backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

[Hỏi đáp cùng bác sĩ] – Chỉ số HbA1c ở người bị bệnh đái tháo đường

Tác giả: Bác sĩ CKI Lê Hoàng Bảo · Khoa nội tiết · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Ngày cập nhật: 23/08/2021

    [Hỏi đáp cùng bác sĩ] – Chỉ số HbA1c ở người bị bệnh đái tháo đường

    Chắc hẳn bạn vẫn thường nghe nói nhiều đến chỉ số đường huyết nhưng chỉ số HbA1c thì vẫn còn là một khái niệm khá xa lạ và mơ hồ. Chỉ số HbA1c là gì? Chỉ số này quan trọng thế nào đối với sức khỏe của người bệnh đái tháo đường?

    Người bị bệnh đái tháo đường nên quan tâm đến cả chỉ số đường huyết và HbA1c. Hãy cùng theo dõi những chia sẻ của Bác sĩ Lê Hoàng Bảo – Bác sĩ chuyên khoa Nội tiết đến từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong bài viết dưới đây để có thể hiểu rõ hơn về chỉ số HbA1c ở người bệnh đái tháo đường nhé!

    1. Nhiều người bị đái tháo đường thường chỉ quan tâm đến chỉ số đường huyết mà không quan tâm nhiều đến HbA1c. Vậy, HbA1c được hình thành như thế nào và chỉ số HbA1c là gì?

    Bác sĩ Lê Hoàng Bảo: Để nói về HbA1c, trước hết, chúng ta cần tìm hiểu về hồng cầu. Hồng cầu là một loại tế bào máu có chức năng vận chuyển oxy đi khắp các cơ quan trong cơ thể. Bên trong hồng cầu có một thành phần quan trọng được gọi là huyết sắc tố (tên khoa học là hemoglobin). Đường glucose nằm trong máu sẽ đi vào tế bào hồng cầu và kết hợp với hemoglobin để hình thành nên hemoglobin glycate hóa. Chính hemoglobin glycate hóa này giúp xác định chỉ số HbA1c. Khi lượng glucose trong máu cao, glucose sẽ đi vào hồng cầu nhiều hơn, tạo ra nhiều hemoglobin glycate hóa hơn và làm chỉ số HbA1c tăng lên.

    2. Xét nghiệm HbA1c có ý nghĩa gì? Xét nghiệm này có thể giúp chẩn đoán và phát hiện bệnh đái tháo đường không hay chỉ giúp theo dõi quá trình điều trị bệnh?

    Bác sĩ Lê Hoàng Bảo: Như vậy, chỉ số HbA1c cho biết tình trạng glucose trong máu kết hợp với hemoglobin nhiều hay ít. Chúng ta cần biết rằng, hồng cầu ở người khỏe mạnh bình thường có đời sống trung bình 120 ngày nên HbA1c chỉ có ý nghĩa trong khoảng thời gian này. Vì vậy, ý nghĩa của xét nghiệm HbA1c là phản ánh tình trạng kiểm soát đường huyết trong vòng 3 – 4 tháng trước đó.

    chỉ số HbA1c là gì

    Xét nghiệm HbA1c được thực hiện với 4 mục đích như sau:

    • Chẩn đoán đái tháo đường
    • Theo dõi mức độ kiểm soát đường huyết trong khoảng thời gian từ 3 – 4 tháng trước đó
    • Hướng dẫn điều chỉnh chế độ điều trị
    • Đánh giá nguy cơ xảy ra biến chứng mạn tính.

    3. Chỉ số HbA1c bao nhiêu là bình thường và ở bệnh nhân tiền đái tháo đường/đái tháo đường là bao nhiêu?

    Bác sĩ Lê Hoàng Bảo: Định lượng HbA1c ở các đối tượng cụ thể như sau:

    • Bình thường: < 5,7%
    • Tiền đái tháo đường: 5,7 – 6,4%
    • Đái tháo đường: ≥ 6,5%

    4. Xét nghiệm HbA1c được thực hiện khi nào (những đối tượng nào thường được chỉ định thực hiện xét nghiệm này), ở đâu và cần lưu ý gì khi thực hiện xét nghiệm này?

    Bác sĩ Lê Hoàng Bảo: Xét nghiệm HbA1c được bác sĩ chỉ định cho người bị bệnh đái tháo đường. Xét nghiệm này cần được thực hiện theo phương pháp chuẩn tại bệnh viện. 

    Vì HbA1c được xem là chỉ số đường huyết “trung bình” trong một khoảng thời gian nên người bệnh không cần phải nhịn đói khi làm xét nghiệm. Tuy nhiên, vì HbA1c có liên quan đến đời sống của hồng cầu nên trong một số trường hợp có thể dẫn đến kết quả bị sai lệch. Ví dụ như người có bệnh lý huyết sắc tố, phụ nữ có thai, bệnh nhân lọc máu, bệnh nhân mới mất máu hay phải truyền máu, người sử dụng thuốc tạo hồng cầu (erythropoietin).

    5. Vì sao người bị đái tháo đường nên thường xuyên tiến hành kiểm tra HbA1c bên cạnh việc đo lượng đường huyết trong máu? Bao lâu thì nên kiểm tra một lần? Mục tiêu trong điều trị đái tháo đường là giữ cho chỉ số này ở mức bao nhiêu?

    Bác sĩ Lê Hoàng Bảo: Xét nghiệm đường huyết chỉ phản ánh nồng độ glucose trong máu ở thời điểm làm xét nghiệm, vì thế, nó có thể bị ảnh hưởng bởi việc ăn uống, tập luyện trước đó. Trong khi, HbA1c lại có khả năng phản ánh mức độ kiểm soát đường huyết trong một khoảng thời gian dài. 

    Vì vậy, người bị đái tháo đường nên thường xuyên kiểm tra HbA1c định kỳ mỗi 3 – 4 tháng/lần.

    Đối với đa số người bệnh đái tháo đường, mục tiêu HbA1c nên giữ < 7%. Tuy nhiên, ở những người trẻ tuổi, mới được chẩn đoán bệnh, chưa có biến chứng, nguy cơ hạ đường huyết thấp thì bác sĩ có thể giảm HbA1c < 6,5%. 

    Ngược lại, ở những người bệnh lớn tuổi, thời gian mắc bệnh kéo dài, có thể mắc cùng lúc nhiều bệnh lý và đã xuất hiện biến chứng mạn tính của đái tháo đường, bác sĩ có thể nới lỏng mục tiêu trong khoảng từ 7,5 – 8,5%.

    Đối với phụ nữ có thai, do xét nghiệm HbA1c có thể không chính xác nên bác sĩ thường căn cứ vào chỉ số đường huyết để theo dõi hiệu quả của quá trình điều trị.

    xét nghiệm chỉ số HbA1c

    6. Tại sao có những trường hợp chỉ số HbA1c của bệnh nhân vẫn cao, trong khi chỉ số đường huyết trong máu khi đo hằng ngày lại bình thường hoặc thấp? Nếu vậy, giữa HbA1c và chỉ số đường huyết thì chỉ số nào cho thấy cái nhìn tổng quan hơn về hiệu quả kiểm soát và điều trị đái tháo đường?

    Bác sĩ Lê Hoàng Bảo: HbA1c phản ánh mức đường huyết “trung bình” trong một khoảng thời gian nên phụ thuộc vào cả đường huyết trước ăn và đường huyết sau khi ăn. Vì vậy, trong trường hợp, chỉ số đường huyết khi đói bình thường hoặc thấp, mà HbA1c vẫn cao thì chứng tỏ đường huyết sau ăn chưa được kiểm soát tốt. Lúc này, bác sĩ sẽ cần kết hợp cả chỉ số đường huyết khi đói và HbA1c để đánh giá hiệu quả điều trị đái tháo đường của từng người bệnh. Mẫu xét nghiệm đường huyết cho biết đường huyết ở ngay thời điểm xét nghiệm, trong khi, chỉ số HbA1c sẽ cho cái nhìn tổng quan hơn về đường huyết sau một khoảng thời gian.

    7. Việc người bị đái tháo đường không kiểm tra định lượng HbA1c thường xuyên có thể dẫn đến những hậu quả gì?

    Bác sĩ Lê Hoàng Bảo: Việc không kiểm tra HbA1c định kỳ sẽ khiến bác sĩ gặp khó khăn trong việc đánh giá tình trạng đường huyết có được kiểm soát tốt hay không nhằm đưa ra quyết định thay đổi phương pháp điều trị kịp thời. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, HbA1c cao sẽ tiên đoán cho sự xuất hiện các biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận và giảm thị lực.

    8. Kiểm soát chỉ số HbA1c như thế nào là tốt? Để chỉ số này luôn ổn định, người bị bệnh đái tháo đường nên làm gì?

    ổn định chỉ số HbA1c

    Bác sĩ Lê Hoàng Bảo: Mỗi người bệnh sẽ có mục tiêu HbA1c cụ thể cần đạt. Vì vậy, bệnh nhân nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị để biết hiện tại chỉ số HbA1c đã tốt chưa. Ở đa số người bệnh đái tháo đường, HbA1c < 7% là đạt yêu cầu. 

    Để HbA1c ổn định, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ việc ăn uống lành mạnh, tập thể dục, sử dụng thuốc theo toa và tái khám đúng hẹn để được bác sĩ điều chỉnh thuốc phù hợp.

    9. Cuối cùng, bác sĩ có những chia sẻ và lời khuyên gì cho những bệnh nhân đang cần phải kiểm soát chỉ số HbA1c hay không?

    Bác sĩ Lê Hoàng Bảo: Điều trị đái tháo đường là một hành trình lâu dài và liên tục, cũng như đòi hỏi sự kiên trì. HbA1c là một trong những tiêu chí giúp đánh giá việc kiểm soát đường huyết của bạn có tốt hay không, góp phần hữu ích trong quá trình điều trị. Bạn không nên quá nôn nóng, hãy yên tâm sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, ăn uống lành mạnh và tập luyện thể dục đúng cách. Bác sĩ sẽ luôn đồng hành cùng bạn để đạt được chỉ số HbA1c theo mục tiêu đã đề ra.

    Hy vọng thông qua những chia sẻ của bác sĩ Lê Hoàng Bảo trong bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn và có cách kiểm soát tốt chỉ số đường huyết HbA1c nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Bác sĩ CKI Lê Hoàng Bảo

    Khoa nội tiết · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Ngày cập nhật: 23/08/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo