Travicol là dòng sản phẩm thuốc giảm đau hạ sốt kháng viêm khá phổ biến do Công ty Cổ phần Dược phẩm TV.PHARM sản xuất tại Việt Nam. Thuốc Travicol có nhiều loại chứa các thành phần và hàm lượng khác nhau. Bài viết này sẽ đề cập đến một loại phổ biến nhất là thuốc Travicol Flu. Cùng tìm hiểu nhé!
Tên hoạt chất: paracetamol, loratadin, dextromethorphan
Tên biệt dược: Travicol Flu
Tác dụng
Thuốc Travicol Flu có tác dụng gì?
Công dụng của thuốc Travicol Flu là điều trị các triệu chứng của cảm cúm như: sốt, nhức đầu, đau nhức bắp thịt, đau nhức xương khớp, ho khan, sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, chảy nước mắt, viêm mũi dị ứng, viêm xoang.
Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lí chỉ khi có chỉ định của bác sĩ.
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Thuốc Travicol Flu có những dạng và hàm lượng nào?
Thuốc Travicol Flu được bào chế ở dạng viên nén bao phim, đóng gói 1 hộp 10 vỉ x 10 viên, hoặc chai 100 viên.
Trong mỗi viên nén bao phim chứa các thành phần và hàm lượng cụ thể như sau:
- Paracetamol 500mg
- Loratadin 5mg
- Dextromethorphan.HBr 15mg
- Các tá dược khác (tinh bột mì, avicel 101, aerosil 200, PVP K30, magnesi stearat, DST, HPMC, PEG 6000, talc, titan dioxyd, màu vàng tartrazin, màu đỏ alura, màu xanh patent) vừa đủ 1 viên.
Liều dùng thuốc Travicol Flu cho người lớn và trẻ em như thế nào?
Travicol Flu liều dùng theo chỉ định của bác sĩ với liều khuyến cáo như sau:
- Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: uống 1 viên x 2 lần/ngày
- Trẻ em từ 6 -12 tuổi: uống ½ viên x 2 lần/ngày
- Khoảng cách giữa 2 lần uống phải hơn 4 giờ
- Suy thận nặng (ClCr < 10 mL/phút), khoảng cách giữa 2 lần uống phải ít nhất là 8 giờ.
Cách dùng
Bạn nên dùng thuốc như thế nào?
Travicol Flu là thuốc kê đơn được dùng bằng đường uống. Bạn nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và nên đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?
- Quá liều paracetamol:
- Nguyên nhân do dùng một liều độc duy nhất, hoặc do uống lặp lại liều lớn paracetamol (ví dụ, 7,5 – 10 g mỗi ngày, trong 1 – 2 ngày), hoặc do uống thuốc dài ngày có thể gây tác dụng độc cấp tính nghiêm trọng nhất là hoại tử gan phụ thuộc liều và có thể gây tử vong.
- Biểu hiện quá liều paracetamol bao gồm buồn nôn, nôn, và đau bụng, xanh tím da, niêm mạc và móng tay.
- Khi bị ngộ độc nặng, ban đầu có thể có kích thích hệ thần kinh trung ương, kích động và mê sảng. Tiếp theo có thể là ức chế hệ thần kinh trung ương: sững sờ, hạ thân nhiệt, mệt lả, thở nhanh, nóng, mạch nhanh, yếu, không đều, huyết áp thấp và suy tuần hoàn. Trụy mạch do giảm oxy huyết tương đối và do tác dụng ức chế trung tâm, tác dụng này chỉ xảy ra với liều rất lớn. Sốc có thể xảy ra nếu giãn mạch nhiều. Cơn co giật nghẹt thở gây tử vong có thể xảy ra. Thường hôn mê xảy ra trước khi chết đột ngột hoặc sau vài ngày hôn mê.
- Dấu hiệu lâm sàng tổn thương gan trở nên rõ rệt trong 2 – 4 ngày sau khi uống liều độc. Aminotransferase huyết tương tăng (đôi khi tăng rất cao) và nồng độ bilirubin trong huyết tương cũng có thể tăng. Khi tổn thương gan lan rộng, thời gian prothrombin kéo dài. Có thể 10% người bệnh bị ngộ độc không được điều trị đặc hiệu đã có tổn thương gan nghiêm trọng, 10% – 20% số đó tử vong vì suy gan. Một số người bệnh bị suy thận cấp. Trường hợp không tử vong, tổn thương gan hồi phục sau nhiều tuần hoặc nhiều tháng.
- Cách xử trí khi quá liều paracetamol: Chẩn đoán sớm rất quan trọng. Khi ngộ độc nặng, quan trọng nhất là điều trị hỗ trợ tích cực. Cần rửa dạ dày trong mọi trường hợp, tốt nhất trong vòng 4 giờ sau khi uống. Liệu pháp giải độc chính là dùng những hợp chất sulfhydryl như N-acetylcystein. N-acetylcystein có hiệu quả khi uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Dùng thuốc càng sớm càng tốt trong vòng 36 giờ sau khi quá liều paracetamol xảy ra, có hiệu quả hơn trong thời gian dưới 10 giờ sau khi uống paracetamol hoặc có thể dùng methionin nếu không có N-acetylcystein. Ngoài ra, có thể dùng than hoạt và/hoặc thuốc tẩy muối để làm giảm hấp thụ paracetamol.
- Quá liều dextromethorphan:
- Biểu hiện: buồn nôn, nôn, buồn ngủ, nhìn mờ, rung giật nhãn cầu, bí tiểu tiện, trạng thái ảo giác, tê mê, mất điều hòa, suy hô hấp và co giật.
- Xử trí khi quá liều dextromethorphan: dùng naloxon 2 mg tiêm tĩnh mạch, nếu cần thiết có thể dùng nhắc lại tới tổng liều 10mg. Kết hợp với điều trị hỗ trợ.
- Quá liều loratadin:
- Biểu hiện: buồn ngủ, nhịp tim nhanh, nhức đầu.
- Xử trí khi quá liều loratadin: Điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ. Trường hợp quá liều loratadin cấp, gây nôn bằng siro ipeca để tháo sạch dạ dày ngay. Dùng than hoạt tính sau khi nôn có thể giúp giảm hấp thu loratadin. Hoặc có thể rửa dạ dày bằng dung dịch natri clorid 0,9% và đặt ống nội khí quản để phòng ngừa hít phải dịch dạ dày trong các trường hợp không gây nôn được.
Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.
Bạn nên làm gì nếu quên một liều?
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.
Tác dụng phụ
Bạn có thể gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Travicol Flu?
- Tác dụng phụ thường gặp: phát ban đỏ, nhịp tim nhanh, buồn nôn, nôn, khô miệng, đau đầu.
- Tác dụng phụ ít gặp: phát ban, mề đay, đôi khi nặng hơn và có thể kèm theo sốt do thuốc và thương tổn niêm mạc, loạn tạo máu (giảm bạch cầu trung tính, giảm toàn thể huyết cầu, giảm bạch cầu), thiếu máu, khô mũi và hắt hơi, viêm kết mạc, ảnh hưởng thận (Bệnh thận, độc tính thận khi lạm dụng dài ngày).
- Tác dụng phụ hiếm gặp: thỉnh thoảng buồn ngủ nhẹ, rối loạn tiêu hóa, hành vi kỳ quặc do ngộ độc, ức chế thần kinh trung ương và suy hô hấp có thể xảy ra khi dùng liều quá cao, trầm cảm, tim đập nhanh, loạn nhịp nhanh trên thất, đánh trống ngực, chức năng gan bất thường, kinh nguyệt không đều, choáng phản vệ.
Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Thận trọng/Cảnh báo
Trước khi dùng thuốc Travicol Flu, bạn nên lưu ý những gì?
Thuốc được chống chỉ định trong các trường hợp sau đây:
- Mẫn cảm với một trong các thành phần của thuốc.
- Trẻ em dưới 6 tuổi.
- Người bệnh đang dùng thuốc ức chế monoaminooxydase.
- Người bệnh nhiều lần thiếu máu hoặc có bệnh tim, phổi, thận hoặc suy gan nặng.
- Người bệnh thiếu hụt men Glucose-6-phosphat dehydrogenase.
Thận trọng khi dùng thuốc ở:
- Bệnh nhân suy gan
- Bệnh nhân có nguy cơ suy giảm hô hấp
- Bệnh nhân ho có nhiều đờm, ho mạn tính do hút thuốc, hen hoặc tràn khí.
Bác sĩ cần cảnh báo bệnh nhân về các dấu hiệu của phản ứng trên da nghiêm trọng như hội chứng Stevens-Jonhson (SJS), hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN), hội chứng Lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP).
TRAVICOL FLU có sử dụng tá dược tinh bột mì có thể chứa một lượng nhỏ gluten, trong trường hợp dị ứng hoặc không dung nạp gluten thì không nên dùng. Thuốc cũng có sử dụng tá dược màu vàng tartrazin có thể gây dị ứng.
Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc Travicol Flu trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)
- Thận trọng khi dùng cho phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú. Tốt nhất, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
- Thận trọng khi dùng cho người lái xe, vận hành máy móc hoặc làm việc trên cao vì thuốc có thể gây chóng mặt.
Tương tác thuốc
Thuốc Travicol Flu có thể tương tác với những thuốc nào?
- Sử dụng liều cao và kéo dài paracetamol có thể làm tăng nhẹ tác dụng chống đông máu của coumarin và các dẫn chất Indandion.
- Các thuốc chống co giật (Phenytoin, Barbiturat, Carbamazepin…) gây cảm ứng men gan làm tăng chuyển hóa Paracetamol thành những chất độc cho gan, có thể làm tăng độc tính trên gan của Paracetamol.
- Với các thuốc ức chế thần kinh trung ương, nếu dùng đồng thời các chất này với dextromethorphan có thể tăng cường tác dụng ức chế thần kinh trung ương của các thuốc này.
- Cimetidin, ketoconazol, erythromycin làm tăng nồng độ loratadin trong huyết tương, nhưng không biểu hiện lâm sàng vì loratadin có khoảng trị liệu rộng.
Thuốc Travicol Flu có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?
Uống rượu có thể làm tăng độc tính của paracetamol lên gan, nên tránh uống rượu trong khi dùng thuốc.
Ngoài ra, thức ăn và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn và thuốc lá.
Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Travicol Flu?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.
Bảo quản thuốc
Bạn nên bảo quản Travicol Flu như thế nào?
Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ không quá 30 độ C, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.
Giá bán
Travicol Flu giá bao nhiêu? Mua ở đâu?
Travicol Flu giá bán trên thị trường hiện này khoảng 80.000 VNĐ – 90.000 VNĐ/hộp tùy theo nơi bán và số lượng bạn mua. Bạn có thể mua thuốc ở bất kỳ nhà thuốc, quầy thuốc nào trên toàn quốc.
Dù đây là thuốc trị cảm cúm thông thường nhưng bạn tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng mà không có chỉ định từ bác sĩ hoặc hướng dẫn từ dược sĩ.