backup og meta

Đậu bắp trị tiểu đường liệu có hiệu quả như lời đồn?

Đậu bắp trị tiểu đường liệu có hiệu quả như lời đồn?

Việc dùng đậu bắp trị tiểu đường là phương pháp dân gian khá phổ biến. Thế nhưng, liệu cách điều trị này có hiệu quả và tác dụng của đậu bắp đối với bệnh tiểu đường là như thế nào?

Số người mắc bệnh tiểu đường đang tăng nhanh trong thời gian gần đầy. Bên cạnh việc điều trị tiểu đường theo hướng dẫn của bác sĩ, nhiều người còn tìm kiếm các phương pháp hỗ trợ điều trị từ thiên nhiên, trong đó đậu bắp chữa tiểu đường được áp dụng khá rộng rãi. Dù lợi ích sức khỏe của đậu bắp đã được nhiều nghiên cứu chứng minh nhưng việc chữa bệnh tiểu đường bằng đậu bắp thì như thế nào và tiểu đường ăn đậu bắp được không? Xem ngay những chia sẻ dưới đây để có lời giải đáp bạn nhé!

Đậu bắp, còn được gọi là mướp tay hay bắp chà, là loài thực vật có hoa màu xanh lục, từ lâu đã nổi tiếng là cực kỳ có lợi cho sức khỏe. Hàm lượng dinh dưỡng có trong đậu bắp rất dồi dào với rất nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như:

  • Kali
  • Vitamin B
  • Vitamin C
  • Axít folic
  • Canxi

Đặc biệt, đậu bắp còn có chứa rất ít calo nhưng lại có hàm lượng chất xơ cao. Do đó, loại rau củ này được đánh giá là có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu, từ đó, giúp ích trong việc hỗ trợ điều trị tiểu đường loại 1, tiểu đường loại 2 và tiểu đường thai kỳ.

4 tác dụng của đậu bắp đối với bệnh tiểu đường

đậu bắp trị tiểu đường

Dù việc sử dụng đậu bắp trị tiểu đường là phương pháp được lưu truyền rộng rãi nhưng nghiên cứu y học về điều này vẫn đang ở giai đoạn đầu. Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nước đậu bắp có thể giúp cải thiện lượng đường trong máu của những con chuột bị tiểu đường thai kỳ. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng chứng minh hạt đậu bắp rang có thể mang đến những tác dụng tích cực trong việc giảm lượng đường trong máu.

1. Đậu bắp trị tiểu đường nhờ hàm lượng chất xơ cao

Đậu bắp chứa nhiều chất xơ, ước tính 8 quả đậu bắp cỡ trung bình có chứa khoảng 3g chất xơ. Hàm lượng chất xơ cao mang đến rất nhiều lợi ích cho người bị tiểu đường. Cụ thể, lượng chất xơ này sẽ giúp hỗ trợ tiêu hóa và giúp người bệnh cảm thấy no lâu.

Các thực phẩm giàu chất xơ như đậu bắp là một phần quan trọng trong chế độ ăn của người bị tiểu đường. Bởi ăn nhiều chất xơ đã được chứng minh là có thể kiểm soát đường huyết tốt hơn và cải thiện độ nhạy insulin.

2. Tác dụng của đậu bắp đối với bệnh tiểu đường: Giảm căng thẳng

Nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ hạt đậu bắp có tác dụng chống oxy hóa, giảm căng thẳng ở chuột. Kiểm soát căng thẳng là một phần quan trọng trong việc điều trị tiểu đường bởi nếu người bệnh thường xuyên căng thẳng trong thời gian dài sẽ khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.

3. Đậu bắp trị tiểu đường bằng cách làm giảm cholesterol

Tác dụng của đậu bắp đã được phát hiện là có thể làm giảm nồng độ cholesterol ở chuột bị bệnh tiểu đường. Nguyên nhân là do trong loại rau ăn quả này có chứa một lượng lớn chất xơ và chất chống oxy hóa. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng những người mắc bệnh tiểu đường thường có mức cholesterol cao sẽ không tốt cho sức khỏe. Bởi khi hàm lượng cholesterol cao kết hợp với bệnh tiểu đường sẽ rất khó điều trị. Đây là lý do tại sao việc thêm các thực phẩm có tác giảm cholesterol như đậu bắp vào chế độ ăn của người tiểu đường là cực kỳ cần thiết.

4. Tác dụng của đậu bắp đối với bệnh tiểu đường: Giảm mệt mỏi

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng đậu bắp có thể đẩy nhanh quá trình hồi phục, giảm mệt mỏi cho người mắc bệnh. Thêm đậu bắp vào thực đơn mỗi ngày kết hợp cùng với chế độ tập thể dục hợp lý, bạn có thể duy trì thời gian tập lâu hơn và ít khi thấy mệt mỏi, từ đó các triệu chứng của bệnh tiểu đường sẽ được kiểm soát hiệu quả.

Người bị tiểu đường có thể dùng đậu bắp như thế nào?

đậu bắp trị tiểu đường

Uống “nước đậu bắp” là phương pháp được sử dụng phổ biến để giúp giảm các triệu chứng tiểu đường. Bạn có thể dùng đậu bắp trị tiểu đường bằng cách ngâm qua đêm 4 – 5 quả đậu bắp tươi đã bỏ phần đầu và phần đuôi, cắt thành miếng nhỏ. Sau đó, vớt đậu bắp ra, dùng tay hoặc máy ép hết chất nhầy trên đậu bắp và bỏ phần bã đậu đi. Bạn có thể bỏ thêm 1 chút muối hoặc đường để nước đậu bắp dễ uống hơn.

Nếu cảm thấy khó chịu khi uống nước đậu bắp, bạn có thể dùng đậu bắp để chế biến thành các món ăn như salad hoặc dùng trực tiếp bằng cách luộc, hấp hoặc chiên.

Lưu ý khi sử dụng đậu bắp trị tiểu đường

Việc chữa tiểu đường bằng đậu bắp là phương pháp dân gian được lưu truyền rộng rãi. Tuy nhiên, nhìn chung, loại rau củ này chỉ có tác dụng khống chế chỉ số đường huyết, giữ nó ở mức ổn định chứ không thể thay thế các loại thuốc trị tiểu đường. Đây chỉ được xem là phương pháp hỗ trợ, trước khi áp dụng, tốt nhất bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ và tránh dùng quá nhiều bởi:

  • Có thể ảnh hưởng xấu đến tiêu hóa, gây đầy hơi, tiểu chảy, chuột rút
  • Gây sỏi thận do đậu bắp rất giàu oxalat
  • Giảm tác dụng của thuốc Metformin, nếu sử dụng loại thuốc này thì không nên dùng đậu bắp.

Ngoài ra, song song với việc dùng đậu bắp trị tiểu đường, bạn cũng nên đi khám thường xuyên để kiểm tra đường huyết nhằm điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Okra. https://www.diabetes.co.uk/natural-therapies/okra.html. Ngày truy cập: 15/08/2023

Okra ameliorates hyperglycaemia in pre-diabetic and type 2 diabetic patients. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10107009/. Ngày truy cập: 15/08/2023

Control Diabetes With Okra (Bhindi). https://www.freedomfromdiabetes.org/blog/post/control-diabetes-with-okra-bhindi/2678. Ngày truy cập: 15/08/2023

The effects of okra (Abelmoschus esculentus L.) products on glycemic control and lipid profile: A comprehensive systematic review. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1756464621004448. Ngày truy cập: 15/08/2023

Anti-hyperglycemic effect of Abelmoschus culentesus (Okra) on patients with diabetes type 2: a randomized clinical trial. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/35434945/. Ngày truy cập: 15/08/2023

Phiên bản hiện tại

15/08/2023

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Tiểu đường ăn trái chà là được không?

Tiểu đường ăn khoai lang được không? Tác dụng của khoai lang


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 15/08/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo