Nếu có người thân vừa được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường, bạn sẽ dễ cảm thấy buồn bã, thậm chí có phần suy sụp. Đã đến lúc bạn cần lên kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường mỗi ngày để cùng họ vượt qua thử thách rồi đấy!
Chính những người chăm sóc cũng góp phần không nhỏ trong việc kiểm soát tình trạng bệnh của người mắc đái tháo đường thông qua sự chăm sóc trực tiếp và hỗ trợ về mặt tinh thần. Theo đó, người thân nên tham gia hỗ trợ quá trình trị liệu bằng cách nhắc nhở và hỗ trợ việc điều chỉnh lối sống hay sử dụng thuốc điều trị của bệnh nhân.
Người chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường nên làm gì?
Nếu chuẩn bị kiến thức tốt và lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường hợp lý, người chăm sóc sẽ bớt căng thẳng và người bệnh đái tháo đường cũng sẽ phục hồi nhanh hơn. Người chăm sóc hãy đồng hành cùng người bệnh đái tháo đường bằng cách:
Trang bị kiến thức
Bạn nên chủ động hỏi bác sĩ và tìm hiểu các thông tin về bệnh đái tháo đường qua sách hay các website về sức khỏe uy tín. Càng hiểu nhiều về bệnh, bạn sẽ biết được cách chăm sóc người bệnh đái tháo đường hợp lý và trấn an tâm lý người bệnh tốt hơn.
Chủ động lắng nghe
Người mắc bệnh đái tháo đường thường lo lắng vì mang tâm lý e ngại căn bệnh sẽ làm thay đổi cuộc sống của họ. Lúc đó, bạn cần lắng nghe những nỗi trăn trở của bệnh nhân để cho họ điểm tựa. Hãy tranh thủ chia sẻ với bệnh nhân rằng nếu biết cách kiểm soát bệnh tốt và nhận biết những điều bệnh nhân cần thông báo rõ khi gặp bác sĩ, họ hoàn toàn có thể tận hưởng cuộc sống trọn vẹn.
Bày tỏ sự quan tâm
Sự giúp đỡ từ những người xung quanh sẽ góp phần cải thiện tâm trạng của bệnh nhân mỗi ngày. Những hành động quan tâm dù rất nhỏ như đưa người bệnh đi khám bác sĩ hay nhắc uống thuốc đúng giờ cũng có tác động hỗ trợ điều trị rất nhiều.
Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường
Người bệnh đái tháo đường cần được chăm sóc từ chế độ ăn uống, tập luyện thể dục và sử dụng thuốc điều trị theo đúng định hướng của bác sĩ. Khi chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường, người đồng hành nên chú ý những vấn đề sau đây:
1. Thay đổi chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc kiểm soát bệnh đái tháo đường. Người chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường hãy tìm những công thức nấu ăn phù hợp với người bệnh để đảm bảo cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết.
- Ăn nhiều rau xanh: Nhóm thực phẩm này ít chất béo, calo mà lại giàu chất xơ và vitamin. Bạn nên cho người bệnh ăn xen kẽ các món ăn từ rau củ vào giữa các bữa ăn để làm giảm bớt cơn đói.
- Tăng cường các món ăn từ cá: Cá thường có ít chất béo hơn các loại thịt đỏ và thịt gia cầm. Các loại cá tốt cho người bệnh đái tháo đường là cá thu, cá hồi, cá mòi, cá ngừ…
- Bổ sung chất béo không bão hòa: Người bệnh đái tháo đường vẫn cần bổ sung các chất béo lành mạnh cho cơ thể thông qua các thực phẩm như bơ, quả óc chó, hạnh nhân, dầu ô liu… Đồng thời, bạn nhớ nhắc bệnh nhân tránh các món ăn nhiều dầu mỡ hay thực phẩm chế biến sẵn.
2. Tập luyện thể dục
Các hoạt động thể chất có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình điều trị bệnh tiểu đường (đái tháo đường). Người chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường nên sắp xếp thời gian cùng tham gia với người bệnh để tăng thêm cảm hứng tập luyện và cũng để rèn luyện sức khỏe cho mình. Hãy thử tìm hiểu một số gợi ý như dưới đây:
- Đi bộ: Đây là một dạng bài tập rất đơn giản và có thể thực hiện ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào. Người bệnh đái tháo đường nên đi bộ nhanh ít nhất 30 phút mỗi ngày và duy trì ít nhất từ 3 lần mỗi tuần để cải thiện tình trạng sức khỏe tốt hơn.
- Yoga: Các động tác yoga rất tốt cho những người mắc các căn bệnh mãn tính, trong đó có bệnh đái tháo đường. Các nghiên cứu chỉ ra rằng yoga có thể làm giảm chỉ số khối cơ thể và góp phần kiểm soát đường huyết.
- Thái cực quyền: Những chuyển động chậm rãi, nhẹ nhàng sẽ giúp thư giãn đầu óc cũng như toàn bộ cơ thể. Bệnh nhân đái tháo đường luyện tập bộ môn này sẽ thấy mức đường huyết được cải thiện, cơ thể tràn đầy sức sống và năng lượng tích cực.
3. Chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường nên chú ý đến vệ sinh
Ở người bệnh đái tháo đường, việc giữ vệ sinh sạch sẽ là rất quan trọng để phòng tránh nhiễm trùng. Một vết xước hay vết thương dù rất nhỏ cũng cần điều trị sớm để không trở thành vết loét nghiêm trọng hay gây ra các biến chứng khác. Người chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường hãy nhắc nhở người bệnh duy trì một số thói quen vệ sinh như dưới đây:
- Vệ sinh răng miệng: Những người mắc bệnh đái tháo đường có nhiều nguy cơ gặp phải vấn đề về nướu răng, nấm miệng, khô miệng… Thế nên, bạn cần nhắc nhở người bệnh chải răng bằng bàn chải lông mềm sau mỗi bữa ăn và dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần trong ngày.
- Chăm sóc bàn chân: Móng chân mọc quặm ăn sâu vào khóe móng sẽ dẫn đến nhiễm trùng cùng nhiều vấn đề khác. Người thân nên giúp kiểm tra móng chân của bệnh nhân mỗi tuần một lần xem có bị sưng hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng không. Bạn cũng cần nhắc người thân mang giày dép thoải mái để tránh phồng rộp.
- Tắm rửa kỹ lưỡng: Người bệnh tắm với nước ấm và xà phòng trung tính để ngăn ngừa khô da. Hãy lưu ý nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của đốm đỏ, mụn nước hay vết loét trên cơ thể bệnh nhân để kịp thời điều trị.
4. Kiểm tra lượng đường trong máu
Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường sẽ không thể bỏ qua bước kiểm tra lượng đường trong máu mỗi ngày. Hãy sớm cùng bệnh nhân nhận diện những triệu chứng cho thấy có bất thường với lượng đường trong máu.
- Đường trong máu thấp: Lượng đường trong máu thấp có thể xảy ra nếu bệnh nhân đái tháo đường ăn quá ít hoặc dùng quá liều thuốc hạ đường huyết. Một số triệu chứng sẽ xuất hiện thường là chóng mặt, buồn ngủ, đổ mồ hôi, run rẩy, nhức đầu, đói bụng… Khi ấy, người chăm sóc cần cho bệnh nhân ngậm vài viên kẹo ngọt, uống nước pha với 3 muỗng đường hay uống nửa lon nước ngọt để làm tăng lượng đường trong máu trở lại.
- Đường trong máu cao: Lượng đường trong máu cao thường xảy ra khi bệnh nhân đái tháo đường ăn nhiều hơn bình thường, sử dụng thuốc hạ đường huyết chưa đủ liều. Bạn có thể nhận thấy dấu hiệu đường trong máu cao khi người bệnh khát nước, đi tiểu nhiều lần, sụt cân, kiệt sức, khô miệng, … Lúc này, hãy cho bệnh nhân uống nhiều nước và đến các cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra kịp thời.
5. Lưu ý các vấn đề trong điều trị
Biện pháp phổ biến để kiểm soát và điều trị đái tháo đường là sử dụng thuốc điều trị và tiêm insulin khi cần thiết. Insulin có thể dùng khi bệnh nhân không thể dùng thuốc viên hay khi thuốc viên không thể giúp kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, insulin lại có tác dụng phụ là làm tăng cân và hạ đường huyết. Do đó, tùy vào từng tình trạng bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ cân nhắc cách điều trị thích hợp.
Với vai trò là người chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường, bạn nên nhắc người bệnh uống đúng loại thuốc, đúng thời gian quy định, đủ liều lượng để thuốc phát huy công dụng tối đa. Còn khi đi bác sĩ khám bệnh, bạn cũng nên đi cùng người bệnh để cùng nghe hướng dẫn điều trị từ bác sĩ.
Bạn hãy tranh thủ và mạnh dạn trao đổi với bác sĩ thông tin cần thiết về bệnh tình của người thân để có thể hỗ trợ họ điều trị hiệu quả hơn. Hãy hỏi kỹ về phác đồ điều trị bệnh đái tháo đường và chủ động nhờ bác sĩ tư vấn lựa chọn loại thuốc chất lượng phù hợp với điều kiện kinh tế.
Bạn cũng đừng quên tìm hiểu thêm về các loại thuốc điều trị bệnh đái tháo đường chất lượng cao, ít tác dụng phụ, được phê duyệt theo tiêu chuẩn thuốc của Hoa Kỳ như FDA hay EMA… Việc này sẽ giúp bạn chủ động lựa chọn được loại thuốc phù hợp cho người thân nhằm giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn.
5 lưu ý khi chăm sóc người bệnh đái tháo đường
1. Đừng tỏ vẻ hiểu biết với người bệnh
Thay vì tỏ vẻ hiểu biết những điều người bệnh mong muốn và quyết định thay họ, người chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường hãy cho bệnh nhân có quyền được lựa chọn. Hãy hỏi người bệnh xem họ cần giúp đỡ như thế nào, cần giúp những gì, có cảm thấy thoải mái không… Người bệnh đôi khi khá nhạy cảm và nếu quan tâm thái quá có thể làm họ cảm thấy thiếu tự tin vì cho rằng bạn xem họ như một người khiếm khuyết.
Bạn nên cùng người thân tham gia câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường để lắng nghe những tâm sự, sẻ chia của những người cùng bị bệnh. Lúc đó bạn sẽ hiểu về tâm tư, tình cảm của người thân mình hơn. Các câu lạc bộ còn là nơi để bạn có thể nghe những chia sẻ thực tế về giải pháp điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả để áp dụng khi chăm sóc người thân.
2. Tìm hiểu thêm về bệnh đái tháo đường
Nếu là người chăm sóc trực tiếp người bệnh thì bạn nên biết những kiến thức về đái tháo đường. Hãy cố gắng thu nhận kiến thức càng nhiều càng tốt, cùng tham gia những lần tái khám với người bệnh để nắm rõ bệnh tình cũng như sự thay đổi các phác đồ điều trị.
Ngoài ra, các phương pháp cấp cứu khi hạ đường huyết, phương pháp sử dụng máy thử đường huyết mao mạch, cách tiêm insulin, cách thực hành chế độ dinh dưỡng cho người đái tháo đường là những kiến thức cơ bản bạn cần phải học.
3. Không giám sát người bệnh đái tháo đường
Đừng cố giám sát hay điều khiển người bệnh. Thay vào đó, người chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường nên để người bệnh tự có ý thức thay đổi lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ. Những lời góp ý và động viên của bạn có thể tốt cho người bệnh nhưng cần tế nhị, nếu không có thể sẽ làm họ không vui.
Bạn cần hiểu rằng, chính người bệnh là người chịu trách nhiệm cho sức khỏe của họ. Do vậy, mọi thay đổi cần diễn ra trong không khí vui vẻ và tự nguyện. Tuy nhiên, sự nhắc nhở người thân uống thuốc đúng giờ, duy trì thói quen tốt cho sức khỏe vẫn rất cần thiết đối với người bệnh.
4. Cùng thay đổi thói quen với người bệnh
Mục tiêu thay đổi thói quen và sở thích là một việc rất khó khăn. Nhưng việc thay đổi có thể dễ dàng và đỡ nhàm chán hơn nếu người bệnh có bạn đồng hành. Hơn nữa, chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên không chỉ tốt cho người bệnh mà còn tốt cho tất cả mọi người.
Bạn có thể động viên và cùng cùng tham gia một môn thể thao nào đó mà người bệnh yêu thích hoặc cùng nấu những món ăn tốt cho sức khỏe. Như thế họ sẽ có thêm động lực và niềm vui trong quá trình điều trị bệnh.
5. Khuyến khích sự tự lập nhưng vẫn theo dõi
Điều này nên áp dụng cho những người đái tháo đường còn khỏe mạnh và còn có thể tự chăm sóc cho mình. Một trong những mục tiêu điều trị đái tháo đường là nâng cao chất lượng cuộc sống, đưa người bệnh trở về cuộc sống như một người bình thường.
Một người bệnh đái tháo đường cần được trang bị những kiến thức cơ bản về chế độ điều trị để tự mình có thể chủ động kiểm soát bệnh tật của mình trong cuộc sống hàng ngày như:
- Lựa chọn những nhóm thực phẩm tốt cho sức khỏe
- Kiểm tra đường huyết bằng máy đo đường huyết cá nhân
- Điều chỉnh liều insulin theo hướng dẫn cho phép của bác sĩ
Tuy nhiên, sự hỗ trợ và những lời động viên của người thân sẽ không bao giờ thừa. Điều đó giúp người bệnh vui vẻ và duy trì được những thay đổi có lợi cho người bệnh trong cuộc sống của mình. Khi chăm sóc người thân bệnh đái tháo đường, bạn thật sự là một người đồng hành quan trọng giúp họ cải thiện sức khỏe tốt hơn.
Thực tế, y học hiện đại vẫn chưa thể tìm ra phương pháp chữa trị dứt điểm bệnh đái tháo đường. Thế nhưng, người bệnh vẫn có thể sống chung hòa bình với căn bệnh nếu biết kiểm soát bệnh đúng cách. Với vai trò người chăm sóc, bạn hãy đồng hành cùng bệnh nhân lên kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường như một “bác sĩ tại gia” để giúp họ có trạng thái sức khỏe và tinh thần tốt nhất có thể nhé.