backup og meta

Axit salicylic

Axit salicylic

Tên hoạt chất: Axit salicylic, Axit 2-hydroxybenzoic

Axit salicylic (hay acid salicylic) thuộc nhóm thuốc kháng viêm không steroid, là một thành phần thường thấy trong các thuốc điều trị bệnh về da như mụn, gàu, vảy nến, viêm da tiết bã trên bề mặt da thông thường và da đầu, sẹo lồi, ngứa, mụn cơm và một số loại mỹ phẩm (với tên gọi BHA). Để tìm hiểu rõ hơn, mời bạn cùng đọc tiếp bài viết dưới đây.

Tác dụng

Tác dụng của acid salicylic là gì?

Axit salicylic có thể giúp giảm mụn bằng cách tẩy tế bào chết trên da và giữ cho lỗ chân lông thông thoáng. Hoạt chất này hoạt động tốt trên các loại mụn không viêm như mụn đầu đen và mụn đầu trắng, đồng thời giúp ngăn ngừa tái phát mụn này về sau.

Dùng axit salicylic điều trị da chai sạn, sẹo

Khi các lỗ chân lông bị bít kín bởi dầu nhờn, tế bào chết thì mụn bắt đầu xuất hiện, nhẹ là mụn đầu đen, đầu trắng; nặng là mụn mủ. Salicylic acid sẽ làm tan nhưng tế bào chết này, giải phóng lỗ chân lông. Thuốc thường phát huy tác dụng sau 6 tuần sử dụng.

Bạn có thể dùng axit salicylic trị mụn cóc thông thường ở da và bàn chân. Hoạt chất này giúp làm bong tróc từ từ các nốt mụn cóc cũng như giúp loại bỏ chai sạn và sẹo. Tuy nhiên, không nên dùng acid salicylic trên mặt hoặc trên các nốt ruồi, vết bớt, mụn cóc có lông hoặc mụn cóc ở cơ quan sinh dục/ hậu môn. Cần lưu ý, mụn cóc do virus gây ra nhưng thuốc acid salicylic không có tác dụng diệt virus nên mụn vẫn có thể tái phát.

Salicylic acid khi kết hợp với mometasone furoate còn điều trị vảy nến cho người lớn.

Ngoài ra, hoạt chất này có mặt trong một số dầu gội để trị gàu, vảy nến da đầu…

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lí chỉ khi có chỉ định của bác sĩ.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Hàm lượng và dạng dùng của axit salicylic là gì?

Acid salicylic thường được dùng ngoài với những dạng và hàm lượng sau:

  • Xà phòng: 0,5 – 2%
  • Thuốc mỡ salicylic: 3 – 6%
  • Gel bôi ngoài: 0,5 – 5%
  • Lotion: 1 – 2%
  • Miếng dán: 0,5 – 5%
  • Dạng nước: 0,5 – 2%
  • Dạng kết hợp với mometasone furoate: 5%

Hoạt chất này còn được dùng với hàm lượng cao hơn trong các chế phẩm tẩy da chết, lột da nhằm điều trị mụn trứng cá, sẹo mụn, tàn nhang, nám, các đốm lão hóa da và một số tình trạng da khác.

axit salicylic là gì

Liều dùng axit salicylic cho người lớn là gì?

Liều dùng salicylic 5% trị vảy nến: ngày 2 – 3 lần, trong 1 tuần.

Liều dùng thông thường cho người lớn điều trị rối loạn về da:

  • Axit salicylic dạng lỏng bôi tại chỗ: Rửa sạch và lau khô. Bôi một lớp trước khi đi ngủ, sau đó để nguyên trong 8 giờ. Buổi sáng bôi thêm một lớp nữa. Với mụn cóc dùng trong đối đa 12 tuần, vết chai trong 14 tuần.
  • Axit salicylic dạng xà phòng: Thoa lên vùng ảnh hưởng tối thiểu 2 lần 1 tuần Để bọt trên da đầu hoặc da hai phút và sau đó rửa sạch. Lặp lại nếu cần thiết.
  • Thuốc mỡ axit salicylic: Thoa lên vùng bị ảnh hưởng mỗi ngày một lần. Làm ẩm vùng đó trong 5 phút trước khi sử dụng. Bôi vào ban đêm. Rửa sạch vào buổi sáng.
  • Axit salicylic lotion: Thoa lên vùng bị ảnh hưởng mỗi ngày 1 lần. Làm ẩm vùng đó trong 5 phút trước khi sử dụng nếu có thể. Bôi vào ban đêm. Rửa sạch vào buổi sáng.
  • Axit salicylic dạng bọt: Thoa lên vùng bị ảnh hưởng mỗi ngày một lần vào giờ đi ngủ. Làm ẩm vùng đó trong 5 phút trước khi sử dụng nếu có thể. Rửa sạch vào buổi sáng.
  • Miếng dán: Rửa sạch vùng da, dán ngày 1 – 3 lần.

Liều dùng axit salicylic cho trẻ em là gì?

  • Miếng dán 1%: Rửa sạch vùng bị ảnh hưởng, dùng 2 đến – 3 lần mỗi ngày. Nếu vùng dán thuốc bị khô, giảm liều dùng xuống còn một lần một ngày.
  • Dầu gội trị vảy nến: khi cần thiết.

Không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc axit salicylic như thế nào?

Bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng và dùng theo chỉ định của bác sĩ. Nếu có thắc mắc nào, hãy hỏi lại bác sĩ hoặc dược sĩ.

Tốt nhất bạn nên bôi thuốc lên một vùng da nhỏ cần điều trị trong một vài ngày trước để xem có bị kích ứng không. Nếu ổn hãy thoa trên toàn bộ vùng cần điều trị.

Đối với mụn cóc, khi bắt đầu sử dụng, bạn cần:

  • Làm ẩm vùng da cần điều trị bằng nước ấm khoảng 5 phút
  • Lấy các lớp da bong ra bằng cách nhẹ nhàng cọ xát với bàn chải hoặc tấm mài
  • Lau khô và thoa axit salicylic vào toàn bộ bề mặt mụn cóc. Hãy cẩn thận không thoa thuốc vào vùng da khỏe mạnh. Nếu được chỉ định thoa thuốc 2 lần ở vùng bị ảnh hưởng, hãy để lớp thuốc thoa lần đầu tiên khô trước khi thoa tiếp lần thứ hai.
  • Rửa tay sạch sẽ sau mỗi lần thoa thuốc.

Đối với mụn trứng cá, bạn chỉ nên dùng thuốc axit salicylic có nồng độ thấp (1-3%) để tránh làm tổn thương làn da. Thuốc này có thể làm khô da nên hãy sử dụng thêm kem dưỡng phù hợp nhé.

Với xà phòng gội đầu, hãy làm ướt tóc trước bằng nước ấm, sau đó thoa vừa đủ lượng thuốc để tạo bọt, xoa đều trong 2 – 3 phút, bôi thêm lần nữa rồi xả sạch.

Với các dạng bào chế còn lại, bạn nên làm sạch và ẩm vùng cần điều trị sau đó bôi một lớp mỏng nhất có thể và đợi cho khô.

Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc axit salicylic (dù rất hiếm gặp), không nên thoa thuốc hay các sản phẩm có chứa hoạt chất này lên vùng da rộng trừ khi bác sĩ yêu cầu, tránh bôi các vết thương hở, da rạn, đỏ, sưng tấy, kích ứng hoặc nhiễm trùng hay để thuốc dính vào mắt, mũi hoặc miệng. Nếu có hãy rửa sạch chỗ bị dính acid salicylic bằng nước sạch trong 15 phút. Ngoài ra, không sử dụng thuốc trong thời gian dài và không băng kín hay mặc quần áo kín sau khi bôi.

Sau 6 tuần sử dụng nếu không thấy hiệu quả cần tới gặp bác sĩ da liễu để đổi phương án điều trị khác.

Bạn nên làm gì nếu dùng quá liều axit salicylic?

Hãy gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm y tế địa phương gần nhất nếu bạn nghĩ rằng mình đã sử dụng thuốc quá liều.

quá liều axit salicylic

Các dấu hiệu của việc quá liều axit salicylic bao gồm:

  • Thiếu tỉnh táo, buồn ngủ nghiêm trọng, chóng mặt
  • Tiêu chảy
  • Chóng mặt
  • Thở nhanh và sâu
  • Đau đầu (đau nặng và liên tục)
  • Mất thính lực, ù tai (liên tục)
  • Lâng lâng
  • Buồn nôn
  • Đau dạ dày

Bạn nên làm nếu quên một liều axit salicylic?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều acid salicylic đã quy định.

Tác dụng phụ

Những tác dụng phụ khi dùng acid salicylic là gì?

Axit salicylic tương đối an toàn nhưng một số người mới sử dụng có thể gặp hiện tượng kích ứng da. Bên cạnh đó, đôi khi nó loại bỏ quá nhiều dầu khiến da bạn bị khô và kích ứng.

Hoạt chất này còn có thể gây ra một số tác dụng phụ khác như ngứa da, châm chích, lột da, nổi mề đay.

tác dụng phụ của axit salicylic

Nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng dưới đây, bạn cần dừng thuốc và đi cấp cứu ngay:

  • Sốc phản vệ: Nổi mề đay, khó thở, ngất xỉu, sưng mắt, mặt, môi hoặc lưỡi
  • Nhiễm độc acid salicylic: Hôn mê, đau đầu, chóng mặt, ù tai, mất thính lực, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, tăng thở sâu.

Một số tác dụng phụ của axit salicylic có thể không cần điều trị vì khi cơ thể đã quen với thuốc, chúng sẽ biến mất. Bác sĩ có thể giúp bạn ngăn ngừa hoặc làm giảm các tác dụng phụ nhưng hãy đến bệnh viện ngay nếu bạn có bất cứ dấu hiệu bất thường nào trong quá trình dùng thuốc này.

Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ tác dụng không mong muốn nào xuất hiện, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng axit salicylic bạn nên biết những điều gì?

Báo với bác sĩ nếu bạn đã từng có bất kỳ phản ứng bất thường, dị ứng với thuốc này hoặc bất kỳ loại thuốc, thực phẩm hay chất nào khác trước đây. Đối với loại thuốc axit salicylic không kê đơn, hãy đọc nhãn hoặc thông tin thành phần một cách cẩn thận.

Axit salicylic cũng có thể ảnh hưởng đến cơ thể nếu bạn có một trong số bệnh như gan, thận, bệnh mạch máu, tiểu đường, cúm hay thủy đậu. Vì vậy hãy nói chuyện với bác sĩ về những vấn đề sức khỏe đang gặp phải.

Trẻ nhỏ có thể tăng nguy cơ kích ứng da hơn người lớn, do da trẻ mỏng nên khả năng hấp thu axit salicylic qua da cao hơn. Không khuyến cáo sử dụng hoạt chất này cho trẻ em dưới 2 tuổi.

thận trọng khi dùng axit salicylic cho trẻ nhỏ

Đối với người lớn tuổi, hiện nay vẫn chưa chứng minh được ảnh hưởng của salicylic. Tuy nhiên, bệnh nhân lớn tuổi có nhiều khả năng bị các bệnh về mạch máu và chuyển hóa, đòi hỏi họ phải thận trọng khi dùng thuốc này.

Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú

Theo nghiên cứu của Đại học Sản phụ Hoa Kỳ, bà bầu dùng được BHA, nhưng trước khi sử dụng, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.

Mặc dù vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy axit salicylic sẽ lẫn trong sữa mẹ và ảnh hưởng đến trẻ, nhưng tốt nhất không bôi thuốc lên vùng da nào sẽ tiếp xúc với da hoặc miệng của con.

Tương tác thuốc

Salicylic acid có thể tương tác với thuốc nào?

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

thuốc

Một số thuốc dùng ngoài có thể gây ra tương tác khi dùng chung với thuốc chứa salicylate khác, alendronat, heparin khối lượng phân tử thấp, thuốc chống đông máu đường uống và một vài thuốc bôi ngoài da khác.

Thức ăn và rượu bia có tương tác tới axit salicylic không?

Bạn vẫn tiếp tục chế độ ăn bình thường trừ khi bác sĩ có yêu cầu khác. Hãy hỏi ý kiến họ về việc sử dụng rượu bia, thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến axit salicylic?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc axit salicylic. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:

  • Bệnh về mạch máu
  • Đái tháo đường – Sử dụng một cách thận trọng vì có thể gây tấy đỏ hoặc loét, đặc biệt là ở bàn tay hoặc bàn chân
  • Viêm, ngứa ngáy, hoặc nhiễm trùng da – Sử dụng các thuốc này có thể gây kích ứng nặng nếu dùng cho vùng da bị viêm, kích thích
  • Bệnh cúm
  • Thủy đậu – Không được dùng axit salicylic cho trẻ em và thanh thiếu niên bị cúm hoặc thủy đậu do làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye
  • Bệnh thận
  • Bệnh gan – Dùng thuốc này trong một thời gian dài trên diện rộng có thể gây ra hậu quả không mong muốn

Bảo quản

Bạn nên bảo quản thuốc salicylic acid như thế nào?

Bảo quản thuốc axit salicylic kỹ càng ở nhiệt độ phòng, tránh để thuốc ở nơi quá nóng, quá ẩm hoặc để trực tiếp dưới ánh sáng. Để thuốc tránh xa tầm tay trẻ nhỏ. Không sử dụng hoặc trữ các thuốc quá hạn sử dụng hoặc các loại thuốc không dùng nữa.

Bạn không nên vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Thay vì vậy, hãy vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Bạn có thể tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Salicylic axit. https://www.drugs.com/mtm/salicylic-acid-topical.html. Ngày truy cập 1/11/2015

Salicylic Acid Topical https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a607072.html Ngày truy cập 1/11/2015

Salicylic acid có giúp điều trị mụn trứng cá hay không? https://bvnguyentriphuong.com.vn/kham-da-lieu-chuyen-sau/salicylic-acid-co-giup-dieu-tri-mun-trung-ca-hay-khong Ngày truy cập: 24/06/2021

Momate https://dav.gov.vn/file/2014/1336/img313.pdf Ngày truy cập: 24/06/2021

Salicylic Acid (Topical Route) https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/salicylic-acid-topical-route/proper-use/drg-20066030 Ngày truy cập: 24/06/2021

Phiên bản hiện tại

24/06/2021

Tác giả: Thương Trần

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Vắc-xin HPV

Chuyên gia mách bạn 10 cách trị mụn trứng cá tại nhà cực hiệu quả


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Thương Trần · Ngày cập nhật: 24/06/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo