backup og meta

Cisplatin

Tác dụng

Tác dụng của cisplatin là gì?

Cisplatin được sử dụng để điều trị nhiều bệnh ung thư khác nhau. Đây là thuốc hóa trị chứa bạch kim. Thuốc được dùng riêng hoặc dùng kết hợp với các thuốc khác để làm chậm hoặc ngừng sự tăng trưởng của tế bào ung thư.

Bạn nên dùng cisplatin như thế nào?

Chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ tiêm thuốc này cho bạn. Liều lượng được dựa trên tình trạng sức khỏe, kích thước cơ thể và đáp ứng với việc điều trị của bạn. Không nên thực hiện các khóa điều trị với cisplatin nhiều hơn một lần mỗi 3-4 tuần. Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm chi tiết.

Trong thời gian điều trị bằng thuốc này, bạn cần uống nhiều chất lỏng hơn bình thường và đi tiểu thường xuyên để giúp tránh các tác dụng phụ cho thận. Khi dùng thuốc này thường nên kèm theo tiêm truyền dịch. Ngoài ra, hãy hỏi bác sĩ về lượng chất lỏng bạn nên uống và cẩn thận thực hiện theo các hướng dẫn. Nếu thuốc này tiếp xúc với da, hãy rửa sạch vùng da đó ngay lập tức bằng xà phòng và nước.

Bạn nên bảo quản cisplatin như thế nào?

Bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm, tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm. Không bảo quản trong ngăn đá. Mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Không vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng cisplatin cho người lớn là gì?

Liều thông thường cho người lớn bị ung thư tinh hoàn

Tiêm truyền tĩnh mạch liều 20 mg/m2 một lần mỗi ngày trong vòng 5 ngày cho mỗi chu kỳ (kết hợp với các thuốc chống ung thư khác).

Liều thông thường cho người lớn ung thư buồng trứng

Tiêm truyền tĩnh mạch liều 75-100 mg/m2 mỗi 4 tuần (kết hợp với cyclophosphamide để điều trị ung thư buồng trứng di căn).

Liều thay thế: có thể tiêm truyền tĩnh mạch 100 mg/m2 mỗi 4 tuần (dùng như phương pháp duy nhất để điều trị ung thư buồng trứng di căn).

Nếu ung thư buồng trứng di căn đến khoang phúc mạc, có thể sử dụng các phác đồ sau đây: tiêm vào phúc mạc liều 60-90 mg/m2 trong 2 lít 0,9%, dung dịch natri clorua hoặc dung dịch Ringer lactat một lần.

Liều thay thế: tiêm vào phúc mạc liều 90-270 mg/m2 trong 2 lít 0,9%, dung dịch natri clorua hoặc dung dịch Ringer lactat một lần (được tiêm tĩnh mạch kết hợp với natri thiosunfat để giảm nguy cơ nhiễm độc thận khi kết hợp với liều tương đối cao).

Liều thông thường cho người lớn ung thư bàng quang

Tiêm tĩnh mạch liều 50-70 mg/m2 một lần mỗi 3-4 tuần (dùng như phương pháp duy nhất để điều trị ung thư bàng quang tiến triển ở những bệnh nhân không có tiền sử về xạ trị mở rộng hay hóa trị). Liều thay thế: tiêm tĩnh mạch liều 50 mg/m2 trong 6-8 giờ mỗi 4 tuần (dùng như phương pháp duy nhất để điều trị ung thư bàng quang tiến triển ở những bệnh nhân có tiền sử về xạ trị mở rộng hay hóa trị).

Liều thông thường cho người lớn bị u nguyên bào thần kinh (neuroblastoma)

Tiêm 60-100 mg/m2 một lần mỗi 3-4 tuần.

Liều thông thường cho người lớn bị ung thư xương tạo xương

Tiêm 60-100 mg/m2 một lần mỗi 3-4 tuần.

Liều thông thường cho người lớn bị khối u não/hộp sọ

Tiêm 60 mg/m2 mỗi ngày một lần trong hai ngày liên tiếp cách mỗi 3-4 tuần.

Liều thông thường cho người lớn ghép tủy xương

Truyền liên tục:

Liều cao: tiêm 55 mg/m2/ngày trong 72 giờ (Tổng liều dùng: 165 mg/m2).

Liều thông thường cho người lớn cấy ghép tế bào máu

Truyền liên tục:

Liều cao: tiêm 55 mg/m2/ngày trong 72 giờ (Tổng liều dùng: 165 mg/m2).

Liều thông thường cho người lớn bị ung thư phổi không tế bào nhỏ

Tiêm truyền tĩnh mạch 60-100 mg/m2 một ngày mỗi 21 ngày (kết hợp với các thuốc chống ung thư khác).

Liều dùng cisplatin cho trẻ em là gì?

Liều dùng cho trẻ em vẫn chưa được nghiên cứu và quyết định. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn định dùng thuốc này cho trẻ.

Cisplatin có những dạng và hàm lượng nào?

Cisplatin có những dạng và hàm lượng sau:

  • Thuốc tiêm 200 mg/200 mL; 100 mg/ 100 mL; 50 mg/50 mL.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng cisplatin?

Nhận trợ giúp y tế khẩn cấp nếu bạn có bất cứ dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng: phát ban; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi, hoặc họng.

Hãy gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn bị:

  • Các vấn đề nghe nhìn, đau phía sau mắt;
  • Gặp khó khăn khi đi bộ hoặc thực hiện các hoạt động hàng ngày;
  • Tê, ngứa, hoặc cảm giác lạnh ở bàn tay hoặc bàn chân;
  • Buồn ngủ, thay đổi tâm trạng, khát nước nhiều, tiểu ít hoặc không thể tiểu;
  • Sưng tấy, tăng cân, cảm thấy khó thở;
  • Da nhợt nhạt, dễ bị bầm tím, chảy máu bất thường (mũi, miệng, âm đạo hoặc trực tràng), xuất hiện đốt tím hoặc đỏ dưới da;
  • Sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, các triệu chứng cúm, lở loét trong miệng và cổ họng;
  • Nôn mửa nặng hoặc nôn mửa liên tục;
  • Đau ngực hoặc cảm giác tức ngực, đau lan ra hàm hoặc cánh tay, buồn nôn, ra mồ hôi, cảm giác bị bệnh nói chung;
  • Tê đột ngột hoặc yếu (đặc biệt ở một bên cơ thể), đau đầu dữ dội đột ngột, khó khăn khi nói chuyện hoặc mất cân bằng;
  • Nồng độ canxi thấp (cảm giác tê hoặc ngứa ran xung quanh miệng, căng cơ hoặc co thắt, phản xạ hoạt động quá mức);
  • Nồng độ kali cao hay thấp (nhầm lẫn, cảm giác tê, tim đập chậm hoặc không đồng đều, mạch yếu, khát nước nhiều, đi tiểu nhiều, khó chịu ở chân, yếu cơ hoặc cảm giác khập khiễng);
  • Nồng độ natri thấp (nói lắp, ảo giác, nôn mửa, suy nhược nặng, chuột rút cơ bắp, mất phối hợp cơ thể, đứng không vững, ngất xỉu, co giật, thở nông hoặc ngừng thở).

Tác dụng phụ thường có thể bao gồm:

  • Chán ăn;
  • Cảm giác mệt mỏi;
  • Rụng tóc tạm thời;
  • Đau, sưng, rát hay khó chịu xung quanh chỗ tiêm truyền thuốc.

Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng cisplatin bạn nên biết những gì?

Khi quyết định sử dụng một loại thuốc, nguy cơ có thể gặp phải khi uống thuốc phải đặt trên lợi ích dùng thuốc. Đây là quyết định bạn và bác sĩ của bạn phải cân nhắc. Đối với thuốc này, sau đây là những điều cần được xem xét:

Dị ứng

Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đã từng bị bất kỳ phản ứng bất thường hoặc dị ứng với thuốc này hoặc bất kỳ loại thuốc khác. Nói với bác sĩ nếu bạn bị bất kỳ bệnh dị ứng khác, chẳng hạn như dị ứng các loại thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản, hoặc động vật. Đối với sản phẩm không kê toa, đọc nhãn ghi hoặc thành phần thuốc ghi trên gói một cách cẩn thận.

Trẻ em

Trẻ em có nhiều khả năng mắc các vấn đề về thính lực và mất thăng bằng, trẻ em thường nhạy cảm hơn với những tác dụng của cisplatin.

Người cao tuổi

Nhiều loại thuốc chưa được nghiên cứu đặc biệt cho người cao tuổi. Vì vậy, có thể không biết được thuốc có hiệu quả chính xác như ở người trẻ tuổi hoặc nếu có gây tác dụng phụ khác nhau hoặc các vấn đề khác cho người cao tuổi hay không. Chưa có thông tin cụ thể so sánh công dụng của cisplatin ở người cao tuổi với việc sử dụng trong các nhóm tuổi khác.

Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Thuốc này thuộc nhóm thuốc D đối với thai kỳ, theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Ghi chú: Phân loại thuốc dùng cho phụ nữ có thai:

  • A = Không có nguy cơ;
  • B = Không có nguy cơ trong vài nghiên cứu;
  • C = Có thể có nguy cơ;
  • D = Có bằng chứng về nguy cơ;
  • X = Chống chỉ định;
  • N = Vẫn chưa biết.

Tương tác thuốc

Cisplatin có thể tương tác với thuốc nào?

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Không nên sử dụng thuốc này với bất kỳ các loại thuốc sau. Bác sĩ có thể không điều trị cho bạn bằng thuốc này hoặc thay đổi một số các loại thuốc khác mà bạn đang dùng.

  • Vắc xin Rotavirus, virus sống.

Không khuyến dùng thuốc này đối với bất kỳ các thuốc sau đây, nhưng có thể cần dùng trong một số trường hợp. Nếu cả hai loại thuốc được kê cùng nhau, bác sĩ có thể thay đổi liều lượng hoặc tần suất dùng thuốc ờ một hoặc cả hai loại thuốc.

  • Vắc xin Adenovirus loại 4, virus sống;
  • Vắc xin Adenovirus loại 7, virus sống;
  • Vắc xin Bacillus Calmette và Guerin, virus sống;
  • Doxorubicin;
  • Doxorubicin hydrochloride liposome;
  • Furosemide;
  • Vắc xin virus cúm, virus sống;
  • Vắc xin virus bệnh sởi, virus sống;
  • Vắc xin virus quai bị , virus sống;
  • Paclitaxel;
  • Rituximab;
  • Vắc xin virus Rubella, virus sống;
  • Vắc xin bệnh đậu mùa;
  • Tacrolimus;
  • Axit thioctic;
  • Topotecan;
  • Vắc xin thương hàn;
  • Axit valproic;
  • Vắc xin thủy đậu;
  • Vinorelbine;
  • Vắc xin sốt vàng da.

Sử dụng thuốc này với bất kỳ các loại thuốc sau đây có thể gtăng nguy cơ mắc tác dụng phụ nhất định, nhưng sử dụng việc điều trị với hai loại thuốc này có thể là hướng tốt nhất cho bạn. Nếu cả hai loại thuốc được kê cùng nhau, bác sĩ có thể thay đổi liều lượng hoặc tần suẩ sử dụng của một hoặc cả hai loại thuốc.

Thức ăn và rượu bia có tương tác tới cisplatin không?

Những loại thuốc nhất định không được dùng trong bữa ăn hoặc cùng lúc với những loại thức ăn nhất định vì có thể xảy ra tương tác. Rượu và thuốc lá cũng có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến cisplatin?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:

  • Bệnh thủy đậu (bao gồm phơi nhiễm gần đây);
  • Bệnh thần kinh Zona (bệnh giời leo) – Nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể;
  • Có tiền sử bị bệnh gout;
  • Có tiền sử bị sỏi thận – Cisplatin có thể làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể, có thể gây ra bệnh gout hay sỏi thận;
  • Có thể gặp vấn đề thính giác – Cisplatin có thể làm tình trạng này nặng hơn;
  • Nhiễm trùng – Cisplatin làm giảm khả năng của chống lại nhiễm trùng của cơ thể;
  • Bệnh thận – Tác động của cisplatin có thể gia tăng lên do quá trình đào thải thuốc chậm hơn khỏi cơ thể.

Khẩn cấp/Quá liều

Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Các triệu chứng quá liều có thể bao gồm:

  • Giảm đi tiểu;
  • Sưng mặt, cánh tay, bàn tay, bàn chân, mắt cá chân, hoặc cẳng chân;
  • Mệt mỏi hoặc suy nhược bất thường;
  • Vàng da hoặc mắt;
  • Đau ở phần trên bên phải của dạ dày;
  • Buồn nôn;
  • Nôn mửa;
  • Chảy máu bất thường hoặc bầm tím;
  • Gặp vấn đề thính giác;
  • Thay đổi đột ngột trong tầm nhìn;
  • Sốt, đau họng, ớn lạnh, hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng khác;
  • Đau, rát, tê hoặc ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: Tran Pham

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Giang Lê


Bài viết liên quan

Trẻ uống thuốc hạ sốt, sau 30 phút nhưng nhiệt độ vẫn chưa giảm thì phải làm gì?

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Lưu ý khi sử dụng thuốc | Hello Bacsi x SANOFI


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Tran Pham · Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo