backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Nhận biết 9 dấu hiệu biến chứng tiểu đường ở da

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Hà Thị Ngọc Bích · Khoa nội tiết · Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 14/03/2023

    Nhận biết 9 dấu hiệu biến chứng tiểu đường ở da

    Trên thực tế, các vấn đề về da đôi khi là dấu hiệu phổ biến của bệnh tiểu đường. Một số tổn thương trên da có thể đáng lo ngại như tiểu đường gây loét da kết hợp với vết thương không lành và khó phát hiện, kéo dài buộc phải đoạn chi. Tuy nhiên, cũng có những thay đổi trên da chỉ là vấn đề về thẩm mỹ. Dù cho thế nào, bạn cũng cần chú ý để kịp thời phát hiện và điều trị các biến chứng tiểu đường ở da. 

    Biến chứng tiểu đường ở da xuất phát từ đâu? 

    Tiểu đường là một bệnh mãn tính gây ra sự gia tăng đường trong máu, do thiếu hormone insulin (hormone giúp cơ thể sử dụng được đường trong máu để tạo thành năng lượng) hoặc đề kháng insulin (không sử dụng hiệu quả hormone này). Đường huyết cao kéo dài, nhất là khi không kiểm soát tốt, sẽ làm tăng một quá trình gọi là stress oxy hóa trong cơ thể. Quá trình này làm tổn thương thần kinh và mạch máu.

    Da chứa một lượng khổng lồ các dây thần kinh và mạch máu nhỏ để cho phép cơ thể cảm nhận được sự va chạm, nhiệt độ hay cơn đau. Bệnh tiểu đường sẽ ảnh hưởng đến các dây thần kinh trên da và những mạch máu nuôi da, từ đó gây ra các vấn đề về da.

    Các biến chứng trên da do tiểu đường thường xảy ra ở bệnh nhân lớn tuổi hoặc những người mắc bệnh tiểu đường lâu năm. 

    Tìm hiểu thêm: Da của người bị tiểu đường: Tại sao phải chăm sóc đặc biệt?

    9 biểu hiện biến chứng tiểu đường ở da

    1. Dấu gai đen 

    Gai đen đặc trưng bởi các mảng sẫm màu xuất hiện ở vùng nếp nhăn trên cơ thể như cổ, nách hoặc bẹn, đôi khi cũng xuất hiện trên bàn tay, khuỷu tay hoặc đầu gối. 

    Nguyên nhân là do kháng insulin và cũng có thể là biểu hiện của tiền tiểu đường hoặc tiểu đường típ 2. Đặc biệt, biến chứng tiểu đường ở da này phổ biến hơn ở người béo phì. 

    Để cải thiện dấu gai đen, bạn có thể sử dụng một số loại kem nhằm cải thiện các mảng sẫm màu. Tuy nhiên, cách điều trị hiệu quả nhất là giải quyết nguyên nhân gốc rễ, đó là sự đề kháng insulin. Trong đó, thay đổi lối sống bằng cách hoạt động thể chất, duy trì cân nặng khỏe mạnh và kiểm soát đường huyết có thể giúp đẩy lùi tình trạng đề kháng insulin.

    biến chứng tiểu đường ở da: bệnh gai đen

    2. Bệnh teo da do tiểu đường 

    Bệnh teo da do tiểu đường là một biến chứng về hệ thống mạch máu nhỏ đến nuôi da, gây nên những thay đổi trên da biểu hiện bằng các mảng sần, màu đỏ đến nâu nhạt, hình tròn hoặc hình bầu dục. Những đốm nâu này thường dễ gây nhầm lẫn với đồi mồi, thường xuất hiện ở ống cẳng chân, không gây đau, không lan rộng cũng không gây ngứa. 

    Bệnh teo da do tiểu đường thường vô hại và không cần điều trị. 

    3. Hoại tử mô mỡ ở da do tiểu đường 

    Hoại tử mô mỡ ở da là một trong các biến chứng tiểu đường ở da phổ biến ở phụ nữ. Biểu hiện ban đầu là các nốt sưng nhỏ như mụn nhọt, sau tiến triển thành những mảng da sưng tấy và cứng. Cuối cùng, chúng tạo nên các mảng da màu vàng, đỏ hoặc nâu, có thể gây ngứa và đau. 

    Không có cách chữa trị hoại tử mô mỡ do tiểu đường, các biện pháp điều trị chỉ nhằm kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Kem bôi steroid có thể giúp ngăn chặn tiến triển bệnh ở giai đoạn đầu.

    4. Bóng nước tiểu đường 

    Bóng nước tiểu đường là tổn thương tự phát trên chân, đôi khi ở tay của bệnh nhân tiểu đường. Các vết này nhìn có vẻ đáng sợ nhưng không đau, thường tự lành.

    Nguyên nhân mụn nước tiểu đường chưa được xác định rõ, nhưng thường phát triển khi lượng đường trong máu cao trong thời gian dài. 

    Thường những trường hợp bóng nước tiểu đường đều tự lành lại mà không cần điều trị, không để lại sẹo. Quan trọng là bạn cần hạn chế để các bóng nước này bị ma sát, vỡ ra dẫn đến bội nhiễm. Bên cạnh đó, khi bạn kiểm soát được lượng đường trong máu thì tình rạng này cũng sẽ cải thiện. 

    bọng nước do biến chứng tiểu đường ở da

    5. U vàng phát ban 

    U vàng phát ban là một biến chứng tiểu đường lành tính ở da, với thành phần trong u là lipid hoặc chất béo lắng đọng. U vàng thường xuất hiện ở mông, vai, chân hay tay của người bệnh. 

    Nguyên nhân là do lượng chất béo chất béo trung tính và cholesterol trong máu tăng cao. 

    Cách tốt nhất để ngăn ngừa và điều trị u vàng phát ban là kiểm soát lượng cholesterol trong máu của bệnh nhân. Hãy trao đổi với bác sĩ để có kế hoạch điều trị phù hợp nhằm ngăn chặn tình trạng cholesterol máu cao khi mắc bệnh tiểu đường. 

    6. Biến chứng tiểu đường ở da gây xơ cứng và dày mô 

    Biểu hiện ban đầu của tình trạng này là da xơ cứng, dày lên như sáp ở bề mặt mu bàn tay và các kẽ ngón tay khiến các khớp này trở nên cứng và khó cử động. Vùng da xơ cứng và dày lên sẽ tiếp tục lan rộng nếu đường huyết không được kiểm soát. 

    Tình trạng này phổ biến hơn ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 có lượng đường trong máu cao.

    Cách tốt nhất để điều trị biến chứng tiểu đường ở da này là đưa lượng đường trong máu của bạn về mức bình thường và ổn định. Ngoài ra một số bài tập vật lý trị liệu cũng giúp cải thiện vận động cho các khớp bị ảnh hưởng. 

    7. Nhiễm trùng da 

    Ai cũng có thể bị nhiễm trùng da, gây viêm ngứa, sưng đỏ và đau. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường có xu hướng bị nhiễm trùng da cao hơn do lượng đường trong máu cao là môi trường lý tưởng để các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển. Đồng thời nhiễm trùng da ở bệnh nhân tiểu đường thường lâu lành hơn người bình thường. 

    Để điều trị nhiễm trùng da, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân dùng một số loại thuốc kháng sinh phù hợp. Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường cũng cần duy trì kế hoạch điều trị bằng thuốc, chế độ ăn uống sinh hoạt phù hợp để kiểm soát lượng đường trong máu, hạn chế bị nhiễm trùng da. 

    8. Nhiễm nấm 

    Giống như nhiễm trùng, nhiễm nấm không phải là một biến chứng tiểu đường ở da đặc trưng mà có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường thường có nguy cơ nhiễm nấm cao hơn.

    Tình trạng nhiễm nấm trên da thường xảy ra ở những vùng nếp gấp trên cơ thể và vùng da thường xuyên ẩm ướt. Nhiễm trùng âm đạo cũng là một trong những dạng nhiễm nấm phổ biến ở phụ nữ mắc bệnh tiểu đường. 

    Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn một số loại thuốc kháng nấm. Đồng thời, để ngăn ngừa biến chứng tiểu đường ở da do nấm gây ra, bệnh nhân cũng được khuyến cáo duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh nhằm ổn định đường huyết. 

    9. Da khô ngứa 

    biến chứng tiểu đường ở da gây khô ngứa da

    Da khô ngứa là một biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường. Đây đồng thời cũng là tiền đề gây ra những biến chứng khác trên da.

    Tình trạng này có thể xuất phát từ nguyên nhân lưu thông máu kém. Đồng thời, đường máu cao khiến cơ thể mất nước, dẫn tới da khô. 

    Theo dõi và duy trì đường huyết mục tiêu là điều quan trọng mà bất kỳ bệnh nhân tiểu đường nào cũng cần lưu ý. Ngoài ra, tập thể dục cũng giúp bạn tăng cường lưu thông máu, cải thiện sức khoẻ tổng thể bao gồm cả sức khoẻ về da. Bạn cũng lưu ý không tắm quá lâu, chỉ sử dụng xà phòng dịu nhẹ, bôi kem dưỡng ẩm sau khi tắm để tránh da bị khô thêm.

    ’Hướng

    Không khó để nhận ra những bất thường trên da nếu bạn chịu khó kiểm tra hằng ngày. Khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ biến chứng tiểu đường ở da nào, bạn hãy nhanh chóng đi khám bác sĩ, để kịp thời khắc phục nhé! 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Hà Thị Ngọc Bích

    Khoa nội tiết · Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 14/03/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo