backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Sự thật về tác dụng dây thìa canh chữa tiểu đường

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 03/04/2023

    Sự thật về tác dụng dây thìa canh chữa tiểu đường

    Dân gian lưu truyền nhiều loại thảo dược có khả năng kiểm soát bệnh tiểu đường. Trong đó có dây thìa canh. Vậy thực tế tác dụng dây thìa canh chữa tiểu đường thế nào? 

    Dây thìa canh thuộc loại dây leo lớn sinh trưởng trong những cánh rừng khô ở Ấn Độ. Nó được dùng để chữa tiểu đường lần đầu vào 2.000 năm trước trong bài thuốc Ayurveda cổ truyền của người Ấn, nhưng những dữ liệu khoa học về công dụng của dây thìa canh hiện tại chỉ có rất ít.

    Dây thìa canh trị bênh gì? Tác dụng dây thìa canh chữa tiểu đường

    dây thìa canh chữa tiểu đường

    Tác dụng dây thìa canh chữa tiểu đường được đánh giá cao bởi nó có khả năng giúp hãm vị ngọt và giúp điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách ngăn sự hấp thụ đường ở ruột và kích thích tuyến tụy tiết ra insulin. Khi ngậm dây trong miệng, bạn không còn cảm thấy vị ngọt. Công dụng dây thìa canh được sử dụng như một chất phụ trợ. Từ đó, nhiều người tin rằng dây thìa canh có thể giúp những người bị tiểu đường kiểm soát lượng đường huyết.

    Theo các nghiên cứu, thành phần hóa học có hoạt tính sinh học chính của dây thìa canh là hoạt chất GS4 gồm tổ hợp nhiều acid gymnemic, một hoạt chất thuộc nhóm saponin triterpenoid, đem lại hoạt tính giúp dây thìa canh giúp chữa bệnh tiểu đường như:

    • Có tác dụng ức chế hấp thu đường ở ruột do có cấu trúc phân tử gần giống với đường glucose, khi vào đến ruột sẽ cạnh tranh với đường glucose, lấp đầy thụ thể ruột và ngăn không cho hấp thu đường từ ruột vào máu.
    • Acid Gymnemic còn có khả năng ức chế gan tái tạo glucose vào máu. Đồng thời kích thích các enzyme chịu trách nhiệm tiêu thụ, sử dụng đường tại các mô cơ. Nhờ đó hoạt chất này đem lại hiệu quả giảm đường huyết.

    Ngoài ra trong dây thìa canh còn chứa peptide gumarin. Khi bạn nhai lá thìa canh tươi thì hoạt chất này sẽ làm cản trở hấp thu đường glucose và tác động đến vùng dưới đồi làm mất cảm giác ngọt. Tuy nhiên tác dụng này mất đi khi dây thìa canh được nấu chín hoặc phơi khô.

    Mặc dù vậy, có rất ít các bằng chứng lâm sàng ủng hộ việc sử dụng cây thìa canh chữa tiểu đường. Chỉ tồn tại một số ít các nghiên cứu và phần lớn đều chưa được thử nghiệm trên người. Những nghiên cứu trên cơ thể người lại không đủ độ tin cậy để chứng minh rằng dây thìa canh hiệu quả trong việc kiểm soát lượng đường huyết. Vậy nên bạn chỉ nên dùng dây thìa canh chữa tiểu đường như một biện pháp bổ trợ, khi đã tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Dây thìa canh có tác dụng gì khác không?

    dây thìa canh chữa tiểu đường 4

    Bên cạnh dây thìa canh chữa tiểu đường thì trà dây thìa canh cũng được biết đến như một cách để giảm cân và làm giảm lượng cholesterol, làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch khác. Tuy vậy, chỉ có một số ít bằng chứng khoa học làm căn cứ cho những giả thuyết này.

    Tuy nhiên trà thìa canh giảm cân cũng là tác dụng có lợi cho bệnh nhân tiểu đường, tiền tiểu đường và giúp phòng ngừa tiểu đường. Nhiều nghiên cứu trên một vài loại động vật cho thấy dây thìa canh có thể làm giảm lượng cholesterol và chất béo trung tính. Cây thìa cây cũng được dùng để phòng chống béo phì, bệnh tim mạch và hạn chế nguy cơ xơ vữa động mạch.

    Do những chất bổ trợ này vẫn chưa được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chứng nhận nên bạn cần thảo luận với bác sĩ trước khi sử dụng. Điều này đặc biệt cần thiết nếu bạn đang sử dụng insulin hay các loại thuốc kiểm soát đường huyết khác. Nếu dây thìa canh hiệu quả trong việc giảm lượng đường huyết thì bạn cần điều chỉnh lại lượng insulin hoặc các loại thuốc sao cho phù hợp. Tác hại của việc dùng dây thìa canh trị tiểu đường mà không có sự theo dõi của bác sĩ có thể khiến bạn bị hạ đường huyết và gây nguy hiểm đến tính mạng.

    dây thìa canh trị bệnh gì? trà dây thìa canh chữa bệnh tiểu đường

    Các phương pháp chữa trị tiểu đường bao gồm tổ hợp các thay đổi trong lối sống như chế độ ăn uống và luyện tập, kiểm soát lượng đường huyết và sử dụng thuốc hoặc insulin. Quan niệm dây thìa canh chữa tiểu đường không được dùng để thay thế cho những phương pháp này, nhưng có thể trở thành một phần trong kế hoạch điều trị nếu bác sĩ cho phép.

    Những bằng chứng về tính hiệu quả của dây thìa canh chữa tiểu đường vẫn còn rất hạn chế, tuy nhiên việc kết hợp sử dụng chất bổ trợ này cùng với các biện pháp điều trị truyền thống có thể đem lại những hiệu quả tích cực.

    Hãy đọc thêm: 6 loại trà tiểu đường thông dụng, ngăn ngừa biến chứng bệnh

    Cách dùng dược liệu dây thìa canh

    Để dùng dây thìa canh chữa tiểu đường hay dùng với các mong muốn tốt cho sức khỏe khác, bạn có thể:

    Đun sôi nhẹ 50g dây thìa canh với 1,5 lít nước trong 15 phút và chia làm 3 phần dùng trong ngày. Dùng uống sau bữa ăn 15-20 phút, đây là thời điểm giúp bệnh nhân hạ đường huyết tốt nhất. Trà dây thìa canh kiểu này vừa có mùi thơm, vị dễ uống mà cũng sẽ không gây cảm giác ngái.

    Ngoài ra, bạn còn có thể dây thìa canh còn được tán làm bột để giải độc. Lá thìa canh giã nát cũng có tác dụng giải độc khi dùng đắp lên da khi bị rắn cắn.

    Uống nhiều dây thìa canh có tốt không?

    Dây thìa canh không gây tác dụng phụ cho người sử dụng nhưng tốt nhất hạn chế sử dụng cho phụ nữ mang thai, hoặc đang cho con bú, trẻ nhỏ dưới 16 tuổi hoặc bệnh nhân đang bị tiêu chảy.

    Một số tác hại của dây thìa canh nếu dùng không đúng cách bao gồm:

    • Hoa mắt, váng đầu: Nguyên nhân có thể do dùng cây thìa canh quá liều khiến đường huyết giảm đột ngột. Bên cạnh đó tác hại này cũng có thể do người bệnh dùng trà thìa canh khi bụng đang đói.
    • Đầy bụng, gây khó chịu: Nguyên nhân có thể là do bệnh nhân dùng trà dây thìa canh để qua đêm khiến nước thuốc bị hỏng hoặc biến chất. Nếu muốn dùng thìa canh để qua đêm các bạn nên bảo quản trong tủ lạnh, đun sôi lại trước khi sử dụng.

    Dây thìa canh chữa tiểu đường có thể là một phương pháp tiềm năng nhưng không thể thay thế thuốc chữa bệnh mà chỉ có thể xem là phương pháp hỗ trợ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ thảo dược, dược liệu nào hỗ trợ điều trị bệnh bạn nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

    Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 03/04/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo