Chỉ số đường huyết bình thường và mục tiêu đường huyết cần duy trì

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 25/10/2021

    Chỉ số đường huyết bình thường và mục tiêu đường huyết cần duy trì
    Quảng cáo

    Kiểm tra đường huyết thường xuyên là một trong những việc làm cần thiết để theo dõi sức khỏe, phát hiện kịp thời những thay đổi đáng lo ngại liên quan đến lượng đường trong máu. Do đó, việc biết được chỉ số đường huyết bình thường và các mức đường huyết cần chú ý sẽ giúp bạn đánh giá được tình hình sức khỏe của mình.

    Chỉ số đường huyết, hay lượng đường ở trong máu được tính theo đơn vị mg/dL (hoặc mmol/l), thường không ở một mức cố định trong suốt cả ngày, đêm. Chỉ số này sẽ thay đổi dựa vào thời điểm, loại thực phẩm và khối lượng thức ăn mà bạn ăn cũng như bạn có đang luyện tập thể dục hay không.

    Vậy chỉ số đường huyết bình thường là bao nhiêu? Mục tiêu đường huyết cần đạt được và duy trì ở người bệnh đái tháo đường (tiểu đường) và người khỏe mạnh là bao nhiêu? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

    Chỉ số đường huyết của người bình thường là bao nhiêu?

    Khi đo đường huyết, hai chỉ số thường được xác định là đường huyết lúc đói và đường huyết sau ăn, thường là sau ăn 2 giờ. Ngoài ra còn có đường huyết ngẫu nhiên được đo vào bất kỳ thời điểm nào và bạn không cần phải nhịn ăn trước đó.

    Chỉ số đường huyết của người bình thường là:

    • Đường huyết lúc đói (nhịn ăn trong 8 giờ) nằm trong khoảng 70 – 99 mg/dL
    • Đường huyết sau ăn 2 giờ thấp hơn 140 mg/dL

    Dựa vào kết quả đo lượng đường trong máu qua các xét nghiệm, bạn sẽ được chẩn đoán có bị tiền đái tháo đường, đái tháo đường hay vẫn đang ở mức bình thường khỏe mạnh. Bảng chỉ số đường huyết tham chiếu để chẩn đoán đái tháo đường như sau:

    Bảng chỉ số đường huyết bình thường và cao

    Với xét nghiệm dung nạp glucose, bạn cần phải nhịn ăn qua đêm trước khi làm xét nghiệm. Đầu tiên bạn sẽ được lấy máu để xác định lượng đường huyết lúc đói. Sau đó, bạn được cho uống dung dịch glucose và lấy máu sau 2 giờ để xác định lại lượng đường trong máu.

    Mục tiêu đường huyết cho người đái tháo đường

    Việc kiểm soát được chỉ số đường huyết rất quan trọng vì nếu để mức đường trong máu cao trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ phát triển các biến chứng đái tháo đường.

    Mức đường huyết mục tiêu ở mỗi người có thể không giống nhau, kể cả ở những người cùng bị đái tháo đường. Bác sĩ sẽ đánh giá và đưa ra một mức mục tiêu cho chỉ số đường huyết cho các thời điểm trong ngày, dựa trên nhiều yếu tố khác nhau gồm:

    • Loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường
    • Tuổi tác
    • Thời gian mắc đái tháo đường
    • Tình trạng mang thai
    • Sự xuất hiện các biến chứng đái tháo đường
    • Sức khỏe chung và các bệnh đồng mắc khác (nếu có)

    Viện Y tế và Chất lượng Điều trị Quốc gia Anh (NICE) khuyến nghị mức đường huyết mục tiêu cho các loại đái tháo đường theo từng thời điểm như sau:

    Bảng chỉ số đường huyết bình thường ở người tiểu đường

    Tốt nhất, mục tiêu chỉ số đường huyết bình thường cần được cá nhân hóa tùy thuộc vào độ tuổi và sức khỏe của từng người. Ví dụ, người lớn khỏe mạnh dưới 60 tuổi có thể cố gắng đạt được chỉ số đường huyết mục tiêu thấp hơn một chút. Ngược lại, một số người có thể có mức mục tiêu đường huyết cao hơn một chút mà vẫn chấp nhận được, như:

    • Trên 60 tuổi
    • Có các bệnh lý khác, như bệnh tim, phổi hoặc thận
    • Không cảm nhận được khi lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết vô thức)

    Mục tiêu đường huyết cho người tăng và hạ đường huyết không do đái tháo đường

    Chỉ số đường huyết bình thường là bao nhiêu

    Khi đường huyết bị hạ thấp đến dưới mức 70 mg/dL, bạn cần tìm cách để quay về chỉ số đường huyết bình thường. Quy luật 15-15 thường được áp dụng trong trường hợp này, hãy ăn 15g carbohydrate để giúp tăng lượng đường trong máu và đo đường huyết lại sau 15 phút. Nếu kết quả đường huyết vẫn dưới 70 mg/dL thì hãy tiếp tục ăn thêm 15g carbohydrate.

    Nguồn cung cấp carbohydrate bạn có thể lựa chọn để bổ sung khi bị hạ đường huyết là:

    • Nửa cốc nước trái cây hoặc soda thông thường (không phải loại dành cho người ăn kiêng không có đường)
    • 1 thìa đường, mật ong hay siro
    • Kẹo cứng, kẹo dẻo hay kẹo cao su (kiểm tra hàm lượng dinh dưỡng để biết nên ăn bao nhiêu là đủ)

    Lưu ý, không nên lựa chọn các nguồn carbohydrat phức tạp như cơm, bún phở hay loại có chứa thêm chất béo (như chocolate) vì quá trình hấp thu chậm hơn nên không thể nhanh chóng đưa chỉ số đường huyết về bình thường.

    Hãy lặp lại việc ăn và kiểm tra đường huyết cho đến khi chỉ số đường huyết ít nhất đạt 70 mg/dL. Khi lượng đường trong máu về mức bình thường, bạn nên ăn một bữa chính hoặc bữa nhẹ để đảm bảo không bị hạ đường huyết trở lại.

    Nhìn chung, mục tiêu đường huyết trong các trường hợp là đưa về gần chỉ số đường huyết bình thường nhất có thể. Tùy theo nhiều yếu tố, như độ tuổi và tình trạng bệnh lý đang có, mức đường huyết mục tiêu của mỗi người sẽ có thể khác nhau. Hãy trao đổi với bác sĩ để tìm ra mức đường huyết cần phải đạt được và duy trì để sống khỏe mạnh.

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 25/10/2021

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo