backup og meta

Thuốc losartan là thuốc gì, trị bệnh gì? Giá bao nhiêu?

Thuốc losartan là thuốc gì, trị bệnh gì? Giá bao nhiêu?

Losartan là một hoạt chất thuộc nhóm thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II (ARB), có tác dụng làm giãn các mạch máu để máu lưu thông dễ dàng, từ đó giúp ổn định huyết áp.

Thông thường, hoạt chất này được làm thành thuốc có dạng viên nén với hàm lượng losartan 25mg, 50mg hay 100mg. Dạng kết hợp có thể có các hàm lượng sau:

  • Losartan 50 mg + hydrochlorothiazide 12,5 mg
  • Losartan 100 mg + hydrochlorothiazide 12,5 mg
  • Losartan 100 mg + hydrochlorothiazide 25 mg.

Tìm hiểu chung

Tác dụng của thuốc losartan là gì?

Thuốc losartan thường được bào chế ở dạng muối kali hoặc kết hợp với hydrochlorothiazide. Losartan thuộc nhóm thuốc gọi là thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB), hoạt động bằng cách thư giãn các mạch máu để máu có thể lưu thông dễ dàng hơn. Ở dạng kết hợp với hydrochlorothiazide – một hoạt chất lợi tiểu, thuốc sẽ làm bạn đi tiểu nhiều hơn, giúp cơ thể loại bỏ muối và nước dư thừa.

Thuốc được sử dụng để:

  • Điều trị tăng huyết áp vô căn ở người lớn, trẻ em và thanh thiếu niên từ 6-18 tuổi
  • Điều trị bệnh thận cho bệnh nhân suy thận kèm tăng huyết áp và tiểu đường tuýp 2 có protein niệu từ 0,5g/ ngày trở lên
  • Điều trị suy tim mạn cho người lớn không thể sử dụng thuốc ức chế men chuyển
  • Giảm nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân tăng huyết áp có phì đại thất trái.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng losartan cho người lớn như thế nào ?

Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh tăng huyết áp:

  • Liều khởi đầu: dùng losartan 50mg uống mỗi ngày một lần. Bệnh nhân suy giảm thể tích nội mạch nên dùng liều khởi đầu là 25mg/ngày.
  • Liều duy trì: dùng 25–100mg, uống mỗi ngày 1 lần
  • Người cao tuổi (trên 75 tuổi) dùng liều 25mg/ngày

Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh thận do tiểu đường:

  • Liều khởi đầu: dùng 50mg uống mỗi ngày một lần
  • Liều duy trì: dùng 50–100mg uống mỗi ngày một lần.
  • Người cao tuổi (trên 75 tuổi) dùng liều 25mg/ngày

Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh suy tim:

  • Liều khởi đầu: dùng 12,5mg uống mỗi ngày một lần
  • Liều duy trì: Điều chỉnh liều tùy tình trạng đáp ứng. Liều tối đa là 150mg/ngày.
  • Người cao tuổi (trên 75 tuổi) dùng liều 25mg/ngày

Liều dùng losartan cho trẻ em như thế nào?

Liều dùng thông thường cho trẻ em mắc bệnh tăng huyết áp :

  • Trẻ từ 6-18 tuổi có cân nặng 20-50kg: cho dùng 0,7 mg/kg, uống mỗi ngày một lần (đến tối đa là 50 mg).
  • Trẻ trên 50kg dùng liều như người lớn, điều chỉnh liều dựa trên khả năng đáp ứng

Không khuyến cáo dùng thuốc cho trẻ bị suy gan, trẻ bị suy thận có độ lọc cầu thận dưới 30 ml/phút/1,73m2.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc losartan như thế nào?

Thuốc losartan điều trị tăng huyết áp

Thuốc losartan được chỉ định để điều trị tăng huyết áp

Bạn có thể uống thuốc cùng hoặc không cùng với thức ăn theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường là một lần mỗi ngày. Liều lượng sẽ dựa trên tình trạng sức khoẻ và khả năng đáp ứng điều trị.

Nếu dùng dạng kết hợp với thuốc lợi tiểu, hãy uống thuốc trước khi ngủ ít nhất 4 tiếng để tránh đi tiểu đêm, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Bạn nên làm gì nếu uống quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Triệu chứng quá liều có thể bao gồm:

  • Nhịp tim nhanh
  • Hạ huyết áp

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc losartan?

Tác dụng phụ thường gặp có thể bao gồm:

  • Hạ huyết áp, đau ngực
  • Tăng kali huyết, hạ glucose máu
  • Triệu chứng lạnh hoặc cúm như nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng, sốt, ho, viêm xoang
  • Ho khan
  • Chuột rút cơ bắp, đau cơ
  • Đau ở chân hoặc lưng
  • Đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu
  • Đau đầu, chóng mặt. choáng váng
  • Cảm giác mệt mỏi
  • Vấn đề về giấc ngủ (mất ngủ)
  • Hạ acid uric máu, nhiễm trùng đường niệu

Hãy gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Cảm giác muốn ngất xỉu
  • Đau hay rát khi đi tiểu
  • Da nhợt nhạt, cảm thấy mê sảng hoặc khó thở, nhịp tim nhanh, gặp khó khăn khi tập trung
  • Thở khò khè, đau ngực
  • Buồn ngủ, lú lẫn, thay đổi tâm trạng, khát nước, chán ăn, buồn nôn và nôn
  • Sưng tấy, tăng cân, cảm thấy khó thở, đi tiểu ít hơn bình thường hoặc vô niệu
  • Tăng kali máu (nhịp tim chậm, mạch yếu, yếu cơ, cảm giác tê tê)

Trong trường hợp hiếm, thuốc này có thể gây ra tình trạng dẫn đến phá vỡ các mô cơ xương, dẫn đến suy thận. Hãy gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn bị đau cơ không rõ lí do, nhạy cảm, suy nhược, đặc biệt là nếu bạn cũng bị sốt, mệt mỏi bất thường và nước tiểu sẫm màu.

Không phải ai cũng gặp các tác dụng phụ như trên. Có thể xuất hiện các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/ Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc huyết áp losartan bạn nên biết những gì?

Thuốc huyết áp losartan

Trước khi dùng thuốc losartan 25mg, 50mg hay 100mg, bạn nên lưu ý một số điều sau:

  • Thông báo cho bác sĩ và dược sĩ nếu bạn bị dị ứng với losartan, bất kỳ loại thuốc nào khác hoặc bất kỳ thành phần trong thuốc. Bạn cũng có thể hỏi dược sĩ để biết danh sách các thành phần.
  • Thông báo cho bác sĩ nếu bạn bị tiểu đường và bạn đang dùng aliskiren. Bác sĩ có thể không cho bạn dùng losartan nếu bạn bị tiểu đường và đang dùng aliskiren.
  • Thông báo cho bác sĩ nếu bạn bị hoặc từng bị suy tim, bệnh thận hoặc gan.
  • Thông báo cho bác sĩ nếu bạn có tiền sử phù mạch, suy giảm thể tích natri, hẹp động mạch thận, hẹp động mạch chủ hoặc van hai lá, xơ gan.
  • Thông báo cho bác sĩ nếu bạn có tiền sử suy gan
  • Bạn nên biết losartan có thể gây chóng mặt, choáng váng, và ngất xỉu khi đứng lên quá nhanh từ vị trí nằm. Điều này khá phổ biến khi bạn dùng thuốc này lần đầu tiên. Để tránh vấn đề này, từ từ ra khỏi giường, thư giãn đôi chân trên sàn nhà một vài phút trước khi đứng dậy.
  • Bạn nên biết rằng tiêu chảy, nôn mửa, không uống đủ nước, và đổ mồ hôi nhiều có thể gây tụt huyết áp, dẫn đến choáng váng và ngất xỉu. Thông báo cho bác sĩ nếu bạn có bất cứ vấn đề nào trong quá trình điều trị.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc khi bị mất cân bằng điện giải (ví dụ như kali/natri cao hoặc thấp trong cơ thể)

