backup og meta

Maltofer

Maltofer

Tên biệt dược: Maltofer

Hoạt chất: Phức hợp sắt (III) hydroxid polymaltose

 

Tác dụng

Tác dụng của thuốc Maltofer là gì?

Maltofer viên

Maltofer viên có tác dụng điều trị thiếu sắt tiềm ẩn và thiếu máu do thiếu sắt (có biểu hiện thiếu sắt). Điều trị dự phòng thiếu sắt trong khi có thai. Liều dùng và thời gian điều trị phụ thuộc vào mức độ thiếu sắt.

Maltofer Fol

Thuốc điều trị thiếu sắt tiềm ẩn, có biểu hiện thiếu sắt, dự phòng thiếu sắt và axit folic trước, trong và sau thai kỳ (trong khi cho con bú). Liều dùng và thời gian điều trị phụ thuộc vào mức độ thiếu sắt.

Maltofer siro

Thuốc điều trị thiếu sắt tiềm ẩn và thiếu máu do thiếu sắt (có dấu hiệu thiếu sắt). Điều trị dự phòng thiếu sắt trong khi có thai. Liều dùng và thời gian điều trị phụ thuộc vào mức độ thiếu sắt.

Maltofer uống giọt

Thuốc giúp điều trị thiếu sắt tiềm ẩn và thiếu máu do thiếu sắt (có biểu hiện thiếu sắt). Điều trị dự phòng thiếu sắt để đáp ứng theo liều khuyến cáo hàng ngày (RDA) trong khi phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em, thanh niên, phụ nữ có khả năng có thai và người lớn (như người ăn chay và người cao tuổi). Liều dùng và thời gian điều trị phụ thuộc vào mức độ thiếu sắt.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc Maltofer cho người lớn như thế nào?

Maltofer viên

Đối với trẻ trên 12 tuổi, người lớn và phụ nữ đang cho con bú

  • Liều thông thường để đều trị biểu hiện thiếu sắt: bạn dùng 1 viên nén nhai, 1-3 lần mỗi ngày trong vòng 3-5 tháng cho đến khi trị số haemoglobin trở lại bình thường. Sau đó nên tiếp tục điều trị trong vài tuần với 1 viên nén nhai mỗi ngày.
  • Liều thông thường để điều trị thiếu sắt tiềm ẩn và dự phòng thiếu sắt: bạn dùng 1 viên nén nhai mỗi ngày.

Đối với phụ nữ có thai

  • Liều thông thường để điều trị biểu hiện thiếu sắt: bạn dùng 1 viên nén nhai, 2-3 lần mỗi ngày cho đến khi trị số haemoglobin trở lại bình thường. Sau đó, bạn nên tiếp tục điều trị 1 viên nén nhai mỗi ngày ít nhất cho đến cuối thai kỳ
  • Liều thông thường để điều trị thiếu sắt tiềm ẩn và dự phòng thiếu sắt: bạn dùng 1 viên nén nhai mỗi ngày.

Maltofer Fol

  • Liều thông thường để điều trị biểu hiện thiếu sắt: bạn dùng 1 viên nén nhai, 2-3 lần mỗi ngày cho đến khi trị số haemoglobin trở lại bình thường. Sau đó nên tiếp tục điều trị 1 viên nén nhai mỗi ngày ít nhất cho đến cuối thai kỳ.
  • Liều thông thường để điều trị thiếu sắt tiềm ẩn và dự phòng thiếu sắt và axit folic: bạn dùng 1 viên nén nhai mỗi ngày.

Maltofer siro

Đối với trẻ trên 12 tuổi, người lớn và phụ nữ có thai và đang cho con bú:

  • Liều thông thường để điều trị biểu hiện thiếu sắt: bạn dùng từ 10-30ml/ngày (100-300mg sắt). Phụ nữ có thai dùng 20-30ml/ngày (200-300mg sắt). Điều trị khoảng 3-5 tháng cho đến khi trị số haemoglobin trở lại bình thường. Sau đó, bạn nên tiếp tục điều trị trong vài tuần, với phụ nữ có thai ít nhất cho đến cuối thai kỳ với liều dùng như thiếu sắt tiềm ẩn.
  • Liều thông thường để điều trị thiếu sắt tiềm ẩn: bạn dùng 5-10ml/ngày (50-100mg sắt). Phụ nữ mang thai dùng 10ml/ngày (100mg sắt). Điều trị trong khoảng 1-2 tháng.
  • Liều thông thường để điều trị dự phòng cho phụ nữ mang thai: bạn dùng 5-10ml/ngày (50-100mg sắt).

Maltofer uống giọt

Đối với trẻ trên 12 tuổi, người lớn, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú

  • Liều thông thường để điều trị biểu hiện thiếu sắt: bạn dùng từ 40-120 giọt/ngày (100-300mg sắt). Phụ nữ có thai dùng 80-120 giọt/ngày (200-300mg sắt ). Điều trị khoảng 3-5 tháng cho đến khi trị số haemoglobin trở lại bình thường. Sau đó nên tiếp tục điều trị trong vài tuần, với phụ nữ có thai ít nhất cho đến cuối thai kỳ với liều dùng như thiếu sắt tiềm ẩn.
  • Liều thông thường để điều trị thiếu sắt tiềm ẩn: bạn dùng 20-40 giọt/ngày (50-100mg sắt). Phụ nữ mang thai dùng 40 giọt/ngày (100mg sắt). Điều trị khoảng 1-2 tháng.
  • Liều thông thường để điều trị dự phòng: bạn dùng 4-6 giọt/ngày (10-15mg sắt). Phụ nữ mang thai dùng 20-40 giọt/ngày (50-100mg sắt).

Liều dùng thuốc Maltofer cho trẻ em như thế nào?

Maltofer siro

Đối với trẻ dưới 1 tuổi

  • Liều thông thường để điều trị biểu hiện thiếu sắt: bạn cho trẻ dùng 2,5-5ml/ngày (25-50mg sắt).

Đối với trẻ từ 1-12 tuổi

  • Liều thông thường để điều trị biểu hiện thiếu sắt: bạn cho trẻ dùng 5-10ml/ngày (50-100mg sắt).
  • Liều thông thường để điều trị thiếu sắt tiềm ẩn: bạn cho trẻ dùng 2,5-5ml/ngày (25-50mg sắt).

Maltofer uống giọt

Đối với trẻ dưới 1 tuổi

  • Liều thông thường để điều trị biểu hiện thiếu sắt: bạn cho trẻ dùng 10-20 giọt/ngày (25-50mg sắt).
  • Liều thông thường để điều trị thiếu sắt tiềm ẩn: bạn cho trẻ dùng 6-10 giọt/ngày (15-25mg sắt)
  • Liều thông thường để điều trị dự phòng: bạn dùng 2-4 giọt/ngày (5-10mg sắt).

Đối với trẻ từ 1-12 tuổi

  • Liều thông thường để điều trị biểu hiện thiếu sắt: bạn cho trẻ dùng 20-40 giọt/ngày (50-100mg sắt).
  • Liều thông thường để điều trị thiếu sắt tiềm ẩn: bạn cho trẻ dùng 10-20 giọt/ngày (25-50mg sắt)
  • Liều thông thường để điều trị dự phòng: bạn dùng 4-6 giọt/ngày (10-15mg sắt).

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc Maltofer như thế nào?

bổ sung sắt

Đối với thuốc Maltofer viên và Maltofer Fol, bạn có thể chia liều hàng ngày thành nhiều lần hoặc dùng 1 lần duy nhất. Bạn có thể nhai hoặc nuốt cả viên thuốc trong hoặc ngay sau bữa ăn.

Đối với dạng siro và nhỏ giọt, bạn có thể chia nhỏ liều hàng ngày hoặc dùng 1 liều duy nhất. Bạn nên dùng các thuốc này trong hoặc ngay sau bữa ăn. Bên cạnh đó, các dạng thuốc này có thể trộn với nước trái cây hoặc nước rau hay trộn với sữa để dùng dễ hơn.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Maltofer?

Một số tác dụng phụ rất hiếm gặp sau khi dùng thuốc này như:

  • Táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, rối loạn dạ dày, khó tiêu, nôn, phát ban (mề đay, ngoại ban, ngứa).
  • Phân sẫm màu do sự đào thải sắt không có ý nghĩa về lâm sàng.

Thuốc cũng không làm đổi màu men răng.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc Maltofer, bạn nên lưu ý những gì?

Trước khi dùng, bạn nên báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu:

  • Bạn bị thiếu máu do nhiễm khuẩn hoặc bệnh ác tính, lượng sắt thay thế được dự trữ trong hệ võng nội mô, từ đó sắt được huy động và sử dụng chỉ sau khi điều trị được bệnh chính.
  • Bạn bị đái tháo đường vì mỗi viên nén nhai tương đương 0,03 đơn vị bánh mì. Mỗi ml siro tương đương 0,04 đơn vị bánh mì. Mỗi ml (20 giọt) tương đương 0,01 đơn vị bánh mì.

Thuốc cũng chống chỉ định cho các trường hợp sau:

  • Thừa sắt (như trong chứng nhiễm sắc tố sắt, nhiễm haemosiderin) hoặc rối loạn sử dụng sắt (như thiếu máu do nhiễm độc chì, thiếu máu do mất sử dụng sắt, bệnh thiếu máu vùng biển).
  • Thiếu máu không do thiếu sắt (như thiếu máu tan huyết). Đã biết không dung nạp với bất kì thành phần nào của thuốc.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc cho những trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật…)

Các nghiên cứu trên phụ nữ có thai sau 3 tháng đầu không thấy bất kỳ tác dụng không mong muốn nào đối với bà mẹ và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng thuốc sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ.

Tương tác thuốc

Thuốc Maltofer có thể tương tác với thuốc nào?

Tương tác thuốc và những điều bạn nên biết

Đến nay chưa có tương tác nào được ghi nhận. Vì sắt ở dạng phức hợp nên khó có thể xảy ra tương tác về ion với các thành phần của thức ăn (phytin, oxalate, tannin v.v…) và với việc dùng đồng thời với các thuốc khác (ngay cả tetracycline, thuốc kháng axit).

Thuốc Maltofer có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Sắt trong Maltofer ở dưới dạng phức hợp Sắt (III) – Hydroxide Polymaltose (IPC), trong đó các phần tử riêng lẻ được gắn với phân tử polymatose, giúp ngăn cản sắt không gây ra bất kỳ thương tổn nào ở hệ tiêu hóa. Điều này giúp IPC không tương tác với thức ăn và bảo đảm sinh khả dụng của sắt.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Maltofer?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc Maltofer như thế nào?

Bạn nên bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng dưới 25ºC trong bao bì gốc, tránh ẩm, tránh ánh sáng. Bạn không nên bảo quản thuốc trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Bạn hãy đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì hoặc hỏi dược sĩ. Bạn hãy giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Dạng bào chế

Thuốc Maltofer có những dạng và hàm lượng nào?

  • Maltofer viên nén nhai và Maltofer®Fol: hàm lượng phức hợp sắt (III) hydroxid polymaltose 100mg.
  • Maltofer siro: hộp 1 chai 150ml với hàm lượng 10mg/ml, được đậy bằng nắp bảo vệ và có 1 cốc đo để dùng.
  • Maltofer uống giọt:  hộp 1 chai 30ml có gắn dụng cụ nhỏ giọt, hàm lượng 50mg/ml.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Maltofer. http://www.mims.com/malaysia/drug/info/maltofer. Ngày truy cập 21/01/2017

Maltofer. https://www.drugs.com/international/maltofer.html. Ngày truy cập 21/01/2017

Phiên bản hiện tại

27/07/2020

Tác giả: Vân Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Ngọc Anh


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Tác dụng phụ và biến chứng khi dùng thuốc | Hello Bacsi x SANOFI

Thực đơn dinh dưỡng cho mẹ bầu thiếu sắt


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Vân Anh · Ngày cập nhật: 27/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo