Tùy vào tình trạng khối u cũng như sức khỏe của bạn, các bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị ung thư gan tốt và phù hợp nhất theo từng giai đoạn.
Sau khi chẩn đoán một người mắc bệnh ung thư gan, bác sĩ sẽ nỗ lực xác nhận các khối u đã di căn hay chưa, nếu đã lây lan thì khoảng cách giữa chúng như thế nào. Các chuyên gia gọi quá trình này là phân giai đoạn ung thư gan. Mỗi giai đoạn biểu thị số lượng tế bào đột biến khác nhau trong cơ thể. Nhờ đó, bác sĩ có thể xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh, đồng thời đưa ra phương hướng điều trị ung thư gan tốt và phù hợp nhất. Ngoài ra, giai đoạn ung thư cũng phản ánh triển vọng của người bệnh.
Ung thư gan được chia thành bốn giai đoạn chính, gồm I, II, III và IV. Theo quy tắc, tỷ lệ di căn sẽ tăng dần theo từng giai đoạn. Ví dụ như, nếu tình trạng ung thư gan của bạn đã tiến vào giai đoạn IV, các tế bào đột biến chắc chắn đã di căn đến bộ phận khác. Mặt khác, theo nhiều nhà nghiên cứu, các tình trạng ung thư cùng giai đoạn thường sẽ có triển vọng và phương thức điều trị tương tự nhau.
Làm thế nào để xác định giai đoạn ung thư gan?
Số lượng hệ thống phân loại giai đoạn ung thư gan tương đối nhiều, nhưng phổ biến nhất vẫn là hệ thống TNM của AJCC (Ủy ban hỗn hợp về ung thư Hoa Kỳ), dựa trên ba yếu tố chính, bao gồm:
Phạm vi (kích thước) của khối u (T)
Yếu tố (T) sẽ cung cấp thông tin đáp ứng những câu hỏi sau:
- Tế bào ung thư đã phát triển đến mức nào?
- Số lượng khối u trong gan là bao nhiêu?
- Liệu tế bào đột biến đã lan đến bộ phận gần đó, chẳng hạn như tĩnh mạch của gan, chưa?
Sự di căn của tế bào đột biến đến các hạch bạch huyết gần đó (N)
Yếu tố (N) thể hiện tình trạng ung thư đã lan sang các hạch bạch huyết gần đó hay chưa.
Sự lây lan (di căn) đến các vị trí xa (M)
Với yếu tố (M), bạn sẽ biết những tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở xa hoặc các cơ quan khác, chẳng hạn như xương hoặc phổi, hay chưa.
Các chuyên gia còn phân loại chi tiết hơn ở mỗi yếu tố bằng con số. Số càng cao nghĩa là ung thư tiến triển hơn. Bác sĩ sẽ dựa trên kết quả của từng hạng mục T, N và M để đưa ra kết luận tình trạng khối u đột biến trong cơ thể người bệnh.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Các giai đoạn của ung thư gan.
Kết quả từ một số loại xét nghiệm cũng có thể xác định giai đoạn ung thư gan, bao gồm:
- Khám thực thể
- Sinh thiết
- Xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm, chụp CT hay MRI…
Đối với một số người, việc phân loại giai đoạn ung thư gan có thể tương đối phức tạp. Vì vậy, bạn nên yêu cầu bác sĩ giải thích kỹ lưỡng hơn theo cách bạn hiểu.
Điều trị ung thư gan theo từng giai đoạn
Để đưa ra biện pháp điều trị ung thư gan phù hợp, các chuyên gia còn phân loại tình trạng tế bào đột biến trong cơ thể người bệnh thành những nhóm sau, bao gồm:
- Có khả năng thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc ghép gan
- Không thể cắt bỏ hoàn toàn
- Không thể phẫu thuật vì lý do sức khỏe của người bệnh
- Ung thư gan di căn (giai đoạn cuối)
Điều trị ung thư gan bằng cách cắt bỏ khối u hoặc ghép gan
Những người mắc bệnh ung thư gan giai đoạn I (một vài trường hợp có thể thuộc giai đoạn II) thường sẽ áp dụng biện pháp phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc ghép gan để điều trị các tế bào đột biến.
Phẫu thuật cắt bỏ khối u
Nếu các tế bào đột biến mới chỉ phát sinh (giai đoạn đầu) và phần còn lại của gan vẫn khỏe mạnh, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị ung thư gan tốt nhất cho bạn là phẫu thuật cắt bỏ khối u. Thực tế, số lượng người có thể áp dụng biện pháp này rất ít. Kết quả ca phẫu thuật thường phụ thuộc vào hai yếu tố:
- Kích thước của khối u
- Tế bào đột biến đã lan đến những mạch máu gần đó hay chưa
Các khối u với kích thước lớn hơn quy định hoặc những khối u đã di căn vào mạch máu có nhiều khả năng tái phát ở gan hoặc di căn đến bộ phận khác sau khi phẫu thuật.
Các thử nghiệm lâm sàng hiện đang xem xét liệu phương pháp phẫu thuật cắt bỏ một phần gan này có thể kết hợp với liệu pháp khác nhằm tăng tỷ lệ thành công cũng như triển vọng cho người bệnh hay không. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sử dụng hóa trị hoặc các phương pháp điều trị khác cùng với phẫu thuật có thể kéo dài tuổi thọ của một số người bệnh. Tuy nhiên, giả thiết này vẫn cần thêm nhiều cuộc nghiên cứu chuyên sâu hơn để xác định lợi ích (nếu có) của việc kết hợp những phương pháp điều trị khác với phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Đối với một số người bị ung thư gan giai đoạn đầu, ghép gan có thể là một lựa chọn phù hợp.
