Biệt dược: Vocfor
Hoạt chất: Lornoxicam 4mg hoặc 8mg
Dạng bào chế: Viên nén bao phim
Tìm hiểu chung
Tác dụng, công dụng của thuốc Vocfor là gì?
Thuốc Vocfor có hoạt chất chính là lornoxicam với hàm lượng 4mg hoặc 8mg là một thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) thế hệ mới, tác dụng giảm đau, chống viêm, hạ sốt. Thuốc được chỉ định để:
- Điều trị đau sau phẫu thuật
- Điều trị cơn đau cấp liên quan đến thần kinh tọa
- Điều trị ngắn hạn triệu chứng đau và viêm nhẹ đến vừa trong bệnh viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp.
Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này khi có chỉ định của bác sĩ.
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Liều dùng thuốc Vocfor 4mg hay 8mg ở người lớn là bao nhiêu?
Liều dùng cho người trên 18 tuổi trong các chỉ định:
– Điều trị đau cấp:
- Uống từ 8-16mg mỗi ngày. Nếu dùng liều 16mg/ ngày thì chia thành 2 liều. Có thể bắt đầu điều trị với liều 16mg vào ngày đầu tiên, sau đó uống 8mg cách nhau mỗi 12 giờ.
- Sau ngày đầu tiên thì tổng liều hàng ngày không nên quá 16mg.
– Dùng trong viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp:
- Uống từ 8-16mg/ ngày.
- Liều duy trì không được vượt quá 16mg/ ngày.
Người cao tuổi (trên 65 tuổi) có thể không cần điều chỉnh liều, trừ khi bị suy thận hay suy gan. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cho nhóm đối tượng này vẫn cần thận trọng vì nguy cơ gặp tác dụng trên đường tiêu hóa cao hơn so với người trẻ.
Ở người bệnh suy thận nhẹ đến trung bình hay suy gan trung bình, liều tối đa là 12mg/ ngày và chia thành nhiều lần dùng.
Liều dùng thuốc Vocfor cho trẻ em là bao nhiêu?
Không khuyến cáo dùng thuốc này cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi do thiếu thông tin vệ độ an toàn và hiệu quả của thuốc.
Cách dùng
Bạn nên dùng thuốc Vocfor như thế nào?
Để giảm kích ứng đường tiêu hóa, bạn nên uống thuốc Vocfor với nhiều nước. Tránh dùng thuốc chung với bữa ăn vì sẽ làm giảm hấp thu.
Tốt nhất nên sử dụng thuốc ở liều thấp nhất có thể trong thời gian điều trị ngắn nhất làm giảm được triệu chứng để giảm thiểu các phản ứng có hại của thuốc.
Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Nếu có thắc mắc gì về cách dùng thuốc, bạn có thể hỏi lại dược sĩ hoặc bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?
Hiện nay vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào dùng thuốc quá liều. Tuy nhiên, các triệu chứng được dự đoán có thể xảy ra nếu dùng quá liều là buồn nôn, nôn, chóng mặt, rối loạn thị giác. Triệu chứng nặng hơn là mất điều hòa, bao gồm cả tình trạng hôn mê, co giật, tổn thương gan, thận và rối loạn đông máu.
Trong trường hợp khẩn cấp hoặc nghi ngờ quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị triệu chứng và hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.
Bạn nên làm gì nếu quên một liều?
Nếu bạn quên một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.
Tác dụng phụ
Bạn có thể gặp phải tác dụng phụ nào khi sử dụng thuốc Vocfor?
Một số tác dụng phụ không mong muốn có thể gặp phải khi dùng thuốc này gồm:
- Nhức đầu, chóng mặt, buồn ngủ, thay đổi cảm giác ngon miệng, tăng tiết mồ hôi, giảm cân, phù nề, dị ứng, suy nhược, tăng cân
- Hệ thống thần kinh trung ương: trầm cảm, mất ngủ
- Mắt: viêm kết mạc, rối loạn thị lực
- Dạ dày – ruột: đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu, buồn nôn, nôn, đầy hơi, khó nuốt, táo bón, viêm dạ dày, khô miệng, viêm miệng, trào ngược dạ dày, loét dạ dày tá tràng có hoặc không xuất huyết, viêm thực quản, chảy máu trực tràng hoặc trĩ
- Huyết học: thiếu máu, thời gian chảy máu kéo dài, giảm tiểu cầu
- Gan: tăng transaminase
- Cơ – xương: chuột rút ở chân, đau cơ
- Thần kinh: đau nửa đầu, dị cảm, lạt miệng, ù tai run
- Hô hấp: khó thở, các triệu chứng dị ứng ở đường hô hấp trên
- Da: phản ứng dị ứng như viêm da, đỏ bừng, ngứa, rụng tóc
- Tiết niệu – sinh dục: rối loạn tiểu tiện
- Mạch: đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, thay đổi huyết áp
Đây không phải danh mục đầy đủ tất cả tác dụng phụ của thuốc. Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào, hãy ngưng dùng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ.
Thận trọng/ Cảnh báo
Bạn nên lưu ý những gì khi dùng thuốc Vocfor?
Không dùng thuốc trong các trường hợp:
- Dị ứng với lornoxicam hay bất kỳ thành phần nào của thuốc
- Người từng bị phản ứng quá mẫn (co thắt phế quản, viêm mũi, phù mạch hoặc nổi mề đay) với thuốc kháng viêm không steroid khác, bao gồm axit acetylsalicylic.
- Chảy máu dạ dày – ruột, xuất huyết mạch máu não
- Rối loạn chảy máu và đông máu
- Loét dạ dày hoặc có tiền sử tái phát loét dạ dày
- Suy gan nặng
- Suy thận nặng (creatinin huyết thanh > 700micromol/L)
- Giảm tiểu cầu
- Suy tim nặng
- Người cao tuổi (trên 65 tuổi) có trọng lượng dưới 50kg và phẫu thuật cấp
Ngoài ra, khi dùng thuốc Vocfor cũng cần lưu ý:
- Thận trọng ở những người có tiền sử loét dạ dày, chảy máu, xuất huyết mạch máu não, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, rối loạn chuyển hóa porphyrin, rối loạn tạo máu, chức năng tim giảm.
- Chú ý đến nguy cơ bị giữ nước và suy giảm chức năng thận khi dùng thuốc ở người bệnh suy giảm chức năng tim từ nhẹ đến trung bình.
- Người bệnh gan (như xơ gan) cần được theo dõi lâm sàng và cận lâm sàng.
- Điều trị dài hạn (trên 3 tháng) cần phải theo dõi chỉ số xét nghiệm huyết học (hemoglobin), creatinin và men gan.
Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)
Chưa có đầy đủ nghiên cứu và có kiểm soát ở phụ nữ mang thai và cho con bú. Do đó, không nên sử dụng thuốc Vocfor cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú, đặc biệt là phụ nữ mang thai trong 3 tháng cuối thai kỳ.
Thuốc không gây buồn ngủ nên có thể sử dụng được khi lái xe và vận hành máy móc.
Tương tác thuốc
Thuốc Vocfor có thể tương tác với những thuốc nào?
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.
Một số thuốc có khả năng tương tác với Vocfor gồm:
- Thuốc chống đông máu hoặc chất ức chế kết tập tiểu cầu
- Sulphonylure
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) khác, aspirin
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE)
- Thuốc chẹn kênh beta
- Thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II
- Corticoid
- Lithium
- Methotrexat
- Quinolon
- Digoxin
- Cyclosporin
- Các thuốc gây cảm ứng và ức chế enzyme CYP2C9 như phenytoin, amiodaron, miconazol, tranylcypromin, rifampicin, cimetidin…
Thuốc này có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?
Không nên dùng thuốc cùng bữa ăn vì thức ăn sẽ làm giảm khả năng hấp thu của thuốc.
Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc này?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào được đề cập trong phần Thận trọng/ Cảnh báo.
Bảo quản thuốc
Bạn nên bảo quản thuốc Vocfor như thế nào?
Bảo quản nơi khô mát, tránh ánh sáng, nhiệt độ không quá 30ºC. Để thuốc tránh xa tầm tay trẻ em.