Nếu bạn bị đái tháo đường, việc lựa chọn đúng thức ăn có thể hỗ trợ điều trị bệnh và giữ mức đường huyết ổn định. Vậy lượng bột đường phù hợp cho người đái tháo đường là bao nhiêu?
Nếu không có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức bữa ăn lành mạnh, tính toán nhu cầu năng lượng thường ngày thì bạn có thể nhờ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng tư vấn. Họ sẽ hỗ trợ cách sắp xếp bữa ăn phù hợp với tình trạng cân nặng và mức độ bệnh đái tháo đường của bạn.
Chọn chất bột đường phù hợp cho người đái tháo đường như thế nào?
Đầu tiên, bạn phải tìm hiểu nhu cầu năng lượng (nhu cầu calo) cần thiết trong một ngày. Các yếu tố như tuổi tác, giới tính, mức độ hoạt động, tình trạng cân nặng sẽ quyết định tổng lượng năng lượng một người cần trong một ngày đủ để làm việc và duy trì cân nặng, kiểm soát đường huyết.
Tiếp theo, bạn nên lựa chọn các loại thực phẩm giàu chất bột đường nhưng chuyển hóa chậm và giàu chất xơ. Các loại thực phẩm này bao gồm gạo lứt, lúa mì nguyên vỏ, yến mạch, các loại đậu cả vỏ… Thực phẩm giàu chất xơ giúp ổn định đường huyết và giảm cholesterol máu.
Chọn cách chế biến đơn giản, hạn chế hầm nhừ, tán nhuyễn sẽ không làm tăng đường huyết nhanh sau khi ăn.
Lượng bột đường phù hợp cho người đái tháo đường là bao nhiêu?
Thực phẩm giàu chất bột đường là cơm, bánh mì, nui, bún, phở, mì gói, bánh quy, khoai, sắn, các loại đậu, một số loại trái cây… Bạn cần tính tổng số chất bột đường trong các loại thực phẩm đã ăn trong ngày thay vì chỉ tính lượng cơm, mì, bún…
Lượng chất bột đường cần cắt giảm xuống mức 55 – 60% nhu cầu năng lượng một ngày. Lượng chất béo chiếm 20 – 25% và chất đạm chiếm 15 – 20% nhu cầu năng lượng. Chất xơ cần thiết để hỗ trợ kiểm soát đường huyết và cần cung cấp 20 – 30g mỗi ngày. Lượng chất bột đường khoảng từ 275 – 300g mỗi ngày tùy theo tuổi tác, trọng lượng cơ thể và tình trạng dinh dưỡng, đường huyết của người đái tháo đường. Nên chọn loại gạo, ngũ cốc nguyên vỏ hoặc ít xay xát sẽ giúp kiểm soát tốt đường huyết và còn cung cấp nhiều chất xơ, vitamin nhóm B như gạo lứt, gạo mầm, hạt/đậu nguyên vỏ.
Các loại trái cây ngọt chứa nhiều đường như sầu riêng, mít, xoài, nhãn sẽ làm tăng đường huyết nên cần hạn chế sử dụng. Nên hạn chế các loại thức ăn, đồ uống có nhiều đường như nước ngọt, bánh quy, kẹo, chè, kem… vì chúng chứa nhiều đường hấp thu nhanh nên làm đường huyết tăng cao ngay sau ăn. Có thể sử dụng một số thực phẩm dùng các loại đường ăn kiêng như xylitol, mannitol, sorbitol… để chế biến nhưng lượng chất bột đường trong thành phần của thực phẩm vẫn cần chú ý cho người đái tháo đường.
Thực hành chế độ ăn dành cho người đái tháo đường
Bạn nên ăn uống điều độ, đừng bỏ bữa vì bất cứ lý do gì. Một khẩu phần được chia đều trong ba bữa chính lúc nào cũng tốt hơn dồn vào một hoặc hai bữa ăn.
Nếu chọn thức ăn sản xuất công nghiệp, bạn nên kiểm tra lượng chất bột đường và năng lượng ghi trên bao bì để không ăn nhiều hơn nhu cầu dinh dưỡng. Lượng chất bột đường và năng lượng dư thừa sẽ tích trữ dưới dạng mỡ làm bạn tăng cân và tăng đường huyết. Mục tiêu của chế độ ăn này là ổn định đường huyết, giảm mỡ máu, giảm cân nếu thừa cân.