Olanzapine thuộc về một nhóm thuốc gọi là thuốc chống loạn thần không điển hình. Nó hoạt động bằng cách khôi phục lại sự cân bằng của các chất tự nhiên nhất định trong não.
Bạn có thể quan tâm: Các loại bệnh tâm thần, bạn đã biết chưa?
Tác dụng
Tác dụng của thuốc olanzapine là gì?
Olanzapine được sử dụng để điều trị các bệnh lý tâm thần/ tâm trạng (như tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực). Nó cũng có thể được sử dụng kết hợp với các thuốc khác để điều trị trầm cảm. Thuốc này có thể giúp giảm ảo giác và giúp bạn suy nghĩ rõ ràng hơn và tích cực hơn về bản thân, cảm thấy ít bị kích động, và hoạt bát hơn trong cuộc sống hàng ngày.
Thuốc này cũng có thể được sử dụng để ngăn ngừa buồn nôn và nôn do hóa trị.
Bạn nên dùng thuốc olanzapine như thế nào?
Có thể uống thuốc này cùng với thức ăn theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường là một lần hàng ngày.
Liều lượng được dựa trên tình trạng sức khỏe của bạn và đáp ứng với điều trị. Để giảm nguy cơ tác dụng phụ, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn bắt đầu dùng thuốc này với liều thấp và tăng dần liều. Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ cẩn thận.
Để giúp bạn nhớ, dùng thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Điều quan trọng là phải tiếp tục dùng thuốc này theo quy định ngay cả khi bạn cảm thấy tốt lên. Đừng ngưng dùng thuốc này mà không tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn.
Hãy cho bác sĩ biết nếu tình trạng của bạn vẫn tồn tại hoặc xấu đi.
Bạn nên bảo quản thuốc olanzapine như thế nào?
Bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm, tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm. Không bảo quản trong ngăn đá. Mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.
Không vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Liều dùng thuốc olanzapine cho người lớn là gì?
Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh rối loạn lưỡng cực:
Dùng uống (đơn trị liệu) với liều khởi đầu: uống olanzapine 10-15mg, mỗi ngày một lần.
Dùng uống (liệu pháp phối hợp với lithium hoặc valproate) với liều khởi đầu: uống olanzapine 10mg, mỗi ngày một lần.
Dùng dạng thuốc tiêm với liều khởi đầu: tiêm bắp 10mg một lần.
Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh tâm thần phân liệt:
Dùng uống với liều khởi đầu: uống 5-10mg, mỗi ngày một lần.
Dùng dạng thuốc tiêm tác dụng ngắn với liều khởi đầu: tiêm bắp olanzapine 10mg một lần.
Liều dùng thuốc olanzapine cho trẻ em là gì?
Liều dùng thông thường cho trẻ em mắc bệnh tâm thần phân liệt:
◊ Đối với trẻ từ 8 đến 12 tuổi (ít dữ liệu có sẵn):
Liều ban đầu: 2,5-5 mg mỗi ngày một lần; tăng liều thêm 2,5 hoặc 5mg, 2 tuần một lần, đến liều mục tiêu 10mg mỗi ngày một lần;
Liều tối đa: 20 mg/ngày.
◊ Đối với trẻ từ 13 đến 17 tuổi:
Liều khởi đầu: 2,5-5mg uống mỗi ngày một lần.
Olanzapine có những dạng và hàm lượng nào?
Olanzapine có những dạng và hàm lượng sau:
- Thuốc bột pha tiêm, tiêm bắp: 10 mg / 2 ml.
- Viên nén bao phim olanzapine 2,5mg, 5mg, 7,5mg, 10mg, 15mg và 20mg.
- Viên nén phân tán: 5mg, 10mg, 15mg và 20mg.
Tác dụng phụ
Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc olanzapine?
Đi cấp cứu nếu bạn có bất cứ dấu hiệu của một phản ứng dị ứng: phát ban; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi, hoặc họng.
Ngừng sử dụng olanzapine và gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn có bất cứ phản ứng phụ nghiêm trọng:
- Cứng cơ, sốt cao, run rẩy, đổ mồ hôi, lú lẫn, tim đập nhanh hoặc không đều, nhịp tim chậm, cảm thấy như muốn xỉu.
- Co giật hay không kiểm soát được cử động của mắt, môi, lưỡi, mặt, tay và chân;
- Nói hoặc nuốt khó khăn.
- Khô miệng, khát nước, cảm thấy rất nóng (có hoặc không có đổ mồ hôi), đi tiểu ít hơn bình thường hoặc không đi tiểu được.
- Lượng đường cao trong máu (tăng cơn khát, chán ăn, hơi thở có mùi hôi, đi tiểu nhiều, buồn ngủ, khô da, buồn nôn và nôn).
- Tê hoặc yếu đột ngột, lú lẫn, hoặc các vấn đề với tầm nhìn, lời nói, hoặc mất thăng bằng.
- Sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, các triệu chứng cúm, lở loét trong miệng và cổ họng.
- Sưng ở tay hoặc chân.
- Những thay đổi trong tính cách, suy nghĩ hoặc hành vi bất thường, ảo giác, hoặc có suy nghĩ làm hại chính mình.
- Đau bụng trên, ngứa, chán ăn, nước tiểu đậm màu, phân đất sét màu, vàng da (vàng da hoặc mắt).
Tác dụng phụ ít nghiêm trọng có thể bao gồm:
- Tăng cân (nhiều khả năng trong thanh thiếu niên), tăng sự thèm ăn.
- Nhức đầu, chóng mặt, buồn ngủ, cảm thấy mệt mỏi hay bồn chồn.
- Vấn đề về trí nhớ.
- Đau dạ dày, táo bón, mất kiểm soát bàng quang.
- Đau lưng, đau ở cánh tay hoặc chân.
- Tê hoặc cảm giác tê tê.
- Vú sưng hoặc tiết dịch (ở phụ nữ hoặc nam giới).
- Trễ kinh nguyệt.
Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Thận trọng/ Cảnh báo
Trước khi dùng thuốc olanzapine bạn nên biết những gì?
Hãy cho bác sĩ và dược sĩ biết nếu bạn bị dị ứng với olanzapine hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác.
Hãy cho bác sĩ và dược sĩ biết những loại thuốc có kê toa và không kê toa, vitamin, các thực phẩm chức năng, và các sản phẩm thảo dược bạn đang dùng hoặc dự định dùng, bao gồm
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc kháng histamin
- Carbamazepine
- Thuốc đối vận dopamine như bromocriptine, cabergoline, levodopa, Pergolide, và ropinirole
- Kháng sinh fluoroquinolone bao gồm ciprofloxacin, gatifloxacin, levofloxacin, norfloxacin , ofloxacin và những thuốc khác
- Fluvoxamine
- Ipratropium
- Thuốc an thần, trị tăng huyết áp, bệnh đại tràng kích thích, bệnh tâm thần, say tàu xe, bệnh Parkinson, động kinh, loét, hoặc các vấn đề tiết niệu
- Omeprazole
- Rifampin
- Thuốc an thần;
- Thuốc ngủ;
- Ticlopidine
Ngoài ra, thông báo cho bác sĩ nếu bạn đã hoặc đang có các tinh trạng sau:
- Từng bị đột quỵ, đột quỵ nhẹ
- Bệnh tim hoặc đau tim, nhịp tim bất thường
- Động kinh
- Ung thư vú
- Bất kỳ bệnh nào làm cho bạn khó khăn khi nuốt
- Huyết áp cao hay thấp
- Rối loạn lipid huyết (cholesterol và triglyceride)
- Giảm bạch cầu
- Bệnh gan hay bệnh ở tuyến tiền liệt, liệt ruột
- Bệnh tăng nhãn áp hoặc đái tháo đường, hoặc nếu bạn hay bất cứ ai trong gia đình có hay đã từng có bệnh đái tháo đường.
Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang mang thai, đặc biệt là nếu đang ở trong những tháng cuối của thai kỳ, hoặc nếu bạn có kế hoạch mang thai hoặc đang cho con bú.
Olanzapine có thể làm cho bạn buồn ngủ. Do vậy, đừng lái xe hay vận hành máy móc cho đến khi biết được thuốc này ảnh hưởng đến bạn như thế nào.
Ngoài ra, rượu có thể làm tăng cơn buồn ngủ gây ra bởi thuốc này. Vì vậy, không uống rượu khi dùng olanzapine.
Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn hút thuốc lá vì thuốc lá có thể làm giảm hiệu quả của thuốc này.
Bạn nên biết rằng bạn có thể trải nghiệm tăng đường huyết (tăng lượng đường trong máu của bạn) trong khi bạn đang uống thuốc này, ngay cả khi bạn chưa có bệnh đái tháo đường. Nếu bạn bị tâm thần phân liệt, bạn có nhiều khả năng phát triển bệnh đái tháo đường hơn những người không bị tâm thần phân liệt, và dùng thuốc olanzapine hoặc các thuốc tương tự có thể làm tăng nguy cơ này.
Thuốc olanzapine có thể khiến người bệnh bị tăng đường huyết ngay cả khi họ không mắc bệnh tiêu đường. Do đó, trong quá trình dùng thuốc bạn phải thường kiểm tra đường huyết và thông báo cho bác sĩ ngay khi có bất thường nào.
Tương tác thuốc
Olanzapine có thể tương tác với thuốc nào?
Một số thuốc có thể tương tác với olanzapine như:
- Tramadol vì làm tăng nguy cơ động kinh
- Thuốc chẹn alpha, diazepam, hoặc thuốc trị tăng huyết áp vì nguy cơ hạ huyết áp và ngất xỉu
- Thuốc kháng cholinergic, benzodiazepines, hoặc fluvoxamine vì chúng có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ của olanzapine
- Carbamazepine, chất ức chế protease HIV, omeprazole, hoặc rifampin vì chúng có thể làm giảm hiệu quả của olanzapine
- Thuốc đồng vận thụ thể dopamin hoặc levodopa vì hiệu quả của chúng có thể giảm do olanzapine.
Khẩn cấp/ Quá liều
Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?
Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
Các triệu chứng của quá liều có thể bao gồm:
- Buồn ngủ
- Nói lắp
- Lo lắng
- Nhịp tim nhanh
- Chuyển động bất ngờ mà bạn không thể kiểm soát
- Hôn mê (mất ý thức trong một khoảng thời gian).
Bạn nên làm gì nếu bạn quên một liều?
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.