Bạn có thể quan tâm: Chỉ số MELD: Bạn có thực sự cần ghép gan
Điều trị ung thư gan bằng cách ghép gan
Trong trường hợp khối u chỉ mới phát triển ở giai đoạn đầu nhưng phần còn lại của gan cũng bị ảnh hưởng, bạn có thể tiếp nhận phương pháp điều trị ung thư gan bằng cách cấy ghép nội tạng. Các chuyên gia cũng thường khuyến nghị người bệnh ghép gan nếu vị trí khối u không thuận lợi cho việc phẫu thuật cắt bỏ, ví dụ như nó nằm sát bên cạnh với mạch máu lớn.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn của liệu pháp này là người cần ghép gan sẽ phải đợi một thời gian dài vì số lượng gan hiến tặng không đủ đáp ứng số lượng người có nhu cầu thực hiện cấy ghép. Trong thời gian chờ đợi, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị khác, ví dụ như thuyên tắc, nhằm kiểm soát tình trạng ung thư.
Bạn có thể muốn đọc thêm: Bạn cần biết gì về tiêu chuẩn ghép gan
Điều trị ung thư gan khi khối u không thể cắt bỏ hoàn toàn
Khối u không thể cắt bỏ hoàn toàn thường thuộc các nhóm, gồm:
- T1 đến T4
- N0
- M0
Lúc này, dù mầm mống ung thư chưa bắt đầu di căn đến hạch bạch huyết hoặc những cơ quan khác, nhưng nó vẫn không thể được loại bỏ hoàn toàn bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ khối u. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do:
- Kích thước khối u quá lớn để có thể loại bỏ an toàn
- Vị trí của khối u không thuận lợi để loại bỏ hoàn toàn, chẳng hạn như gần một mao mạch lớn
- Khối u lan rộng khắp gan
Các lựa chọn điều trị mà bạn có thể áp dụng bao gồm:
- Điều trị ung thư gan không cần cắt bỏ, ví dụ như đốt khối u bằng sóng cao tần RFA
- Thuyên tắc (có thể áp dụng đơn độc hoặc kết hợp với phương pháp trên)
- Liệu pháp nhắm trúng đích
- Liệu pháp miễn dịch
- Hóa trị liệu hoặc xạ trị
Trong một số trường hợp, nếu các liệu trình điều trị trên có khả năng thu nhỏ kích thước khối u, phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u có thể hiệu quả.
Những liệu trình điều trị trên không chữa lành hoàn toàn mầm bệnh ung thư, nhưng chúng có thể giảm thiểu triệu chứng và giúp bạn kéo dài tuổi thọ một chút. Thực tế, ung thư rất khó để điều trị triệt để, nên các thử nghiệm lâm sàng về liệu pháp điều trị ung thư gan mới vẫn đang tiến hành với mục tiêu đưa ra lựa chọn điều trị tốt nhất trong nhiều trường hợp.
Bạn có thể muốn biết: Bệnh nhân ung thư nên làm gì khi thực hiện hóa xạ trị
Điều trị ung thư gan khi người bệnh không đủ khả năng thực hiện phẫu thuật
Trong vài trường hợp đặc biệt, kích thước cũng như vị trí của khối u thuận lợi để áp dụng biện pháp loại bỏ hoàn toàn nhưng người bệnh lại không đáp ứng yêu cầu sức khỏe để phẫu thuật. Do đó, họ có thể lựa chọn những phương án thay thế tương tự như ở trường hợp khối u không thể cắt bỏ hoàn toàn.
Ung thư gan di căn (giai đoạn cuối)
Ung thư gan giai đoạn cuối đã di căn đến các hạch bạch huyết hoặc thậm chí đến các cơ quan khác. Phạm vi khu vực chịu ảnh hưởng quá rộng nên bạn không thể áp dụng biện pháp điều trị phẫu thuật.
Nếu chức năng của gan vẫn chưa bị tổn thương nặng nề, thuốc trị liệu nhắm trúng đích sorafenib (Nexavar) hoặc lenvatinib (Lenvima) có thể tạm thời giúp kiểm soát sự phát triển của tế bào đột biến và kéo dài tuổi thọ của bạn lâu hơn một chút. Trong trường hợp hai loại thuốc trên không đạt hiệu quả như mong đợi, các loại thuốc nhắm trúng đích khác, chẳng hạn như regorafenib (Stivarga) hoặc cabozantinib (Cabometyx) hay thuốc trị liệu miễn dịch nivolumab (Opdivo) cũng có thể hữu ích.
Ung thư gan tái phát
Những tế bào đột biến xuất hiện lại sau khi liệu trình điều trị ung thư gan kết thúc được gọi là tái phát. Tình trạng ung thư tái phát có thể là cục bộ (ngay tại vị trí ban đầu hoặc gần đó) hay lan rộng (di căn đến các cơ quan khác như xương hoặc phổi).
Quá trình điều trị ung thư gan tái phát phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
- Vị trí khối u quay trở lại
- Liệu trình điều trị ung thư gan ban đầu
- Chức năng của gan đã phục hồi như thế nào
Bác sĩ có thể khuyến nghị bạn sử dụng biện pháp phẫu thuật cắt bỏ khối u, nếu bạn đáp ứng đủ điều kiện phẫu thuật, hoặc điều trị bằng sóng cao tần RFA hay thuyên tắc. Trong trường hợp ung thư di căn, liệu pháp nhắm trúng đích, miễn dịch hoặc thuốc hóa trị sẽ là lựa chọn tốt hơn. Bạn cũng có thể đặt câu hỏi về một cuộc thử nghiệm lâm sàng mà bạn có thể áp dụng.
[embed-health-tool-bmi]