Trà khổ qua là thức uống thanh mát, khá thích hợp cho người tiểu đường bởi có tác dụng hỗ trợ điều hòa đường huyết, tăng đề kháng, hạ mỡ máu. Vậy, uống trà khổ qua có tác dụng gì và cách làm trà khổ qua trị tiểu đường như thế nào?
Khổ qua (mướp đắng) là loại rau ăn quả khá quen thuộc với nhiều người. Bên cạnh việc chế biến như thực phẩm thông thường, khổ qua còn có thể được ví von như một loại thảo dược quý, có lợi cho sức khỏe và cũng rất dễ tìm, bạn có thể chế biến thành trà hoặc trà lá khổ qua để thưởng thức.
Bài viết sau, Hello Bacsi sẽ giới thiệu những tác dụng của trà khổ qua với người mắc bệnh tiểu đường cũng như cách nấu nước khổ qua trị tiểu đường tại nhà để giúp hỗ trợ kiểm soát chỉ số đường huyết và tăng cường sức khỏe một cách tốt nhất.
Tác dụng của trà khổ qua với bệnh tiểu đường
Tiểu đường (đái tháo đường) type 2 là một căn bệnh mạn tính. Theo đó, người mắc phải căn bệnh này nên chú ý đến việc kiểm soát chỉ số đường huyết nhằm giúp giữ gìn sức khỏe cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài việc sử dụng thuốc do bác sĩ chỉ định kết hợp cùng tập luyện thì chế độ dinh dưỡng sẽ góp phần không nhỏ trong việc giúp bạn đạt được mục tiêu giữ đường huyết ở mức ổn định.
Nếu bạn đang băn khoăn không biết nên uống thức uống nào vừa giải khát lại giúp ích cho tình trạng sức khỏe thì hãy nghĩ đến trà khổ qua nhé. Vậy cụ thể uống trà khổ qua có tác dụng gì hay uống nước khổ qua có trị tiểu đường không? Dưới đây là 4 tác dụng của trà khổ qua đối với bệnh đái tháo đường:
1. Trà khổ qua hỗ trợ tăng sức đề kháng
Công dụng trà khổ qua đối với bệnh tiểu đường là gì? Khi mắc bệnh tiểu đường, bạn nên tự bảo vệ bản thân nhằm tránh gặp những vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như cảm, cúm hoặc những bệnh dễ lây bởi lẽ việc này sẽ khiến sức khỏe hiện tại trở nên kém đi rất nhiều. Theo các chuyên gia, khổ qua rất hữu ích trong việc cải thiện hoạt động của hệ thống miễn dịch. Loại quả này chứa một lượng dồi dào vitamin C và chất chống oxy hóa, từ đó giúp thúc đẩy hoạt động của tế bào và loại bỏ chất oxy hóa gây hại.
Do vậy, việc uống trà khổ qua hoặc trà lá khổ qua cũng là một cách giúp cải thiện hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng khá hiệu quả mà bạn không thể bỏ qua.
2. Uống trà khổ qua giúp điều hòa chỉ số HbA1C
Người mắc bệnh đái tháo đường cần phải duy trì mức HbA1C trong một phạm vi nhất định. Nguyên do là nếu chỉ số này tăng lên quá cao sẽ gây hại đến sức khỏe tổng thể, từ đó khiến bạn găp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Khổ qua có chứa các chất dinh dưỡng giúp hỗ trợ điều hòa chỉ số HbA1C ở bệnh nhân tiểu đường type 2.
3. Hỗ trợ giảm cân
Thừa cân, béo phì là tình trạng sức khỏe phổ biến ở những người mắc bệnh đái tháo đường. Do vậy, không ít bác sĩ khuyên bệnh nhân nên đặt mục tiêu giảm cân nhằm hạn chế các nguy cơ sức khỏe khác cũng như ngăn ngừa bệnh đái tháo đường tiến triển nghiêm trọng hơn theo thời gian.
Trà khổ qua rất có lợi trong việc hỗ trợ bạn giảm cân bởi thức uống này chứa rất ít calo, chất béo và carbohydrate. Bên cạnh đó, việc dùng trà còn hạn chế cảm giác thèm ăn, kiểm soát thói quen ăn uống theo hướng tích cực hơn. Ngoài ra, trà khổ qua còn tăng cường chuyển hóa chất béo bằng cách giảm mỡ, thúc đẩy cơ thể tăng cường hoạt động trao đổi chất và hấp thu lipid.
4. Giảm cholesterol
Trà mướp đắng cũng có thể giúp người bệnh đái tháo đường có mức cholesterol cao giảm hàm lượng cholesterol trong máu nhờ vào đặc tính chống viêm hữu ích mà bạn không nên bỏ qua.
Bên cạnh những lợi ích kể trên thì tác dụng của trà khổ qua còn bao gồm cải thiện thị lực, ngừa ung thư, tăng cường sức khỏe tim mạch…
Cách làm trà khổ qua tại nhà
Việc tự nấu nước khổ qua uống tại nhà không hề khó, sau đây là hướng dẫn cách làm trà khổ qua đơn giản ngay tại nhà mà bạn có thể tham khảo:
- Chuẩn bị khoảng 1kg khổ qua, rửa sạch phơi khô và để ráo
- Thái khổ qua thành từng lát
- Xếp khổ qua vào 1 cái khay lớn, phơi ngoài nắng từ 1 đến 2 ngày. Trong quá trình phơi bạn nên dùng 1 tấm vải mỏng phủ lên để ngăn không cho bụi bám lên khổ qua và không phơi dưới nắng quá gắt để tránh khổ qua bị mất chất
- Khi thấy khổ qua đã khô, bạn hãy bắt chảo và sao đều khổ qua để có màu nâu đẹp mắt
- Cho thành phẩm vào lọ thuỷ tinh, đậy kín nắp rồi dùng dần trong 2-3 tháng
- Mỗi lần thưởng thức, bạn chỉ cần cho 5-7 lát khổ qua đã sao vào 350ml nước nóng, đợi khoảng vài phút rồi thưởng thức.
Lưu ý: Bạn nên uống trà khổ qua đúng cách với trà được pha trong ngày để đem đến các lợi ích tốt nhất cho sức khỏe.
Lưu ý khi uống trà khổ qua trị tiểu đường
Dẫu tốt cho sức khỏe nhưng trà mướp đắng vẫn tiềm ẩn những tác dụng phụ nếu như bạn sử dụng sai cách, chẳng hạn như:
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
- Đi tiểu nhiều lần
- Gây sẩy thai nếu như uống quá nhiều
- Làm giảm tác dụng của thuốc chữa bệnh…
Uống trà khổ qua trị tiểu đường là cách làm dân gian được nhiều người bệnh tin tưởng áp dụng. Dù vậy, bạn không nên lạm dụng hoặc tự ý thay đổi hướng dẫn điều trị của bác sĩ trong quá trình kiểm soát tiểu đường.