Thuốc chống chỉ định cho các trường hợp:

  • Mẫn cảm với losartan hoặc các thuốc cùng nhóm
  • Suy gan nặng
  • Bệnh nhân dùng aliskiren ở bệnh nhân đái tháo đường hoặc suy thận.

Thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc hoặc làm việc trên cao trong thời gian điều trị với thuốc này.

Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú

Chống chỉ định với phụ nữ có thai trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kì. Phụ nữ trong 3 tháng đầu thai kì không nên dùng thuốc này vì chưa đủ dữ liệu lâm sàng. Khi đang điều trị với thuốc losartan 50mg và các hàm lượng khác mà phát hiện có thai phải ngừng thuốc ngay lập tức và đổi sang phương pháp điều trị khác.

Chưa có dữ liệu về việc sử dụng thuốc này ở phụ nữ cho con bú, vì vậy không khuyến cáo sử dụng.

Tương tác thuốc

Thuốc losartan có thể tương tác với thuốc nào?

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ, đặc biệt là:

  • Thuốc lợi tiểu, thuốc lợi tiểu giữ kali, thuốc bổ sung kali, chất thay thế muối kali
  • Thuốc hạ huyết áp khác
  • Diazoxide, hydroclorothiazid, hydigoxin hoặc lithium
  • Aspirin hoặc các NSAID khác (thuốc chống viêm không steroid) như ibuprofen, naproxen, celecoxib, diclofenac, indomethacin, meloxicam và những thuốc khác
  • Insulin hoặc thuốc trị tiểu đường khác (ví dụ như glipizide, metformin)
  • Cimetidin, phenobarbital, rifampicin, aminoglutethimid, carbamazepin, nafcilin, nevirapin, phenytoin
  • Cholestyramine hoặc colestipol
  • Các chất ức chế men chuyển (ví dụ như enalapril) hoặc aliskiren
  • Thuốc hạ đường huyết

Thức ăn và rượu bia có tương tác với thuốc losartan không?

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khoẻ nào ảnh hưởng tới thuốc losartan?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là các vấn đề ở mục Thận trọng/Cảnh báo.

Bảo quản

Bạn nên bảo quản thuốc losartan như thế nào?

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, ở nhiệt độ dưới 25ºC, tránh ánh sáng trực tiếp. Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em.

Giá bán

Thuốc losartan giá bao nhiêu?

Giá thuốc losartan sẽ thay đổi tùy vào hàm lượng hoạt chất, nhà sản xuất, nhà bán hàng và từng thời điểm. Ví dụ như, thuốc losartan 50mg có giá khoảng 800đ – 3.000đ/ viên, trong khi losartan 100mg có giá khoảng 4.200đ/ viên.

Bạn có thể mua thuốc này ở nhà thuốc, quầy thuốc trên cả nước nếu có đơn của bác sĩ.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Losartan https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a695008.html Ngày truy cập 24/09/2021

Losartan https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/losartan-oral-route/description/drg-20067341 Ngày truy cập 24/09/2021

Losartan https://www.nhs.uk/medicines/losartan/ Ngày truy cập 24/09/2021

Losartan https://www.mims.com/vietnam/drug/info/losartan?mtype=generic Ngày truy cập 24/09/2021

Losartan https://drugbank.vn/tim-kiem?search=losartan&entity=tenThuoc&page=1&size=12 Ngày truy cập 17/03/2023

Phiên bản hiện tại

19/11/2024

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Dang Tran


Bài viết liên quan

Biểu hiện tăng huyết áp: Không phải ai cũng biết rõ

Amlodipine


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo