Tiểu đường là một bệnh mạn tính nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Rất nhiều người lo ngại bệnh tiểu đường có mấy cấp độ để biết tình trạng của mình là nặng hay nhẹ.
Cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể trong bài viết ngay sau đây nhé!
Bệnh tiểu đường là gì?
Trước khi đi tìm hiểu bệnh tiểu đường có mấy cấp độ, chúng ta cần biết rõ hơn về căn bệnh này.
Bệnh tiểu đường là một tình trạng sức khỏe mạn tính ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng đường trong máu, khiến lượng đường trong máu trở nên quá cao. Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không thể sử dụng insulin hiệu quả như bình thường.
Insulin là một loại hormone do tuyến tụy tiết ra giúp đường glucose trong máu đi vào các tế bào để chuyển hóa thành năng lượng. Khi không có đủ insulin hoặc cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả, lượng đường không đi vào được tế bào sẽ tích tụ quá nhiều trong máu, dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe.
3 loại tiểu đường chính bao gồm:
- Tiểu đường tuýp 1: Đây là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy. Hậu quả dẫn đến là tuyến tụy không tạo hoặc tạo ra rất ít insulin.
- Tiểu đường tuýp 2: Bệnh xảy ra khi cơ thể không sử dụng hiệu quả insulin mặc dù các tế bào tuyến tụy vẫn sản xuất ra insulin bình thường (kháng insulin), dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao.
- Tiểu đường thai kỳ: Bệnh tiểu đường thai kỳ phát triển ở những phụ nữ mang thai chưa từng mắc bệnh tiểu đường trước đó, cũng xảy ra do tình trạng kháng insulin. Bệnh tiểu đường thai kỳ thường biến mất sau khi sinh con nhưng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trong tương lai, đồng thời em bé có nguy cơ cao hơn so với các trẻ khác về các vấn đề sức khỏe như: bị béo phì khi còn nhỏ hoặc ở tuổi thiếu niên, mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trong tương lai.
Bệnh tiểu đường có mấy cấp độ?
Trong y học, bệnh tiểu đường không có cấp độ. Nhưng theo cách hiểu của đa số người bệnh, sự nặng – nhẹ với bệnh tiểu đường được xác định bằng:
- Chỉ số đường huyết ra sao, có kiểm soát được dễ dàng hay không
- Đã có biến chứng hay chưa, một hay nhiều biến chứng, những biến chứng đó là gì
- Có bệnh lý mắc kèm khác hay không.
Quan niệm bệnh tiểu đường tuýp 2 có mấy cấp độ dựa theo chỉ số đường huyết
Trước khi tiến triển thành bệnh tiểu đường tuýp 2, người bệnh sẽ trải qua tình trạng tiền tiểu đường. Đây là lúc mà đường huyết tăng nhưng vẫn chưa phải là mạn tính và có thể điều trị khỏi được. Để xác định một người đang bị tiền tiểu đường hay tiểu đường sẽ dựa vào chỉ số đường huyết như sau:
1. Xét nghiệm HbA1C: đo lượng đường trong máu trung bình trong 2 hoặc 3 tháng qua. Kết quả cụ thể như sau:
- Bình thường: Chỉ số A1C dưới 5,7%
- Tiền tiểu đường: Chỉ số A1C từ 5,7 đến 6,4%
- Bệnh tiểu đường tuýp 2: Chỉ số A1C từ 6,5% trở lên.
2. Kiểm tra đường huyết lúc đói: Xét nghiệm này giúp đo lượng đường trong máu sau một đêm nhịn ăn. Kết quả như sau:
- Bình thường: từ 70 đến 99 mg/dL (3,9 đến 5,5 mmol/L)
- Tiền tiểu đường: từ 100 đến 125 mg/dL (5,6 đến 6,9 mmol/L)
- Bệnh tiểu đường tuýp 2: từ 126 mg/dL (7,0 mmol/L) trở lên trong 2 lần xét nghiệm riêng biệt.
3. Xét nghiệm kiểm tra dung nạp glucose: Xét nghiệm này đo lượng đường trong máu trước và sau khi bạn uống 1 cốc nước có hòa tan khoảng 75g glucose. Bạn sẽ nhịn ăn qua đêm trước khi làm xét nghiệm và lấy máu để xác định mức đường huyết lúc đói. Sau đó, bạn sẽ uống cốc nước đã hòa tan glucose và kiểm tra lại lượng đường trong máu sau 1 giờ và sau 2 giờ. Kết quả có được như sau:
- Bình thường: Chỉ số dưới 140 mg/dL (7,8 mmol/L)
- Tiền tiểu đường: Chỉ số từ 140 đến 199 mg/dL (7,8 đến 11,0 mmol/L)
- Bệnh tiểu đường tuýp 2: Chỉ số từ 200 mg/dL (11,1 mmol/L) trở lên.
Riêng bệnh tiểu đường tuýp 1 thường khởi phát đột ngột và nghiêm trọng ngay từ đầu nên không ai lo lắng bệnh tiểu đường tuýp 1 có mấy cấp độ.
Quan niệm bệnh tiểu đường có mấy cấp độ dựa theo biến chứng
Thay vì lo ngại bệnh tiểu đường có mấy cấp độ, đúng hơn bạn nên quan tâm đến các biến chứng của bệnh tiểu đường. Càng nhiều biến chứng, biến chứng càng nặng thì rủi ro lại càng cao.
Với tiểu đường tuýp 1 thường xảy ra biến chứng cấp tính khi đường huyết tăng đột ngột và rất cao. Chúng bao gồm nhiễm toan ceton do tiểu đường, tăng áp lực thẩm thấu. Đây đều là những biến chứng có thể đe dọa tính mạng. Vì vậy, ngoài việc sử dụng insulin đúng chỉ định, người bệnh phải theo dõi sát sao chỉ số đường huyết cùng với các dấu hiệu khác thường của cơ thể.
Các biến chứng lâu dài thường phát triển ở bệnh tiểu đường tuýp 2. Bạn mắc bệnh tiểu đường càng lâu và lượng đường trong máu càng không được kiểm soát tốt thì nguy cơ biến chứng đến càng sớm. Cuối cùng, các biến chứng của bệnh tiểu đường có thể gây tàn tật hoặc thậm chí đe dọa tính mạng.
Các biến chứng mạn tính có thể xảy ra bao gồm:
- Bệnh tim mạch. Lượng đường trong máu cao trong một thời gian có thể làm hỏng các mạch máu, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch, chẳng hạn như bệnh động mạch vành, đau thắt ngực, huyết áp cao, cholesterol cao, suy tim, hẹp động mạch (xơ vữa động mạch) và đột quỵ.
- Tổn thương thần kinh do bệnh tiểu đường (bệnh thần kinh tiểu đường). Lượng đường trong máu cao có thể làm tổn thương thành mạch máu nhỏ (mao mạch) nuôi dưỡng dây thần kinh, đặc biệt là ở chân. Điều này có thể gây ngứa ran, tê, nóng rát hoặc đau thường bắt đầu ở đầu ngón chân hoặc ngón tay và dần dần lan lên trên. Tổn thương dây thần kinh liên quan đến tiêu hóa có thể gây ra các vấn đề như buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón.
- Bệnh thận do tiểu đường. Thận chứa hàng triệu cụm mạch máu nhỏ (tiểu cầu thận) chịu trách nhiệm lọc chất thải ra khỏi máu. Bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương cho cầu thận, khiến việc đào thải chất lỏng dư thừa và chất thải ra khỏi cơ thể trở nên khó khăn hơn.
- Bệnh võng mạc tiểu đường. Bệnh tiểu đường có thể làm hỏng các mạch máu của mắt, thậm chí dẫn đến mù lòa.
- Tổn thương bàn chân. Tổn thương dây thần kinh ở chân hoặc lưu lượng máu đến chân kém có thể ảnh hưởng đến cảm giác ở bàn chân, khiến vết loét và vết cắt chậm lành hơn, nguy cơ nhiễm trùng cao. Các vấn đề về chân do tiểu đường thậm chí sẽ dẫn đến phải cắt cụt chi nếu không được điều trị sớm.
- Nhiễm trùng da. Bệnh tiểu đường có thể khiến bạn dễ mắc các vấn đề về da hơn, bao gồm nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm.
- Giảm thính lực. Vấn đề về thính giác phổ biến hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường.
- Bệnh Alzheimer. Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, chẳng hạn như bệnh Alzheimer.
- Trầm cảm. Các triệu chứng trầm cảm phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 và 2.
Tóm lại, vấn đề bệnh tiểu đường có mấy cấp độ không được phân loại rõ ràng và cũng không có khoảng thời gian cụ thể bệnh sẽ trở nặng. Dù đang bị tiền tiểu đường, tiểu đường, có hay chưa có biến chứng thì người bệnh đều cần thực hiện sớm các phương pháp điều trị như thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt và/hoặc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Đây là cách tốt nhất để kiểm soát tốt lượng đường trong máu và ngăn chặn bệnh tiến triển nặng hơn.