Cách chữa béo phì cần có sự kết hợp chế độ ăn uống, tập luyện, dùng thuốc và phẫu thuật. Nếu áp dụng đúng cách, bạn không những xua tan cảm giác tự ti mà còn ngăn ngừa được nhiều bệnh nguy hiểm.
Khi bị béo phì, bạn không những mất sự tự tin do vóc dáng quá nặng nề mà sức khỏe cũng sẽ giảm sút đáng kể. Bạn có thể chữa bệnh béo phì an toàn bằng các cách như điều chỉnh chế độ ăn uống, vận động thường xuyên, dùng thuốc và phẫu thuật.
1. Chữa bệnh béo phì bằng chế độ ăn uống
Một số loại thực phẩm có thể khiến bạn dễ bị tăng cân là thực phẩm đã qua chế biến có chứa các chất phụ gia. Vậy nên bạn hãy giảm lượng thức ăn đã qua chế biến, tinh chế hay thức ăn làm sẵn có nhiều đường và chất béo. Thay vào đó, bạn hãy tăng cường tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt và các thực phẩm giàu chất xơ khác như trái cây và rau quả tươi.
Chế độ ăn giàu chất xơ có thể giúp bạn cảm thấy no nhanh và từ đó sẽ ăn ít hơn. Ngũ cốc nguyên hạt thì giải phóng năng lượng chậm nên có thể giúp bạn cảm thấy no lâu hơn. Chất xơ và ngũ cốc nguyên hạt cũng có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc một số bệnh liên quan đến hội chứng chuyển hóa. Hội chứng chuyển hóa bao gồm các bệnh phổ biến ở người béo phì như tiểu đường tuýp 2, huyết áp cao và bệnh tim mạch.
Một lý do khiến bạn bị tích mỡ và thừa cân là lượng calo nạp vào lớn hơn lượng calo sử dụng trong ngày. Vậy nên, bạn hãy chọn những món ít calo khi lên thực đơn cho người béo phì. Bạn cũng có thể giảm cân bằng cách thay các thực phẩm nhiều chất béo với các loại trái cây và rau quả.
Tuy cần giảm calo, bạn cũng không nên ép bản thân vào các chế độ ăn kiêng quá hà khắc. Theo MedicalNewsToday, việc cố gắng giảm cân nhanh chóng bằng các chế độ ăn kiêng giảm cân nghiêm ngặt có thể mang đến những rủi ro sau:
- Thiếu vitamin
- Khó giảm cân lành mạnh
- Mắc các bệnh mình chưa gặp trước đây
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân béo phì quá nặng nên áp dụng chế độ ăn nhiều món lỏng với rất ít calo. Tuy nhiên, bạn cần thực hiện chế độ ăn kiêng này dưới sự giám sát của bác sĩ để đảm bảo an toàn sức khỏe.
2. Chữa bệnh béo phì bằng cách vận động
Cơ thể tự đốt cháy một lượng calo nhất định ngay cả khi bạn chỉ ngồi yên hoặc ngủ. Bạn sẽ cần phải đốt cháy nhiều calo và giảm cân nhanh hơn nếu vận động nhiều hơn. Tuy nhiên, cách chữa bệnh béo phì này thường khá mất thời gian vì bạn cần đốt tới 3.500 calo mới giảm được 0.5kg chất béo. Bạn cần thật kiên nhẫn duy trì thói quen tập thể dục để thấy được kết quả. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention – CDC) khuyến nghị bạn nên vận động vừa phải 60 – 90 phút mỗi ngày trong tuần.
Một số cách vận động nhẹ nhàng bạn có thể thử là:
- Bơi lội
- Đi bộ nhanh
- Sử dụng thang bộ thay cho thang máy
- Làm việc nhà như chăm sóc vườn hay quét nhà
- Tranh thủ đi bộ những quãng đường ngắn thay vì đi xe
Những ai không quen tập thể dục hoặc gặp các vấn đề sức khỏe gây khó khăn cho việc vận động nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập luyện. Bạn cũng không nên tập quá nặng một cách bất ngờ vì điều này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.
3. Chữa bệnh béo phì bằng cách uống thuốc
Bác sĩ đôi khi có thể sẽ kê toa Orlistat (Xenical) để hỗ trợ quá trình giảm cân của bạn. Thế nhưng, đây là cách chữa bệnh béo phì có thể mang lại tác dụng phụ. Nhằm tránh những tác dụng phụ này, bác sĩ thường chỉ kê thuốc nếu bạn giảm cân bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục không hiệu quả hoặc cân nặng của bạn có nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Tác dụng phụ của thuốc bao gồm các triệu chứng ở hệ tiêu hóa như tăng hoặc giảm tần suất đại tiện. Một số người cũng gặp các tác dụng phụ như hệ hô hấp có vấn đề, cơ và khớp khó chịu, đau đầu…
Viện Y tế Quốc gia (National Institutes of Health) lưu ý rằng bạn nên kết hợp sử dụng thuốc và áp dụng chế độ ăn ít calo vì thuốc không thể thay thế hoàn toàn việc xây dựng lối sống lành mạnh.
4. Cải thiện vóc dáng bằng cách phẫu thuật
Phẫu thuật giảm cân là phương pháp phẫu thuật loại bỏ hoặc thay đổi một phần dạ dày hoặc ruột non để bạn không tiêu thụ nhiều thực phẩm hoặc hấp thụ nhiều calo như trước đây. Điều này có thể giúp bạn giảm cân cũng như giảm nguy cơ huyết áp cao, tiểu đường tuýp 2 và các hội chứng chuyển hóa khác có thể xảy ra khi mắc phải bệnh béo phì.
Hai loại phẫu thuật chính để chữa bệnh béo phì là:
• Phẫu thuật làm nhỏ dạ dày: Bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật thắt đai dạ dày hay phẫu thuật cắt vạt dạ dày để thu nhỏ dạ dày, từ đó giúp bạn ăn ít hơn trong mỗi bữa ăn.
• Phẫu thuật nối tắt dạ dày: Loại phẫu thuật này cho phép thực phẩm đi tắt qua một số bộ phận của hệ thống tiêu hóa và không được hấp thụ hoàn toàn như trước. Bên cạnh đó, đây cũng là phẫu thuật có thể làm giảm kích thước dạ dày, từ đó giảm lượng thức ăn bạn nạp vào. Cách này thường hiệu quả hơn các phẫu thuật thu nhỏ dạ dày nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt vitamin và khoáng chất cao hơn vì cơ thể không còn có thể hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng.
Các phẫu thuật trên có thể là phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mổ mở. Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật khi bệnh nhân có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên. Ngoài ra, một số trường hợp cũng có thể cần phẫu thuật là:
- Gặp biến chứng do béo phì
- Đã thử các phương pháp giảm cân khác nhưng không hiệu quả
Quá trình giảm cân không bao giờ dễ dàng, đặc biệt là khi bạn thừa cân béo phì. Nếu giảm cân không đúng cách, bạn còn có thể gây hại cho sức khỏe tổng thể. Khi kết hợp các phương pháp chữa bệnh béo phì một cách khoa học, quá trình giảm cân của bạn sẽ an toàn hơn.
Như Vũ HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]