ melanoid cao hơn, có tác dụng chống ung thư, chống viêm và ngăn ngừa cao huyết áp. Cà phê rang nhạt màu chứa nhiều axit chlorogenic phenol giúp cải thiện lượng đường trong máu. Cả hai đều có tác dụng chống oxy hóa và có lượng caffeine ngang nhau.
5. Uống cà phê quá nhiều
Bạn có thể uống cà phê bất cứ khi nào cảm thấy mệt mỏi hay buồn ngủ? Cà phê sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn, nhưng tác hại của việc uống quá nhiều cà phê là sẽ dẫn đến các triệu chứng khó chịu như đau đầu, buồn nôn, mất ngủ, tim đập nhanh… Thậm chí bạn còn có nguy cơ bị đau dạ dày!
Đừng xem cà phê như một giải pháp chống lại cơn buồn ngủ, thay vào đó bạn hãy điều chỉnh thói quen sinh hoạt để ngủ đủ giấc hơn. Lạm dụng caffeine quá, bạn sẽ có nguy cơ trở thành “con nghiện” chính hiệu với các biểu hiện cáu kỉnh và gắt gỏng đấy.
6. Thêm nhiều đường và sữa vào cà phê
Đây là một sai lầm rất phổ biến ở nhiều người thích uống cà phê. Họ thường thêm đường hoặc sữa vào cà phê để tăng vị ngọt. Song khi thêm quá nhiều đường, bạn sẽ “vô hiệu hóa” tác dụng giảm lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 của cà phê.
Bí quyết uống cà phê tốt cho sức khỏe
7. Nhâm nhi một ly cà phê cả ngày
Bạn có thói quen thưởng thức cà phê một cách chậm rãi, có khi mất mấy giờ mới uống hết một ly cà phê? Thậm chí bạn có thể uống một ly cà phê từ sáng đến chiều. Bạn có biết điều này sẽ làm tăng lượng axit trong ly cà phê khiến bạn có nguy cơ bị ợ nóng, khó tiêu và ăn mòn răng? Việc để cà phê để tiếp xúc với không khí quá lâu cũng sẽ bị hao hụt chất chống oxy hóa.
Dĩ nhiên, uống cà phê nhanh chóng như uống nước thì chẳng có gì thú vị cả. Bạn có thể cho phép bản thân nhâm nhi ly cà phê trong khoảng 20 phút để cung cấp cho cơ thể nhiều chất chống oxy hóa hơn.
Theo các nghiên cứu, uống cà phê có thể giúp tăng tuổi thọ. Bạn hoàn toàn có thể duy trì thói quen này mỗi ngày. Dù vậy, hãy tránh những sai lầm khi uống cà phê có hại cho sức khỏe để tận dụng tối đa giá trị dinh dưỡng của loại thức uống hấp dẫn này nhé!
[embed-health-tool-bmr]