backup og meta

Omeprazol 20mg là thuốc gì, trị bệnh gì & cách dùng

Omeprazol 20mg là thuốc gì, trị bệnh gì & cách dùng

Omeprazol 20mg là thuốc thuộc nhóm thuốc ức chế bơm proton, giúp giảm lượng axit được tạo ra trong dạ dày. Thuốc chỉ được bán theo đơn của bác sĩ và cần sử dụng cẩn thận theo đúng hướng dẫn. Trên thị trường, omeprazol có nhiều dạng bào chế và hàm lượng.

Bài viết sau cung cấp các thông tin về thuốc Omeprazol 20mg. Cùng tìm hiểu nhé!

Omeprazol 20mg là thuốc gì?

Omeprazol 20mg thuộc nhóm thuốc ức chế bơm proton, giúp giảm lượng axit được tạo ra trong dạ dày.

Tên biệt dược: Mezzopram 20mg (Sandoz), Mepraz Omeprazole 20mg (Sanofi), Omeprazol 20 mg (Domesco), Omeprazol 20mg DHG (Dược Hậu Giang), Lomac-20 (Cipla), Medoprazole (Medochemie), Omez (Dr. Reddy’s)…

Hoạt chất: Omeprazol 20 mg.

Phân nhóm: Thuốc ức chế bơm proton.

Trên thị trường Omeprazol 20mg có nhiều dạng bào chế khác nhau. Có thể kể đến:

  • Viên nang
  • Viên nén vi nang
  • Viên bao tan trong ruột
  • Viên nang cứng giải phóng chậm
  • Viên nén giải phóng chậm
  • Bột pha hỗn dịch uống…

Thuốc Omeprazol 20mg có tác dụng gì?

Omeprazol là thuốc:

  • Ức chế sự bài tiết acid của dạ dày do ức chế hệ enzym hydro/kali adenosin triphosphatase (H+/K+ ATPase) còn gọi là bơm proton ở tế bào thành của dạ dày.
  • Kìm hãm được vi khuẩn Helicobacter pylori ở người bệnh loét tá tràng và/hoặc viêm thực quản trào ngược bị nhiễm vi khuẩn này. Phối hợp omeprazol với một số thuốc kháng khuẩn (thí dụ clarithromycin, amoxicilin) có thể tiệt trừ H. pylori kèm theo liền ổ loét và thuyên giảm bệnh lâu dài.

Chỉ định Omeprazol 20mg bao gồm:

omeprazol 20mg

Omeprazol 20mg trên thị trường có nhiều dạng bào chế

Chống chỉ định của Omeprazol 20mg

Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Liều dùng thuốc Omeprazol 20mg là gì cho người lớn?

  • Để giảm bớt chứng khó tiêu liên quan đến acid, uống hàng ngày với liều 10 hoặc 20 mg trong từ 2 đến 4 tuần.
  • Điều trị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản: Liều thường dùng là 20 mg omeprazol uống ngày một lần trong 4 tuần, thêm 4 đến 8 tuần nữa nếu chưa lành hẳn. Trường hợp viêm thực quản khó trị, có thể dùng liều hàng ngày là 40 mg. Điều trị duy trì viêm thực quản sau khi lành là 20 mg ngày một lần, trào ngược acid là 10 mg mỗi ngày.
  • Điều trị loét dạ dày – tá tràng: Uống hàng ngày một liều 20 mg (40 mg trong trường hợp nặng). Với loét tá tràng, điều trị tiếp tục trong 4 tuần, còn với loét dạ dày là 8 tuần.
  • Tiệt trừ Helicobacter pylori trong bệnh loét dạ dày – tá tràng, có thể phối hợp omeprazol với các thuốc kháng khuẩn trong phác đồ 3 hoặc 4 thuốc.
  • Điều trị loét liên quan đến dùng thuốc chống viêm không steroid: Có thể dùng liều 20 mg omeprazol uống hàng ngày; cũng có thể dùng để dự phòng cho bệnh nhân có tiền sử thương tổn dạ dày – tá tràng mà vẫn phải tiếp tục điều trị thuốc chống viêm không steroid.
  • Người bệnh bị hội chứng Zollinger – Ellison: Liều khởi đầu là 60 mg omeprazol uống một lần mỗi ngày, điều chỉnh nếu cần thiết. Đa số bệnh nhân được kiểm soát hữu hiệu bằng các liều trong khoảng 20 đến 120 mg mỗi ngày. Các liều hàng ngày trên 80 mg phải được chia nhỏ (thường là 2 lần).

Bệnh nhân suy gan: Liều của omeprazol có thể cần phải giảm.

Liều dùng thuốc Omeprazol 20mg cho trẻ em như thế nào?

Với trẻ em dưới 6 tuổi, vì sợ hóc do khó nuốt, có thể mở nang omeprazol rồi trộn với một loại thực phẩm hơi acid (pH < 5) như sữa chua, nước cam rồi cho nuốt ngay mà không nhai.

1. Để điều trị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản ở trẻ em trên 1 tuổi, liều lượng được xác định theo thể trọng như sau:

  • Từ 5 đến < 10 kg: Uống 5 mg, ngày một lần.
  • Từ 10 đến 20 kg: Uống 10 mg, ngày một lần.
  • Trên 20 kg: 20 mg, ngày một lần.

Những liều này có thể tăng lên gấp đôi, nếu cần thiết. Điều trị có thể kéo dài từ 4 đến 12 tuần.

2. Với bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, khó tiêu do acid, loét tá tràng và dạ dày lành tính, bao gồm cả loét do dùng thuốc chống viêm không steroid, dự phòng chứng sặc acid, hội chứng Zollinger – Ellison, và để giảm sự phá hủy của các chất bổ sung enzym tụy tạng ở trẻ em bị xơ nang tụy, có thể dùng liều omeprazol 700 microgam/ kg ngày 1 lần ở trẻ em sơ sinh và trẻ từ 1 tháng đến 2 năm tuổi.

Nếu cần thiết, sau 7 – 14 ngày có thể tăng liều ở trẻ em sơ sinh, lên 1,4 mg/kg, ngày 1 lần; một số trẻ sơ sinh có thể cần tới 2,8 mg/kg, ngày một lần. Ở trẻ tới 2 năm tuổi, liều có thể tăng lên tới 3 mg/kg (tới tối đa 20 mg) ngày 1 lần.

Cách dùng thuốc Omeprazol 20mg như thế nào?

Omeprazol phải uống lúc đói (trước khi ăn 1 giờ). Phải nuốt viên thuốc nguyên vẹn không được mở, nhai hoặc nghiền.

Bạn chỉ nên dùng thuốc theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Thời gian trị liệu bằng thuốc Omeprazol 20mg phụ thuộc vào tình trạng bệnh, bạn nên dùng thuốc đúng theo liều lượng chỉ định. Không nên dùng thuốc kéo dài hoặc ngưng sử dụng đột ngột.

Cách xử trí khi bị quá liều thuốc omeprazole

Các triệu chứng quá liều có thể bao gồm lú lẫn, buồn ngủ, mờ mắt, nhịp tim nhanh, buồn nôn, nôn, đổ mồ hôi, đỏ bừng mặt, đau đầu, khô miệng.

Việc điều trị quá liều omeprazol chủ yếu tập trung vào giảm nhẹ triệu chứng, không có thuốc điều trị đặc hiệu.

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất. Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Thuốc Omeprazol 20mg có thể gây ra tác dụng phụ gì?

Thường gặp: Nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón, chướng bụng

Ít gặp: Mất ngủ, rối loạn cảm giác, mệt mỏi, nổi mề đay, ngứa, nổi ban, tăng tạm thời men gan transaminase

Hiếm gặp:

  • Toàn thân: đổ mồ hôi, phù ngoại biên, quá mẫn bao gồm phù mạch, sốt, phản vệ
  • Huyết học: giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, giảm toàn bộ tế bào máu ngoại biên, mất bạch cầu hạt
  • Thần kinh: lú lẫn có phục hồi, kích động, trầm cảm, ảo giác ở người bệnh cao tuổi và đặc biệt là ở người bệnh nặng, rối loạn thính giác.
  • Nội tiết: vú to ở đàn ông
  • Tiêu hóa: viêm dạ dày, nhiễm nấm Candida, khô miệng
  • Gan: viêm gan vàng da hoặc không vàng da, bệnh não ở người suy gan
  • Hô hấp: Co thắt phế quản
  • Cơ – xương: đau khớp, đau cơ
  • Đường tiết niệu – sinh dục: viêm thận kẽ

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào, hãy thông báo với bác sĩ.

Lưu ý khi dùng thuốc Omeprazol 20mg

  • Thuốc chống chỉ định cho người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc, không sử dụng đồng thời với nelfinavir.
  • Trước khi dùng thuốc Omeprazol 20mg cho người loét dạ dày, bạn cần phải được loại trừ khả năng bị u ác tính (vì thuốc có thể che lấp các triệu chứng, làm cản trở quá trình chẩn đoán sớm).
  • Người suy gan chỉ dùng liều 10 – 20mg mỗi ngày là đủ.
  • Sử dụng thuốc này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa; dùng kéo dài làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, gãy xương, đặc biệt là ở người cao tuổi và giảm hấp thu vitamin B12.
  • Cần theo dõi nồng độ magie máu khi dùng thuốc.
  • Ngừng thuốc và báo cho bác sĩ nếu có tổn thương da xảy ra, đặc biệt là ở những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đi kèm với đau khớp.
  • Omeprazole có thể gây chóng mặt, buồn ngủ nên cần thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc.
  • Trên thực tế, chưa thấy báo cáo thuốc dạ dày omeprazol có khả năng gây dị dạng và độc với bào thai nhưng tốt nhất bạn không nên dùng thuốc này khi mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ.
  • Không nên dùng thuốc Omeprazol 20mg ở phụ nữ đang cho con bú để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Tương tác thuốc Omeprazole 20mg là thuốc gì?

Tương tác thuốc omeprazole 20mg

  • Omeprazol không có tương tác quan trọng trên lâm sàng khi được dùng cùng với thức ăn, rượu, amoxicilin, bacampicilin, cafein, lidocain, quinidin hoặc theophylin.
  • Thuốc cũng không bị ảnh hưởng do dùng đồng thời metoclopramid.
  • Omeprazol có thể làm tăng nồng độ ciclosporin trong máu.
  • Omeprazol làm tăng tác dụng của kháng sinh tiệt trừ Helicobacter pylori.
  • Omeprazol ức chế chuyển hóa của các thuốc bị chuyển hóa bởi hệ enzym cytochrom P450 của gan và có thể làm tăng nồng độ diazepam, phenytoin và warfarin trong máu. Sự giảm chuyển hóa của diazepam làm cho tác dụng của thuốc kéo dài hơn. Với liều 40 mg/ngày, omeprazol ức chế chuyển hóa của phenytoin và làm tăng nồng độ của phenytoin trong máu, nhưng liều omeprazol 20 mg/ngày lại có tương tác yếu hơn nhiều. Omeprazol ức chế chuyển hóa của warfarin nhưng lại ít làm thay đổi thời gian chảy máu.
  • Omeprazol làm tăng tác dụng chống đông máu của dicoumarol.
  • Omeprazol làm giảm chuyển hóa của nifedipin ít nhất là 20% và có thể làm tăng tác dụng của nifedipin.
  • Clarithromycin ức chế chuyển hóa của omeprazol và làm cho nồng độ omeprazol tăng cao gấp đôi.

Thuốc Omeprazol 20mg có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Cách bảo quản thuốc Omeprazol 20mg như thế nào?

Bảo quản nơi khô ráo, nhiệt độ dưới 30ºC, tránh ánh sáng trực tiếp.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Omeprazole (Sandoz).
https://www.healthdirect.gov.au/medicines/brand/amt,72916011000036100/omeprazole-sandoz. Ngày truy cập 06/12/2023

2. Omeprazole.
https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a693050.html. Ngày truy cập 06/12/2023

3. Omeprazole. Dược thư Quốc gia 2018.

4. Omeprazole.
https://www.nhs.uk/medicines/omeprazole/. Ngày truy cập 06/12/2023

5. Omeprazole.
https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/omeprazole-oral-route/description/drg-20066836. Ngày truy cập 06/12/2023

Phiên bản hiện tại

19/11/2024

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn chuyên môn: Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Cập nhật bởi: Dang Tran


Bài viết liên quan

Esomeprazole

Cimetidine


Tham vấn chuyên môn:

Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Dược · Công ty cổ phần dược phẩm Gia Nguyễn


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 19/11/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo