backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường và tiền tiểu đường

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai · Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 19/09/2022

    Tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường và tiền tiểu đường

    Đái tháo đường là một trong các bệnh lý mãn tính mà đến nay vẫn chưa có biện pháp điều trị dứt điểm. Điều quan trọng là bạn cần được chẩn đoán và chăm sóc bệnh tiểu đường sớm để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm. Vậy đâu là tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường và tiền đái tháo đường? 

    Hiểu rõ về các tiêu chí chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường sẽ giúp bạn phối hợp kịp thời với bác sĩ để kiểm soát tiểu đường hiệu quả. 

    Tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường 

    Uống nhiều nhưng vẫn khát nhiều và đi tiểu nhiều thường được xem là những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tiểu đường ban đầu. Tuy nhiên, để chẩn đoán bệnh tiểu đường, bác sĩ cần dựa vào những tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường ban hành bởi các tổ chức y tế chính thống. Trong đó, tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) dựa trên 4 tiêu chí sau: 

    • Chỉ số HbA1C ≥ 6,5% (48 mmol/mol). Đây là xét nghiệm phản ánh tình trạng kiểm soát đường của bệnh nhân liên tục trong 3 tháng. Xét nghiệm này sẽ được thực hiện ở các phòng thí nghiệm sử dụng phương pháp chuẩn. Ưu điểm là bệnh nhân không cần nhịn ăn hay nhịn uống trước khi làm xét nghiệm. 
    • Tiêu chí quan trọng trong tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường ban đầu là nồng độ đường huyết lúc đói (fasting plasma glucose: FPG) ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L). Để thực hiện xét nghiệm này, người bệnh cần nhịn ăn uống (trừ nước lọc) trong 8 giờ trước khi xét nghiệm. 
    • Nồng độ đường huyết 2 giờ trong nghiệm pháp dung nạp glucose (OGTT)  ≥ 11,1 mmol/L ( ≥ 200 mg/dL). OGTT là một xét nghiệm được thực hiện trong thời gian 2 giờ sau khi cho bệnh nhân uống 75g glucose để đánh giá nồng độ đường huyết sau khi bệnh nhân uống nước ngọt đặc biệt. 
    • Nồng độ đường huyết ở thời điểm bất kỳ ≥ 11,1 mmol/L ( ≥200 mg/dL) trên bệnh có triệu chứng của đái tháo đường cổ điển.

    Lưu ý: 

    Đối với xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói và/hoặc nghiệm pháp dung nạp tăng glucose máu bằng đường uống, thì phải làm 2 lần vào hai ngày khác nhau.

    Đối với tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường thực tế tại Việt Nam, bác sĩ thường chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường khi đường huyết lúc đói ≥ 7 mmol/L. Nếu đường huyết lúc đói dao động từ 6,1 – 6,9 mmol/L, có thể là tình trạng tiền đái tháo đường. Khi đó bác sĩ có thể cho bệnh nhân làm nghiệm pháp tăng đường huyết đường uống nếu kết quả ≥ 7,8 mmol/L thì bệnh nhân được coi là có tình trạng tiền đái tháo đường hoặc đường huyết ≥ 11,1 mmol/L là đái tháo đường và cần chuyển qua bác sĩ điều trị nội tiết để xác định chẩn đoán và hướng điều trị.

    tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường 1

    Tiêu chuẩn chẩn đoán tiền đái tháo đường (pre-diabetes) 

    Tiền tiểu đường không có dấu hiệu rõ ràng nên là một số người có thể mắc phải bệnh lý này nhưng không phát hiện. Tuy nhiên, một số trường hợp người bị tiền tiểu đường có nhiều triệu chứng tương tự như người bệnh tiểu đường. Bác sĩ sẽ chẩn đoán tiền tiểu đường dựa trên các tiêu chí sau: 

  • Chỉ số HbA1C từ 5,7– 6,4%.
  • Nồng độ đường huyết lúc đói từ 100–125 mg/dl.
  • Chỉ số OGTT (nồng độ đường huyết sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose) là 140–199 mg/dl. 
  • Trên đây là toàn bộ thông tin về tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường và tiền đái tháo đường theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ. Hy vọng đây những là những kiến thức cần thiết để bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh mãn tính này nhé! 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

    Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 19/09/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo