Không phải tất cả những người bị ung thư phổi đều hút thuốc. Nhiều người bị ung thư phổi trước đây đã hút thuốc, nhưng có những người chưa bao giờ hút thuốc. Những người không hút thuốc lá vẫn bị ung thư phổi có xu hướng trẻ hơn những người mắc bệnh có hút thuốc hoặc đã từng sử dụng thuốc lá. Đa số người mắc ung thư phổi không do hút thuốc là nữ giới.
Hầu hết mọi người khi nghe một người bị chẩn đoán ung thư phổi đều nghĩ ngay đến điếu thuốc và cho rằng họ hút thuốc lá thường xuyên nên mới bị bệnh. Thật ra, ngoài nguyên nhân là hút thuốc lá, bệnh ung thư phổi còn do nhiều nguyên nhân khác nữa. Khoảng 20% khối u phổi phát triển ở những người không hút thuốc. Vậy nguyên nhân của việc không hút thuốc lá vẫn bị ung thư phổi là do đâu? Bạn sẽ có câu trả lời ngay sau đây.
1. Khí radon
Khí radon là một nguyên nhân phổ biến gây ung thư phổi. Đó là một loại khí tự nhiên có trong đất và đá. Bạn không thể nhìn thấy, ngửi hoặc nếm nó. Radon ở không khí ngoài trời thường có nồng độ thấp, nhưng sẽ tăng dần ở bên trong các tòa nhà cao tầng. Khí này có thể xâm nhập từ mặt đất qua các vết nứt trên sàn hoặc tường.
Việc không hút thuốc lá vẫn bị ung thư phổi là do bạn đã hít khí radon trong một thời gian dài. Khi hít loại khí này, bạn có thể bị ung thư phổi vì nó sẽ phân hủy thành các hạt nhỏ có thể xâm nhập vào phổi và phá hủy các tế bào ở đó.
Bạn có thể kiểm tra nồng độ radon trong nhà bằng dụng cụ hoặc thuê chuyên gia để làm điều đó. Nếu chỉ số khí radon trong nhà hoặc nơi làm việc quá cao, bạn nên tìm đến các nhà thầu có kinh nghiệm về vấn đề này. Họ sẽ trám lại các vết nứt trên sàn và tường của bạn hoặc sử dụng các kỹ thuật chuyên biệt khác để giúp giảm lượng khí radon trong nhà.
2. Không hút thuốc lá vẫn bị ung thư phổi là do hút thuốc gián tiếp
Có hai dạng khói thuốc có thể gián tiếp gây ung thư phổi là khói thuốc từ người hút thở ra và khói bay ra từ điếu thuốc, xì gà, ống điếu. Cả hai loại khói này đều gây hại cho sức khỏe của bạn. Vì vậy, ngay cả khi không động đến một điếu thuốc nào nhưng đứng gần người hút thuốc, bạn vẫn nhận được các hóa chất độc hại. Có ít nhất 70 loại hóa chất độc hại trong thuốc lá có thể dẫn đến ung thư.
Không thể xác định được lượng khói bạn hít vào bao nhiêu là an toàn. Vì vậy, hãy cố gắng tránh xa khói thuốc lá.
3. Amiăng
Đây là tên gọi chung của loại sợi khoáng silicat được sử dụng trong rất nhiều vật liệu xây dựng. Nguyên nhân khiến bạn không hút thuốc lá vẫn bị ung thư phổi là do bạn đã hít phải loại sợi độc hại này. Khi bạn hít vào, các sợi amiăng bị kẹt sâu trong phổi và theo thời gian có thể dẫn đến ung thư phổi. Bạn càng tiếp xúc với amiăng, nguy cơ mắc bệnh càng cao.
Đôi khi amiăng ẩn náu ở những nơi như ống dẫn hơi nước hoặc gạch trong những ngôi nhà cũ. Amiăng không phải là một mối nguy hiểm tiềm ẩn trừ khi vật liệu bị hư hỏng và xuống cấp trầm trọng, tạo ra bụi.
4. Đột biến gen
Đôi khi ADN của tế bào phổi bị đột biến, có thể dẫn đến việc không hút thuốc lá vẫn bị ung thư phổi. Chẳng hạn như:
- Một người sinh ra đã gặp các vấn đề trong nhiễm sắc thể số 6 khiến họ dễ bị ung thư phổi hơn.
- Cơ thể ít có khả năng tự loại bỏ các hóa chất.
- Cơ thể của một người không thể sửa chữa ADN bị hư hỏng khiến họ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu tiếp xúc với hóa chất có thể gây ung thư phổi.
Việc kiểm tra gen để tìm ra bất thường thường khó thực hiện hoặc rất tốn kém. Do đó, phương án tốt nhất là tránh xa những tác nhân có khả năng tăng nguy cơ mắc bệnh.
5. Không hút thuốc lá vẫn bị ung thư phổi là do ô nhiễm không khí
Khí thải ô nhiễm từ xe cộ, nhà máy công nghiệp, bếp củi và các nguồn khác chứa các hạt nhỏ có thể góp phần làm ô nhiễm không khí và gây ung thư phổi. Bụi, khói và hóa chất trong không khí gây ra khoảng 1 – 2% trong tổng số các ca mắc ung thư phổi.
Các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng không khí bị ô nhiễm có thể gây ra những thay đổi trong ADN và từ đó đặt tiền đề gây bệnh. Bạn càng hít nhiều không khí có hại, cơ hội mắc bệnh ung thư phổi càng lớn.
6. Chế độ ăn uống
Những gì bạn ăn đều ảnh hưởng đến sức khỏe của phổi nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung. Nguyên nhân khiến bạn không hút thuốc lá vẫn bị ung thư phổi có thể là do chế độ ăn uống kém lành mạnh kéo dài. Một nghiên cứu mới đây đã xem xét chỉ số đường huyết (chỉ số phản ánh tốc độ làm tăng đường huyết sau khi ăn các thực phẩm giàu chất bột đường) có thể liên quan đến khả năng bị ung thư phổi. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người ăn những thực phẩm có chỉ số đường huyết cao nhất có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Các loại thực phẩm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả này bao gồm bánh mì trắng, ngũ cốc có đường, gạo trắng, bánh quy và bỏng ngô. Do đó, bạn nên lựa chọn những thực phẩm lành mạnh như bánh mì làm từ lúa mì nguyên hạt, bột yến mạch, khoai lang, đậu lăng và hầu hết các loại trái cây.
7. Không khí trong nhà bị ô nhiễm
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 3 tỷ người trên khắp thế giới nấu ăn và sưởi ấm nhà của họ bằng nhiên liệu rắn (gỗ và than) hoặc nấu nướng trên bếp lửa. Với cách nấu ăn này, nếu hệ thống thông hơi kém dẫn đến mức độ ô nhiễm không khí trong nhà cao sẽ góp phần gây ung thư phổi.
Phụ nữ và trẻ em có nhiều khả năng không hút thuốc lá vẫn bị ung thư phổi nguyên nhân là do bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm trong nhà này, mà thường xuyên nhất là việc tiếp xúc với khói lửa khi nấu ăn và làm việc nhà.
8. Không hút thuốc lá vẫn bị ung thư phổi có thể là do từng xạ trị ở ngực
Những người từng được xạ trị ở ngực do điều trị một loại ung thư khác có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn. Tuy không phổ biến nhưng những phụ nữ xạ trị do ung thư vú hoặc trẻ bị ung thư hạch Hodgkins đều có nguy cơ bị ung thư phổi.
[embed-health-tool-bmi]